Giữ lời hứa tưởng chừng như là điều cơ bản mà tất cả mọi người đều làm được, nhưng trên thực tế, một số người hứa xong quên ngay hoặc xem việc tôn trọng lời hứa là không quan trọng lắm. Để hiểu hơn tầm quan trong của việc giữ lời hứa, mời các bạn tham khảo bài viết Thế nào là giữ lời hứa? Ý nghĩa và ví dụ về việc giữ lời hứa? dưới đây.
Mục lục bài viết
1. Thế nào là giữ lời hứa?
Giữ lời hứa là thực hiện đúng điều mình đã nói, đã hứa hẹn.
Giữ lời hứa chính là giữ chữ tín. Đầu tiên là giữ chữ tín với bản thân, sau đó là với người khác. Giữ lời hứa được thể hiện qua việc đã nói là làm và phải được bảo đảm từ việc nhỏ nhất, chứ đừng hứa suông rồi không thực hiện. Đây chính là cách thể hiện sự coi trọng, đề cao lòng tin của người khác với bản thân mình, đồng thời, thể hiện rõ ý thức, trách nhiệm của bản thân trong công việc cũng như các mối quan hệ xã hội.
Giữ lời hứa là một phẩm chất tốt đẹp cần phải gìn giữ và trân trọng, bởi suy cho cùng, nó chính là một biểu hiện của đạo đức. Một người tuyên bố lời hứa thì đó là đạo đức cá nhân, một vị lãnh đạo tuyên bố lời hứa thì đó là đạo đức tập thể. Người không giữ lời hứa thì khó có một nhân cách hoàn chỉnh, lãnh đạo không giữ lời hứa thì tập thể khó vững mạnh.
2. Ý nghĩa của việc giữ lời hứa?
– Giữ lời hứa giúp gắn kết các mối quan hệ
Lợi ích cực kỳ lớn của việc giữ lời hứa chính là sẽ giúp gắn kết các mối quan hệ, dù chỉ là những lời hứa rất đơn giản, chẳng hạn như là hứa sẽ đến buổi hẹn lúc 8h và giữ đúng lời hứa, không đến trễ. Điều này thể hiện rằng có sự tôn trọng tất cả những người có mặt tại buổi hẹn đó, và cực kỳ trân quý thời gian của họ, không muốn mọi người phải mất thời gian chờ mình. Đó là cách cực kỳ cơ bản để giúp duy trì và gắn kết các mối quan hệ xung quanh.
Còn nếu như thường xuyên không giữ lời hứa, trễ hẹn thì mọi người sẽ cảm nhận rằng thiếu sự chân thành, thiếu sự nghiêm túc trong các mối quan hệ. Dần dần, mọi người sẽ xa lánh, khiến mất đi nhiều mối quan hệ.
– Giữ lời hứa giúp nâng cao chữ tín của bạn
Lòng tin không mua được bằng tiền, chữ tín lại càng không mua được bằng tiền. Nhưng nếu mượn tiền mà không trả đúng hẹn thì bạn đã mất chữ tín trong mắt mọi người. Đây chính là lợi ích tiếp theo của việc giữ lời hứa, đó chính là sẽ giúp nâng cao chữ tín, càng giữ lời hứa nhiều lần thì mọi người xung quanh sẽ càng tin tưởng, tín nhiệm.
Ngược lại, nếu thất hứa mãi thì chẳng ai tin nữa. Chính vì thế, cần phải luôn có trách nhiệm với lời hứa của mình. Không hứa thì thôi, chứ một khi đã hứa thì nhất định phải giữ lời.
– Giữ lời hứa giúp trở thành một người chuyên nghiệp
Lợi ích tiếp theo của việc giữ lời hứa chính là sẽ giúp trở thành một người chuyên nghiệp. Dù là sinh viên hay người đi làm thì tất nhiên ai cũng muốn mình sẽ là người chuyên nghiệp. Giữa lời hứa chính là một trong những cách để chuyên nghiệp hơn trong mắt mọi người.
Người chuyên nghiệp sẽ luôn suy nghĩ kỹ càng trước khi hứa hẹn bất kỳ điều gì, khi nhận thấy mình có thể làm được thì mới hứa, còn nếu cảm thấy chưa chắc sẽ làm được thì sẽ không vội hứa. Một khi đã hứa thì người chuyên nghiệp sẽ luôn cố gắng thực hiện lời hứa đó, không bao giờ thất hứa và cũng không bao giờ phải mất công biện hộ về một lần thất hứa nào đó của bản thân.
Tóm lại, giữ lời hứa sẽ giúp gắn kết các mối quan hệ, nâng cao chữ tín và trở thành một người chuyên nghiệp trong mắt mọi người xung quanh.
3. Ví dụ về việc giữ lời hứa??
– Ví dụ 1:
Có lẽ nhiều người trong số chúng ta còn nhớ đến nhiều câu chuyện cảm động về Bác Hồ, trong đó có câu chuyện giữ lời hứa. Là người bận trăm công, nghìn việc nhưng Bác vẫn luôn giữ lời hứa với mọi người, đặc biệt là với các em nhỏ. Hồi ở Pác Pó, Bác sống rất chan hòa với mọi người. Là con người ưu tú nhất của dân tộc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là một tấm giương đạo đức nổi bật, một trong đó là đức tính giữ lời hứa. Qua mẩu chuyện sau đây, cho thấy dù Bác là một vị Chủ tịch nhưng một lời hứa đã nói ra dù mọi người xem đó chỉ là một chuyện rất nhỏ nhưng đối với Bác, Bác đã hứa là phải thực hiện, dù đó chỉ là lời hứa với một cô bé.
Hồi ở Pác Pó, Bác Hồ sống rất chan hòa với mọi người. Một hôm được tin Bác đi công tác xa, một trong những em bé thường ngày quấn quýt bên Bác chạy đến cầm tay Bác thưa: “Bác ơi, Bác đi công tác về nhớ mua cho cháu một chiếc vòng bạc nhé!”.
Bác cúi xuống nhìn em bé âu yếm, xoa đầu em khẽ nói: “Cháu ở nhà nhớ ngoan ngoãn, khi nào Bác về Bác sẽ mua tặng cháu”. Nói xong, Bác vẫy chào mọi người ra đi. Hơn hai năm sau Bác quay trở về, mọi người mừng rỡ ra đón Bác. Ai cũng vui mừng xúm xít hỏi thăm sức khỏe Bác, không một ai còn nhớ đến chuyện năm xưa. Bỗng Bác mở túi lấy ra một chiếc vòng bạc mới tinh trao tận tay em bé – bây giờ đã là một cô bé. Cô bé và mọi người cảm động đến rơi nước mắt. Bác nói: “Cháu nó nhờ mua tức là nó thích lắm, mình là người lớn đã hứa thì phải làm được, đó là “chữ tín”. Chúng ta cần phải giữ trọn niềm tin với mọi người.”
Bác Hồ là người bận trăm công nghìn việc nhưng Bác vẫn luôn giữ lời hứa với mọi người, đặc biệt là với các em nhỏ. Chúng ta phải biết tôn trọng chữ tín bởi nó là nền tảng, hành vi đạo đức từ xưa đến nay. Từ một mẩu chuyện nhỏ về Bác nhưng đã cho chúng ta hôm nay một bài học về việc giữ lời hứa. Giữ lời hứa, giữ chữ “Tín” là phẩm chất cao quý trong đời sống xã hội cho nên việc bội tín không chỉ làm xấu bản thân mà con gây tác hại đối với người khác.
– Ví dụ: 2
Trước đây, ở phía nam dãy Himalaya Nepal, rất ít người nước ngoài đến thăm. Nhưng sau đó, một số lượng lớn du khách Nhật Bản đã đến thăm nơi đây, nguyên nhân là do một cậu bé ở Nepal đã giữ lời hứa của mình.
Hơn mười năm trước, vào một ngày nọ, một số nhiếp ảnh gia Nhật Bản đã đến thăm các khu vực núi non của Nepal để chụp ảnh cho các dự án của họ. Họ đã đến một ngôi làng ở độ cao 1500 mét. Các làng đều không có nước, điện, không có đường cho xe du lịch. Sau khi họ làm việc chăm chỉ, họ muốn uống một chút bia. Vì họ đã phải đi con đường núi hiểm trở nên họ đã không thể mang theo ngay cả một chai bia để cho hành lý nhẹ nhàng nhất có thể.
Có một thiếu niên tên là Qi Duoli trong làng. Thông qua thông dịch viên, Qi nói với các nhiếp ảnh gia rằng cậu có thể đi xuống một ngôi làng nhỏ ở chân núi để mua bia Đức cho họ. Các nhiếp ảnh gia đã rất ngần ngại lúc đầu, bởi vì đường đi rất xa. Nhưng cậu bé khăng khăng rằng cậu sẽ đi nhanh chóng và trở lại trước khi trời tối.
Như đã hứa chắc, Qi trở về trước khi trời tối với năm chai bia trong túi vải nhỏ của mình. Ngày hôm sau, Qi lại tình nguyện đi mua bia cho các nhà nhiếp ảnh. Các nhiếp ảnh gia đã đưa cậu nhiều tiền hơn và một túi vải lớn hơn. Tuy nhiên, Qi đã không trở lại đêm đó.
Sáng hôm sau khi các nhiếp ảnh gia hỏi thăm cậu bé, dân làng nói với họ rằng có thể Qi đã mang tiền bỏ chạy, bởi vì nhà của Qi trong làng khác và cậu ta chỉ đi học ở đây thôi. Các nhà nhiếp ảnh đã rất hối tiếc nhẽ ra họ không nên vấy bẩn sự tinh khiết của một đứa trẻ bằng tiền. Nhưng vào giữa đêm, họ nghe một tiếng gõ cửa. Khi họ mở cửa, họ thấy Qi với bộ quần áo rách toạc đầy bùn và trên người cậu có nhiều vết bầm tím. Qi giải thích rằng cậu chỉ có thể mua bốn chai bia tại ngôi làng đầu tiên và cậu đã phải leo qua một ngọn núi tới một ngôi làng khác để mua thêm sáu chai. Nhưng không may, cậu bị ngã và làm vỡ ba chai bia Đức. Qi sau đó trao trả bia, tiền lẻ và những mảnh thủy tinh vỡ cho họ.
Các nhiếp ảnh gia Nhật Bản đã rất xúc động đến nỗi che mặt lại và khóc, có lẽ họ xấu hổ bởi những nghi ngờ đối với sự trung thực của Qi. Khi câu chuyện dần dần lan rộng ở Nhật Bản, tất cả những người nghe được câu chuyện vô cùng cảm động và muốn gặp người thiếu niên đơn giản biết giữ lời hứa của mình và muốn tới miền núi nơi cậu lớn lên. Kết quả là, khu vực này đã ngày càng có nhiều hơn và nhiều hơn nữa khách du lịch Nhật Bản.
THAM KHẢO THÊM: