Nhắc đến ngày Phật Đản thì ai cũng biết đây là một trong những lễ ngày lễ quan trọng đối với các tăng ni, Phật tử trong Phật Giáo nói riêng và người Việt Nam nói chung. Để cho ngày lễ Phật Đản trở nên trang trọng và ý nghĩa thì chuẩn bị văn khấn chúc mừng đại lễ Phật Đản là điều không thể thiếu.
Mục lục bài viết
1. Lễ Phật Đản là ngày gì?
Theo ghi chép của các kinh sách trong Phật Giáo thì Lễ Phật đản là ngày Đức Phật Thích-ca-Mâu-ni (Shakyamuni), người sáng lập Phật giáo, ra đời vào ngày trăng tròn tháng Vesak (tháng tâm linh theo quan niệm của người Ấn Độ cổ), năm 624 trước Công nguyên. Trước khi giác ngộ, Đức Phật được biết đến là Thái tử Tất Đạt Đa (Siddhārtha Gautama) thuộc một quốc gia nhỏ tại khu vực nước Nê-pan ngày nay. Sau đó, Ngài xuất gia tu hành làm Sa môn và thâm nhập Thiền định ở Bồ Đề Đạo Tràng, Ngài thành tựu quả vị Phật.
Hiện đang có hai luồng quan điểm về ngày sinh của Đức Phật đại diện cho hai trường phái Phật Giáo (Phật Giáo Nam truyền và Phật Giáo Bắc truyền). Các quốc gia theo Phật giáo Nam truyền (hay Phật giáo Tiểu thừa) giữ quan điểm ngày trăng tròn tháng Vesak (theo lịch cổ Ấn Độ) là ngày sinh của Đức Phật, ngày Đức Phật thành đạo. Do vậy, Phật giáo Nam truyền tổ chức 3 lễ trong một ngày nên gọi là Đại lễ Tam hợp (3 trong một) hay Đại lễ Vesak. Ngày Phật đản tại các quốc gia theo Phật giáo Tiểu thừa được tổ chức vào ngày trăng tròn trong tháng 5 Dương lịch. Một số giai đoạn có những năm có 2 ngày trăng tròn trong tháng 5 Dương lịch, điển hình như năm 2007 nên có nơi tổ chức Đại lễ vào ngày trăng tròn đầu tiên, tức ngày 1/5, trong khi tại nơi khác lại vào ngày trăng tròn lần 2 tức ngày 31/5.
Còn theo quan điểm truyền thống Phật giáo Bắc truyền (hay Phật giáo Đại thừa), do ảnh hưởng của Phật giáo Trung Hoa, ngày Đức Phật đản sinh từ lịch cổ của Ấn Độ chuyển sang lịch Trung Hoa là ngày 8/4 Âm lịch. Vì thế trước đây một số quốc gia với đa số Phật tử theo Phật giáo Bắc truyền như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam,… Đại lễ Phật đản được tổ chức vào ngày mùng 8/4 âm lịch.
Tuy nhiên kể từ khi Đại hội Phật giáo thế giới lần đầu tiên diễn ra ở Colombô, Srilanka năm 1950, 26 quốc gia đã thống nhất ngày Phật đản quốc tế là ngày Rằm tháng 4 Âm lịch. Từ đó, các nước theo Phật giáo Đại thừa đã kỷ niệm ngày Phật đản vào ngày 15/4 Âm lịch hàng năm (thường trùng với tháng 5 Dương lịch).
Việt Nam là nước chịu ảnh hưởng lớn từ nền văn hóa nước Trung Quốc láng giềng. Và trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế, Hội Phật Giáo ở Việt Nam cũng thống nhất thời gian Lễ chính được tổ chức vào ngày rằm tháng 4 âm lịch. Theo truyền thống Đại lễ Phật đản ở Việt Nam được Phật giáo tổ chức trang trọng, thành kính. Giáo hội các tỉnh thành và các chùa, tịnh xá thường tổ chức các hoạt động để mừng ngày đại lễ như: làm lễ đài để tổ chức chương trình văn nghệ, diễu hành xe hoa, thả đèn hoa đăng trên sông, thuyết giảng về Phật pháp, nghi thức tắm Phật… để những người con Phật tưởng nhớ kỷ niệm ngày Đức Phật ra đời, Đức phật đã mang ánh sáng chân lý soi rọi vào cuộc sống, xóa tan những nỗi khổ niềm đau.
Năm 1999, theo đề nghị của 34 quốc gia có Phật giáo, Đại hội đồng Liên Hợp quốc tại phiên họp thứ 54, mục 174 của chương trình nghị sự đã công nhận Đại lễ Vesak – Phật đản là một lễ hội văn hóa, tôn giáo quốc tế của Liên Hợp quốc. Đến nay, Việt Nam vinh dự được 3 lần đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hiệp quốc vào năm 2008 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội), năm 2014 tại chùa Bái Đính (Ninh Bình) và 2019 tại chùa Tam Chúc (Hà Nam).
2. Nên làm gi trong ngày lễ Phật Đản?
Để cho Lễ Phật Đản được diễn ra Linh thiêng, thì dưới đây.là một số việc bạn nên làm:
Ăn chay: Ăn chay là điều đầu tiên nên làm trong ngày mùng 1, ngày rằm âm lịch, đặc biệt là dịpLễ Phật Đản. Bên cạnh đó, ăn chay còn giúp cơ thê và tâm hồn thanh tịnh, thanh lọc tạp niệm, giảm việc sát sinh. Bạn có thể tự mình xuống bếp làm những bữa chay ấm cúng đơn giản tại nhà để ngày lễ này trở nên ý nghĩa hơn.
Vệ sinh nhà cửa, lau bàn thờ sạch sẽ: Thực hiện các công việc vệ sinh làng xóm, dọn dẹp nhà cửa, sân vườn, đặc biệt là khu vực bàn thờ thật sạch sẽ vào ngày Lễ Phật Đản chính là một cách thể hiện lòng thành kính của người Phật tử đối với Đức Phật. Đồng thời, vệ sinh nhà cửa như gột rửa đi những dơ bẩn, xấu xa, cải thiện năng lượng của bản thân và khu vực xung quanh trở nên tích cực hơn.
Đi chùa nghe giảng đạo, phụ giúp nhà chùa làm lễ: Lễ Phật Đản là cơ hội để các Phật tử đến chùa nghe giảng đạo Phật, điều này giúp tâm hồn được thanh tịnh hơn, thanh lọc những tạp niệm xấu xa trong lòng. Ngoài ra, các Phật tử nên góp tay vào việc chuẩn bị dâng hoa, làm lễ,… trong ngày lễ lớn này.
3. Văn khấn lễ Phật Đản tại nhà và tại chùa đầy đủ:
Các tín đồ Phật giáo vào các lễ quan trọng trong năm thường sẽ đi chùa và thực hiện các nghị lễ thiêng liêng để thể hiện lòng thành kính của mình với Đức Phật Thích-ca Mâu-ni. Trong đó, nghi lễ văn khấn là một phần không thể thiếu. Tham khảo ngay bài khấn Lễ Phật Đản tại chùa và tại nhà đầy đủ nhất dưới đây:
3.1. Văn khấn lễ Phật Đản ngày 15.4 tại chùa:
Nội dung bài khấn:
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Tình thương mà Ngài đã đánh thức chúng con trên mọi nẻo tăm tối khổ đau.
Tình thương mà Ngài đã đánh thức chúng con thật cần thiết để giữ yên cho thế giới khỏi biến thành biển lửa chiến tranh thù hận.
Kính lạy Đức Thế Tôn: Đã đến lúc ánh sáng của ngọn đèn chánh pháp phải được vận dụng một cách trịnh trọng để xua tan bóng đêm tà kiến đang bao phủ nhân loại. Đã đến lúc tiếng chuông từ bi phải được lắng nghe một cách tha thiết để mọi trái tim cùng nhịp đập yêu thương, xây dựng tình người để thế giới mãi xanh màu hạnh phúc.
Kính lạy Đức Thế Tôn: Sức mạnh mà Ngài đã khơi dậy trong chúng con thật có hiệu lực và hiệu lực mãi trước một thế giới quá nhiều bạo động và mâu thuẫn. Từ trong đại bi tâm Ngài xuất hiện như một sứ giả hòa bình, mang thông điệp tình thương đến cho cuộc đời thông qua con đường hóa giải. Sức mạnh nội tâm đã giúp chúng con vượt qua mọi thử thách để tự chủ. Những lời dạy của Ngài thật thiết thực và hữu ích đã có giá trị suốt mấy nghìn năm và sẽ còn giá trị mãi mãi.
Kính lạy Đức Thế Tôn: Nhân mùa đản sanh của Ngài, chúng con thành kính hái đóa vô ưu thanh khiết dâng lên cúng dường dường bậc vô thượng giác, Đấng Thiên Nhơn Sư như là tặng phẩm cao quý nhất xin dâng tặng cho cuộc đời với cầu nguyện chân thành tha thiết: “Mong cho cuộc đời mãi mãi được an vui, hạnh phúc. Người người gặp nhau nhìn nhau với tất cả tấm lòng thương yêu trọn vẹn.
Xin cho khói trầm thơm, kết thành mây năm sắc, dâng lên khắp mười phương, cúng dường vô lượng Phật, vô lượng chư Bồ Tát, cùng các thánh hiền tăng, trên pháp giới dung thông, kết đài sen rực rỡ, nguyện làm kẻ đồng hành, trên con đường giác ngộ, xin mọi loài chúng sanh, từ bỏ cõi lãng quên, theo đường giới định tuệ, quay về trong tỉnh thức.
Nam mô A Di Đà Phật.
3.2. Văn khấn ngày Lễ Phật đản tại nhà:
Nam Mô A Di Đà Phật! (3 lần)
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! (3 lần)
Hôm nay là ngày …tháng …năm ….tức ngày rằm tháng tư năm (Âm lịch).
Tín chủ con là:
Ngụ tại:
Cùng toàn thể gia đình thành tâm trước Đại Hùng Bảo Điện, trước tam bảo chùa….
Kính lạy Đức Phật Thích Ca, Đức Phật A Di Đà, Mười phương chư Phật, Vô thượng Phật pháp, Quan Âm Đại sỹ, cùng các bậc hiền Thánh Tăng.
Đệ tử lâu đời lâu kiếp
Nghiệp chướng nặng nề
Nay đến trước Phật đài,
Thành tâm sám hối
Thề tránh điều dữ
Nguyện làm việc lành,
Ngưỡng trông ơn Phật,
Quán Âm Đại sỹ,
Cùng chư Thánh hiền Tăng,
Thiên Long Bát bộ,
Hộ pháp Thiện thần,
Từ bi gia hộ.
Cúi xin các vị gia hộ cho chúng con và cả gia đình tâm không phiền não, thân không bệnh tật, hàng ngày an vui làm việc theo pháp Phật nhiệm màu, để cho trí tuệ mở mang, lòng từ bi được khai mở, vận đáo hanh thông, muôn thuở nhuần ơn Phật pháp.
Đặng xin cứu độ cho các bậc Tôn Trưởng cha mẹ, anh em, thân bằng quyến thuộc nhiều đời nhiều kiếp và đời này, cùng tất cả chúng sinh đều tu trọn thành Phật đạo.
Chúng con lễ bạc tâm thành, cúi xin được chứng giám!
Nam Mô A Di Đà Phật! (3 lần)
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! (3 lần)
Con lạy chín phương trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.
4. Một số lưu ý trong ngày lễ Phật Đản 15.4 hàng năm:
Khi đi chùa vào ngày lễ Phật đản, quý Phật tử nên tránh những điều sau để ngày lễ được trọn vẹn diễn ra:
Không bước cửa chính vào Chùa: Theo nguyên tắc truyền lời tại nhà chùa, thì khi đi chùa nên bước vào từ cửa bên, không bước vào cửa chính giữa; đồng thời không dẫm lên bậu cửa, phải bước qua bậu cửa, việc dẫm lên bậu cửa sẽ bị coi bất kính.Thường ở một số chùa sẽ dựng ba cổng (một cổng chính và hai cổng phụ). Cổng chính vào chùa còn gọi là cổng Tam quan, theo quan niệm xưa cửa giữa (Trung quan) chỉ dành cho đức Phật, Ngọc đế, Quốc vương. Vì vậy nếu để ý bạn sẽ thấy nhiều chùa không mở cửa chính. Khi đi qua cổng Tam quan vào chùa nên đi vào cửa Giả quan (bên phải) và đi ra bằng cửa Không quan (bên trái).
Không tùy tiện nhét tiền công đức: Tuyệt đối không thực hiện hành vi nhét tiền bừa bãi, rải tiền trên ban thờ, nhét tiền vào tay Phật. Việc làm này vô tình làm mất đi vẻ thanh tịnh ở chùa. Việc cúng dường tại các ngôi chùa không nhất định phải bằng tiền và đặt ở nhiều nơi. “Tâm xuất thì Phật biết”, vì vậy thay vì rải tiền, chúng ta có thể đến bàn công đức tại các chùa, đình, đền… đóng góp lòng thành. Hoặc thành tâm nhét tiền vào hòm công đức được đặt sẵn tại các chùa.
Khi bước đi, nên đi lùi, không nên cắt ngang qua mặt những người đang quỳ lạy. Muốn làm lễ thì không nên quỳ phía sau những người đang đứng thắp hương. Việc này thể hiện sự thiếu tôn trọng những người đi hành lễ.
Không để trẻ em chạy loạn tam bảo, nghịch ngợm các đồ tế… Không tùy ý làm ồn hoặc nói những lời bất kính đối với Phật, Thánh, cũng không biểu hiện thái độ thiếu cung kính như tùy tiện dùng tay chỉ trỏ vào tượng Phật.
Không tự ý chụp ảnh hay quay phim tượng Phật: Chụp ảnh là điều kiêng kỵ khi đi lễ chùa bởi chùa vốn là nơi thờ Phật, chốn linh thiêng.
Trên đây là một số thông tin trong ngày lễ Phật đản. Chúc quý Phật tử, tín hữu gần xa có một mùa Phật đản thân tâm an lạc, hạnh phúc, vạn sự cát tường.