Nghị luận về Đấu tranh cho bình đẳng giới là tài liệu học tập bổ ích gồm dàn ý nghị luận và các bài văn mẫu được chúng tôi biên soạn chi tiết giúp các bạn học sinh học tập thật tốt môn Ngữ văn lớp 11 và đạt điểm cao trong các bài kiểm tra. Mời các em học sinh tham khảo bài viết dưới đây.
Mục lục bài viết
1. Nghị luận xã hội về Đấu tranh cho bình đẳng giới hay nhất:
Mỗi người sinh ra trên đời này đều xứng đáng được sống một cuộc sống tự do và theo đuổi thực ước mơ của mình. Tuy nhiên, từ xưa đến nay những định kiến về giới tính đang trở thành những trở ngại khiến chúng ta không thể chinh phục con đường dẫn đến thành công của bản thân. Vì vậy, đấu tranh cho bình đẳng giới là việc cần thiết trong xã hội ngày nay. Theo pháp luật, “Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và tạo cơ phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của xã hội”. Hiện nay, khái niệm này cần được phát triển và bổ sung đầy đủ hơn nữa. Bình đẳng giới bây giờ còn được hiểu là sự bình đẳng giữa những người thuộc giới tính thứ ba. Mặc dù về mặt khoa học sinh lý, con người chỉ được phân chia ra hai giới tính là nam và nữ. Thế nhưng việc tôn trọng xu hướng tính dục cũng chính là bình đẳng giới. Mọi người cần được tôn trọng bất kể ngoại hình, giới tính, tuổi tác hay sở thích ăn mặc cá nhân. Đấu tranh cho bình đẳng giới là điều cần thiết cho sự tiến bộ xã hội.
“Con người sinh ra có quyền tự do và có quyền bình đẳng, và phải luôn luôn được tự do, bình đẳng về quyền lợi”. Đây là những trích dẫn của bản Tuyên ngôn về Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp (1791). Và không chỉ bản tuyên ngôn này mà còn rất nhiều bản tuyên ngôn hòa bình khác trên thế giới cũng đề cập đến quyền bình đẳng của con người. Trong đó có không thể kể đến Bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Bác Hồ viết vào năm 1945. Tuy nhiên, tự do dường như vẫn còn cục bộ và chưa thực sự được hiện thực hóa. Cho đến khi nào định kiến giới chấm dứt thì con người mới thoát khỏi việc trở nên nô lệ của những xiềng xích vô hình. Thời xưa, phụ nữ phương Đông bị trói buộc bởi “tam tòng, tứ đức”. Cả cuộc đời họ chỉ gói gọn sau cánh cửa nhà. Còn phương Tây thì sao? Đã có thời người ta thiết kế những bộ váy lộng lẫy nhưng cồng kềnh, khó di chuyển để bí mật hạn chế sự di chuyển của người phụ nữ. Đồng thời, đàn ông được kỳ vọng sẽ là những anh hùng có ngoại hình và tâm hồn mạnh mẽ. Cùng với đó là những cái tên, danh hiệu, những thanh kiếm sáng bóng và gánh nặng di sản của gia đình. Những quan niệm này từng tạo ra kỷ luật, trật tự trong xã hội và một phần được tạo ra từ đặc điểm giới tính của con người nên không hoàn toàn là vô căn cứ. Nhưng ngày nay lối suy nghĩ này không còn phù hợp với xã hội hiện đại nữa.
Thế giới mới bao gồm tất cả chúng ta đón nhận tất cả mọi người, cho chúng ta cơ hội thể hiện tài năng cũng như sự sáng tạo của mình, bất kể chúng ta là ai. Phụ nữ có thể tham gia các dự án, làm nhà quản lý tài ba hoặc trở thành những bà nội trợ chăm sóc gia đình. Miễn đó là lựa chọn của họ và họ hạnh phúc vì điều đó. Nhà bếp có thể trở thành nơi yêu thích của cánh đàn ông. Không thành vấn đề nếu họ thích màu hồng hay mặc vest. Miễn đó là lựa chọn của họ và họ hạnh phúc vì điều đó. Nhờ đấu tranh đòi bình đẳng giới mà con người ngày càng yêu thương nhau và hiểu nhau nhiều hơn. Đó chính là nền tảng của một xã hội văn minh và bền vững.
Tiềm năng của con người là vô hạn, và giới tính hay khuynh hướng tính dục không phải là yếu tố quyết định chúng ta “được” hay “không được ” làm gì. Điều này đã được chứng minh trong thực tế. Ngành thời trang thế giới ra đời được tạo dựng bởi rất nhiều đôi bàn tay của những người đàn ông như Christian Dior, Ralph Lauren, Calvin Klein. Ai nói máy may không dành cho phụ nữ? Thậm chí cả phụ nữ cũng đã tạo dựng được tên tuổi của mình trong lĩnh vực chính trị hoặc tài chính. Với sự thông minh và sắc sảo của mình trên bàn đàm phán, bà Nguyễn Thị Bình đã ký kết Hiệp định Paris và kết thúc Chiến tranh Việt Nam.
“Không quan trọng rằng tóc tôi dài bao nhiêu hay màu da của tôi là gì hay việc tôi là đàn ông hay phụ nữ” – John Lennon. Một thế giới hạnh phúc là thế giới mà chúng ta sống với nhau bằng tình yêu thương và tôn trọng, không phải bằng khuôn khổ hay định kiến. Đấu tranh cho bình đẳng, bước qua định kiến, con người sẽ gần nhau hơn.
2. Nghị luận xã hội về Đấu tranh cho bình đẳng giới ý nghĩa:
Cuộc sống ngày càng phát triển nên vấn đề “trọng nam khinh nữ” ngày càng giảm đi trong xã hội hiện đại. Trong thời đại mới, người phụ nữ có vai trò ngang bằng với người đàn ông. Họ có cơ hội tự bảo vệ mình trong cuộc sống, đi ra ngoài làm việc tại xã hội và kiếm tiền. Chính vì thế mà tiếng nói của người phụ nữ trong gia đình cũng ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn.
Bình đẳng giới là gì? Bình đẳng giới được hiểu là nguyên tắc cơ bản nhằm đảm bảo quyền lợi và cơ hội ngang nhau cho mọi người, bất kể giới tính. Đây là một mục tiêu quan trọng của phát triển bền vững, được thể hiện qua việc loại bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử dựa trên giới tính và xây dựng một xã hội công bằng, trong đó mọi người đều có thể tham gia, đóng góp vào các lĩnh vực của đời sống mà không bị hạn chế hay thiệt thòi. Bình đẳng giới không chỉ là một quyền con người cơ bản mà còn là nền tảng cần thiết để xây dựng một thế giới hòa bình, thịnh vượng và toàn diện.
Bình đẳng giới là một trong những vấn đề quan trọng nhất của xã hội hiện đại, nó không chỉ liên quan đến quyền lợi của phụ nữ mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế – xã hội của mỗi quốc gia và thế giới. Đấu tranh cho bình đẳng giới không chỉ là việc thúc đẩy quyền lợi và cơ hội ngang bằng cho mọi người bất kể giới tính, mà còn là việc loại bỏ các rào cản, định kiến, bất công xã hội mà phụ nữ và các nhóm giới thiểu số khác thường xuyên phải đối mặt. Qua việc nâng cao nhận thức và thay đổi thái độ của cộng đồng, chúng ta có thể tạo ra một xã hội công bằng hơn, bình đẳng hơn, nơi mọi người có thể phát huy tối đa tiềm năng của mình.
Trong cuộc sống thực tế, mặc dù người phụ nữ hiện đại ngày nay có cơ hội thể hiện bản thân nhiều hơn, đi làm và đóng góp sức lực, trí tuệ của mình cho xã hội, từ đó tạo ra rất nhiều của cải, vật chất, góp phần quan trọng vào việc gây dựng cuộc sống ấm no của gia đình. Nhưng trên thực tế, sự bình đẳng giữa hai giới chỉ mang tính tương đối chứ không thể bình đẳng hoàn toàn.
Đấu tranh cho bình đẳng giới không chỉ giới hạn ở việc nâng cao nhận thức, mà còn đòi hỏi sự thay đổi tích cực và bền vững trong mọi khía cạnh của xã hội. Ví dụ, trong lĩnh vực giáo dục, không chỉ cần bổ sung nội dung về bình đẳng giới vào chương trình học, mà còn phải đảm bảo rằng cả nam và nữ sinh viên đều được khuyến khích, hỗ trợ để theo đuổi các ngành nghề mà họ yêu thích, không phụ thuộc vào các định kiến giới truyền thống. Trong kinh doanh và công việc, việc tạo ra các chính sách như bình đẳng lương cho công việc tương đương cùng cơ hội thăng tiến công bằng cho tất cả mọi người là cần thiết để xóa bỏ khoảng cách giới trong lĩnh vực này. Ở cấp độ xã hội rộng lớn, việc tổ chức các chiến dịch truyền thông nhằm phá vỡ các rào cản văn hóa và xã hội gây ra sự phân biệt đối xử là quan trọng để thay đổi quan niệm lỗi thời. Mỗi cá nhân có thể góp phần bằng việc thực hiện các hành động nhỏ như chia sẻ thông tin, tham gia vào các tổ chức phi lợi nhuận hoặc chỉ đơn giản là lên tiếng khi chứng kiến hành vi phân biệt giới. Tất cả những nỗ lực này, khi được kết hợp lại, sẽ tạo ra một làn sóng lớn hướng tới một xã hội công bằng và bình đẳng cho tất cả mọi người.
Trong xã hội ngày nay, chúng ta đang hướng tới bình đẳng giới để xây dựng cuộc sống trở nên trọn vẹn hơn. Mọi thành viên trong gia đình nên tôn trọng người phụ nữ, dù họ là vợ hay mẹ hay là đồng nghiệp trong xã hội. Quan điểm truyền thống trọng con trai trong gia đình phải được thay đổi và hạnh phúc không nên phụ thuộc vào giới tính của đứa trẻ. Chia sẻ trách nhiệm và quan tâm lẫn nhau giữa vợ chồng và các thành viên trong gia đình là chìa khóa để xây dựng một xã hội tiến bộ và văn minh.
3. Dàn ý nghị luận xã hội về Đấu tranh cho bình đẳng giới ngắn gọn:
* Mở đầu:
Giới thiệu vấn đề cần nghị luận:
* Nội dung:
a) Giải thích:
– Bình đẳng giới là là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình, cho sự phát triển của cộng đồng.
– Đấu tranh cho bình đẳng giới là việc làm cần thiết để thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội.
b) Phân tích:
– Biểu hiện: được thể hiện ở những khía cạnh cụ thể như tôn trọng giới tính hay sở thích cá nhân của người khác, tạo điều kiện để con người phát huy hết khả năng và theo đuổi đam mê….
– Ý nghĩa:
+ Đem lại cho con người những quyền lợi chính đáng
+ Thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội
+ Giúp con người yêu thương và thấu hiểu nhau hơn
– Làm thế nào để đấu tranh bình đẳng giới:
+ Tổ chức các buổi workshop về quyền lợi phụ nữ tại nơi làm việc có thể giúp nâng cao nhận thức và thay đổi thái độ của cả nam và nữ về vấn đề này.
+ Trong giáo dục, bổ sung nội dung liên quan đến bình đẳng giới vào chương trình học từ cấp tiểu học sẽ góp phần hình thành nhận thức đúng đắn từ nhỏ.
+ Ở cấp độ chính sách, áp dụng các biện pháp như luật bảo vệ phụ nữ khỏi bạo lực gia đình hay quy định về việc làm công bằng cho cả hai giới là những bước tiến quan trọng.
+ Mỗi cá nhân cũng có thể góp phần bằng cách tham gia vào các chiến dịch truyền thông xã hội hoặc tự giáo dục bản thân về vấn đề này để từng bước tạo ra sự thay đổi tích cực trong cộng đồng.
– Phản đề:
+ Những người không tôn trọng quyền bình đẳng giới, định kiến về giới tính còn nặng nề
+ Một số người có hiểu biết chưa đúng hoặc cố tình nội dung quyền bình đẳng giới
* Kết luận:
Khẳng định ý nghĩa vấn đề.
THAM KHẢO THÊM: