Nhằm giúp các bạn học sinh có nhiều kiến thức và nắm vững nội dung bài học, bài viết dưới đây chúng minh gửi đến bạn đọc bài viết phân tích quan niệm sống vội vàng của Xuân Diệu hay nhất. Cùng tham khảo nhé.
Mục lục bài viết
1. Dàn ý phân tích quan niệm sống vội vàng của Xuân Diệu:
1.1. Mở bài:
Giới thiệu tác giả Xuân Diệu và tác phẩm “Vội vàng”
Nêu quan niệm sống vội vàng của Xuân Diệu
1.2. Thân bài:
* Chân lý cuộc sống được thể hiện qua nhan đề tác phẩm
– “Vội vàng”: Sống trọn vẹn để tận hưởng vẻ đẹp của đất trời, sống không ngần ngại nhưng không có nghĩa là sống hời hợt và bỏ qua nhiều thứ; sống là phải biết hưởng thụ và biết yêu thương.
Nhà thơ bồn chồn, khao khát sống trọn vẹn để tận hưởng vẻ đẹp của thế gian.
=> Người lữ hành yêu và trân trọng cuộc sống hơn, trân trọng tuổi trẻ, nhưng càng hiểu giá trị của tuổi trẻ, ông càng vội vã sống.
– Ông vừa vui vừa lo, vui vì cảm nhận và tận hưởng vẻ đẹp của đất trời, nhưng cũng đầy tiếc nuối vì tuổi trẻ sẽ trôi qua nhanh, sắc đẹp sẽ phai tàn, trời đất thì vô tận trong khi cuộc đời con người chỉ là khoảnh khắc thoáng qua…
– Ông chọn cách chạy đua với thời gian, sống mà vẫn lo lắng về tuổi trẻ ngắn ngủi của mình.
– Ông hồi tưởng về cuộc sống, về những điều mà có thể ông không thưởng thức trọn vẹn được
=> Nỗi buồn của người nghệ sĩ lan tỏa vào cảnh vật khiến người đọc cũng cảm nhận được man mác một nỗi buồn chia ly.
– Lý trí và trái tim lên tiếng bảo nhà thơ hãy sống hết mình với hiện tại để mọi thứ trôi qua không phải hối tiếc.
1.3. Kết bài:
Nêu cảm nghĩ về quan điểm sống của Xuân Diệu
2. Phân tích quan niệm sống vội vàng của Xuân Diệu ý nghĩa nhất:
Xuân Diệu là nhà thơ tình của thơ ca Việt Nam. Thơ ông chan chứa tình yêu, không chỉ tình yêu nam nữ mà còn là tình yêu cuộc sống. Ông sống vội vàng, khẩn trương để nắm bắt trọn vẹn từng khoảnh khắc của cuộc sống. Triết lý sống vội vàng, khẩn trương được thể hiện trọn vẹn trong bài thơ “Vội vàng”.
Ngay từ nhan đề bài thơ, triết lý sống vội vàng, khẩn trương đã được nhà thơ thể hiện. Vội vàng tức là sống trong vội vã, làm việc gấp gáp, nhanh chóng không do dự. Với Xuân Diệu cũng vậy, ông vội vàng trong từng khoảnh khắc. Vậy tại sao Xuân Diệu phải sống vội vàng, gấp gáp như vậy. Bởi ông ý thức rằng cuộc đời con người ngắn ngủi, hữu hạn, trong khi thời gian của vũ trụ là tuần hoàn, vô hạn.
“Xuân đương tới, nghĩa là xuân đương qua,
Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già
Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất
Không cho dài thời trẻ của nhân gian
Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn
Còn trời đất nhưng chẳng còn tôi mãi
Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời”.
Xuân Diệu rất quan tâm đến những bước chân của thời gian, vì thế ông vô cùng nhạy cảm với sự trôi qua của nó. Cuộc sống này tươi đẹp biết bao, vui vẻ biết bao, nhưng nó như một dòng sông trôi đi và không bao giờ trở lại nữa. Mặc dù từng khoảnh khắc đều rất đẹp, nhưng những khoảnh khắc lãng mạn chỉ đến với chúng ta một lần.
Mong muốn của ông thực sự khác thường, nhưng cũng rất mãnh liệt. Những việc như “tắt nắng”, “buộc gió”, chắc hẳn chưa có ai trên cuộc đời này làm được. Xuân Diệu muốn tắt nắng để sắc màu cuộc sống không phai nhạt, muốn buộc gió lại để hương cỏ cây không bay mất. Ông muốn giữ lại những gì đẹp nhất của thiên nhiên cho cuộc sống con người. Những ước mơ của ông hoàn toàn có cơ sở, bởi lẽ cuộc sống rất đẹp, nếu không tận hưởng thì sẽ rất lãng phí:
Của ong bướm này đây tuần tháng mật
Này đây hoa của đồng nội xanh rì
….
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần.
Trước dòng chảy không ngừng của thời gian, ông không còn dừng lại ở mong muốn tắt nắng, tắt gió nữa mà khát vọng sống đã nhanh chóng biến thành hành động:
“Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm
…
– Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!”
Câu thơ nồng nàn và cháy bỏng nhất, thể hiện mạnh mẽ nhất khát vọng và mong muốn sống một cuộc sống tươi đẹp và vội vàng của nhà thơ. Ông mở rộng mọi giác quan để tận hưởng mọi sắc màu và âm thanh của cuộc sống và câu thơ cuối cùng thể hiện cảm xúc của ông:
“Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi”.
Tác phẩm “Vội vàng” đã thể hiện đầy đủ và trọn vẹn lối sống và triết lý sống “vội vàng” của Xuân Diệu. Ông sống vội vàng để tận hưởng hết cái đẹp, để cống hiến hết tuổi thanh xuân cho cuộc sống này. Đó là một triết lý sống và cách sống lành mạnh.
3. Phân tích quan niệm sống vội vàng của Xuân Diệu hay nhất:
Vội vàng là tính từ có nghĩa là nhanh, vội vã. Theo Xuân Diệu, vội vàng là sống nhanh, sống vội để cống hiến hết sức lực, để toàn tâm toàn ý tận hưởng và trân trọng vẻ đẹp mà thiên nhiên đã ban tặng. Sống vội vàng trong quan niệm của ông là lối sống cực kỳ khác biệt với lối sống vội vã của một số người trẻ hiện nay, vội chạy theo vật chất, vội sống để hưởng thụ nhưng quên lao động, vội chạy theo xu hướng thời thượng và rơi vào lối sống tiêu cực vô nghĩa. Chính quan niệm vội vàng của Xuân Diệu đã đánh thức những người có suy nghi lệch lạc, mở đường cho những người đang chưa nhận thức rõ tìm kiếm mục đích sống thực sự.
Vậy tại sao Xuân Diệu lại có lối sống mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc như vậy? Ông là một nhà thơ luôn khao khát hòa hợp và giao lưu với thiên nhiên, với cuộc đời và yêu cuộc sống xung quanh mình một cách say đắm.
Nhà thơ sống vội vì ông nhận ra những quy luật khắc nghiệt và tàn phá của thời gian. Nếu người khác cảm thấy mùa xuân đi qua khi mùa hè đến, thì ở Xuân Diệu, ông không cần đợi nắng lên mới thấy nhớ mùa xuân, mà ông lại tiếc mùa xuân ngay cả khi nó đang hiện diện. Với ông, mùa xuân đang đến, đang đi qua, mùa xuân còn trẻ rồi lại già, ngay cả khi mùa xuân kết thúc, nhà thơ cũng sẽ mất. Xuân Diệu yêu mùa xuân của thiên nhiên và đất trời, mùa xuân của tuổi trẻ, với ông, khi tuổi trẻ qua đi, cuộc sống trở nên vô nghĩa. Tuổi trẻ là khoảng thời gian đẹp nhất, ý nghĩa nhất, hạnh phúc nhất của cuộc đời một con người. Nhà thơ sợ hãi trước sự tàn phá của thời gian, biến mọi vật thành nhân cách và tồn tại như một con người, biết buồn, biết vui, biết oán, biết sợ vì khoảnh khắc trôi qua của mùa xuân.
Xuân Diệu luôn muốn tận hưởng những sắc màu và âm thanh của thiên nhiên, muốn ôm ấp, muốn riết, muốn say, muốn trò chuyện, muốn gom góp và cuối cùng muốn cắn vào xuân hồng. Một loạt các động từ được sắp xếp theo tốc độ tăng dần cho thấy khát vọng cháy bỏng của nhà thơ muốn hòa mình, hòa tan vào thiên nhiên để tận hưởng trọn vẹn nhất. Nếu bạn không phải là người yêu cuộc sống nồng nhiệt, làm sao có thể say sưa trước vẻ đẹp của đất trời để viết nên những vần thơ tuyệt vời như vậy?
Qua tác phẩm “Vội vàng”, chúng ta có thể thấy một quan niệm sống vội vàng tích cực đáng để ngưỡng mộ và học hỏi. Qua đó, tác giả đã mang đến cho bạn đọc những giá trị nhân văn sâu sắc. Sau khi đọc bài thơ, chúng ta nhận ra giá trị của thời gian, vẻ đẹp của cuộc sống không phải ở những thứ xa vời mà vẻ đẹp đó luôn tồn tại ngay trong cuộc sống thường ngày. Xuân Diệu đã dạy cho thế hệ trẻ cách sống có ích và có ý nghĩa, biết cố gắng hết mình vì tuổi trẻ ngắn ngủi của mình, biết cống hiến cho quê hương và biết tận hưởng cuộc sống tươi đẹp. Quan niệm sống vội vàng của Xuân Diệu có ý nghĩa sâu sắc đối với cuộc sống, tồn tại mãi mãi với thời gian và luôn đúng trong mọi thời đại, đặc biệt là đối với giới trẻ.