Từ thế kỷ thứ 4 cho đến nay, có nhiều cuộc tranh luận liên tiếp về bản thể của Đức Chúa Jêsus. Trong bài viết dưới đây, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về Sự tích Chúa Giêsu, tóm tắt tiểu sử và cuộc đời Chúa Giêsu.
Mục lục bài viết
1. Đức Chúa Jêsus là ai?
Từ thế kỷ thứ 4 cho đến nay, có nhiều cuộc tranh luận liên tiếp về bản thể của Đức Chúa Jêsus. Một vài Hội thánh coi Đức Chúa Trời và Đức Chúa Jêsus là hai cá thể khác nhau, xem Đức Chúa Jêsus như là vật được sáng tạo nên như loài người, hay coi Đức Chúa Jêsus như một thiên sứ. Tuy nhiên, Đức Chúa Jêsus chính là bản thân Đức Chúa Trời đã đến trái đất bằng cách mặc lấy hình dáng con người để cứu rỗi nhân loại.
2. Sự giáng sinh của Đức Chúa Jêsus:
Theo hai quyển sách Tin lành của Tân Ước Luca và Mathio thì Đức Chúa Jesus được sinh ra bởi một người nữ đồng trinh tên là Maria – vợ người thợ mộc Giosep, sinh ra ở Bếtlêhem Xứ Giuđa. Theo sách Luca, Đức Chúa Jêsus được sinh ra và đặt nằm trong một máng cỏ vì Maria và Giosep không thể tìm được chỗ trọ qua đêm khi đang cùng đoàn người du hành đến Bếtlêhem.
Các thiên sứ loan tin rằng người này sẽ là Đấng cứu thế, và các nhà thông thái đến để thờ lạy. Khi Đức Chúa Jesus đã sinh tại thành Bếtlehem, xứ Giuđê, đang đời vua Hêrốt (vua nước Do Thái nhưng chỉ là vua chư hầu, lúc đó nước Do Thái đang bị đô hộ bởi La Mã), có mấy nhà thông thái ở Đông phương đến thành Giê-ru-sa-lem để hỏi về Đấng Cứu Thế ở đâu. Vua Hêrốt lo sợ quyền lực của mình bị đe dọa nên đã dặn dò các nhà thông thái cách kín nhiệm cho vua biết về tung tích của Đức Chúa Jêsus. Các nhà thông thái đã theo hướng một ngôi sao để đến Bếtlêhem và dâng tặng những phẩm vật lên Đức Chúa Jesus, vì người sinh ra để làm vua của người Do Thái. Vì âm mưu dùng các nhà thông thái để tìm ra Đức Chúa Jesus thất bại, vua Hêrốt đã quyết định tàn sát tất cả các con trẻ ở Bếtlêhem để tiêu diệt Đức Chúa Jesus cho bằng được, nhưng gia đình Đức Chúa Jesus đã kịp chạy trốn đến Ai Cập bởi được thiên sứ cảnh báo và sau đó định cư tại Na-xa-rét xứ Galile.
3. Tiểu sử cuộc đời của Đức Chúa Jêsus:
3.1. Thời niên thiếu:
Sau khi sinh ra, gia đình Đức Chúa Jêsus đã trốn sang Ai Cập để tránh sự tàn sát của vua Hêrốt và chỉ trở về sau khi vua Hêrốt băng hà tại Giêricô.
Đức Chúa Jesus trải qua thời niên thiếu tại làng Na-xa-rét thuộc xứ Galile. Chỉ có một sự kiện xảy ra trong thời gian này được ghi lại là khi Đức Chúa Jêsus theo gia đình lên thành Giêrusalem trong một chuyến hành hương. Bị thất lạc khỏi cha mẹ, cuối cùng Đức Chúa Jesus lúc đó 12 tuổi được tìm thấy trong Đền thờ Giêrusalem, đang tranh luận với các học giả Do Thái giáo.
3.2. Phép Báp têm:
Ngay sau khi chịu phép Báp têm bởi Giăng Báp-tít, Đức Chúa Jêsus bắt đầu đi rao giảng Tin lành, khi ấy khoảng ba mươi tuổi. Theo sách Kinh Thánh Luca, Đức Chúa Jêsus và Giăng Báp-tít là anh em họ vì Maria và Elizabeth, mẹ của Giăng, là hai chị em họ.
3.3. Sứ mệnh và công việc của Đức Chúa Jêsus:
Đức Chúa Jesus đã đích thân dạy dỗ và rèn luyện Phiero, Anhre, Giaco và Giăng, ban đầu vốn chỉ là người đánh cá trên bờ biển Galile, hầu cho họ trở thành những môn đồ vĩ đại được biết trên thế giới ngày nay. Theo Kinh Thánh, Đức Chúa Jêsus đã cùng các môn đồ đi khắp xứ Galile để giảng dạy và chữa bệnh. Với cách giảng dạy mang thẩm quyền, uy lực cùng với kỹ năng diễn thuyết điêu luyện, Đức Chúa Jêsus đã sử dụng các lời ví dụ để giảng dạy quan điểm về tình yêu thương, về Kinh Thánh nên đã thu hút được rất nhiều người. Họ tụ họp thành đám đông và tìm đến bất cứ nơi nào Đức Chúa Jêsus có mặt. Đôi khi đám đông trở nên quá đông và Ngài buộc phải ngồi trên thuyền mà giảng dạy. Đức Chúa Jêsus cũng tìm đến và thuyết giáo tại các hội đường Do Thái giáo (synagogue).
Đức Chúa Jesus áp dụng các phương pháp khác nhau khi giảng dạy, phép nghịch lý, phép ẩn dụ và các lời ví dụ. Ngài dạy rằng mọi người phải làm theo luật pháp của Đức Chúa Trời thì mới được đi vào Nước Thiên Đàng (hay Thiên Quốc). Phước lành trên trời mới là phước lành thật sự. Nổi tiếng nhất là Bài giảng trên núi. Trong số những lời ví dụ của Đức Chúa Jêsus, được biết đến nhiều nhất là hai câu chuyện: Người Samari hiền lành và Người con trai hoang đàng. Đức Chúa Jêsus có nhiều môn đồ, thân cận nhất là mười hai sứ đồ (hoặc tông đồ), Phiero được giao trọng trách là sứ đồ trưởng và là người có đức tin tốt nhất. Theo Kinh Thánh Tân Ước, Đức Chúa Jêsus làm nhiều phép lạ như chữa bệnh, đuổi tà ma và khiến một người đàn ông tên là La-xa-rơ sống lại khi đã chết.
Giới lãnh đạo Do Thái giáo lúc bấy giờ bao gồm các nhóm quyền lực đối nghịch nhau như nhóm Sa-đu-sê và nhóm Pha-ri-si (Pharisee) thường bất đồng với Đức Chúa Jêsus. Bởi vì nhóm người Sa-đu-sê và nhóm người Pha-ri-si tin vào Đức Chúa Trời ở thể thần, còn Đức Chúa Jesus lại dạy dỗ về Đức Chúa Trời mặc hình dáng con người đến Trái Đất, và Ngài chỉ ra rằng bản thân Ngài chính là Đức Chúa Trời. Nên đây là lí do hai bên đối nghịch nhau. Đức Chúa Jêsus vẫn thường vạch trần tính chuộng hình thức cũng như tinh thần đạo đức giả của người Pha-ri-si và người Sa-đu-sê. Nhiều người xem Đức Chúa Jêsus như một nhà cải cách xã hội, những người khác tỏ ra nhiệt tình vì tin rằng Ngài là vị vua đến để giải phóng dân Do Thái khỏi ách thống trị của Đế quốc La Mã, trong khi giới cầm quyền xem Đức Chúa Jêsus như một thế lực mới đang đe dọa những định chế tôn giáo và chính trị đương thời. Nhiều người tin rằng Đức Chúa Jesus chính là “Đấng Cứu Tinh” (Messie, Messiah) đến để cứu rỗi nhân loại.
3.4. Bị bắt và bị xét xử:
Vào đúng ngày Đức Chúa Jêsus cùng các môn đồ lên thành Giêrusalem vào dịp Lễ Vượt Qua (Passover); Ngài vào Đền thờ Giêrusalem, đánh đuổi những người buôn bán và những kẻ đổi tiền, lật đổ bàn của họ và quở trách họ rằng: “Nhà ta được gọi là nhà cầu nguyện nhưng các ngươi biến thành hang ổ của bọn trộm cướp”.
Lúc bấy giờ, các thầy tế lễ cả, các thầy thông giáo và các trưởng lão, những người vốn coi Đức Chúa Jêsus như cái gai trong mắt vì Đức Chúa Jesus khiến quyền lực và uy thế của họ trong xã hội bị đe dọa nên họ đã nhóm lại trong tòa thầy cả thượng phẩm tên là Caiphe để tìm cách giết Ngài. Tại đó, Giuda Ichcariot là một trong mười hai môn đồ của Đức Chúa Jêsus đã tìm đến các thầy tế lễ cả và đồng ý bán Đức Chúa Jêsus với giá ba chục đồng bạc.
Tối ngày Lễ Vượt Qua, Đức Chúa Jêsus sai các môn đồ dọn Lễ và cùng giữ Lễ Vượt Qua ấy với các môn đồ. Ngài phán rằng bánh và rượu nho của Lễ Vượt Qua biểu tượng cho thịt và huyết của Ngài giúp mọi người được sống đời đời. Ngài cũng dặn dò các môn đồ trở nên đồng một thân thể với Đấng Christ hãy biết yêu thương nhau. Đức Chúa Jêsus cũng đã biết trước về việc Ngài sắp bị bắt, bị tra tấn và đóng đinh trên thập tự giá nên Ngài vô cùng đau đớn và cầu nguyện mà rơi những giọt mồ hôi hòa lẫn với máu. Và Ngài cũng biết trước rằng lúc ấy các môn đồ sẽ bỏ chạy. Trong bóng đêm của khu vườn Gết-sê-ma-nê ở ngoại ô Giêrusalem, lính La Mã nhận diện Đức Chúa Jêsus nhờ cái hôn của Giuđa Ichcariot, một môn đồ đã phản Ngài để nhận được tiền.
Khi đám đông bắt và trói Đức Chúa Jêsus, các môn đồ đã ngay lập tức bỏ Ngài mà trốn đi theo lời tiên tri Kinh Thánh. Đức Chúa Jêsus bị đưa đến nhà thầy thượng phẩm Caiphe ngay trong đêm. Các thầy thông giáo và các trưởng lão đang nhóm tại đó, gắng sức kiếm chứng dối chống lại Đức Chúa Jêsus hòng giết Ngài nhưng không kiếm được. Đám đông nhổ trên mặt Ngài, đấm Ngài, có người dùng tay vả Ngài.
Giuđa Ichcariot, môn đồ phản bội Đức Chúa Jêsus đã vô cùng hối hận, cảm thấy tội lỗi vì đã bán Đức Chúa Jêsus với giá ba chục bạc nên thắt cổ tự tử.
Sáng sớm hôm sau, chúng đem Đức Chúa Jêsus nộp cho quan tổng đốc Philat, quan tổng đốc La Mã. Tại tòa công luận, dân chúng bị xúc giục nên đã cáo buộc Đức Chúa Jêsus tội phạm thượng và giao Ngài cho các quan chức Đế quốc La Mã để tử hình tức đóng đinh Đức Chúa Jêsus, không phải vì tội phạm thượng nhưng vì cáo buộc xúi giục nổi loạn. Dưới áp lực của giới lãnh đạo tôn giáo Do Thái và dân chúng, Tổng đốc Philat miễn cưỡng ra lệnh đóng đinh Giêsu. Quân lính bắt Đức Chúa Jêsus, quất roi, đội mão gai lên đầu Ngài, nhổ mặt Ngài và nhạo báng Ngài bằng mọi loại sỉ nhục. Xong rồi, họ bắt Ngài vác cây thập tự mà Ngài sẽ bị đóng đinh và đưa Ngài lên đồi Gôgôtha. Họ treo Đức Chúa Jêsus lên thập tự giá bằng cách đóng đinh vào tay và chân Ngài. Phía trên đầu Ngài, họ để cái bảng đề chữ, chỉ về án Ngài “NGƯỜI NẦY LÀ VUA DÂN GIUĐA”. Đức Chúa Jêsus bị đóng đinh từ 9 giờ sáng cho đến 3 giờ chiều, tức là Ngài đã phải chịu nỗi đau đớn tột cùng suốt 6 tiếng đồng hồ.
Sau khi Đức Chúa Jesus chết, Giôsép người Arimathea đến gặp Philat và xin được phép chôn xác Đức Chúa Jêsus với sự chứng kiến của Maria, Maria Mađơlenvà những phụ nữ khác.
3.5. Phục sinh và thăng thiên của Đức Chúa Jêsus:
Đức Chúa Jêsus sống lại vào ngày thứ ba sau khi hi sinh trên thập tự giá. Sự kiện này được đề cập đến chính là sự phục sinh của Đức Chúa Jêsus, được cử hành hằng năm vào ngày Lễ Phục sinh.
Trong Kinh Thánh, Maria Mađơlen (đi một mình trong cùng với sứ đồ Giăng nhưng có những người phụ nữ khác đi cùng trong sứ đồ Phiero) đến ngôi mộ của Đức Chúa Jêsus sáng sớm ngày Chủ nhật và bất ngờ thấy ngôi mộ rỗng. Mặc dù đã nghe lời dạy của Đức Chúa Jêsus, các môn đồ vẫn không hiểu rằng Đức Chúa Jesus sẽ sống lại sau khi hy sinh trên thập tự giá.
Trong sách Kinh Thánh Mathio, có các lính canh ở ngôi mộ. Một thiên sứ từ trời xuống và mở ngôi mộ, khiến lính canh ngất vì hoảng sợ. Đức Chúa Jêsus hiện ra với hai bà Mari và Mari Mađơlen. Sau đó, Đức Chúa Jêsus hiện ra với mười một môn đồ còn lại, phán rằng họ đi rao truyền Tin lành và làm phép Báp têm cho muôn dân.
Trong sách Kinh Thánh Mác, Maria Mađơlen và Maria, mẹ của Giacôbê, và Salome khi đến thăm mộ với thuốc thơm để xức xác Ngài (theo tục lệ thời ấy) thì chỉ thấy ngôi mộ trống mà trước đó họ đã an táng Ngài trong đó. Về phần các môn đồ, họ ra đi giảng đạo khắp mọi nơi cùng Đức Chúa Jêsus và lấy các phép lạ cặp theo lời giảng mà làm cho vững đạo. Và Đức Chúa Jêsus đã thăng thiên sau 40 ngày sau khi Ngài phục sinh.
Sách Kinh Thánh Giăng ghi chép lại rằng khi Maria Mađơlen đến bên ngôi mộ trống thì thấy hai thiên sứ mặc áo trắng. Hai thiên sứ hỏi: “Hỡi người đàn bà kia, sao ngươi khóc? Người thưa rằng: Vì người ta đã dời Chúa tôi đi, không biết để Ngài ở đâu”. Vừa nói xong người đàn bà quay lại, thấy Đức Chúa Jêsus tại đó; nhưng chẳng biết ấy là Đức Chúa Giêsu. Bốn sách Kinh Thánh đầu tiên của Tân Ước và Công vụ các sứ đồ đều ghi nhận rằng Đức Chúa Jesus đã phục sinh sống lại và gặp các môn đồ tại các nơi chốn khác nhau trong suốt bốn mươi ngày trước khi về trời.
Tuy nhiên, trong khi Mari và Mari Mađơlen trở về thì có mấy tên lính canh vào thành thuật lại cho các thầy tế lễ cả biết mọi việc đã xảy đến. Họ liền đưa tiền cho những tên lính và bảo chúng nói rằng: “Môn đồ nó đã đến lúc ban đêm, khi chúng tôi đương ngủ, mà lấy trộm nó đi.” Hay nói cách khác, các thầy tế lễ cả mặc dù biết rõ Đức Chúa Jêsus đã phục sinh sống lại nhưng lại đút lót tiền cho những tên lính để đi rêu rao những thông tin không đúng sự thật và những tin đồn ấy vẫn lan truyền cho đến ngày nay.
4. Những người Do Thái đương thời có tin Đức Chúa Jêsus không?
Mọi hội thánh ngày nay đều tin vào Đức Chúa Jêsus. Tuy nhiên, vào 2000 năm trước, những người Do Thái (tức người Giuđa) đã không tin Đức Chúa Jêsus, thậm chí đóng đinh Ngài trên thập tự giá.
Lí do là vì vào thời đại ấy, người Do Thái tin vào Đức Chúa Trời hiện diện ở thể thần linh nên khi Đức Chúa Jesus đến và nói rằng bản thân Ngài là Đức Chúa Trời, tức là Ngài dạy dỗ về Đức Chúa Trời mang xác thịt. Bởi lời dạy ấy quá khác với suy nghĩ, quan niệm truyền thống của người Do Thái từ bao đời nay nên họ không thể chấp nhận, nói rằng Đức Chúa Jesus phạm thượng và muốn giết Ngài.
Đương thời đó, đóng đinh trên thập tự giá là hình phạt của La Mã dành cho tội nhân phạm tội hung ác nhất. Nên đủ hiểu được rằng 2000 năm trước, người Giuđa ghét Đức Chúa Jêsus đến mức nào.
5. Ngày giáng sinh của Đức Chúa Jêsus:
Hầu hết mọi người trên thế giới tin rằng ngày 25/12 là ngày giáng sinh của Đức Chúa Jêsus và tổ chức lễ Nô en vào ngày nay. Tuy nhiên, đang có rất nhiều tranh cãi về ngày 25/12 liệu có thực sự là ngày giáng sinh của Đức Chúa Jêsus.
5.1. Các bằng chứng lịch sử:
Nguồn gốc của lễ Noen:
Ngày 25 tháng 12 là ngày đông chí của La Mã, đánh dấu sự ra đời của mặt trời. Vào thời điểm đó, tôn giáo của thần mặt trời Mithras đã lan rộng khắp đất nước La Mã. Những người tôn kính thần mặt trời tin rằng mặt trời được sinh ra vào ngày đông chí, ngày mà buổi trưa ngắn nhất trong năm. Họ cho rằng thời gian buổi chiều sau đông chí là do mặt trời vừa chào đời và đang tăng thêm sức mạnh mỗi ngày.
Họ coi ngày 25 tháng 12 là ngày đông chí, và tổ chức các lễ hội lớn trên khắp Rome trước và sau ngày đó. Tất nhiên, đó là một ngày vô ý nghĩa đối với những Cơ đốc nhân thời ban đầu, nhưng sau đó Hội thánh La Mã đã trở nên thế tục hóa sau khi hoàng đế La Mã Constantine công nhận Cơ Đốc giáo làm quốc giáo, thậm chí họ còn cố gắng tham gia vào lễ hội của thần mặt trời để mở rộng ảnh hưởng của hội thánh. Do đó, họ bắt đầu chấp nhận lễ hội của thần mặt trời, ấn định ngày 25 tháng 12 – ngày sinh của thần mặt trời – là ngày sinh của Đức Chúa Jêsus vào năm 354 SCN.
Các phong tục khác nhau liên quan đến Giáng sinh, chẳng hạn như chơi nhạc Giáng sinh trên đường phố, chia quà, cây thông Noel được trang trí bằng nhiều màu sắc khác nhau, v.v., có liên quan chặt chẽ với ngoại giáo.
Việc tặng quà cho nhau bắt nguồn từ ngày lễ của vị thần nông tại La Mã. Ở La Mã cổ đại, vào cuối tháng 12 tổ chức lễ Sigillialia, lễ tặng búp bê cho trẻ em, lễ hội này đã trở nên phổ biến trong nhà thờ khi lễ Giáng sinh trở thành một ngày lễ của Cơ đốc giáo.
Cây thông Noel được trang trí bằng nhiều đồ vật bắt nguồn từ tư tưởng sùng bái cây thường xanh của Babylon cổ đại, Ai Cập, La Mã… Vì vậy vào năm mới, họ trang trí nhà cửa bằng cây thường xanh và thực hiện các nghi lễ xua đuổi tà ma và trang trí cây với trái màu đỏ tượng trưng cho mặt trời.
Hình ảnh ông già Noel Santa Claude râu trắng áo đỏ bắt nguồn từ một quảng cáo của hãng giải khát nổi tiếng Coca Cola vào năm 1931.
Những phong tục ngoại giáo này đã vào hội thánh trước cả ngày 25 tháng 12 và khi Lễ Giáng Sinh được biết đến, chúng trở nên thịnh hành khắp thế giới.
5.2. Bằng chứng trong Kinh Thánh:
Israel nằm giữa Địa Trung Hải và sa mạc Ả Rập, mùa xuân và mùa thu ngắn, mùa hè và mùa đông dài, nhiệt độ chênh lệch lớn. Điều này là do quốc gia này nằm trong vùng khí hậu Địa Trung Hải, giao thoa với khí hậu cận nhiệt đới.
Ở Israel, mùa đông là mùa mưa nên thường có mưa và nhiệt độ giảm mạnh. Đó là lý do tại sao những con cừu thường được đưa trở lại chuồng muộn nhất là trước tháng 10 để chúng có thể nghỉ đông ở đó. Cho nên việc theo dõi cừu ngoài đồng vào giữa tháng 12 rất khó khăn, đặc biệt là vào ban đêm.
Khi đọc Kinh Thánh, chúng ta biết rằng khi những người chăn cừu đang canh giữ bầy chiên ngoài đồng vào ban đêm, họ nghe thấy một thiên sứ báo tin về sự ra đời của Đức Chúa Jêsus.
“Ai nấy đều đến thành mình khai tên vào sổ. Vì Giôsép là dòng dõi nhà Đavít, cho nên cũng từ thành Na-xa-rét, xứ Galile, lên thành Đavít, gọi là Bếtlêhem, xứ Giuđê, để khai vào sổ tên mình và tên Mari, là người đã hứa gả cho mình, đương có thai. Đang khi hai người ở nơi đó, thì ngày sanh đẻ của Mari đã đến. Người sanh con trai đầu lòng, lấy khăn bọc con mình, đặt nằm trong máng cỏ, vì nhà quán không có đủ chỗ ở. Vật cũng trong miền đó, có mấy kẻ chăn chiên trú ngoài đồng, thức đêm canh giữ bầy chiên. Một thiên sứ của Chúa đến gần họ, và sự vinh hiển của Chúa chói lòa xung quanh, họ rất sợ hãi. Thiên sứ bèn phán rằng: Đừng sợ chi; vì nầy, ta báo cho các ngươi một tin lành, sẽ là một sưu vui mừng lớn cho muôn dân; ấy là hôm nay tại thành Đavít đã sanh cho các ngươi mô thức Đấng Cứu Thế, là Christ, là Chúa.”
(Luca 2:3-12 Kinh Thánh bản dịch năm 1925).