Năng suất lao động xã hội ở Nhật Bản cao là do người lao động cần cù, làm việc tích cực với ý thức tự giác và tinh thần trách nhiệm rất cao. Nhưng trong những năm gần đây, năng suất lao động của Nhật Bản sụt giảm đáng kể. Sau đây là bài viết về Năng suất lao động xã hội ở Nhật Bản và thực trạng, mời các bạn cùng tham khảo!
Mục lục bài viết
1. Năng suất lao động xã hội ở Nhật Bản cao là do:
A. Làm việc tích cực, tự giác, tinh thần trách nhiệm cao.
B. Tập trung nhiều trong các đô thị.
C. Làm việc tích cực vì sự hùng mạnh của đất nước
D. Thường xuyên làm việc tăng ca và tăng cường độ lao động
Chọn đáp án A
Năng suất lao động xã hội ở Nhật Bản cao là do người lao động cần cù, làm việc tích cực với ý thức tự giác và tinh thần trách nhiệm rất cao
2. Năng suất lao động tại Nhật Bản hiện nay:
Chiến tranh thế giới lần thứ hai đã gây thiệt hại nặng nề với tổng giá trị thiệt hại lên tới 61,3 tỷ yên tại Nhật Bản. Sau khi chiến tranh kết thúc, nền kinh tế Nhật Bản bị rơi vào khủng hoảng trầm trọng như thất nghiệp (13,1 triệu người không có việc làm), thiếu nguyên liệu, lương thực và lạm phát gia tăng. Tuy nhiên, Nhật Bản đã từng bước khôi phục nền kinh tế và phát triển với một tốc độ chóng mặt.
Yếu tố đầu tiên được Nhật Bản đề cao là con người. Quốc gia này rất chú trọng đào tạo đội ngũ nhân lực lành nghề, kết hợp khả năng nắm bắt, sử dụng kỹ thuật và công nghệ mới để tăng NSLĐ. Giai đoạn 1960-1980, Nhật Bản là nước có NSLĐ cao hàng đầu thế giới và có quá trình cải thiện NSLĐ hiệu quả. Nhật Bản đã sử dụng 3 công cụ quan trọng trong cải thiện NSLĐ, gồm: Hệ thống quản lý chất lượng toàn diện, Bảo trì năng suất tổng thể và Sản xuất tiết kiệm hay cải tiến liên tục. Nhờ các biện pháp này kết hợp với chiến lược phát triển của Chính phủ Nhật Bản, nền kinh tế Nhật Bản đã phát triển thần kỳ và trở thành một trong 3 trung tâm kinh tế – tài chính của thế giới.
Theo dữ liệu điều tra của cơ quan chuyên trách Nhật Bản cho thấy năng suất lao động của nước này tính theo cơ sở GDP thực tế trên tổng lao động năm 2019 là 81.183 USD. Con số này đưa Nhật Bản vào xếp hạng thứ 26 trên tổng số 37 quốc gia thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Thứ hạng này của Nhật Bản đã giảm đáng kể sau khi duy trì vị trí thứ 21 trong suốt 6 năm trước đó. Trái ngược với Nhật Bản, năng suất lao động của Hàn Quốc năm 2019 là 82.252 USD, đứng vị trí thứ 24 và cao hơn Nhật Bản 1,3%. Hàn Quốc là quốc gia có dân số chỉ bằng 40% Nhật Bản và khá tương đồng với Nhật Bản về cơ cấu dân số, ngành công nghiệp. Xét về tốc độ tăng trưởng kinh tế, Nhật Bản thấp hơn Hàn Quốc và năm 2019 là thời điểm đánh dấu lần đầu tiên năng suất lao động của Hàn Quốc vượt qua Nhật Bản.
Xu hướng dân số, Nhật Bản và Hàn Quốc đều có chung quan ngại về tình trạng dân số già, tỷ lệ sinh thấp. Trong giai đoạn 2010 – 2020, tỷ lệ gia tăng dân số của Nhật Bản ở mức -0,2%, trong khi tại Hàn Quốc, con số này dương song cũng rất khiêm tốn với mức tăng 0,3%. Về tốc độ tăng GDP thực tế, trong khi Nhật Bản ghi nhận tăng trưởng trung bình bằng 0 ở giai đoạn 2015 – 2020 thì Hàn Quốc có mức tăng trưởng khá ấn tượng là 2,1%. Trước đây, tốc độ tăng trưởng của Hàn Quốc cũng suy giảm, nhưng Nhật Bản lại giảm mạnh hơn, do đó năng suất lao động của Nhật Bản đã dần bị Hàn Quốc vượt qua. Điều đáng lo ngại tại thời điểm hiện nay là nguy cơ kinh tế Nhật Bản tiếp tục tăng trưởng chậm thời kỳ hậu Covid-19. Thực tế đến thời điểm này, Nhật Bản đã chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19 và GDP thực tế năm 2020 của nước này giảm 4,8% so với năm 2019.
Tháng 4/2021, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo triển vọng GDP thực tế của Nhật Bản giai đoạn 2020 – 2026 tăng 8,9%, trong khi Hàn Quốc tăng tới 17,0%. Khoảng cách tăng trưởng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc ngày càng mở rộng. Chênh lệch năng suất giữa Nhật Bản không chỉ nới rộng với Hàn Quốc mà còn với các nền kinh tế chủ chốt khác trên thế giới. Ngoài ra, việc chậm trễ trong việc triển khai vaccine phòng ngừa Covid-19 được dự báo là nguyên nhân làm cho nền kinh tế Nhật Bản phục hồi chậm hơn.
Một trong những nguyên nhân khác dẫn đến năng suất lao động của Nhật Bản giảm là tình trạng dân số già hóa. Tại Nhật Bản, tỷ lệ dân số trên 65 tuổi là 28,4% (số liệu tháng 10/2019) và đứng đầu thế giới. Tại Hàn Quốc, mặc dù nước này đang trong tình trạng già hóa dân số, số người trên 65 tuổi chỉ chiếm 14,3% (thời điểm tháng 7/2018). Con số thống kê này cho thấy, tỷ lệ người hưu trí so với người tiêu dùng tại Nhật Bản là tương đối cao. Bên cạnh đó, dân số già cũng làm cho thu nhập hộ gia đình tại Nhật Bản ngày càng thấp đi.
Thu nhập hộ gia đình giảm kéo theo xu hướng tiêu dùng tiết kiệm và các ngành bán lẻ, dịch vụ phải chuyển đổi cơ cấu lao động sử dụng nhiều nhân viên không chính thức để giảm chi phí. Tỷ lệ lao động bán thời gian trên tổng số lao động tại Nhật Bản là 31,5% và ở Hàn Quốc là 20,7%. Việc Nhật Bản cố gắng giảm chi phí thông qua thúc đẩy hình thức lao động không chính quy làm nảy sinh vòng luẩn quẩn làm cho thu nhập của người tiêu dùng giảm sút.
Trong ngành công nghiệp dịch vụ, năng suất lao động của Nhật Bản là khá thấp. Mặc dù năng suất lao động ngành dịch vụ của Hàn Quốc cũng ở mức thấp, song không đến mức thấp như tại Nhật Bản. Điều này có thể làm nảy sinh vấn đề bất bình đẳng thu nhập giữa các ngành và thúc đẩy xu hướng giảm thu nhập do dân số già hóa. Trong ngành công nghiệp sản xuất, Hàn Quốc có năng suất lao động cao hơn Nhật Bản. Lý do là tỷ lệ xuất khẩu của Hàn Quốc cao hơn.
Qua đây có thể thấy, xã hội Nhật Bản trước đây chú trọng nỗ lực đuổi kịp, vượt qua nước khác và đây là động lực để người lao động Nhật Bản nâng cao năng lực bản thân. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhận thức của người dân Nhật Bản về “động lực phát triển” khá mờ nhạt và điều này làm cho nỗ lực tăng năng suất lao động không đạt được kết quả như mong đợi. Trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ, Nhật Bản cần nhận ra nguy cơ về việc sụt giảm năng suất so với các quốc gia khác trên thế giới.
3. Giải pháp tăng năng suất lao động của Nhật Bản:
Trong những năm gần đây, NSLĐ của Nhật Bản sụt giảm đáng kể. Từ một nước đi đầu trong công cuộc tự động hóa, tập trung nâng cao khả năng sản xuất, Nhật Bản lại là nước có năng suất làm việc thấp nhất trong nhóm G7. Tốc độ tăng NSLĐ của Nhật Bản đã đình trệ dưới 2% trong suốt 2 thập kỷ qua, khoảng cách tăng trưởng năng suất giữa Nhật Bản và các nền kinh tế phát triển ngày càng lớn. Để khắc phục vấn đề này, Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra các giải pháp, cụ thể là:
Giữ chân lao động lớn tuổi nhiều kinh nghiệm, Nhật Bản đang tăng dần tuổi nghỉ hưu từ 60 lên 65 tuổi vào năm 2025, đồng thời đưa ra các lựa chọn việc làm cho người lao động đến tuổi nghỉ hưu, giữ chân lao động lớn tuổi và hỗ trợ lao động tạm thời. Các công ty tư nhân nỗ lực thực hiện các mô hình việc làm linh hoạt hơn và điều chỉnh các hình thức lao động để thu hút người lao động lớn tuổi ở lại làm việc.
Giải quyết hạn chế về nguồn cung lao động bằng cách xem xét lại chính sách nhập cư và áp dụng các công nghệ thế hệ mới. Cải thiện NSLĐ trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng và tái cấu trúc để tạo ra môi trường công nghiệp cạnh tranh, dễ thích ứng hơn. Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản đã xây dựng kế hoạch và thực hiện chương trình cải cách phong cách làm việc. Theo đó, tổng số giờ làm thêm giảm xuống và số ngày nghỉ phép năm của người lao động sử dụng được tăng lên. Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản cũng thực hiện thay đổi phương thức làm việc, chuyển sang làm việc từ xa, làm việc tại nhà nhiều hơn, tăng sử dụng lao động là phụ nữ và người nước ngoài nhằm cải thiện NSLĐ.
THAM KHẢO THÊM: