Ngành y tế là một ngành nghề có vai trò quan trọng trong vấn đề bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người dân, trong đó bác sĩ là chủ thể quan trọng nhất, có vai trò và trách nhiệm vô cùng đặc biệt, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe con người. Vậy theo quy định của pháp luật thì bác sĩ nhận phong bì của bệnh nhân có bị coi là hành vi nhận hối lộ không?
Mục lục bài viết
1. Bác sĩ nhận phong bì có bị coi là nhận hối lộ không?
Trước hết, nhận hối lộ có thể hiểu là hành vi lợi dụng chức vụ, lợi dụng quyền hạn trực tiếp hoặc thông qua trung gian nhận lợi ích/sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào cho bản thân người nhận hoặc cho người/tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc nào đó vì lợi ích hoặc yêu cầu của người đưa hối lộ.
Nhận hối lộ là một trong những hành vi tham nhũng theo quy định của pháp luật. Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 2 của Văn bản hợp nhất Luật phòng chống tham nhũng năm 2020 có quy định về các hành vi tham nhũng. Theo đó, các hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn đang công tác và làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, khu vực nhà nước thực hiện bao gồm:
-
Tham ô tài sản;
-
Lạm dụng chức vụ, lợi dụng quyền hạn chiếm đoạt tài sản;
-
Nhận hối lộ;
-
Lợi dụng chức vụ, lợi dụng quyền hạn trong quá trình thi hành chức năng, nhiệm vụ, công vụ vì mục đích trục lợi cá nhân;
-
Lạm quyền trong quá trình thi hành nhiệm vụ, công vụ vì mục đích vụ lợi cá nhân;
-
Giả mạo trong công tác vì mục đích vụ lợi cá nhân;
-
Lợi dụng chức vụ, lợi dụng quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi cá nhân;
-
Đưa hối lộ, môi giới hối lộ nhằm mục đích giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì mục đích vụ lợi;
-
Lợi dụng chức vụ, lợi dụng quyền hạn sử dụng trái phép tài sản công vì mục đích vụ lợi;
-
Nhũng nhiễu vì mục đích vụ lợi;
-
Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, thực hiện không đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, công vụ được giao vì mục đích vụ lợi;
-
Lợi dụng chức vụ, lợi dụng quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm quy định của pháp luật vì mục đích vụ lợi; có hành vi cản trở, can thiệp trái quy định pháp luật vào quá trình kiểm soát, kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, truy tố, điều tra, xét xử và thi hành án vì mục đích vụ lợi.
Đồng thời, căn cứ theo quy định tại Điều 3 của Luật Khám chữa bệnh năm 2023 có quy định về nguyên tắc trong hoạt động khám chữa bệnh. Theo đó, bác sĩ trong hoạt động khám chữa bệnh cần phải tuân thủ theo các nguyên tắc như sau:
-
Tôn trọng, bảo vệ, đối xử bình đẳng, tuyệt đối không có hành vi phân biệt đối xử, kỳ thị đối với người bệnh;
-
Ưu tiên hoạt động khám chữa bệnh đối với trường hợp người bệnh đang trong tình trạng cấp cứu, trẻ em trong độ tuổi dưới 06 tuổi, phụ nữ đang có thai, người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng theo quy định của pháp luật về người khuyết tật, người cao tuổi từ đủ 75 tuổi trở lên, người có công với cách mạng phù hợp với đặc thù của cơ sở khám chữa bệnh;
-
Thực hiện kịp thời và tuân thủ đầy đủ quy định về chuyên môn kĩ thuật;
-
Tôn trọng, hợp tác, bảo vệ người hành nghề, bảo vệ người khác đang trong thời gian thực hiện nhiệm vụ tại cơ sở khám chữa bệnh;
-
Bình đẳng, công bằng giữa các cơ sở khám chữa bệnh với nhau;
-
Tuân thủ đạo đức nghề nghiệp trong quá trình hành nghề khám chữa bệnh do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành.
Theo đó, bác sĩ của hành vi nhận phong bì của bệnh nhân khi khám chữa bệnh hoàn toàn có thể bị coi là hành vi nhận hối lộ khi thỏa mãn các điều kiện sau đây:
-
Lợi dụng chức vụ, quyền hạn là bác sĩ để trực tiếp nhận hối lộ, nhằm mục đích thực hiện theo yêu cầu của người đưa hối lộ;
-
Lợi dụng chức vụ, quyền hạn là bác sĩ thông qua trung gian để nhận hối lộ, làm theo yêu cầu của người đưa hối lộ;
-
Lợi dụng chức vụ, quyền hạn của bác sĩ hứa sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào của người đưa hối lộ (có thể là lợi ích vật chất hoặc lợi ích tinh thần) để làm theo yêu cầu của người đưa hối lộ.
2. Bác sĩ nhận phong bì của bệnh nhân bị xử phạt như thế nào?
Bác sĩ nhận phong bì của bệnh nhân hoàn toàn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi “nhận hối lộ trong hoạt động khám chữa bệnh” khi hành vi đó chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hình sự. Căn cứ theo quy định tại khoản 6 Điều 38 của Nghị định số 117/2020/NĐ-CP, có quy định về mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về hành nghề và sử dụng chứng chỉ hành nghề của người hành nghề khám chữa bệnh. Theo đó:
(1) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với các đối tượng thực hiện một trong những hành vi vi phạm quy định của pháp luật như sau:
-
Bán thuốc cho người bệnh dưới bất kỳ hình thức nào, ngoại trừ trường hợp bán thuốc y học cổ truyền theo quy định của pháp luật;
-
Đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ trong hoạt động khám chữa bệnh.
(2) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với các đối tượng thực hiện một trong những hành vi vi phạm quy định của pháp luật như sau:
-
Khám bệnh, chữa bệnh khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh;
-
Khám chữa bệnh khi đang trong thời gian bị thu hồi chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh hoặc đang trong thời gian bị đình chỉ hành nghề khám chữa bệnh trên thực tế;
-
Thuê, mượn chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh của người khác để hành nghề;
-
Cho người khác thuê, mượn chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh trái quy định pháp luật;
-
Không kịp thời sơ cứu, cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân;
-
Từ chối khám chữa bệnh cho người bị bệnh, ngoại trừ trường hợp được quyền từ chối khám chữa bệnh theo quy định của pháp luật;
-
Khám chữa bệnh vượt quá phạm vi hoạt động chuyên môn được ghi nhận đầy đủ trong chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh, ngoại trừ trường hợp cấp cứu vào trường hợp thực hiện thêm một số kĩ thuật chuyên môn đã được cho phép theo quy định của pháp luật.
Như vậy, bác sĩ có hành vi nhận phong bì của bệnh nhân hoàn toàn có thể bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng theo điều luật nêu trên.
3. Bác sĩ nhận phong bì của bệnh nhân có bị đi tù không?
Bác sĩ có hành vi nhận phong bì của bệnh nhân hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội nhận hối lộ căn cứ theo quy định tại Điều 354 của Văn bản hợp nhất Bộ luật hình sự năm 2017 khi gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm đến khách thể do bộ luật hình sự bảo vệ. Theo đó, chủ thể của tội nhận hối lộ là chủ thể đặc biệt, là những người có chức vụ và quyền hạn (trong trường hợp này là bác sĩ), bác sĩ là những người làm việc trong lĩnh vực công (nhà nước). Hành vi khách quan của tội nhận hối lộ là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích khác (có thể là lợi ích vật chất hoặc lợi ích tinh thần) của người khác để thực hiện theo yêu cầu và mong muốn của họ trái quy định pháp luật.
Thủ đoạn nhận hối lộ có thể là nhận trực tiếp từ người đưa hối lộ hoặc nhận thông qua người trung gian, có thể nhận trước hoặc nhận sau khi giải quyết công việc. Trong trường hợp bác sĩ nhận lợi ích vật chất (cụ thể là tiền, phong bì) thì hành vi này thỏa mãn cấu thành tội phạm trong trường hợp:
-
Của cải hối lộ trị giá từ 2.000.000 đồng trở lên;
-
Đã từng bị xử lý kỷ luật về hành vi nhận hối lộ tuy nhân vẫn tiếp tục vi phạm;
-
Đã từng bị kết án về một trong các tội quy định tại Điều 353 đến Điều 359 của Văn bản hợp nhất Bộ luật hình sự năm 2017.
Khi bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội nhận hối lộ, các khung hình phạt có thể được áp dụng như sau:
-
Khung hình phạt cơ bản được quy định là hình phạt tù từ 02 năm đến 07 năm;
-
Khung hình phạt tăng nặng thứ nhất được quy định là hình phạt tù từ 07 năm đến 12 năm;
-
Khung hình phạt tăng nặng thứ hai được quy định là hình phạt tù từ 15 năm đến 20 năm;
-
Khung hình phạt tăng nặng thứ ba được quy định là hình phạt tù từ 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình;
-
Khung hình phạt bổ sung có thể được áp dụng là cấm đảm nhiệm chức vụ trong khoảng thời gian từ 01 năm đến 05 năm, phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc tịch thu toàn bộ tài sản.
THAM KHẢO THÊM: