Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ đến với các em học sinh Soạn bài Mã Giám Sinh mua Kiều (trích Truyện Kiều) nhằm giúp các em có thêm nhiều tài liệu và kiến thức để ôn tập. Cùng tham khảo nhé.
Mục lục bài viết
1. Soạn bài Mã Giám Sinh mua Kiều (trích Truyện Kiều) ngắn gọn:
Câu 1 (trang 99 sgk Ngữ Văn 9 Tập 1):
Bản chất xấu xa và độc ác của Mã Giám Sinh được thể hiện qua các chi tiết :
– Vẻ bề ngoài: Hắn có lai lịch mập mờ, vẻ bên ngoài chải chuốt thái quá, không đúng độ tuổi. Mày râu lúc nào cũng cạo nhẵn nhụi, quần áo ăn mặc rất bảnh bao, không phù hợp với độ tuổi ngoài 40 của hắn.
– Hành động : lời nói cộc lốc, nhát gừng ; hành động biểu hiện sự thô lỗ, sỗ sàng, vô học, coi con người như một món hàng và vô tư trả giá, cò kè từng đồng.
Câu 2 (trang 99 sgk Ngữ Văn 9 Tập 1):
Hình ảnh của Thúy Kiều trong bài thơ :
– Hoàn cảnh vô cùng tội nghiệp: gia đình bị kẻ xấu vu oan, Kiều bất lực đành phải hi sinh mối tình đầu với chàng Kim Trọng, bán mình để lấy tiền chuộc cha.
– Nỗi đau đớn, xót xa trước số phận của nàng:
Thềm hoa một bước lệ hoa mấy hàng
Nét buồn như cúc điệu gầy như mai
→ qua những câu thơ đó ta thấy được nỗi đau khổ đến tột cùng của nàng Kiều, trong lòng nàng giờ đây ngổn ngang tâm sự, tình duyên lỡ dở, chưa thể yên tâm về gia đình, nàng lại lo lắng về số phận trôi nổi của mình trong thời gian tiếp theo.
Câu 3 (trang 99 sgk Ngữ Văn 9 Tập 1):
Thông qua tác phẩm, ta thấy được tấm lòng nhân đạo của Nguyễn Du :
– Đó là sự xót xa và cảm thương cho những số phận nhỏ nhoi, thấp bé, đau xót cho những giá trị con người bị chà đạp, bị xúc phạm.
– Qua đó nhà thơ cũng đã vạch trần và lên án xã hội thối nát, khi mà đồng tiền và thế lực quyết định tất cả, khiến cho con người rơi vào những chuỗi ngày đau khổ. Đồng thời cũng thể hiện sự căm phẫn tột độ và khinh bỉ trước những tên buôn người giả dối, mất hết tính người.
2. Tìm hiểu về đoạn trích “Mã Giám Sinh mua Kiều”:
* Xuất xứ đoạn trích:
Trích đoạn “Mã Giám Sinh mua Kiều” được trích từ tác phẩm “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du. Đây là một trong những tác phẩm tiêu biểu và ấn tượng nhất của văn học Việt Nam, được nhà thơ viết bằng chữ Nôm và thể thơ lục bát.
Đoạn trích trên được trích trong phần thứ hai của tác phẩm Truyện Kiều, có tên là “Gia biến và lưu lạc”, qua đoạn trích đã miêu tả cảnh Thúy Kiều phải bán mình chuộc cha và bị bán cho Mã Giám Sinh – một tên lừa đảo, buôn người.
Đại thi hào Nguyễn Du, tên chữ là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên, ông sinh năm 1765 tại Thăng Long. Ông sống trong thời đại mà xã hội nhiều biến động, nhiều bế tắc và đời sống con người cũng chịu nhiều đau khổ. Với kinh nghiệm và vốn hiểu biết phong phú, ông đã viết lên tác phẩm “Truyện Kiều” dựa theo bộ truyện văn xuôi “Kim Vân Kiều truyện” của tác giả Thanh Tâm Tài Nhân. Câu chuyện lấy bối cảnh của Trung Quốc vào thời vua Gia Tĩnh Đế đời nhà Minh.
Tác phẩm phản ánh những bi kịch của xã hội phong kiến và thực dân, đồng thời thể hiện tài năng và tâm huyết của Nguyễn Du với văn học và nhân dân.
Tác phẩm “Truyện Kiều” đã lên án những bi kịch của xã hội phong kiến thực dân đương thời, đồng thời qua đó cũng thể hiện tài năng và đóng góp của Nguyễn Du cho nền văn học nước nhà.
* Tóm tắt đoạn trích “Mã Giám Sinh mua Kiều”:
Trích đoạn “Mã Giám Sinh mua Kiều” được trích trong tác phẩm “Truyện Kiều” của Nguyễn Du. Câu chuyện kể về cuộc đời đầy biến động của Thúy Kiều, khi gia đình gặp nạn, cô phải bán mình để cuộc cha và cứu em trai. Thế nhưng trong lúc túng quẫn đó, Kiều đã gặp phải tên buôn người Mã Giám Sinh, khiến cuộc đời Kiều rẽ sang một hướng khác.
Mã Giám Sinh là một tên đàn ông dù giàu có nhưng vô cùng đê tiện, khi đến xem xét và mua Kiều hắn coi cô như một món đồ và liên tục trả giá. Mặc dù cuộc giao dịch được ngụy trang cẩn thận dưới hình thức của lễ vấn danh, nhưng thực chất, hắn là một tên buôn người, và chỉ xem Kiều là một món hàng không hơn không kém. Đó là bắt đầu cho những chuỗi ngày đau khổ về sau của Kiều.
* Nội dung của đoạn trích:
Đoạn trích “Mã Giám Sinh mua Kiều” là bức tranh hiện thực xã hội đương thời, đồng thời thể hiện tính nhân văn sâu sắc của Nguyễn Du. Tác giả đã vạch trần và lên án thực trạng xã hội thối tha đổ nát, nơi mà đồng tiền quyết định tất cả, và con người trở thành những món hàng hóa đem ra để mua bán, bị những thế lực xấu xa chà đạp tàn ác.
* Ý nghĩa của nhan đề:
Nhan đề bài thơ Mã Giám Sinh mua Kiều đã quyết định nội dung của đoạn trích. Đó là cảnh mua bán giữa Mã Giám Sinh và Tú bà Kiều trở thành món hàng trong cuộc giao dịch này. Qua cuộc trao đổi này, người mua và người bán cũng được miêu tả rõ nét; bộc lộ bản chất của từng loại người.
* Giá trị nội dung:
Tác phẩm đã vạch trần và lên án xã hội phong kiến xấu xa đương thời, đã dùng đồng tiền chà đạp lên nhân phẩm, tài sắc của người phụ nữ, đồng thời cũng lên án những kẻ xấu xa trong xã hội đó.
Đồng thời, nhà thơ bày tỏ sự thương xót, cảm thông sâu sắc cho số phận của người phụ nữ nói riêng và số phận con người trong xã hội phong kiến nói chung.
* Giá trị nghệ thuật:
Với ngòi bút tài hoa của Nguyễn Du, dùng những lời lẽ sắc sảo, tả ngoại hình, cử chỉ, lời nói của từng nhân vật để phơi bày và bộc lộ tính cách của từng người, đặc biệt là bản chất xấu xa của Mã Giám Sinh.
Nhà thơ đã khắc họa thành công nhân vật chính diện và phản diện
Nghệ thuật sử dụng hình ảnh ước lệ, tượng trưng
Bút pháp tả thực được nhà thơ kết hợp khéo léo với các phương thức biểu đạt.
3. Phân tích đoạn trích “Mã Giám Sinh mua Kiều”:
Đoạn trích “Mã Giám Sinh mua Kiều” là một nốt trầm buồn mở đầu cho cuộc đời bất hạnh của Kiều trong suốt 15 năm lưu lạc. Khi biết tin Kiều bán mình chuộc cha, Mã Giám Sinh đã nhờ một bà mối đến hỏi cưới nàng về làm lẽ.
Thay vì miêu tả bản chất con người của Mã Giám Sinh, Nguyễn Du chỉ đi sâu vào chi tiết về biểu cảm của nhân vật đến cách ăn mặc, cử chỉ của hắn. Do đó, không ai biết Mã Giám Sinh từ đâu đến, chỉ biết rằng hắn là một người từ nơi xa đến đây. Dưới ngòi bút của Nguyễn Du, hắn hiện lên là một kẻ thô tục, không có khí chất phi thường, tao nhã của người có học.
Khuôn mặt sạch sẽ, bảnh bao cho thấy sự giả dối trong tính cách của hắn. Với cái độ tuổi ngoài 40 nhưng vẻ bề ngoài của hắn lại chau chuốt và kĩ lưỡng, lời nói thô lỗ cộc cằn, càng bộc lộ rõ bản chất thực sự của tên buôn người. Những hành động của hắn được miêu tả hết sức thô thiển, “ghế trên ngồi tót sỗ sàng” càng nhấn mạnh sự vô học của kẻ đội lốt học trò trường Quốc tử giám.
Trái ngược với những lời lẽ hoa mỹ, Mã Giám Sinh dần dộc bộc lộ bản chấp thấp hèn, những điều đó như đang ngầm cảnh báo cho cuộc đời éo le của nàng Kiều. Nhà thơ sử dụng một loạt các cụm từ như “cò kè bớt một thêm hai”, “ngã giá”…. Có thể thấy Mã Giám Sinh thực chất là một tên buôn người sanh sỏi. Một tên buôn người đội lốt thư sinh, nhưng bên trong hắn chính là bản chất độc ác, đê tiện và gian dối.
Kiều giờ đây như một món hàng được mang ra trao đổi. Nàng chỉ biết im lặng. Giờ phút này trong nàng chỉ còn sự đau đớn, tủi nhục tận cùng. Nàng xót xa cho thân phận của mình, từ một người con gái “cành vàng lá ngọc” thì bây giờ nàng chỉ là món hàng trong tay của kẻ khác.
Như vậy, “Mã Giám Sinh mua Kiều” là một trong những đoạn trích ấn tượng lấy đi nhiều nước mắt của độc giả nhất. Với ngòi bút chân thực, kết hợp lối nói ẩn dụ tượng trưng, nhà thơ đã dần hé lộ cuộc đời đầy sóng gió và biến động của Kiều. Đó cũng là sự đồng cảm của ông cho số phận bất công của người phụ nữ trong xã hội phong kiến đương thời.