Đó là chiều thứ Sáu và đồng hồ đang kêu tích tắc. Bạn đang làm việc cật lực để hoàn thành một nhiệm vụ trước thời hạn 5 giờ, trong khi thầm nguyền trách bản thân vì đã không bắt đầu nó sớm hơn. Hãy tham khảo bài viết dưới đây về Viết bài luận thuyết phục người khác từ bỏ thói quen trì hoãn.
Mục lục bài viết
1. Dàn ý Viết bài luận thuyết phục người khác từ bỏ thói quen trì hoãn:
a. Mở bài:
– Nêu vấn đề: Mỗi người trong chúng ta đều có những thói quen, có thể là thói quen tốt hoặc xấu, nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng nhận thức rõ ràng về những thói quen đó. Một trong những thói quen phổ biến và gây hại nhất trong cuộc sống hiện đại chính là thói quen trì hoãn công việc.
b. Thân bài:
– Giới thiệu và dẫn dắt vào vấn đề cần nghị luận:
Thói quen trì hoãn không phải là điều xa lạ đối với bất kỳ ai. Nhiều người trong chúng ta đều đã trải qua cảm giác không muốn làm ngay một việc gì đó, để rồi dời nó sang một thời điểm khác. Tuy nhiên, trì hoãn không chỉ là việc đơn giản như “để sau làm”, mà nó còn là một biểu hiện của tâm lý và thái độ sống cần được xem xét một cách nghiêm túc.
– Giải thích định nghĩa về trì hoãn và thói quen trì hoãn:
Trì hoãn có thể được hiểu là sự kéo dài, chậm trễ hoặc lảng tránh việc thực hiện một nhiệm vụ hay hành động mà lẽ ra chúng ta cần phải hoàn thành ngay.
– Biểu hiện của người có thói quen trì hoãn:
Những người có thói quen trì hoãn thường có các biểu hiện như:
+ Luôn tìm lý do để không bắt tay vào công việc ngay lập tức.
+ Lập đi lập lại việc hoãn lại công việc.
+ Thiếu cảm giác khẩn trương.
+ Cảm giác lo lắng, căng thẳng khi đến gần hạn chót. Điều này tạo ra một vòng luẩn quẩn của việc trì hoãn – căng thẳng – tiếp tục trì hoãn.
– Ảnh hưởng (hay tác hại) của việc trì hoãn đến bản thân, người khác:
+ Giảm hiệu suất và chất lượng công việc: Trì hoãn làm cho người ta phải làm việc trong tình trạng gấp gáp, thiếu thời gian, dẫn đến việc không thể cống hiến toàn bộ sự sáng tạo và năng lượng cho công việc. Kết quả là công việc thường không đạt được kết quả tốt nhất.
+ Mất cơ hội phát triển: Thói quen trì hoãn khiến cho những cơ hội quan trọng có thể trôi qua, bởi chúng thường chỉ xuất hiện trong một khoảng thời gian nhất định. Việc bỏ lỡ những cơ hội này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển cá nhân và sự nghiệp.
+ Gây ra căng thẳng và stress: Khi dồn việc đến phút cuối cùng, người trì hoãn thường rơi vào trạng thái lo lắng, căng thẳng và thậm chí là áp lực tinh thần, điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn đến tinh thần và chất lượng cuộc sống.
– Đối với người khác:
+ Gây ảnh hưởng tiêu cực đến tập thể: Trong môi trường làm việc nhóm, sự trì hoãn của một cá nhân có thể làm chậm tiến độ chung của cả nhóm, gây ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng của dự án và thậm chí làm mất đi những cơ hội quan trọng cho cả tập thể.
+ Làm mất niềm tin từ đồng nghiệp, bạn bè: Khi bạn liên tục trì hoãn, người khác sẽ dần mất niềm tin vào bạn, bởi họ không thể dựa vào bạn để hoàn thành công việc đúng thời hạn. Điều này có thể dẫn đến việc bị loại bỏ khỏi các cơ hội thăng tiến hoặc hợp tác trong tương lai.
+ Ảnh hưởng đến mối quan hệ cá nhân: Trì hoãn có thể làm rạn nứt mối quan hệ với người thân, bạn bè, bởi sự thiếu tin cậy và không thể giữ lời hứa do việc không hoàn thành nhiệm vụ đúng hạn.
c. Kết bài:
– Khẳng định lại vấn đề:
2. Bài luận thuyết phục người khác từ bỏ thói quen trì hoãn hay nhất:
Cuộc sống của chúng ta là một chuỗi hành trình mà mỗi người cần thực hiện để đạt được các mục tiêu và dự định. Để hiện thực hóa những điều này, con người cần phải lên kế hoạch và tiến hành một cách hiệu quả các công việc. Thời gian để mỗi người đạt được mục tiêu của mình không giống nhau, có người hoàn thành một cách nhanh chóng trong một khoảng thời gian nhất định, trong khi có người lại phải mất rất nhiều thời gian mới có thể đạt được. Sự khác biệt này không chỉ do phương pháp thực hiện và định hướng của mỗi người mà còn bị ảnh hưởng bởi thói quen trì hoãn công việc. Do đó, trì hoãn là một thói quen mà ai trong chúng ta cũng cần phải từ bỏ.
“Công việc” ở đây là những mục tiêu, dự định mà chúng ta cần thực hiện. “Trì hoãn” có nghĩa là kéo dài thời gian hoặc làm gián đoạn tiến độ công việc. Thói quen trì hoãn đang là một trong những thói quen không tốt của con người trong việc đạt được mục tiêu.
Cuộc sống luôn thay đổi và đôi khi những điều không mong muốn xảy ra ngoài tầm kiểm soát của con người. Những biến cố này có thể làm gián đoạn công việc, buộc con người phải tạm dừng để giải quyết các vấn đề phát sinh. Ví dụ, việc học tập hàng ngày của học sinh có thể bị gián đoạn do thời tiết, sức khỏe hoặc phương tiện đi lại, buộc họ phải trì hoãn việc học để đối phó với những vấn đề trước mắt.
Tuy nhiên, đây chỉ là sự trì hoãn tạm thời, trong khi thói quen trì hoãn công việc là một hành vi được lặp đi lặp lại nhiều lần. Thói quen này có thể mang lại nhiều hậu quả tiêu cực đối với cuộc sống. Trước hết, nó hình thành thói quen ỷ lại, lười biếng; khi đứng trước một công việc cần phải giải quyết, con người lại chần chừ, trì hoãn cho đến hôm sau hoặc một khoảng thời gian không xác định.
Rõ ràng, trì hoãn công việc ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ và kết quả, khiến chúng ta không hoàn thành nhiệm vụ đúng hạn, thậm chí bỏ lỡ những cơ hội phát triển và khẳng định giá trị bản thân.
Thói quen trì hoãn còn có thể dẫn đến tình trạng thiếu kỷ luật và trách nhiệm với chính mình cũng như với công việc được giao. Nếu thói quen xấu này không được khắc phục, con người không chỉ gặp khó khăn trong việc đạt được mục tiêu, bỏ lỡ cơ hội phát triển và thăng tiến mà còn làm mất uy tín và giá trị của bản thân trong mắt người khác. Thói quen trì hoãn khiến con người trở nên lười biếng, không phát huy được sự cố gắng, nỗ lực và kỹ năng xử lý công việc cũng suy giảm đáng kể.
Tóm lại, trì hoãn công việc là một thói quen tiêu cực cần được nhận thức và thay đổi nếu chúng ta muốn phát triển và hoàn thiện bản thân. Không nên để sự lười biếng và thiếu quyết đoán cản trở hành trình tiến tới thành công của mình.
3. Bài luận thuyết phục người khác từ bỏ thói quen trì hoãn ngắn gọn nhất:
Việc hình thành các thói quen, dù là tốt hay xấu, có thể được ví như quá trình bạn dệt từng sợi tơ mỗi ngày và dần dần theo thời gian để thu về một sợi dây cáp vững chắc. Điều đáng buồn là thói quen tốt thường rất dễ từ bỏ, trong khi thói quen xấu lại đòi hỏi một sự quyết tâm lớn mới có thể loại bỏ, cắt đứt được sợi dây chắc chắn đó. Trong số những thói quen xấu của con người, trì hoãn là một thói quen gây hại và “khó xử lý”. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bạn phải chấp nhận thua cuộc trước nó.
Trong cuộc sống, không khó để bắt gặp thói quen trì hoãn. Khi bạn được giao một công việc nhưng không lập tức bắt tay vào làm mà chờ đến hạn chót mới hoàn thành, hay mỗi khi có cuộc hẹn, bạn không bao giờ đến đúng giờ mà luôn trễ ít phút… đó chính là biểu hiện của việc bạn đang sở hữu thói quen trì hoãn.
Thói quen này rất dễ hình thành, bởi con người thường có xu hướng dễ dãi với chính mình, cho mình quyền tự chủ về mọi việc: “Thời gian còn nhiều mà, để sau cũng được”, “Mình cần ưu tiên việc khác trước”, “Mình cần nghỉ ngơi trước đã”… Đây là những lý do để bạn trì hoãn, đồng thời cũng là cơ hội để thói quen trì hoãn hình thành và dần dần kiểm soát bạn.
Trì hoãn là một thói quen xấu, lợi ích thì ít mà tác hại thì nhiều. Nếu không từ bỏ thói quen này, nó sẽ gây ra nhiều rắc rối cho bạn. Thói quen trì hoãn làm cho phong cách làm việc của bạn trở nên thiếu khoa học và không chuyên nghiệp, dẫn đến hiệu quả công việc không cao, thậm chí có thể thất bại. Khi bạn thường xuyên làm việc trong tình trạng gấp gáp, cạn kiệt thời gian, bạn không có đủ thời gian để làm việc với điều kiện tốt nhất. Một bản báo cáo được soạn trong vài ngày sẽ đầy đủ, chỉnh chu hơn so với một bản được viết vội vàng trong vòng một giờ. Điều này là hoàn toàn dễ hiểu. Vì vậy, người có thói quen trì hoãn khó có thể đạt được thành công lớn. Chưa kể đến việc khi công việc bị dồn đến hạn chót, bạn phải thức đêm và căng thẳng để hoàn thành – điều này không phải là bạn đang tự tạo ra stress cho chính mình sao?
Bài học đắt giá về hậu quả của sự trì hoãn đã được ghi lại trong lịch sử nước ta: Khi thực dân Pháp tấn công Gia Định, quan lại triều đình không có những hành động quyết liệt kịp thời để dập tắt ý chí xâm lăng của địch từ đầu mà thay vào đó là chủ trương cầu hòa, trì hoãn, đối phó một cách hời hợt dẫn đến bi kịch: Đất nước rơi vào tay giặc, nhân dân chịu cảnh lầm than, đau khổ.
Con đường nhanh nhất dẫn đến thành công là thay thế thói quen xấu bằng thói quen tốt. Bản thân chỉ có thể tiến bộ khi loại bỏ được thói quen trì hoãn và hình thành thói quen làm việc chuyên nghiệp. Vì vậy, đừng chần chừ nữa, hãy bắt tay vào công việc ngay lập tức, bởi “bạn có thể trì hoãn, nhưng thời gian thì không” (Benjamin Franklin).