Truyện cổ tích là một thể loại văn học dân gian quen thuộc. Có rất nhiều truyện nổi tiếng có thể kể như Thạch Sanh, Sọ dừa, Tấm Cám, Em bé thông minh... hôm nay chúng tôi sẽ cung cấp bài văn mẫu đóng vai một nhân vật kể lại một truyện cổ tích trong chương trình Ngữ văn.
Mục lục bài viết
1. Viết bài văn nhập vai nhân vật kể lại một câu chuyện cổ tích ấn tượng nhất:
Tôi tên là Tấm, sinh ra trong một gia đình giàu có và hạnh phúc. Nhưng một biến cố bất ngờ đã xảy ra khi mẹ tôi mất vì bệnh, và cha tôi tái hôn với mẹ kế của tôi. Không lâu sau đó, cha tôi cũng qua đời. Mẹ kế tôi liền độc chiếm căn nhà, tài sản duy nhất mà cha tôi để lại. Mẹ kế tôi và con gái bà đã giao toàn bộ việc nhà cho tôi, bắt tôi phải làm việc cả ngày như một người hầu. Mặc dù cuộc sống của tôi đã trải qua nhiều thay đổi, nhưng tôi luôn mạnh mẽ, cố gắng tìm kiếm hạnh phúc cho chính mình.
Mẹ kế và con gái bà ta đã áp bức tôi hết lần này đến lần khác. Họ lừa tôi từ giỏ tôm tép mà tôi bỏ bao công sức bắt được để dành lấy chiếc yếm đào. Khi tôi mải làm việc họ tìm cách bắt người bạn con cá bống của tôi rồi ăn thịt nó. Chưa dừng ở đó hai mẹ con bà ấy còn trộn lẫn đậu với nhau rồi bắt tôi phải nhặt hết rồi mới được đi chơi lễ hội với mục đích để tôi không thể đến lễ hội. Tuy nhiên, tôi vẫn vượt qua mọi thứ và đi dự lễ hội. Và may mắn thay nhờ có sự giúp đỡ của ông Bụt nhân từ, tôi đã trở thành vợ của vua.
Nhưng không chỉ có vậy. Khi tôi trở thành vợ của vua, họ còn trở nên tàn nhẫn hơn Họ chặt cây khiến tôi ngã chết, rồi lấy quần áo của tôi mặc vào với âm mưu chiếm lấy vị trí của tôi. Khi tôi biến thành chim vàng anh và trở về, họ ăn thịt tôi và rải lông của tôi trong vườn. Tôi biến thành cây xoan, họ chặt thân cây để làm khung cửi. Sau đó, khung cửi cũng bị đốt và vứt đi. Lần này, từ đống tro tàn, tôi trở lại thành người nhờ vào quả thị. Bà lão bán nước đã đón tôi về nhà và nhận nuôi tôi. Mỗi ngày, ta chăm chỉ giúp bà lão têm trầu bày bán và dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ. Cũng chính nhờ miếng trầu đó mà vua nhận ra tôi và đón tôi trở về cung điện.
Cuối cùng, sau bao gian khổ và khó khăn, tôi đã có thể trở về nhà và sống hạnh phúc với chồng mình. Còn mẹ con độc ác kia, họ đã bị trừng phạt thích đáng.
2. Viết bài văn nhập vai nhân vật kể lại một câu chuyện cổ tích hay nhất:
Tôi sinh ra trong một gia đình nông dân. Vì bố mẹ tôi làm việc vất vả và chăm chỉ nên cũng có của ăn của để. Nhưng khi cha mẹ qua đời, anh trai tôi trở nên lười biếng và không nghe theo lời cha mẹ dặn trước khi mất, đã phân chia tài sản, chiếm hết gia tài mà bố mẹ để lại, chỉ để lại cho tôi một túp lều nhỏ ở góc vườn cùng một cây khế còi cọc.
Tôi cũng chấp nhận mà không hề lên tiếng trách móc. Tôi làm đủ mọi việc kiếm sống và cây khế trở thanh tài sản duy nhất của tôi. Tôi chăm sóc nó rất chu đáo. Cây khế lớn rất nhanh, đến mùa ra hoa, kết trái. Khi khế chín tôi đã mang khế ra chợ bán để đổi lấy chút gạo. Nhưng một ngày nọ, có một con chim to, bộ lông sặc sỡ bay đến ăn khế của tôi. Tôi vội chạy đến chất vấn con chim đó vì sao lại dám ăn trộm khế. Không ngờ chim bỗng lên tiếng hứa sẽ trả ơn cho tôi. Sau khi nói xong nó liền bay đi. Tôi thấy lạ lùng nhưng vẫn tin lời và dặn vợ may cho mình một chiếc túi ba gang đúng như lời của chú chim nói. Sáng ngày hôm sau, chim đến đúng hẹn và tôi được đưa đến một hòn đảo nhỏ giữa biển. Tôi không thể tin vào những gì hiện ra trước mắt mình. Toàn bộ hòn đảo tràn ngập vàng, bạc và đá quý. Tôi cảm thấy sợ hãi và chỉ đứng yên. Nhưng rồi con chim bay đến và bảo với tôi hãy lấy vàng đi rồi nó sẽ đưa tôi về nhà. Chỉ đến lúc đó tôi mới dám nhặt vàng cho vào đầy túi ba gang, rồi leo lên lưng để chim chở về nhà.
Từ đó, gia đình tôi không còn phải ăn mặc rách rưới nữa. Tôi xây một căn nhà tử tế ngay trong vườn, nhưng vẫn giữ lại túp lều và cây khế.
Tôi dùng số tiền đó giúp đỡ cho những người nghèo khó trong làng. Không hiểu sao từ bữa ăn đó, chim không còn đến ăn khế nữa. Cây khế đã lớn, phủ bóng mát khắp một góc vườn. Mỗi mùa khế, tôi lại đợi chim thần đến để tỏ lòng biết ơn.
Tin đó đã đồn đến tai anh trai tôi. Vào một ngày nọ anh tôi đã đến nhà tôi, đòi đổi toàn bộ gia tài để lấy cây khế và túp lều. Trước lời khẩn cầu của anh, mặc dù rất buồn nhưng tôi đành chấp nhận. Sau đó cả gia đình anh tôi dọn về túp lều cũ của tôi. Ngày qua ngày anh tôi chờ chim thần đến. Khi thấy chim ăn khế, anh tôi liền khóc lóc van xin và đòi chim trả ơn. Chim thần hứa sẽ chở anh tôi ra đảo và căn dặn anh tôi về may túi đựng vàng. Nhưng không ngờ, khi tới đảo lấy vàng, anh tôi vì tham lam đã may chiếc túi to hơn lời chim thần và chất đầy vàng vào túi. Trên đường trở về nhà, chim thần thấy nặng đã kêu anh tôi hãy vứt bớt vàng nhưng anh tôi không đồng ý. Chim căng lúc căng mệt, cuối cùng không cố gắng được nữa bèn hất luôn người anh của tôi rơi xuống biển cùng số vàng.
Tôi quay lại sống trong căn nhà cũ, với túp lều và cây khế. Nhưng chim thần từ đó không bao giờ quay lại ăn khế nữa… Anh trai tôi cũng đã phải trả giá vì lòng tham vô đáy của mình.
3. Viết bài văn nhập vai nhân vật kể lại một câu chuyện cổ tích ý nghĩa nhất:
Tôi là vợ của Vua Chích Chòe. Mọi người đều khen tôi là một hoàng hậu vừa xinh đẹp vừa dịu dàng. Nhưng để trở thành con người như ngày hôm nay, tôi đã phải trải qua những bài học lớn.
Khi đó, tôi vẫn còn là con gái của vua cha. Vì được chiều chuộng từ nhỏ và xinh đẹp nên tôi cực kỳ kiêu ngạo và hống hách. Tính cách của tôi khiến người khác phải khiếp sợ. Đỉnh điểm là khi tôi công khai chỉ trích các vị vua và hoàng tử đến cầu hôn tôi. Thấy ai tôi cũng chê bai, chế nhạo. Một số người thì lùn và béo, một số người thì nhợt nhạt như chết đuối, một số người có khuôn mặt đỏ như quả gấc, một số người thì lưng bị còng. Mọi người đều trở thành trò cười trong lời nói của tôi. Điều đó khiến cha tôi rất tức giận. Ông quyết định gả tôi cho người ăn xin đầu tiên đến cung điện. Lúc đầu, tôi nghĩ đó chỉ là lời nói vu vơ của cha tôi nên chẳng hề bận tâm. Nhưng đến khi cha tôi gả tôi cho một tên hát rong và ông đuổi tôi ra khỏi hoàng cung, tôi mới nhận ra tất cả lời cha tôi nói đều là sự thật. Nhưng lúc đó tôi không thể thay đổi mọi thứ nữa rồi.
Sau khi trở thành vợ của một gã hát rong, tôi phải trải qua mọi đau khổ, tủi nhục và sự khinh thường của người khác. Đó là điều mà trước giờ tôi vẫn làm với mọi người. Tôi phải sống trong một căn nhà nhỏ tồi tàn, tự nấu cơm. Và rồi, giống như bao người nghèo khác, tôi bắt đầu làm việc để kiếm sống. Đầu tiên, tôi đan giỏ để bán, sau đó tôi kéo sợi. Nhưng tôi không thể làm gì được vì tay tôi quá yếu. Sau đó, người chồng của tôi dẫn tôi ra chợ bán chén đĩa. Lúc đầu, công việc khá thuận lợi, nhưng sau một thời gian, tất cả hàng hóa của tôi đem đi bán đều bị một chàng hiệp sĩ làm hỏng hết. Điều đó khiến tôi vô cùng xấu hổ với chồng mình. Cuối cùng, chồng tôi hết cách bèn yêu cầu tôi làm người phụ bếp trong cung điện của Vua chích chòe – đó là người đã từng bị ta chế giễu và từ chối. Giờ đây ngài và những vị khách mời vẫn ăn mặc đẹp đẽ xa hoa, chỉ có tôi trở nên thấp kém và nghèo khổ. Nhưng giờ đây tôi đã không còn là một người kiêu căng, hống hách như trước nữa. Tôi trở nên hiền lành và ngoan ngoãn hơn. Điều đó đều là nhờ người chồng của tôi đã dạy. Không ngờ, vào đêm mà Đức vua mở hội, tôi bị kéo ra giữa sân khấu. Trước ánh mắt khinh thường của mọi người, tôi vô cùng xấu hổ. Nhưng ngay lúc đó, tôi biết rằng ngài ấy chính là người chồng mà cha chọn cho tôi. Hóa ra ngài ấy đã đóng vai người hát rong và cả người hiệp sĩ để dạy dỗ và giúp ta sửa đổi những tính xấu, trợ nên tốt hơn mỗi ngày. Ngài làm tất cả mọi điều chính là vì muốn ta thay đổi.
Nhờ có chàng, tôi đã trở thành một cô gái có tính cách tốt và được mọi người yêu mến. Bây giờ, tôi đã trở thành một hoàng hậu dịu dàng, nghiêm trang. Và tôi muốn gửi một thông điệp đến mọi người rằng, mỗi con người chúng ta luôn phải biết yêu thương, biết tôn trọng mọi người xung quanh, không nên kiêu căng, hống hách vì đó là những đức tính xấu.