Thẻ căn cước công dân là một trong những loại giấy tờ quan trọng khi thực hiện giao dịch với ngân hàng, khách hàng hoàn toàn có thể dùng căn cước công dân để rút tiền trực tiếp tại quầy giao dịch của ngân hàng thương mại. Vậy trong trường hợp đổi căn cước công dân thì có cần phải đổi thông tin tài khoản ngân hàng hay không?
Mục lục bài viết
1. Đổi CCCD có cần đổi thông tin tài khoản ngân hàng không?
Hiện nay, Luật Căn cước năm 2023 có hiệu lực thi hành bắt đầu kể từ 01/07/2024. Người dân hoàn toàn có thể sử dụng căn cước công dân tham gia vào các giao dịch hợp pháp (điểm d khoản 1 Điều 5 Luật Căn cước công dân năm 2023). Tuy nhiên, nhiều người vẫn đặt ra câu hỏi: Đổi căn cước công dân có cần phải thay đổi thông tin tài khoản ngân hàng hay không?
Trước hết, việc đổi căn cước công dân không bắt buộc phải thay đổi thông tin tài khoản ngân hàng. Khi người dân đổi từ chứng minh thư nhân dân sang căn cước công dân gắn chíp thì vẫn hoàn toàn có thể thực hiện thủ tục giao dịch tại ngân hàng. Theo hướng dẫn cụ thể của Ngân hàng nhà nước, trong trường hợp khách hàng chưa có căn cước công dân, khách hàng đổi từ chứng minh thư nhân dân sang căn cước công dân gắn chíp hoặc khách hàng chỉ có chứng minh thư nhân dân, căn cước công dân không gắn chíp thì vẫn có thể giao dịch tại các ngân hàng, các đơn vị cần phải kiểm tra thời hạn sử dụng của các giấy tờ đó theo quy định của pháp luật.
Từ 01/07/2024, Ngân hàng nhà nước đã yêu cầu xác thực sinh trắc học đối với khách hàng. Đối với biện pháp xác thực bằng dấu hiệu nhận dạng sinh trắc học đang được thực hiện theo Điều 1 của Quyết định 2345/QĐ-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, biện pháp này sẽ được thực hiện bằng cách rà soát đúng với dữ liệu sinh trắc học được cập nhật trên Cơ sở dữ liệu sinh trắc học về khách hàng (ngân hàng đã thu thập trước đó). Trong đó, quá trình kiểm tra sẽ được thực hiện bằng phương pháp gặp mặt trực tiếp tại ngân hàng (đối với cá nhân không có căn cước công dân, chưa đổi sang căn cước gắn chíp). Theo đó, các đơn vị này sẽ trực tiếp thực hiện thủ tục hướng dẫn khách hàng nếu khách hàng có nhu cầu thực hiện các giao dịch trực tuyến trên 10.000.000 đồng/lần hoặc tổng giao dịch trên 20.000.000 đồng/ngày.
Tóm lại, nếu khách hàng đổi từ chứng minh thư nhân dân sang thẻ căn cước công dân, giao dịch với ngân hàng về cơ bản hầu như không ảnh hưởng, khách hàng hoàn toàn vẫn có thể thực hiện các giao dịch chuyển tiền hoặc rút tiền tại ngân hàng. Trước đây, người dân cũng có thể sử dụng Giấy xác nhận chứng minh nhân dân hoặc chứng minh thư nhân dân bị cắt góc để thay thế trong quá trình giao dịch, nếu đã đổi sang căn cước công dân gắn chíp thì nhân viên ngân hàng cũng có thể sử dụng mã QR trên thẻ căn cước để đối chiếu với chứng minh thư nhân dân cũ.
Tuy nhiên, để thuận lợi hơn trong quá trình giao dịch thì khi đổi căn cước công dân khách hàng vẫn nên thay đổi thông tin số tài khoản ngân hàng.
2. Những giấy tờ của cá nhân cần phải cập nhật khi đổi CCCD:
Việc thay đổi từ chứng minh thư nhân dân sang thẻ căn cước công dân khiến cho một số giấy tờ cá nhân cũng cần phải sửa đổi và cập nhật kịp thời. Có thể kể đến một số giấy tờ công dân cần phải sửa đổi và cập nhật khi đổi căn cước công dân như sau:
Thứ nhất, cập nhật thông tin trên sổ bảo hiểm xã hội và thẻ bảo hiểm y tế. Công dân sẽ không cần phải thực hiện thủ tục đổi sổ bảo hiểm xã hội và đổi thẻ bảo hiểm y tế mới vì chúng không liên quan đến thông tin trên số chứng minh thư nhân dân/căn cước công dân. Tuy nhiên, để có thể phục vụ cho hoạt động tìm kiếm quá trình tham gia đóng bảo hiểm xã hội hay thời hạn sử dụng thẻ bảo hiểm y tế một cách dễ dàng thì công dân cần phải thực hiện thủ tục cập nhật lại thông tin thành phần hồ sơ bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật.
Thứ hai, sửa đổi thông tin hộ chiếu. Trên hộ chiếu có thể hiện thông tin liên quan tới số chứng minh thư nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân của mỗi cá nhân, vì vậy trong trường hợp thực hiện thủ tục đổi chứng minh thư nhân dân sang thẻ căn cước công dân 12 số thì đòi hỏi công dân cần phải làm thủ tục đề nghị sửa đổi thông tin chi tiết liên quan tới nhân thân trên hộ chiếu. Tại cửa khẩu của một số quốc gia, bộ phận hải quan sẽ yêu cầu công dân phải xuất trình hộ chiếu có thông tin trùng khớp với thẻ căn cước công dân, nếu không trùng khớp với thẻ căn cước công dân thì công dân đó khó có thể thực hiện thủ tục xuất nhập cảnh. Đây có thể sửa đổi thông tin trên hộ chiếu, cá nhân cần phải chuẩn bị các loại giấy tờ như sau: Hộ chiếu còn giá trị sử dụng ít nhất là 12 tháng, căn cước công dân gắn chíp mới được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền, giấy xác nhận số chứng minh thư nhân dân cũ đã được cấp trước đó, sổ tạm trú đối với trường hợp đề nghị thay đổi nơi đăng ký tạm trú. Sau khi chuẩn bị các loại giấy tờ, tài liệu nêu trên, cá nhân cần đến Phòng quản lý xuất nhập cảnh thuộc Công an cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi đăng ký thường trú, tạm trú hoặc Cục quản lý xuất nhập cảnh thuộc Bộ công an để nộp hồ sơ.
Thứ ba, cập nhật thông tin liên quan tới tài khoản ngân hàng. Theo như phân tích nêu trên, việc thay đổi căn cước công dân không bắt buộc phải thay đổi thông tin liên quan tới tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên trong một số trường hợp, việc thực hiện giao dịch sẽ gặp nhiều khó khăn, tốn nhiều thời gian và cần phải thực hiện trực tiếp tại các quầy giao dịch. Để có thể cập nhật thông tin liên quan tới tài khoản ngân hàng, cá nhân cần phải mang theo Giấy xác nhận chứng minh thư nhân dân được cấp bởi Cơ quan công an và thẻ căn cước công dân mới được cấp đến Ngân hàng nơi mở tài khoản giao dịch để được hướng dẫn chi tiết.
Thứ tư, thay đổi thông tin đăng ký thuế. Căn cứ theo quy định tại Điều 36 của Luật Quản lý thuế năm 2019, khi có sự thay đổi thông tin trên tờ khai đăng ký thuế (trong đó có căn cước công dân) thì cá nhân thực hiện đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế cần phải thực hiện thủ tục thông báo thay đổi thông tin với cơ quan thuế trong khoảng thời gian 10 ngày được tính bắt đầu kể từ ngày phát sinh thay đổi. Cá nhân có thể tự mình thực hiện thay đổi hoặc cũng có thể ủy quyền cho doanh nghiệp chi trả thu nhập thực hiện đăng ký thay đổi. Để thuận tiện hơn cho các giao dịch thì cá nhân cần phải thực hiện thủ tục thay đổi thông tin càng sớm càng tốt.
3. Cách thực hiện giao dịch với ngân hàng khi đổi CCCD:
Chứng minh thư nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân là các loại giấy tờ tùy thân quan trọng để thực hiện giao dịch tại ngân hàng. Nhằm phục vụ cho nhu cầu của khách hàng khi công nghệ ngày càng phát triển, nhiều ngân hàng đã ứng dụng công nghệ khoa học thông tin, tạo điều kiện cho khách hàng vẫn có thể thực hiện giao dịch nhận hoặc rút tiền tại ngân hàng khi bị mất căn cước công dân. Có thể tham khảo một số cách thức như sau:
Thứ nhất, rút tiền bằng mã QR. Nhiều ngân hàng đã triển khai hình thức rút tiền này. Với hình thức này thì khách hàng chỉ cần thực hiện thao tác quét mã QR để rút tiền mà không cần thẻ vật lý (thẻ ATM) và không cần thẻ căn cước công dân.
Thứ hai, rút tiền bằng các loại giấy tờ khác có giá trị thay thế. Nhiều ngân hàng hiện nay vẫn chấp nhận 02 loại giấy tờ tùy thân có chức năng tương tự nhau đó là: chứng minh thư nhân dân và thẻ căn cước công dân. Vì vậy, trong trường hợp bị mất căn cước công dân nhưng vẫn còn chứng minh thư nhân dân và chứng minh thư đó còn hiệu lực thì hoàn toàn có thể sử dụng để thực hiện giao dịch tại ngân hàng. Trong trường hợp mất cả chứng minh thư nhân dân và thẻ căn cước công dân thì khách hàng có thể sử dụng hộ chiếu còn thời hạn sử dụng để thay thế.
Thứ ba, rút tiền bằng dấu vân tay. Đây là một hình thức không còn khá mới mẻ, tuy nhiên không phải ngân hàng nào cũng áp dụng. Trong trường hợp ngân hàng đang sử dụng có tiện ích rút tiền bằng dấu vân tay và khách hàng đã đăng ký tiện ích này thì khách hàng có thể rút tiền ngay cả khi mất thẻ vật lý (thẻ ATM) và mất căn cước công dân/chứng minh thư nhân dân. Hoặc một cách thức đơn giản hơn là, nhờ người thân hoặc bạn bè rút hộ.
THAM KHẢO THÊM: