Chí Phèo là tác phẩm truyện ngắn tiêu biểu mang đậm văn phong phê phán và hiện thực của nhà văn Nam Cao. Dưới đây là bài viết về Phân tích hình ảnh cái lò gạch cũ trong truyện ngắn Chí Phèo.
Mục lục bài viết
1. Dàn ý Phân tích hình ảnh cái lò gạch cũ trong truyện ngắn Chí Phèo:
1.1. Mở bài:
Giới thiệu về truyện ngắn Chí Phèo và tác giả Nam Cao
Khái quát về ý nghĩa của hình tượng Cái lò gạch cũ trong tác phẩm Chí Phèo.
1.2. Thân bài:
Khái quát vài nét chung về Hình ảnh “Cái lò gạch cũ” đã xuất hiện 2 lần trong tác phẩm:
– Trước hết nó gắn liền với sự ra đời của Chí Phèo khi đó hắn là “một đứa trẻ trần truồng và xám ngắt trong một cái váy đụp để bên một lò gạch bỏ không…”
– Lần thứ hai cũng là sự xuất hiện cuối cùng trong tâm trí của Thị Nở sau khi hắn chết đi bằng cách tự sát “đột nhiên thị thấy thoáng hiện ra một cái lò gạch cũ bỏ không, xa nhà cửa và vắng người qua lại…”
→ Hình ảnh “Cái lò gạch cũ” gắn với cuộc đời bi kịch và bất hạnh của Chí Phèo (Đó chính là Bi kịch bị bỏ rơi trở thành đứa trẻ mồ cô, tha hóa bị cường quyền, bị từ chối quyền làm người).
Ý nghĩa của Hình ảnh “Cái lò gạch cũ”:
– Về ý nghĩa tả thực chỉ là hình ảnh của chiếc lò nung gạch cũ, đã bị bỏ hoang, không còn giá trị sử dụng. Là nơi Chí Phèo bị vứt bỏ từ khi mới được sinh ra.
– Về ý nghĩa biểu tượng:
- Hình ảnh “Cái lò gạch cũ” gợi ra vòng luẩn quẩn của cuộc đời Chí Phèo, bi kịch của những kiếp người bị áp bức, chà đạp đến khốn khổ và tước đi quyền được sống, cái gọi hạnh phúc.
- “Bi kịch Chí Phèo” không chỉ là bi kịch của cá nhân riêng biệt mà là hiện trạng phổ biến quy luật trong xã hội xưa.
- Nghệ thuật: Việc hình ảnh được đặt ở đầu cuối tương ứng gợi ra kí ức liên tưởng sâu sắc về cuộc đời bi kịch của người nông dân trong xã hội xưa.
1.3 Kết bài:
Khái quát lại về giá trị nội dung và nghệ thuật của hình tượng “Cái lò gạch cũ”.
2. Phân tích hình ảnh cái lò gạch cũ trong truyện ngắn Chí Phèo hay nhất:
Nam Cao là một nhà văn tài năng chuyên “cày xới”, khám phá đời sống người dân làng quê Việt Nam trong xã hội xưa. Truyện của Nam Cao phản ánh hiện thực của cuộc sống và khơi dậy những tình cảm tốt đẹp, lay động đến tình người và ý thức đấu tranh, giành lấy những điều tốt đẹp. Tiêu biểu nhất cho tài năng của Nam Cao có thể kể đến là truyện ngắn Chí Phèo, kể về người nông dân hiền lành nhưng bị tha hóa và biến thành một con quỷ dữ. Trong tác phẩm, Nam Cao tập trung tái hiện bi kịch đau thương của Chí Phèo và đặc biệt là qua xây dựng thành công hình ảnh Chiếc lò gạch cũ.
Hình ảnh này xuất hiện hai lần trong tác phẩm, lần đầu là gắn với sự ra đời của Chí Phèo và lần thứ hai là khi Chí Phèo tự kết liễu chính mình, và nó chỉ xuất hiện trong tâm trí của Thị Nở. Hình ảnh lò gạch cũ xuất hiện thoáng qua nhưng có những ấn tượng đậm nét, gợi nhớ đến cuộc đời bất hạnh bị tha hóa đầy đớn đau của con người.
Cuộc đời của Chí Phèo ngay từ khi sinh ra gắn liền với chiếc lò gạch cũ. Khi áy Chí đã bị vứt bỏ tại nơi một lò gạch bỏ không, đó là hình ảnh “một đứa trẻ trần truồng và xám ngắt trong một cái váy đụp để bên một lò gạch bỏ không…”. Người đàn bà ấy không biết khốn khổ đến nhường nào đã sinh ra Chí Phèo mà lại vứt bỏ tại nơi vắng người qua lại như thế. Ngay từ khi chưa bắt đầu có nhận thức, cuộc đời Chí Phèo đã bị bỏ rơi, số phận thật trớ trêu làm sao!
Chí Phèo được người đánh ống lươn nhặt về, và lớn lên nhờ sự cưu mang của những con người ở làng Vũ Đại. Khi trưởng thành anh cũng chỉ là một anh canh điền hiền lành với ước mơ giản đơn có “một gia đình nhỏ, chồng cày thuê, vợ dệt vải, chúng lại bỏ một con lợn nuôi để làm vốn liếng. Khá giả thì mua dăm ba sào ruộng về làm”. Vậy mà ước mơ ấy mãi chẳng thể trở thành hiện thực khi hắn bị Bá Kiến đẩy vào tù vì cái cớ ghen tuông vô lí. Nhà tù thực dân đã biến hắn từ một người lương thiện biến thành một tên lưu manh. Sau khoảng thời gian bảy, tám năm đi biệt tích, hắn trở về làng cùng diện mạo “cái đầu thì trọc lốc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen mà rất cơng cơng, hai mắt gườm gườm trông gớm chết”. Nhà tù thực dân khiến hắn tha hóa về nhân hình và khi chấp nhận làm tay sai cho Bá Kiến, hắn bị tha hóa về nhân tính và giờ đây trở thành “con quỷ dữ” ở Vũ Đại.
Cuộc đời Chí trượt dài trong tội lỗi nhưng một sự kiện đặc biệt xảy ra là cuộc gặp gỡ bất ngờ với Thị Nở đã khiến hắn thay đổi. Sự quan tâm của người đàn bà mang vẻ ngoài “xấu ma chê quỷ hờn” đánh thức phần nhân tính trong hắn, khiến hắn khát khao lương thiện, khát khao làm hòa với mọi người. Nhưng thật trớ trêu mọi hi vọng đều bị dập tắt khi bị người con gái đã thức tỉnh hắn cự tuyệt. Trong sự đau đớn, Chí đã giết chết Bá Kiến và kết liễu cả cuộc đời mình.
Sau khi Chí Phèo chết, chiếc lò gạch cũ một lần hiện lên trong dòng suy nghĩ của Thị Nở. Chứng kiến cái chết đau thương ấy, Thị Nở nhớ lại ngày tháng chung sống với Chí, và một dự cảm không lành, khi nhìn xuống bụng của mình, trong đầu thị khi ấy “thoáng hiện ra một cái lò gạch cũ bỏ không, xa nhà cửa và vắng bóng người qua lại…”.
Sự xuất hiện của hình ảnh cái lò gạch cũ cuối tác phẩm tạo ra sự liên kết đầu cuối tương ứng và ẩn chứa được thông điệp nghệ thuật sâu sắc về “bi kịch Chí Phèo”. Nếu ở phần mở đầu, hình ảnh lò gạch cũ gắn với sự ra đời của Chí Phèo thì ở cuối nó lại gợi liên tưởng về một số phận bất hạnh trong tương lai. Sau những ngày chung sống bên Chí Phèo, trong bụng của Thị Nở đang nuôi dưỡng một sự sống. Qua sự thất thần ấy, phải chăng Thị Nở cũng đang lo sợ, liệu sau này đây Thị Nở cũng sẽ giống như người mẹ có đời sống khốn khổ từng sinh ra Chí Phèo và vì định kiến nghiệt ngã của xã hội đương thời mà “rứt ruột” vứt bỏ đứa con mới sinh của mình?
Hình ảnh chiếc lò gạch không đơn thuần mang ý nghĩa tả thực về một sự vật là cái lò nung gạch cũ kĩ, đã không được sử dụng lâu ngày và vắng người qua lại, là nơi Chí bị bỏ rơi mà còn mang ý nghĩa ẩn dụ đặc sắc. Chiếc lò gạch cũ ấy gợi ra sự lặp lại luẩn quẩn của những kiếp đời khốn khổ như Chí Phèo. Bá Kiến này đã bị giết, và nạn nhân của hắn là Chí Phèo mất đi thế nhưng cái ác, sự bất công còn tồn tại rồi sẽ còn nhiều “Chí Phèo”, nhiều “Bá Kiến” xuất hiện và rất nhiều những người dân bị áp bức khác và bị đẩy đến đường cùng. Chỉ khi xã hội không còn sự bóc lột tàn nhẫn thì con người mới được hạnh phúc.
“Cái lò gạch cũ” là hình ảnh nghệ thuật ấn tượng nhất trong truyện ngắn Chí Phèo. Dù chỉ với sự xuất hiện thoáng qua nhưng đã khái quát được toàn bộ sự đớn đau trong cuộc đời con người, và đó cũng là những trăn trở mang tính nhân văn của Nam Cao về số phận của những người dân bất hạnh trong xã hội đương thời. Đọc tác phẩm Chí Phèo ta thấm thía hơn về giá trị của văn chương không phải là cách đem đến sự thoát li hay sự lãng quên; mà văn chương là một thứ khí giới thanh cao mà chúng ta có thể thay đổi một cái thế giới tàn ác, giả dối, vừa làm cho lòng người thêm trong sạch, phong phú hơn…
3. Phân tích hình ảnh cái lò gạch cũ trong truyện ngắn Chí Phèo ngắn gọn nhất:
Nam Cao là nhà văn đã thổi hồn vào tác phẩm, và với truyện ngắn Chí Phèo, ta dường như lại nhìn thấy một người nông dân khốn cùng, có số phận đáng thương hơn là đáng trách, để lại những dư âm sâu đậm không thể xóa nhòa trong lòng người đọc. Chính vì vậy với hình ảnh “cái lò gạch bỏ không” là một nỗi ám ảnh về tình người và nhân sinh của Nam Cao.
Tác giả đã dựng nên nhân vật “Chí Phèo” nhằm lên án xã hội cũ bạo ngược, bất công, đàn áp và bóc lột người dân. Mở đầu ta đã được nghe Nam Cao kể về chàng Chí với câu chuyện đầy bất hạnh. Thì ra, Chí là một đứa trẻ mồ côi, được người ta nhặt về “trần truồng và xám ngắt trong một váy đụp để bên cái lò gạch bỏ không”. Chi tiết cái lò gạch xuất hiện để người đọc đặt câu hỏi về cuộc đời Chí: bố mẹ hắn là ai? Sinh ra từ đâu? và vì sao lại bị bỏ lại nơi cái lò gạch cũ tăm tối này. Cuộc đời Chí Phèo vừa ra đời đã gắn liền với nơi tối tăm hoang vắng, vì thế nên cuộc đời của hắn cũng tương tự như vậy như là định mệnh.
Nhà văn Nam Cao để hình ảnh “cái lò gạch cũ” chỉ xuất hiện trong ý nghĩ của Thị Nở chính là ý đồ nghệ thuật của nhà văn tạo nên kiểu kết cấu đầu cuối tương ứng hay còn gọi là kết cấu vòng tròn. Mâu thuẫn giai cấp giữa người nông dân và bọn địa chủ cường hoà được nhấn mạnh tô đậm bởi khi Bá Kiến này chết thì có lí Cường, và khi Chí Phèo chết thì có một Chí Phèo khác sẽ xuất hiện. Mâu thuẫn ấy khi âm ỉ, khi bùng lên dữ dội, nhưng không thể giải quyết khiến những con người lao động tấm lòng lương thiện bị xã hội đẩy vào đường cùng hóa lưu manh để chống trả với xã hội bằng cái lưu manh ấy là vấn đề thuộc về quy luật tất yếu của xã hội thực dân phong kiến đương thời. Số phận của những con người như Chí Phèo không thể sống tử tế, hiền lành, họ luôn bị đẩy vào con đường tội lỗi. Sức mạnh phê phán điển hình của hình tượng Chí Phèo là bộc lộ rõ được cái quy luật bi thảm này trong cái xã hội tối tăm của xã hội thời đó.
Nam Cao đã gây ám ảnh cho cho đến khi tận cái kết thúc của tác phẩm bằng hình ảnh “cái lò gạch cũ”. Và hình ảnh cái lò gạch cũ ấy còn dự đoán được về một tương lai u tối của đứa con trong bụng của Thị Nở. Đó cũng chính là cái tài trong phong cách nghệ thuật của Nam Cao.