Thiết kế xây dựng là việc tạo ra một bản vẽ hoặc tạo ra một quy ước nhằm tính toán việc xây dựng công trình trong tương lai, đây là bước cơ sở của hoạt động thi công công trình xây dựng. Vậy theo quy định của pháp luật thì chủ đầu tư có được thay đổi thiết kế trong quá trình thi công công trình xây dựng hay không?
Mục lục bài viết
1. Có được thay đổi thiết kế trong quá trình thi công không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 84 của Văn bản hợp nhất Luật xây dựng năm 2020 có quy định về vấn đề điều chỉnh thiết kế xây dựng. Theo đó, thiết kế xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt chỉ được điều chỉnh khi thuộc một trong những trường hợp sau đây:
-
Khi điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng có yêu cầu phải điều chỉnh thiết kế xây dựng;
-
Trong quá trình thi công công trình xây dựng, có yêu cầu bắt buộc phải điều chỉnh thiết kế xây dựng để nhằm mục đích đảm bảo an toàn, chất lượng công trình xây dựng và đảm bảo hiệu quả của dự án.
Đồng thời, khi điều chỉnh thiết kế xây dựng (trong trường hợp thuộc một trong những căn cứ nêu trên) mà có sự thay đổi về địa chất công trình xây dựng, trọng tải thiết kế của công trình xây dựng, giải pháp kết cấu, vật liệu của kết cấu chịu lực, biện pháp tổ chức thi công công trình xây dựng, ảnh hưởng đến an toàn chịu lực của công trình xây dựng, thì việc điều chỉnh thiết kế công trình xây dựng cần phải được thẩm định và phê duyệt lại căn cứ theo quy định tại Điều 82 của Văn bản hợp nhất Luật xây dựng năm 2020.
Như vậy, chủ đầu tư hoàn toàn có thể thay đổi thiết kế xây dựng trong quá trình thi công công trình trong trường hợp:
+ Phải điều chỉnh thiết kế xây dựng để đảm bảo chất lượng công trình;
+ Nhằm mục đích đảm bảo tính hiệu quả của dự án xây dựng.
(Theo điểm b khoản 1 Điều 84 của Văn bản hợp nhất Luật xây dựng năm 2020).
2. Khi điều chỉnh thiết kế thi công xây dựng thì có phải trình cơ quan chuyên môn thẩm định không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 39 của Nghị định 15/2021/NĐ-CP hướng dẫn một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng, có quy định về vấn đề thẩm định điều chỉnh thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở. Theo đó:
-
Cơ quan chuyên môn về xây dựng theo chức năng, thẩm quyền (căn cứ theo quy định tại Điều 36 của Nghị định 15/2021/NĐ-CP) thực hiện hoạt động thẩm định thiết kế xây dựng điều chỉnh khi thuộc một trong những trường hợp sau đây: Điều chỉnh thiết kế xây dựng, bổ sung thiết kế xây dựng có thay đổi về địa chất công trình xây dựng, trọng tài thiết kế công trình xây dựng, giải pháp kết cấu, vật liệu sử dụng cho kết cấu chịu lực của công trình xây dựng và các biện pháp tổ chức thi công công trình xây dựng, có ảnh hưởng đến an toàn chịu lực của toàn bộ công trình; khi điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng có yêu cầu cần phải điều chỉnh thiết kế xây dựng;
-
Quá trình thẩm tra thiết kế xây dựng điều chỉnh sẽ được thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 35 của Nghị định 15/2021/NĐ-CP hướng dẫn một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng;
-
Đối với thiết kế xây dựng điều chỉnh, thiết kế xây dựng bổ sung không thuộc một trong những trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 39 của Nghị định 15/2021/NĐ-CP thì chủ đầu tư có thể tự tổ chức thẩm định để làm cơ sở phê duyệt;
-
Quá trình điều chỉnh dự toán xây dựng công trình sẽ được thực hiện theo hướng dẫn cụ thể của Chính phủ về vấn đề quản lý chi phí đầu tư xây dựng và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan;
-
Thành phần hồ sơ thẩm định thiết kế xây dựng công trình đường chính sẽ bao gồm các loại giấy tờ sau: Các thành phần hồ sơ được quy định tại Điều 37 của Nghị định 15/2021/NĐ-CP của Chính phủ; và báo cáo tình hình thực tế thi công công trình xây dựng của các chủ đầu tư (trong trường hợp công trình xây dựng đã được thi công trên thực tế).
Theo đó, khi chủ đầu tư thay đổi thiết kế công trình xây dựng thuộc một trong những trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 39 của Nghị định 15/2021/NĐ-CP nêu trên, thì bắt buộc phải trình lên cơ quan chuyên môn về xây dựng để thực hiện thủ tục thẩm định thiết kế. Ngược lại, nếu điều chỉnh thiết kế xây dựng không thuộc một trong những trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 39 của Nghị định 15/2021/NĐ-CP của Chính phủ thì các chủ đầu tư có thể tự tổ chức thẩm định để làm cơ sở phê duyệt.
Vì vậy, trong trường hợp chủ đầu tư điều chỉnh thiết kế xây dựng và thuộc một trong các trường hợp: Điều chỉnh thiết kế xây dựng, bổ sung thiết kế xây dựng có thay đổi về địa chất công trình xây dựng, trọng tài thiết kế công trình xây dựng, giải pháp kết cấu, vật liệu sử dụng cho kết cấu chịu lực của công trình xây dựng và các biện pháp tổ chức thi công công trình xây dựng, có ảnh hưởng đến an toàn chịu lực của toàn bộ công trình; hoặc khi điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng có yêu cầu cần phải điều chỉnh thiết kế xây dựng; thì chủ đầu tư phải trình cơ quan chuyên môn về xây dựng để thực hiện thẩm định thiết kế.
3. Cơ quan nào có thẩm quyền thẩm định thiết kế xây dựng điều chỉnh?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 36 của Nghị định 15/2021/NĐ-CP hướng dẫn một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng, có quy định về vấn đề thẩm định thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở của cơ quan chuyên môn về xây dựng. Theo đó, đối với các công trình xây dựng thuộc dự án sử dụng vốn đầu tư công, cơ quan chuyên môn trong lĩnh vực xây dựng sẽ có quyền thẩm định bước thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở đối với các công trình, hạng mục xây dựng thuộc chuyên ngành quản lý của mình căn cứ theo quy định tại Điều 109 của Nghị định 15/2021/NĐ-CP hướng dẫn một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng, cụ thể như sau:
-
Cơ quan chuyên môn trong lĩnh vực xây dựng trực thuộc Bộ quản lý công trình xây dựng là cơ quan chuyên ngành, có thẩm quyền thẩm định đối với công trình xây dựng thuộc dự án đầu tư như: dự án do thủ tướng Chính phủ giao; dự án quan trọng cấp quốc gia; dự án xây dựng thuộc nhóm A; dự án xây dựng thuộc nhóm B do người đứng đầu cơ quan trung ương quyết định đầu tư hoặc phân cấp, ủy quyền quyết định đầu tư; dự án được đầu tư xây dựng trên địa bàn hành chính từ 02 tỉnh/thành phố trở lên; dự án thuộc nhóm C, thuộc phạm vi quản lý của Bộ, do Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành quyết định đầu tư hoặc quyết định phân cấp, hoặc ủy quyền quyết định đầu tư;
-
Cơ quan chuyên môn trong lĩnh vực xây dựng thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương là cơ quan có thẩm quyền thẩm định đối với các dự án, công trình được đầu tư xây dựng trên địa bàn hành chính của tỉnh;
-
Cơ quan chuyên môn trong lĩnh vực xây dựng thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh là cơ quan có thẩm quyền thẩm định đối với các dự án, công trình do Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh quyết định đầu tư, phân cấp, hoặc ủy quyền quyết định đầu tư.
Như vậy, theo điều luật nêu trên thì tùy thuộc vào công trình đầu tư xây dựng sử dụng nguồn vốn nào thì sẽ có sự khác nhau trong việc xác định cơ quan chuyên môn có thẩm quyền thực hiện hoạt động thẩm định thiết kế; và quá trình xác định cơ quan có thẩm quyền thẩm định thiết kế xây dựng điều chỉnh sẽ căn cứ theo Điều 36 của Nghị định 15/2021/NĐ-CP hướng dẫn một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng.
THAM KHẢO THÊM: