“Cảnh khuya” là một trong những bài thơ hay của Bác Hồ, được viết năm 1947 tại căn cứ địa cách mạng thời chống Pháp là Việt Bắc. Dưới đây là bài viết về chủ đề Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Cảnh khuya hay nhất kèm dàn ý
Mục lục bài viết
1. Dàn ý Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Cảnh khuya ngắn gọn nhất:
1.1. Mở bài:
Giới thiệu về tác giả Hồ Chí Minh và tác phẩm Cảnh khuya
Dẫn dắt người đọc vào vấn đề cần cảm nhận
1.2. Thân bài:
a. Cảm nhận về bức tranh thiên nhiên qua những nét vẽ khung cảnh núi rừng
– Vẻ đẹp của cảnh khuya gợi lên từ thanh âm: “Tiếng suối trong như tiếng hát xa”, gợi lên vẻ tĩnh lặng và ấm áp.
– Bức tranh đêm trăng giàu chất tạo hình với nét vẽ: “Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa”:
- Ánh trăng chiếu xuống mặt đất qua từng tán cây, xuống cả những bông hoa khiến không gian ngập tràn ánh trăng.
- Ánh trăng sáng chiếu xuống qua từng tán cây cổ thụ xuống mặt đất như những bông hoa.
=> Câu thơ gợi vẻ đẹp quyện hòa của thiên nhiên.
b. Cảm nhận về tâm hồn thi sĩ cùng chất chiến sĩ của nhân vật trữ tình:
– Hình ảnh gợi lên trạng thái “cảnh khuya như vẽ”, khắc họa cốt cách người nghệ sĩ rung động trước vẻ đẹp đêm trăng chốn rừng Việt Bắc.
– Hình ảnh “Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà” nói về vẻ đẹp của người chiến sĩ: ngắm cảnh thiên nhiên nhưng luôn lo lắng về hòa bình, độc lập của đất nước
– Điệp từ “chưa ngủ” đã tô đậm tình yêu thiên nhiên cùng tình yêu đối với nhân dân, đất nước của vị lãnh tụ Hồ Chí Minh.
1.3. Kết bài:
Nêu cảm nhận cá nhân về tác phẩm Cảnh khuya
2. Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Cảnh khuya hay nhất:
Bài thơ “Cảnh khuya” sáng tác năm 1947 trong những năm đầu của kháng chiến chống Pháp ở chiến khu Việt Bắc. Đây là bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp có vầng trăng sáng ở chiến khu, qua đó thể hiện tình yêu thiên nhiên, lòng yêu nước sâu sắc, tâm hồn nhạy cảm và phong thái ung dung, nhẹ nhàng của Bác Hồ.
Đoạn thơ là phong thái lạc quan, điềm tĩnh của Hồ Chí Minh khi dành những phút giây hòa mình với cảnh vật, thiên nhiên khiến người đọc thực sự khâm phục tâm hồn cao đẹp ấy. Giữa khung cảnh hoang sơ nơi đây, âm thanh đầu tiên Bác cảm nhận là: “Tiếng suối trong như tiếng hát xa”.
Đọc đoạn thơ cho thấy Bác thật tài tình khi so sánh tiếng suối được cảm nhận qua thính giác, nhưng đặc biệt là tiếng suối rất trong. Tuy không nếm được, không nhìn rõ nhưng ta có thể cảm nhận được cái trong trẻo và ngọt ngào của dòng suối ấy. Đây là món quà ý nghĩa, đáng quý mà thiên nhiên đã ưu ái dành cho vùng đất hoang sơ núi rừng mang tên Việt Bắc này.
Giữa núi rừng hoang vu, Người vẫn nghe thấy tiếng nước suối trong mà còn nghe cả tiếng người hát. Tiếng hát ấy được Bác so sánh với tiếng suối trong thật tài tình biết bao. Tiếng hát của người hát không rõ bắt nguồn từ đâu và là của ai hay là do nhà thơ tưởng tượng để làm nổi bật sự âm vang trong trẻo của tiếng suối. Từ đó khiến cho tiếng suối không còn thiếu sức sống mà bỗng trở nên trẻ trung, sôi động và làm cho cảnh thiên nhiên rừng yên tĩnh như được thổi hồn trong đó. Câu thơ khiến đọc giả thấy được tính nhân văn điển hình trong thơ Bác, khi mà cảnh vật luôn gắn liền với hình ảnh con người và không thể nào tách rời với con người.
Trong đêm thanh tĩnh, trong lúc say mê làm việc, Bác cảm nhận được tiếng suối trong vắt, rồi cảnh rừng thiên nhiên Việt Bắc khiến cho Bác phải say đắm. Đặc biệt khi Bác ngước lên nhìn trăng và một cảnh tượng đẹp đẽ, tuyệt vời hiện ra đầy ấn tượng: “Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa”.
Từ “lồng” được đặt trong cùng một câu thơ khiến người đọc phải suy nghĩ nhiều nó khiến chúng ta nghĩ đến hai thứ lồng vào nhau, kết hợp với nhau để tạo thành một thể thống nhất, hoàn chỉnh. Ở đây ánh trăng soi vào rừng cây cổ thụ trước cửa phòng Bác, khi mà bóng cây cổ thụ đang che cho những bông hoa phía dưới. Đối với Bác những hình ảnh này đã xây dựng nên một chỉnh thể thống nhất, tự nhiên.
Cảnh vật như hòa quyện vào nhau khiến thi nhân và độc giả xao xuyến với một bức tranh gồm có hai gam màu là sáng tối, cái trắng xóa như nhiều lớp tỏa sáng lung linh ở những cung bậc cao thấp, huyền ảo, chập chờn, sống động mà hài hòa, ấm áp quấn quýt với vô số màu sắc đa dạng.
Trăng – cây – hoa, là ba hình tượng cách xa nhau ngàn dặm, với vị trí cao thấp lớn nhỏ cũng rất khác nhau, nhưng lại có thể quyện vào nhau, nâng đỡ, soi sáng, hoà quyện để tôn lên vẻ đẹp tạo nên một bức tranh. Đó là những hình ảnh sống động, thơ mộng, có hồn. Từ “lồng” được lặp lại hai lần thật đắt giá tạo nên âm hưởng ngọt ngào, dịu nhẹ cho câu thơ vừa có hình vừa có ánh sáng và âm thanh.
Trên nền núi rừng Việt Bắc huyền ảo bởi ánh trăng và tiếng suối tạo nên một bản nhạc du dương hát mãi không ngừng, đó là một bức tranh phong cảnh đẹp có nhiều lớp, nhiều tầng với những mảng trắng đen đan xen. Có lẽ với tâm hồn thơ mộng và đôi mắt với bản chất biện chứng nên Bác đã phát hiện ra những vẻ đẹp tự nhiên mà nhiều người không nắm bắt được.
Nếu như ở hai câu thơ đầu, Bác miêu tả thiên nhiên thì hai câu thơ cuối là hình ảnh một vị lãnh tụ không ngủ vì lo lắng cho vận mệnh đất nước:
“Cảnh khuya như vẽ ai chưa ngủ
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”
Hai câu thơ cho ta thấy được tâm hồn yêu thiên nhiên của Bác, và chính thiên nhiên làm cho tâm hồn Bác trằn trọc, không ngủ được với nỗi trăn trở về đất nước. Giữa đêm trăng sáng có một người khắc khoải, hòa mình vào thiên nhiên cất lên những vần thơ về thiên nhiên núi rừng, nhưng lại mang một tâm sự khác: Chưa ngủ vì nỗi lo đất nước.
Câu thơ ngân vang thức tỉnh cho người đọc, thiên nhiên giúp Bác thư giãn, bớt đi những nhọc nhằn. Khi càng yêu thiên nhiên, trách nhiệm với công việc của Bác càng cao bởi đằng sau hình ảnh con người ung dung ngắm trăng là niềm khao khát về một đất nước hòa bình, để được sống tự do trong hạnh phúc. Bác trăn trở với câu hỏi: Bao giờ nước nhà được tự do để người dân được thảnh thơi ngắm trăng.
Trong thơ, người đọc vẫn gặp một chủ thể trữ tình ung dung làm việc, hòa mình với ánh trăng của núi rừng. Lo việc nước nhưng trong Bác vẫn dành cho thiên nhiên tình yêu say đắm. Điều này nói lên phẩm chất lạc quan, ung dung của Bác. Bài thơ thể hiện tâm hồn nhạy cảm và tinh thần trách nhiệm của Bác Hồ – vị lãnh tụ vĩ đại của Việt Nam; là minh chứng cho tâm hồn thanh cao của người nghệ sĩ – chiến sĩ Hồ Chí Minh.
3. Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Cảnh khuya điểm cao nhất:
Hồ Chí Minh là lãnh tụ cách mạng vĩ đại của dân tộc, nhưng Người cũng là một nhà thơ sát cánh bên cạnh những thi nhân Đông Tây kim cổ. Trong những năm tháng dân tộc chống Pháp, bên cạnh những sách lược đánh giặc tài tình, Người còn có những vần thơ chạm đến lòng người. Và “Cảnh khuya” là một trong số đó:
Tiếng suối trong như tiếng hát xa,
Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa.
Cảnh khuya như vẽ, người chưa ngủ,
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.
Bài thơ ra đời trong hoàn cảnh cuộc kháng chiến chống Pháp ác liệt của dân tộc ta trong năm 1947. Trên chiến khu Việt Bắc, sau những giờ làm việc mỏi mệt, trong cảnh đêm núi rừng thiên nhiên, Người vô cùng xúc động trước cảnh đêm yên tĩnh. Bác cảm nhận được giữa thiên nhiên hoang dã là tiếng suốichảy theo dòng: Tiếng suối trong như tiếng hát xa.
Âm thanh của tiếng suối được cảm nhận bằng thính giác, nhưng lại là sự “trong trẻo”. Đó hẳn là âm thanh rất ngọt ngào, mát lành, đó cũng là món quà đặc biệt mà núi rừng ban tặng riêng cho những người lính trên đã hành quân dài mệt mỏi. Không những thế mà tiếng suối còn trong trẻo như “trong như tiếng hát xa”.
“Tiếng hát xa” là một âm hưởng của một giọng thật cao với sức lan tỏa mạnh mẽ, khiến người ta từ xa vẫn cảm nhận được. Đó cũng là một bài hát vang lên trong khoảnh khắc tĩnh lặng bởi nó sẽ lẫn với bao âm thanh phức tạp, sống động của cuộc sống. Điều thú vị trong câu thơ là âm thanh của thiên nhiên được sánh với tiếng hát của con người thể hiện cảm hứng nhân văn sâu sắc trong lời thơ của Bác.
Cảnh đêm phải trong trẻo đến mức có thể nghe thấy tiếng suối róc rách và cũng không có gì khó hiểu bởi không gian thiên nhiên thường bao trùm nhiều âm thanh: tiếng chim hót, tiếng cây rừng xào xạc, tiếng gió thổi, tiếng thú gọi bầy…
Đây là khoảng lặng hiếm hoi của núi rừng về đêm khi tâm hồn con người thanh thản hòa mình vào vẻ đẹp của thiên nhiên. Thiên nhiên mới quyến rũ làm sao: Trăng soi và bóng cây, bóng hoa.
Hai từ “lồng” trong cùng một câu thơ là ấn tượng rất đặc biệt, chỉ việc các đồ vật được đặt vào nhau để tạo thành một tổng thể. Câu thơ hữu tình như một bức tranh sơn thủy : ánh trăng bao la soi bóng cây cổ thụ, bóng cây cổ thụ dịu dàng che cành hoa.
Bác dùng từ “lồng” khiến nó trở thành “nhãn thư” cho câu thơ khi cảnh vật như hòa quyện, nương tựa vào nhau thật duyên dáng và đáng yêu làm sao. Ánh nhìn của người chiến sĩ cách mạng Hồ Chí Minh cũng thật đằm thắm và bác ái.
Cảnh khuya tĩnh lặng càng làm nổi bật hình ảnh Bác thao thức trong đêm thanh vắng khi con người hòa mình vào thiên nhiên cất lên những vần thơ ca về núi rừng, nhưng tâm hồn con người lại đang gửi gắm đến một chân trời: Chưa ngủ vì nỗi lo nước nhà.
Câu thơ ngân vang thức tỉnh cho người đọc, Bác không nhàn nhã thưởng cảnh và chơi trăng mà vẫn đau đáu cho tình yêu với đất nước. Bác “mất ngủ” vì một lý do: “lo cho nước nhà”. Vì vậy, dù lòng có tạm hướng về cảnh vật xung quanh nhưng tâm hồn Bác vẫn luôn hướng về non sông, đất nước, dân tộc.
Đoạn thơ khép lại với âm vang bao la lan tỏa khiến người đọc hơn một lần cảm động trước tấm lòng nhân ái bao la và thi vị của Bác, nhưng mỗi lần đọc lại bài thơ “Cảnh khuya” lại trào dâng cảm xúc về một con người cả cuộc đời không ngơi nghỉ nghĩ về vận mệnh của đất nước