Là nhà văn suốt đời đi tìm cái đẹp và nhạy cảm với cái đẹp, nhà văn Nguyễn Tuân đã viết nên áng văn học đặc sắc mang tên Người lái đò sông Đà. Dưới đây là bài phân tích cái tôi của Nguyễn Tuân trong Người lái đò sông Đà hay nhất.
Mục lục bài viết
1. Dàn ý phân tích cái tôi của Nguyễn Tuân trong Người lái đò Sông Đà:
Mở bài:
Giới thiệu về tác giả và tác phẩm
Dẫn dắt người đọc vào vấn đề của đề bài:
Thân bài:
Là nhà văn có phong cách nghệ thuật ấn tượng, văn chương của Nguyễn Tuân hấp dẫn đọc giả bởi “cái tôi” tài hoa, giác quan sắc nhọn, uyên bác, tinh tế, nghệ thuật sử dụng vốn từ điêu luyện, giàu cảm xúc, hình ảnh. Sức hấp dẫn của ngòi bút tài hoa Nguyễn Tuân trong tác phẩm Người lái đò Sông Đà là ở sự giàu có về ngôn từ, sự công phu trong lựa chọn ngôn từ và quan sát. Tất cả đều mang đậm chất thơ ca Nguyễn Tuân.
– “Cái tôi” thể hiện ở sự rung động, say mê trước vẻ đẹp mĩ lệ của thiên nhiên đất nước; ở sự ngợi ca phẩm chất nghệ sĩ của những con người lao động; ở trang văn đẹp như nhạc, như thơ, như hoạ. Nhà văn đã phát hiện sông Đà như một sinh thể sống, hung bạo và trữ tình, từ đó tấu lên khúc tráng ca về con sông mạnh mẽ trên chốn thượng nguồn; luôn ngân nga những thanh âm trong trẻo, dịu dàng, êm ái chốn hạ lưu. Từ đó, tác giả đã tạc dựng hình ảnh người lái đò trong hành trình vượt thác đầy kịch tính và ngoạn mục. Nguyễn Tuân cũng hứng thú đặc biệt trong việc thể hiện, khám phá “chất vàng mười” trong trái tim, tâm hồn con người vùng đất Tây Bắc. Tất cả hội tụ ở Nguyễn Tuân một “cái tôi” tinh tế, tài hoa.
– “Cái tôi” uyên bác thể hiện ở sự khám phá và cách nhìn hiện thực có chiều sâu; vận dụng các tri thức của đời sống và kiến thức sách vở một cách phong phú, đa dạng;ở sự giàu có, đa dạng về chữ nghĩa. Các thuật ngữ mang đầy tính chuyên môn của các ngành điện ảnh, quân sự, thể thao,… được sử dụng một cách hết sức linh hoạt, chính xác về những ấn tượng, cảm giác về đối tượng. Hình ảnh sông Đà và người lái đò đã được tác giả miêu tả, tái hiện một cách ấn tượng từ những chi tiết điển hình, nhiều góc nhìn, tiêu biểu; những so sánh, liên tưởng bất ngờ, thú vị. Điều này cho thấy khả năng quan sát và cách sử dụng ngôn ngữ điêu luyện của Nguyễn Tuân.
– “Cái tôi” tài hoa, uyên bác là một cách thể hiện tình yêu quê hương đất nước nồng nàn, lòng yêu cái đẹp của nghệ sĩ chân chính; đồng thời là quan điểm của Nguyễn Tuân: viết văn chương là để khẳng định sự riêng biệt của chính người cầm bút. Thể loại thổ tuỳ bút, với đặc điểm của một lối văn chương “độc tấu” đã phát huy tối đa tác dụng của nó trong việc thể hiện “cái tôi” trữ tình của nhà văn.
Kết bài:
Nêu cảm nhận cá nhân
2. Phân tích cái tôi của Nguyễn Tuân trong Người lái đò Sông Đà hay nhất:
Mỗi một nhà văn như một loài hoa quý đặc biệt trong cánh rừng đại ngàn văn chương. Nhà văn Nguyễn Tuân đã đem lại hương thơm ngào ngạt và ấn tượng nhất cho nền văn học Việt Nam qua tùy bút “Người lái đò sông Đà” bằng cách tạo ấn tượng về một “cái tôi” cá nhân khác biệt bởi tình yêu thiên nhiên.
Nguyễn Tuân là con người suốt đời đi tìm cái đẹp và phong cách của ông nổi bật ở sự ngông ngạo, sự phóng túng, uyên bác, tài hoa. Tác phẩm “Người lái đò sông Đà” là sản phẩm của chuyến đi thực tế khi đến với vùng Tây Bắc xa xôi của Nguyễn Tuân. Qua tác phẩm, nhà văn đã bộc lộ một “cái tôi” riêng biệt, uyên bác, tài hoa và có ý thức sẵn sàng góp một phần chiến công trên mặt trận xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Trong bài tùy bút Người lái đò sông Đà ông đã rất tâm huyết bởi tài năng và phẩm hạnh của mình để sáng tác lên tác phẩm bi tráng này. Với tài năng nghệ thuật độc đáo ông đã tạo nên cho mình những sáng tác riêng mang bao dấu ấn mạnh mẽ và những cảm xúc chân thật để tái hiện con sông Đà hung bạo và trữ tình cũng như hình tượng Người lái đò.
Mở đầu tác phẩm là hình ảnh con sông Đà ngạo nghễ, cá tính chảy về hướng Bắc, đây cũng chính là đối tượng ể nhà văn Nguyễn Tuân bộc lộ nét riêng biệt của ngòi bút uyên bác. Cái “tôi” tài hoa thể hiện qua niềm say mê của Nguyễn Tuân trước vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên. Nguyễn Tuân đã miêu tả sông Đà hung bạo bằng cách sử dụng kĩ xảo ngôn từ của các ngành khoa học khác nhau để mang lại sự cảm nhận mới mẻ về sông Đà. Tác giả cảm nhận hình ảnh sông Đà để thấy được sự hùng vĩ của dòng sông. Sông Đà dữ dội ở cảnh thác đá và trùng vi thạch trận. Thông qua sự hung hiểm của thác đá, Nguyễn Tuân làm nổi bật lên sự hùng vĩ của sông Đà. Đá dựng “vách thành” gợi độ cao và độ hẹp đặc biệt khi con nai, con hổ nhảy vọt từ bờ này qua bờ kia. Dòng sông như một con thủy quái ở quãng mặt ghềnh Hát Loóng, quãng Tà Mường Vát. Với sự tài hoa, nhà văn Nguyễn Tuân phát lộ thành tiếng nói nghệ thuật trong những trận thủy chiến. Ở trùng vi thạch trận thứ nhất, dòng sông ở trận chiến cùng với ông lái đò, nhà văn Nguyễn Tuân đã miêu tả từ sự hùng vĩ đáng gờm khi chúng huy động cả đá lẫn nước thác để hạ gục ông lái đò. Đến trùng vi thạch trận thứ hai cửa tử mở ra nhiều hơn cửa sinh thì dòng sông trong thế đối lập với ông lái đò để làm nổi bật sự tinh anh của ông lái đò khi vượt qua thác đá. Sự hung bạo của dòng sông khi sang đến trùng vi thạch trận thứ ba thì càng dữ tợn hơn khi cả hai bên đều là luồng chết. Sông Đà là con thủy quái hung tợn, được miêu tả một cách chi tiết, gây cảm giác mạnh. Sông Đà hiện lên dưới trí tưởng tượng đa dạng và khả năng quan sát tỉ mỉ của nhà văn.
Dưới ngòi bút của Nguyễn Tuân thì dòng sông hiện lên cũng rất đỗi thơ mộng trữ tình bởi một cái tôi với tâm hồn yêu thiên nhiên sâu sắc. Sông Đà tạo nên sự riêng biệt của vùng núi Tây Bắc với hình ảnh so sánh độc đáo “con sông tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình”. Dòng sông mềm mại và vô cùng phù hợp với trạng thái của con người Việt Nam. Màu sắc của nước sông còn thay đổi theo từng mùa, lúc lại gợi cảm như là một cố nhân, với vẻ đẹp màu sắc Đường thi, lúc lại như một người bạn cố tri khiến nhà văn như gặp được một mảnh tâm hồn của chính mình. Hình ảnh sông Đà hiện lên ở nhiều góc độ, dưới sự quan sát và am hiểu chi tiết của nhà văn, sự vận dụng kiến thức của các ngành nghệ thuật để khắc họa dòng sông mạnh mẽ nhưng rất đỗi trữ tình.
Cái “tôi” Nguyễn Tuân phát hiện, ngợi ca vẻ đẹp nghệ sĩ của con người lao động cụ thể là hình ảnh ông lái đò. Người lái đò là hình tượng nghệ thuật đẹp của Nguyễn Tuân sau cách mạng Tháng Tám, là một nhân vật đặc biệt giữa núi rừng Tây Bắc, tuy bình thường nhưng có sức mạnh phi thường. Người lái đò có ngoại hình cái tay “lêu nghêu”, giọng nói thì “ào ào” như tiếng nước, cái chân “khuỳnh khuỳnh”. Trước sự hung bạo của thiên nhiên, người lái đò là người tài trí, dũng cảm, hiểu biết tường tận về dòng sông, và cả những quy luật phục kích của nơi ải nước. Người lái đò chỉ huy các cuộc vượt thác một cách khôn ngoan bằng cái nhìn từng trải nhưng cũng mang nét lãng mạn. Nhà văn Nguyễn Tuân luôn khám phá và tìm tòi về người anh hùng ngay giữa cuộc sống đời thường, trong cuộc đấu tranh với thiên nhiên. Nhà văn thu thập hình tượng về người anh hùng chinh phục thiên nhiên, mang vẻ đẹp sử thi, đời thường. Ông lái đò là hiện diện của “cái tôi” có trách nhiệm đối với đất nước, xã hội.
Qua tác phẩm “Người lái đò sông Đà”, ta thấy được “cái tôi” Nguyễn Tuân luôn khám phá ra vẻ đẹp ẩn chứa bên trong của dòng sông lẫn nhưng con người bình thường. Khép lại trang văn, ta vẫn suy nghĩ mãi về một dòng sông dữ dội nhưng rất trữ tình và con người tài ba nơi cảnh thác lũ của “cái tôi” tài hoa Nguyễn Tuân.
Với tài năng và nghệ thuật của Nguyễn Tuân đã tạo nên những câu văn nhẹ nhàng và cũng mang một tình cảm đặc biệt đối với dòng sông Đà mỹ lệ và không có gì sánh bằng. Hình ảnh về thiên nhiên và vùng đất Tây Bắc cũng được tác giả thể hiện tinh tế và hình ảnh về người lái đò sông đà cũng được khắc họa rất công phu và đặc sắc. Chính vì lẽ ấy nhà văn đã ví thiên nhiên vùng đất Tây Bắc như một thứ vàng mười, thật quý giá. Với tài năng và nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ điêu luyện của mình thì tác giả đã mang đến cho người đọc cái nhìn toàn diện hơn về nét thơ trong cái hung tàn của dòng sông cũng như cái nhìn đời sâu sắc về cống hiến của những con người lao động chân chính
3. Những cái “tôi” của Nguyễn Tuân được thể hiện qua tác phẩm:
“Người lái đò sông Đà” không chỉ là một tác phẩm văn học miêu tả vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên mà còn là một bức tranh chân thực về cái tôi độc đáo của nhà văn Nguyễn Tuân. Qua tác phẩm này, chúng ta có thể thấy rõ những nét đặc trưng của phong cách nghệ thuật và tư tưởng của ông.
Cái tôi khám phá và chinh phục:
- Ham hiểu và khám phá: Nguyễn Tuân luôn thể hiện một sự ham hiểu và khám phá không ngừng. Ông say mê tìm tòi những vùng đất mới, những điều mới lạ. Sông Đà, với vẻ đẹp hoang sơ và hiểm trở, chính là một thử thách mà ông muốn chinh phục.
- Tinh thần phiêu lưu: Qua nhân vật người lái đò, Nguyễn Tuân thể hiện tinh thần phiêu lưu, khám phá. Ông không chỉ miêu tả vẻ đẹp của sông Đà mà còn miêu tả cả sự can đảm, mạo hiểm của những người lái đò khi chinh phục dòng sông dữ.
Cái tôi nghệ sĩ tài hoa:
- Ngôn ngữ giàu có, hình ảnh độc đáo: Nguyễn Tuân là một bậc thầy về ngôn ngữ. Ông sử dụng ngôn ngữ một cách tài tình, sáng tạo, tạo nên những hình ảnh độc đáo, ấn tượng.
- Sử dụng nhiều biện pháp nghệ thuật: Ông sử dụng thành công các biện pháp nghệ thuật như so sánh, nhân hóa, ẩn dụ để làm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho tác phẩm.
- Phong cách độc đáo: Phong cách viết của Nguyễn Tuân mang đậm dấu ấn cá nhân, với những câu văn giàu chất thơ, giàu nhạc điệu.
Cái tôi yêu cái đẹp:
- Yêu thiên nhiên: Nguyễn Tuân yêu thiên nhiên say đắm. Ông miêu tả sông Đà với tất cả sự trân trọng, ngưỡng mộ.
- Yêu con người: Ông yêu con người lao động, những người có sức mạnh phi thường để chinh phục thiên nhiên.
Cái tôi cá tính mạnh mẽ:
- Quan điểm độc lập: Nguyễn Tuân luôn có những quan điểm riêng, độc lập. Ông không ngại bày tỏ những suy nghĩ, cảm xúc của mình.
- Tinh thần tự do: Ông khát khao tự do, không bị ràng buộc bởi bất kỳ khuôn khổ nào.
THAM KHẢO THÊM: