Tuyên ngôn độc lập là một áng văn chính luận mẫu mực, hội tụ đầy đủ những đặc trưng tiêu biểu của thể loại này. Nó là minh chứng cho tài năng nghệ thuật và tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dưới đây là bài viết về chủ đề chứng minh Tuyên ngôn độc lập là áng văn chính luận mẫu mực.
Mục lục bài viết
1. Dàn ý Chứng minh Tuyên ngôn độc lập là áng văn chính luận mẫu mực:
Mở bài:
Giới thiệu về tác giả, tác phẩm
Dẫn dắt người đọc vào vấn đề cần nghị luận: Chứng minh Tuyên ngôn độc lập là áng văn chính luận mẫu mực
Thân bài:
Tuyên ngôn Độc lập trước hết là một văn kiện chính trị, lịch sử
Là một văn kiện chính trị, lịch sử có ý nghĩa to lớn, khẳng định quyền độc lập, tự do của nhân dân và ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền ấy.
“Tuyên ngôn độc lập” được một người soạn thảo và đọc tác phẩm nhưng đó là tiếng nói của cả quốc gia:… “Chúng tôi, Lâm thời chính phủ của nước Việt Nam mới, đại biểu cho toàn dân Việt Nam, tuyên bố…; Toàn dân Việt Nam, trên dưới một lòng…”. Vì vậy, Tuyên ngôn Độc lập là văn kiện của cả dân tộc.
Tuyên ngôn Độc lập là áng văn chính luận mẫu mực của thời đại
Là văn kiện chứa đựng những nội dung chính trị, nhưng không hề khô khan, trừu tượng.
Có hệ thống lí luận chặt chẽ, lý lẽ sắc bén, bằng chứng thuyết phục:
-
Nêu cơ sở pháp lý.
-
Tiếp đến, đưa ra cơ sở thực tế về chủ quyền của dân tộc Việt Nam: tội ác của kẻ thù là thực dân Pháp về chính trị, kinh tế, quân sự,…
Khẳng định dân tộc Việt Nam.
Từ cơ sở pháp lý và thực tế hết sức chặt chẽ, đầy đủ, rõ ràng, Người đã đi đến tuyên bố nền Độc lập:
-
Tuyên bố thoát ly khỏi quan hệ thực dân với Pháp, xóa bỏ tất cả đặc quyền đặc lợi của Pháp trên đất nước Việt Nam ta.
-
Các nước Đồng minh phải công nhận chủ quyền độc lập của dân tộc Việt Nam.
-
Khẳng định Việt Nam có quyền độc lập, tự do.
Tuyên ngôn Độc lập chứa đựng tâm huyết của người viết
Lời văn “Tuyên ngôn độc lập” có lúc chắc chắn, vững chãi khi trích dẫn những văn kiện tuyên ngôn của Mỹ, Pháp.
Căm giận, đau đớn khi kể tội giặc Pháp.
Sung sướng, tự hào với sức mạnh của nhân dân khi đứng lên đánh đuổi kẻ thù là phát xít Nhật, giành lấy chính quyền.
Quyết tâm sắt đá bảo vệ quyền tự do và độc lập của dân tộc.
“Tuyên ngôn độc lập” được viết bởi một bậc thầy về ngôn ngữ
Câu văn uyển sinh động, chuyển, theo nhịp của giọng điệu của văn kiện Tuyên ngôn Độc lập; có câu đơn, nhưng phần lớn là câu phức gồm nhiều mệnh đề.
Sử dụng những cấu trúc trùng điệp.
-
Trùng điệp về các từ: “Dân ta… Dân ta… Chúng tôi… Chúng tôi… Một dân tộc… Một dân tộc”.
-
Trùng điệp về cấu trúc câu: “Chúng thi hành… dã man; Chúng lập ba chế độ… đoàn kết; Chúng lập ra nhà tù…; Chúng ràng buộc…”
-
Trùng điệp về nội dung theo mức độ tăng tiến.
Câu văn giàu hình ảnh tượng hình: tắm các cuộc khởi nghĩa … bể máu; thẳng tay chém giết; nước ta xơ xác, tiêu điều; bóc lột đến xương tuỷ; ngóc đầu lên; quỳ gối đầu hàng…
Kết bài:
Nêu cảm nhận của em về vấn đề chứng minh.
2. Ý chính khi viết chứng minh Tuyên ngôn độc lập là áng văn chính luận mẫu mực:
Tuyên ngôn độc lập, do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo và đọc tại Quảng trường Ba Đình lịch sử vào ngày 2/9/1945, là một áng văn chính luận mẫu mực, thể hiện đầy đủ những đặc trưng tiêu biểu của thể loại này.
Về nội dung:
- Khẳng định những chân lý về quyền của con người và dân tộc: Ngay từ đầu, Tuyên ngôn đã khẳng định những chân lý phổ quát về quyền tự do, bình đẳng, tự quyết của con người và dân tộc, thể hiện tư tưởng tiến bộ, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại.
- Phân tích tình hình nô lệ của nhân dân ta dưới ách thực dân Pháp: Tuyên ngôn vạch trần tội ác của thực dân Pháp, phơi bày sự áp bức, bóc lột tàn bạo của chúng đối với nhân dân ta, khơi dậy lòng căm phẫn và ý chí quyết tâm giành độc lập của nhân dân.
- Khẳng định quyền tự quyết, tự do của dân tộc Việt Nam: Tuyên ngôn khẳng định mạnh mẽ quyền tự quyết, tự do của dân tộc Việt Nam, dựa trên những cơ sở pháp lý và lịch sử vững chắc.
- Tuyên bố độc lập và nêu quyết tâm bảo vệ độc lập: Tuyên ngôn chính thức tuyên bố độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đồng thời nêu quyết tâm bảo vệ độc lập bằng mọi giá.
Về nghệ thuật:
- Hệ thống luận điểm chặt chẽ, logic: Các luận điểm được sắp xếp theo trình tự hợp lý, dẫn dắt người đọc từ nhận thức chung về quyền con người, đến thực trạng bi thảm của dân tộc dưới ách áp bức, từ đó khẳng định quyền tự quyết, tự do và tuyên bố độc lập một cách đanh thép, logic.
- Sử dụng đa dạng các biện pháp tu từ: Tuyên ngôn sử dụng nhiều biện pháp tu từ như: phép liệt kê, phép đối, phép điệp, … nhằm tăng sức thuyết phục và khẳng định tính chân lý của những luận điểm được nêu ra.
- Lập luận chặt chẽ, sắc sảo: Tuyên ngôn sử dụng lập luận chặt chẽ, sắc sảo, dẫn chứng thuyết phục, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
- Ngôn ngữ giản dị, dễ hiểu: Tuyên ngôn sử dụng ngôn ngữ giản dị, dễ hiểu, phù hợp với trình độ nhận thức của đông đảo quần chúng nhân dân, giúp truyền tải thông điệp một cách hiệu quả.
- Khơi dậy cảm xúc, lòng tự hào dân tộc: Tuyên ngôn khơi dậy lòng căm phẫn trước ách áp bức, đồng thời bồi đắp niềm tự hào dân tộc, ý chí quyết tâm giành độc lập của nhân dân.
3. Bài văn mẫu chứng minh Tuyên ngôn độc lập là áng văn chính luận mẫu mực:
“Tuyên ngôn độc lập” (năm 1945) của Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đời trong bối cảnh lịch sử đất nước ta khi chính quyền cách mạng còn non trẻ đứng trước rất nhiều thử thách. Bản tuyên ngôn giải quyết hai nhiệm vụ: một là khẳng định nền độc lập của dân tộc, hai là phủ định lí lẽ dối trá của bọn thực dân cướp nước trước nhân daan thế giới. Vì thế Hồ Chí Minh luôn dùng những lập luận chặt chẽ, những lí lẽ đanh thép, những bằng chứng không thể chối cãi để viết nên áng văn chính luận mẫu mực này. Văn kiện lập quốc này cũng là niềm tự hào dân tộc mãnh liệt, tấm lòng yêu nước nồng nàn, sự khao khát độc lập và ý chí quyết tâm bảo vệ nền tự do của nhân dân Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản tuyên ngôn trong bối cảnh ở phía Nam đất nước, thực dân Pháp cùng quân đội Anh đang tiến quân vào Đông Dương để giải giác vũ khí của Phát xít Nhât; còn ở phía Bắc nước ta thì có hai mươi vạn quân Tưởng và đồng bọn tay sai của đế quốc Mĩ. Vậy bản tuyên ngôn không chỉ là áng văn chính luận mẫu mực hướng đến đồng bào cả nước, mà là tất cả nhân dân thế giới nói chung và bọn thực dân, đế quốc đang âm mưu quay trở lại xâm chiếm nước ta nói riêng.
Bản tuyên ngôn được Hồ Chí Minh mở đầu bằng cách trích dẫn lời hai bản tuyên ngôn lịch sử của Mỹ và Pháp: “Tất cả mọi người đều sinh ra tự do và bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” (trong bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ năm 1776); “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi” (trích trong bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của nước Pháp năm 1789). Tư tưởng tiến bộ của các nước tư bản lớn có ảnh hưởng mạnh mẽ và rộng khắp trên thế giới. Vì thế việc trích dẫn hai bản tuyên ngôn sẽ dễ tạo được sự công nhận, buộc nhiều nước thừa nhận quyền độc lập, tự do, dân chủ , bình đẳng của Mĩ, của Pháp cũng giống như Việt Nam. Đây là một cơ sở pháp lí rất vững vàng, chắc chắn.
Cách trích dẫn thể hiện chiến thuật sắc bén của Hồ Chí Minh, vì Hồ Chí Minh tỏ ra trân trọng những văn kiện bất hủ của người Pháp , người Mỹ những cũng đồng thời nhắc nhở chính họ đừng phản bội tổ tiên mình, vấy bẩn lên ngọn cờ nhân đạo của những cuộc cách mạng vĩ đại. Nó cũng gợi lên niềm tự hào dân tộc to lớn khi đặt Bản tuyên ngôn nước ta ngang hàng với các bản tuyên ngôn của hai nước Pháp và Mĩ. Tức là ba nền độc lập, ba cuộc cách mạng, ba quốc gia được đặt ngang hàng. Bản tuyên ngôn khẳng định: “Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập”, đây cũng là nhiệm vụ của cách mạng nước Mỹ: đấu tranh giải phóng dân tộc; bên cạnh đó “Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa”, là tinh thần của cuộc cách mạng nhân quyền, dân quyền của nước Pháp.
Hồ Chí Minh chặn đứng ngay âm mưu của kẻ thù thấu tình đạt lý khi: “Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.”. Cách nói ấy dễ hiểu lại và có nghĩa lớn lao đối với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trên thế giới như phát súng lệnh mở đầu cho cuộc bão táp cách mạng đánh vào chủ nghĩa thực dân thời điểm nửa sau thế kỉ XX. Hồ Chí Minh kết lại phần mở đầu với quan điểm chắc nịch của Người: “Đó là những lẽ phải không ai có thể chối cãi được”. Quyền độc lập của dân tộc Việt Nam đã có một cơ sở sâu xa, một hậu thuẫn vững chắc.
Bọn thực dân tung ra trước dư luận thế giới những lí lẽ dối trá để chuẩn bị cho cuộc tái chiếm nước ta, chúng đã: Đông Dương trong đó có Việt Nam vốn là thuộc địa của Pháp, và chúng có quyền công khai hóa, nay trở lại là lẽ đương nhiên. Nhưng với bản tuyên ngôn của Hồ Chí Minh đã bóc trần bản chất cướp nước ấy với một hệ thống dẫn chứng xác đáng, và những lí lẽ hùng hồn. Từ chuyển ý đầy ấn tượng “thế mà” như một điểm tựa hất tung bộ mặt xảo trá của thực dân Pháp, làm lộ tẩy chân tướng chiêu bài văn minh, khai hóa thực chất là xâm lược. Bằng một câu văn: “Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa”, Người đã kết tội thực dân, đập tan luận điệu xảo trá và đưa ra những dẫn chứng cụ thể, xác đáng, vạch ra tội ác dã man của chúng trong hai lĩnh vực chính trị và kinh tế.
Mười bốn câu văn dẫn ra những hành động của tàn ác của kẻ thù khác hẳn với nhân đạo và chính nghĩa. Từ khi Thực dân Pháp vào Việt Nam chúng “tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào”, biến Việt Nam thành thuộc địa. Và còn những chính sách bóc lột tàn nhẫn khác: “Chúng thi hành những luật pháp dã man/Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học/Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu. Về kinh tế, chúng bóc lột dân ta đến tận xương tủy, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều”. Tội ác của chún gây ra nạn đói “từ Quảng Trị đến Bắc Kì hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói”. Với những điều đó, Hồ Chí Minh đã kết tội của bọn thực dân Pháp.
Mùa thu năm 1940, khi phát xít Nhật xâm lược Đông Dương thì quân Pháp với tư cách là “quốc mẫu” đã “quỳ gối đầu hàng, mở cửa nước ta rước Nhật”. Đây là cách nói mỉa mai của Hồ Chí Minh khi vạch trần bản chất bạc nhược của bọn thực dân Pháp khiến nhân dân ta chịu cảnh một cổ hai tròng xiềng xích: Pháp và Nhật. Khi Nhật đảo chính vào ngày 9 tháng 3 năm 1945, “bọn thực dân Pháp hoặc là bỏ chạy, hoặc là đầu hàng” thật hèn hạ. Đoạn văn thể hiện sự khôn khéo của Hồ Chí Minh khi loại bỏ bọn thực dân Pháp ra khỏi hàng ngũ Đồng Minh bởi, chúng đã bán Việt Nam cho Nhật và chúng cự tuyệt quân Đồng minh để chống phát xít, hơn nữa chúng khủng bố những người Đồng Minh. Với những bằng chứng lịch sử ấy, một lần nữa Hồ Chí Minh kết tội bọn thực dân Pháp ở vùng Đông Dương đã hèn nhát phản bội Đồng Minh, bỏ mặc nghĩa vụ chống phát xít.
Hồ Chí Minh còn khẳng định chúng không có quyền quay trở lại Việt Nam bởi dân tộc ta đã không còn là thuộc địa của Pháp vì “từ mùa thu năm 1940, nước ta đã thành thuộc địa của Nhật, chứ không phải thuộc địa của Pháp nữa”. Và “Sự thật là dân ta lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp”. Điệp từ ấn tượng ở câu văn là “sự thật là” lặp lại làm tăng âm hưởng đanh thép, hùng hồn, chắc chắn cho bản tuyên ngôn. Đó là một thành công trong lập luận thuyết phục, chặt chẽ của Hồ Chí Minh giúp ta càng công nhận Tuyên ngôn độc lập là một áng văn chính luận mẫu mực, sắc sảo, hùng hồn.
Trong bản tuyên ngôn, để vạch trần tội ác tàn bạo của bọn thực dân, Hồ Chí Minh sử dụng từ ngữ giàu hình ảnh cùng với giọng điệu câu văn có sự biến đổi thể hiện những cung bậc cảm xúc. Điều đó tạo sức thuyết phục thông qua những cảm xúc giản chân thật nhất của Người: “Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu”, “Chúng bóc lột dân ta đến tận xương tủy”…Hồ Chí Minh còn sử dụng những từ đồng nghĩa để khắc sâu hình ảnh đất nước Việt Nam sau hơn 80 năm bị dày xéo: “Về kinh tế, chúng bóc lột dân ta đến tận xương tủy, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều”. “Tuyên ngôn độc lập” còn là áng văn chính luận bộc lộ từ tấm lòng yêu nước nồng nàn ở Hồ Chí Minh. Những đoạn văn dài ngắn xen kẽ nhau như nhịp cảm xúc lên xuống khiến những đau thương và căm hờn lại sôi trò đanh thép. Có lẽ đây chỉ là những dòng văn cuối nên Hồ Chí Minh không giành thời gian luận tội mà trực tiếp kết tội thực dân Pháp trước dư luận thế giới.
Từ đó, Hồ Chí Minh tuyên bố với thế giới rằng: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Nó là “lẽ phải không ai chối cãi được”, là kết quả đấu tranh bền bỉ của biết bao con người Việt Nam suốt gần một trăm năm và giờ đây “sự thật đã thành nước tự do, độc lập”. Từ nay nước Việt Nam độc lập tự do song do chính quyền cách mạng còn non trẻ phải đương đầu với bao thử thách chồng chất. Vì vậy đẩy lùi nguy cơ ấy là cuộc chiến đấu vũ trang trước mắt của toàn dân.
Như vậy, Tuyên ngôn độc lập là một áng văn chính luận tiêu biểu vô cùng mẫu mực khai sinh ra một dân tộc mới là Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bằng lập luận, lí lẽ sắc bén, giọng văn luân chuyển nhịp nhàng, Hồ Chí Minh vừa vạch ra hàng loạt tội ác tàn ác của thực dân Pháp, vừa tỏ lòng biết ơn sâu sắc trước sự hi sinh, tình yêu quê hương nồng nàn sắc của dân tộc Việt Nam đã tập hợp thành một làn sóng mạnh mẽ. Văn kiện Tuyên ngôn độc lập mở ra một trang sử mới, thời kỳ mới cho nước nhà, đó là kỉ nguyên độc lập tự do.
THAM KHẢO THÊM: