Từ trước cho đến nay, việc tu dưỡng đạo đức cách mạng vẫn luôn được đánh giá là vô cùng quan trọng. Chính vì thế, bài viết dưới đây chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng cũng như liên hệ đến chính bản thân mỗi người.
Mục lục bài viết
1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng:
Trong suốt cuộc đời hoạt động của mình, ta nhận thấy rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn quan tâm đến vấn đề đạo đức và việc tu dưỡng đạo đức, coi đạo đức chính là cái gốc của những người cách mạng. Đạo đức cách mạng trong tư tưởng của Hồ Chí Minh vẫn luôn có sự nhất quán và tính logic cao. Dựa trên cơ sở truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc, cũng như chắt lọc tinh hoa đạo đức của nhân loại, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn phát triển và sáng tạo những giá trị tư tưởng đạo đức mới phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
– Đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi đạo đức là gốc, nền tảng của người cách mạng. Khi bàn về vai trò quan trọng của đạo đức, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, đạo đức cũng là yếu tố không thể thiếu trong đời sống xã hội loài người và đối với cá nhân con người. Đối với người cách mạng, đạo đức có một vai trò vô cùng quan trọng.
Như vậy, tiêu chuẩn đầu tiên của người cán bộ là phẩm chất đạo đức. Các chủ thể là những người cán bộ phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức mới có thể trở thành người cán bộ chân chính, mọi việc thành hay là bại, chủ chốt là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng, hay là không.
Vậy, đạo đức chính là động lực to lớn giúp cho những người cách mạng vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hiểm nguy. Nhận thức đúng đắn vị trí, ý nghĩa và tầm quan trọng của đạo đức đối với người cách mạng cho nên ngay từ đầu cũng như trong suốt toàn bộ sự nghiệp cách mạng của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất quan tâm, coi trọng việc xây dựng đạo đức cách mạng cho các cán bộ, Đảng viên và Nhân dân ta.
– Tiếp theo đạo đức cách mạng được thể hiện ở các phẩm chất sau đây: trung với nước, hiếu với dân; yêu thương con người; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; tinh thần quốc tế trong sáng. Những phẩm chất đó có mối quan hệ tác động qua lại biện chứng với nhau, thiếu một phẩm chất thì người CBĐV không thể làm tròn nhiệm vụ do Đảng, Nhân dân và cách mạng giao phó. Vấn đề đạo đức cách mạng và giáo dục đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, Đảng viên được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập tới trong nhiều tác phẩm quan trọng.
+ Trung với nước, trung với Đảng, hiếu với dân thì ta hiểu đây chính là một phẩm chất, chuẩn mực có ý nghĩa quan trọng hàng đầu của người cách mạng, là tiêu chuẩn để xem xét, đánh giá đạo đức của con người, của mỗi chiến sỹ cách mạng.
Trung với nước, trung với Đảng, hiếu với dân được coi là nội dung cơ bản nhất, bao trùm nhất trong tư tưởng đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thể hiện mối quan hệ giữa con người với Tổ quốc và Nhân dân. Trung với nước được hiểu chính là trung thành với sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc, phải đặt lợi ích của cách mạng, của Tổ quốc lên trên hết, trước hết và quyết tâm đấu tranh cho sự phồn vinh của đất nước, đem lại ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân. Cũng chính vì thế theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trung với nước cũng là trung với Đảng, trung thành với mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng, với sự nghiệp cách mạng của dân tộc do Đảng lãnh đạo, đó là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Hiếu với dân theo Chủ tịch Hồ Chí Minh đó chính là phải tôn trọng, yêu kính Nhân dân, gắn bó máu thịt với Nhân dân, khẳng định sức mạnh to lớn của Nhân dân và phải coi dân là gốc, nền tảng của sự nghiệp cách mạng.
+ Yêu thương con người: Từ phân tích trên, ta nhận thấy trung với nước, hiếu với dân chính là phẩm chất của mỗi con người, mỗi công dân đối với Tổ quốc, đối với Nhân dân, còn yêu thương con người lại được Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá là trách nhiệm của mỗi con người đối với con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng yêu thương con người là phẩm chất cao đẹp nhất của con người. Yêu thương con người thì trước hết là tình cảm dành cho những người bị áp bức, bóc lột, những người cùng khổ. Yêu thương con người còn được thể hiện trong mối quan hệ hằng ngày với những người đồng chí xung quanh, trong cuộc sống bình thường. Phải luôn nghiêm khắc với bản thân, nhưng rộng rãi độ lượng với người khác.
+ Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư: Đây có thể nói chính là phẩm chất trung tâm của đạo đức cách mạng trong tư tưởng đạo đức của Hồ Chí Minh. Mà thiếu một đức được nêu trên, thì không thành người.
Theo Hồ Chí Minh, “cần” là phải lao động cần cù, siêng năng, sáng tạo, năng suất, hiệu quả cao, không được lười biếng; “kiệm” là phải tiết kiệm sức lao động, thì giờ, tài sản, tiền bạc của dân, của nước, của bản thân mình, không xa xỉ, phô trương, hình thức; “liêm” đó là cần phải luôn tôn trọng giữ gìn của công, không tham địa vị, tiền tài, danh vọng; “chính” là không tà, thẳng thắn, đúng đắn, chân thành, khiêm tốn, không tự cao, tự đại, không dối trá, lừa lọc; việc thiện dù nhỏ mấy cũng làm, việc ác dù nhỏ mấy cũng tránh. Cần, kiệm, liêm, chính còn là thước đo trình độ văn minh, tiến bộ của một dân tộc.
“Chí công vô tư” được hiểu cơ bản chính là các chủ thể đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng, của Tổ quốc và của Nhân dân lên trên lợi ích của bản thân; lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ. Cho nên, thực hành chí công vô tư cũng có nghĩa là kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng.
Như vậy, ta nhận thấy rằng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư có mối quan hệ mật thiết, khăng khít với nhau, tạo nên sự thống nhất trong phẩm chất đạo đức của người cách mạng. Về thực chất, chí công vô tư là nối tiếp cần, kiệm, liêm, chính. Cần, kiệm, liêm, chính sẽ dẫn đến chí công vô tư và ngược lại.
+ Tinh thần quốc tế trong sáng trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh coi cách mạng Việt Nam là một bộ phận khăng khít của cách mạng thế giới. Đó là cơ sở bền vững để xây dựng tình cảm cách mạng trong sáng, thuỷ chung giữa các dân tộc bị áp bức và nhân dân lao động trên thế giới trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung, vì nền độc lập của mỗi quốc gia dân tộc và quyền tự do, hạnh phúc của mỗi con người.
Tinh thần quốc tế trong sáng sẽ cần phải được thể hiện trong việc kết hợp chặt chẽ giữa chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế vô sản, gắn mục tiêu cách mạng của mỗi nước với mục tiêu chung của thời đại đó là những mục tiêu: hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Nhận thức rõ điều đó nên trong quá trình Chủ tịch Hồ Chí Minh đi tìm đường cứu nước cũng như sau này trở thành lãnh tụ của dân tộc Việt Nam, Hồ Chí Minh luôn coi trọng việc giáo dục chủ nghĩa quốc tế vô sản cho Nhân dân ta.
2. Liên hệ bản thân về đạo đức cách mạng:
Đối với mỗi cá nhân khác nhau thì sẽ có sự nhìn nhận về đạo đức cách mạng có thể không hoàn toàn giống nhau. Dưới đây là thực trạng cũng như định hướng bản thân về việc tu dưỡng đạo đức cách mạng cụ thể như sau:
– Thực trạng về đạo đức cách mạng:
Hiện nay, vấn đề đạo đức cách mạng được đề cao theo hướng đẩy mạnh mạnh mẽ đối với cán bộ, công chức, viên chức, lãnh đạo,…
Nhìn chung, ta nhận thấy, đa phần các chủ thể đã đáp ứng được những nhiệm vụ đặt ra, có ý thức kỷ luật, có tinh thần trách nhiệm trong công việc, đặt ra lối sống lành mạnh để thực hiện góp phần vào sự phát triển của kinh tế xã hội nhất là trong thời kỳ – hội nhập kinh tế quốc tế.
Bên cạnh mặt tích cực đó trong rèn luyện đạo đức cách mạng thì hiện nay vẫn có những điểm tiêu cực xuất hiện trong cuộc sống hằng ngày. Trong đó, cụ thể là một số cá nhân, tổ chức hay một bộ phận cán bộ, đảng viên bị thoái hóa, biến chất, thiếu tu dưỡng và rèn luyện đạo đức cách mạng. Từ đó, gây ra việc bản thân ích kỷ, bị sa đà vào những cám dỗ về lợi ích vật chất gây ra những sự việc đáng buồn, rạn nứt niềm tin trong lòng nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
– Định hướng của bản thân về việc nâng cao, tu dưỡng đạo đức cách mạng:
Việc mỗi cá nhân, tổ chức cần có một kế hoạch, định hướng riêng trong việc nâng cao, tu dưỡng đạo đức cách mạng đó chính là một việc làm cần thiết ngay lúc này. Dưới đây là những định hướng của bản thân về việc nâng cao, tu dưỡng đạo đức cách mạng:
+ Dù là bất cứ ai, công dân hay cán bộ, viên chức, công chức ở bất kỳ đơn vị nào cũng cần nêu cao tinh thần ý thức về đạo đức cách mạng, bên cạnh đó cần kịp thời chấn chỉnh những hành vi biểu hiện không đúng đắn.
+ Mỗi chúng ta sẽ cần noi theo những tấm gương sáng, không sa đà đua đòi theo những bộ phận suy thoái đạo đức cách mạng, đồng thời tố cáo, phản ánh tới cơ quan có thẩm quyền để kịp thời xử lý triệt để những hành vi tiêu cực đó.
+ Kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền về việc thường xuyên tổ chức giáo dục để nhằm mục đích có thể tuyên truyền về đạo đức cách mạng Chủ tịch Hồ Chí Minh,..
+ Bên cạnh đó sẽ cần thường xuyên kiểm tra đồng thời nghiêm khắc xử lý, không bao che những trường hợp sai phạm dù là công dân hay cán bộ để nhằm từ đó có thể củng cố niềm tin của toàn dân với Nhà nước, pháp luật Việt Nam
+ Ngoài ra, không chỉ nghiêm khắc xử lý những người có hành vi đạo đức cách mạng công minh mà việc khen thưởng đối với những cá nhân, tổ chức gương mẫu về đạo đức, lối sống cũng rất cần thiết. Từ đó, tạo ra động lực để mà mỗi chúng ta cố gắng noi theo, phát huy những chuẩn mực đáng học hỏi.
Như vậy, ta nhận thấy, trong giai đoạn hiện nay, mỗi cá nhân chúng ta cần có định hướng riêng của bản thân về việc nâng cao, tu dưỡng đạo đức cách mạng, thông qua đó mỗi người cũng sẽ góp một chút sức lực nhỏ bé tạo nên một lối sống lành mạnh, đấu tranh đẩy lùi những biểu hiện, hành vi suy thoái về đạo đức cách mạng trên đất nước.