Vai trò của Hồ Chí Minh đối với sự phát triển của tư tưởng triết học Việt Nam? Với Hồ Chí Minh, lịch sử triết học Việt Nam đã chuyển sang một thời kỳ phát triển mới, hiện đại. Hãy cùng phân tích vai trò ấy một cách chi tiết ở bài viết dưới đây:
Từ khi thực dân Pháp xâm lược và đặt ách cai trị thực dân ở Việt Nam đã làm xuất hiện hai nhu cầu lớn của lịch sử là giải thích sự thất bại của triều đại phong kiến nhà Nguyễn và tìm con đường cứu nước, giải phóng dân tộc,
Để giải quyết hai nhu cầu đó của lịch sử, các nhà tư tưởng Việt Nam thời kỳ này đã trở về với các hệ tư tưởng đã có trong lịch sử. Họ dùng các lý luận của Nho giáo và Phật giáo để giải thích các sự kiện lịch sử và cố tìm kiếm con đường giải phóng dân tộc theo thế giới quan và phương pháp luận của Nho giáo, Phật giáo. Tiêu biểu nhất là phong trào chấn hưng Phật giáo ở Nam Kỳ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Tuy nhiên, mọi cố gắng của các nhà tư tưởng Việt Nam thời kỳ này đều thất bại. Bởi lẽ, về mặt thực tế, sự thất bại của triều đại phong kiến nhà Nguyễn là sự thất bại của một phương thức sản xuất ở trình độ thấp hơn phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, Ở phương Tây, phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa đã chứng minh sức mạnh của nó bằng việc tiêu diệt không thương tiếc phương thức sản xuất phong kiến và tiếp tục bành trường sức mạnh của nó trên phạm vi quốc tế,
Về mặt ý thức hệ, tư tưởng tư sản ở trình độ phát triển cao hơn ý thức hệ phong kiến, bởi lẽ ý thức hệ chính trị tư sản dựa trên một thế giới quan duy vật thời cận đại, gắn liền với những tri thức khoa học tự nhiên ở thế kỷ XVII – XVIII.
Trong khi đó, ý thức hệ phong kiến Việt Nam trong lịch sử gần một ngàn năm thời kỳ độc lập tự chủ (từ thế kỷ X) là ý thức hệ xác lập trên nền tảng căn bản là thế giới quan duy tâm, gắn với những quan niệm tôn giáo và tín ngưỡng – đó là thế giới quan và phương pháp luận của Nho giáo và Phật giáo.
Thế giới quan Nho giáo, dù là Nho giáo ở Trung Quốc hay ở Việt Nam, về căn bản đều là thế giới quan và phương pháp luận duy tâm về lịch sử.
Thế giới quan Phật giáo cổ đại có nhiều yếu tố duy vật với những tư tưởng biện chứng sâu sắc. Tuy nhiên, Phật giáo du nhập vào Việt Nam về cơ bản là những tư tưởng Phật giáo đã ít nhiều Trung Hoa hóa. Xét về tổng thể và cơ bản, đó vẫn là thế giới quan duy tâm.
Vì vậy, sự nỗ lực của các nhà tư tưởng Việt Nam thời cận đại tìm kiếm lời giải đáp những nguyên nhân thất bại của triều đại nhà Nguyễn cũng như con đường giải phóng dân tộc đều thất bại.
Để tạo ra tầng lớp trí thức phục vụ cho mục tiêu khai thác thuộc địa, thực dân Pháp đã tiến hành tạo dựng một hệ thống giáo dục – đào tạo Tây học với nội dung cơ bản là các kiến thức khoa học kỹ thuật. Tuy nhiên quá trình đó đã tạo cơ hội cho sự du nhập những tư tưởng triết học phương Tây vào Việt Nam.
Những tư tưởng triết học phương Tây được du nhập vào Việt Nam qua tầng lớp trí thức Tây học căn bản là những tư tưởng triết học các nước Tây Âu thời cận đại. Đó là thế giới quan duy vật siêu hình và không triệt để. Các nhà triết học Tây Âu thời cận đại chỉ duy vật trong quan niệm về thế giới tự nhiên, còn trong lĩnh vực các quan điểm xã hội, họ vẫn đứng trên lập trường duy tâm. Với thế giới quan đó nó không thể giải thích các nguyên nhân thực sự của các sự kiện lịch sử từ cơ sở kinh tế của xã hội. Nó cũng không thể giải thích quá trình lịch sử – tự nhiên của xã hội loài người. Bởi vậy, dù một số nhà tư tưởng Tây học có lòng yêu nước nhiệt thành nhưng với thế giới quan triết học duy vật siêu hình và duy tâm về xã hội đã không thể giải đáp được những nhu cầu lớn lao của lịch sử Việt Nam.
Trước sự thất bại của tất cả các thế giới quan và phương pháp luận truyền thống Nho học, Phật học cũng như Tây học, Hồ Chí Minh đã ra đi tìm con đường cứu nước, giải phóng dân tộc.
Điểm xuất phát để Hồ Chí Minh đi ra nước ngoài tìm con đường cứu nước không phải trực tiếp là nhu cầu đi tìm một thế giới quan và một phương pháp luận triết học mới, không phải là một lý luận triết học trừu tượng, mà là những lý luận, những biện pháp có khả năng thực tế nhất để dẫn dắt, lãnh đạo phong trào yêu nước đi đến thành công trong thực tiễn chính trị là giải phóng dân tộc • cứu dân, cứu nước; là làm sao để dân tộc Việt Nam được độc lập, đồng bào Việt Nam ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Cũng tức là độc lập cho dân tộc và tự do, hạnh phúc cho mỗi người dân lao động. Suốt ba mươi năm tìm đường cứu nước, như một tất yếu lịch sử Hồ Chí Minh đã đến với chủ nghĩa Mác – Lênin.
Học thuyết Mác – Lênin là hệ tư tưởng cách mạng và khoa học nhất của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Học thuyết đó là khối thống nhất vững chắc của cả ba bộ phận lý luận cấu thành là Triết học, Kinh tế chính trị học và Chủ nghĩa xã hội khoa học, trong đó Tiết học đóng vai trò là thế giới quan và phương pháp luận chung.
Triết học Mác – Lênin chính là thế giới quan và phương pháp luận khoa học và cách mạng nhất, là thành quả vĩ đại của lịch sử triết học thế giới. Linh hồn của nó, sức sống mãnh liệt nhất của nó là phép biện chứng duy vật ở trình độ lý luận cao nhất, khoa học nhất, vượt qua không những phép siêu hình của triết học duy vật cận đại Tây Âu mà còn vượt qua phép biện chứng duy tâm cổ điển Đức,
Thế giới quan duy vật của triết học Mác – Lênin đã khắc phục được hạn chế của thế giới quan duy vật cận đại Tây Âu chính ở chỗ nó đã đem lại một quan niệm duy vật và biện chứng về quá trình phát triển của lịch sử xã hội loài người, lịch sử phát triển của nhân loại. Trung tâm của những quan điểm duy vật về lịch sử chính là học thuyết về hình thái kinh tế – xã hội.
Chỉ có thế giới quan duy vật biện chứng và phép biện chứng duy vật của triết học Mác – Lênin mới có khả năng lý giải được một cách đúng đắn khoa học đối với các sự kiện lịch sử, dù là các sự kiện lịch sử ở phương Tây hay phương Đông châu Á.
Không phải ngẫu nhiên mà khi nhận xét về giá trị của các học thuyết đã có trong lịch sử, Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh rằng cái hay của chủ nghĩa Mác là phương pháp làm việc biện chứng. Ở đây, Hồ Chí Minh đã khẳng định không phải chỉ là cái hay của phương pháp tư duy biện chứng mà quan trọng hơn là phương pháp biện chứng duy vật trong tổ chức hoạt động thực tiễn.
Hồ Chí Minh đã vận dụng thế giới quan duy vật biện chứng và phép biện chứng duy vật để lý giải một cách đúng đắn khoa học những câu hỏi đặt ra của lịch sử Việt Nam thời cận đại mà không một nhà tư tưởng tiến bộ nào có thể làm được và đỉnh cao của sự vận dụng đó là tìm ra lý luận và phương pháp giải quyết đúng đắn khoa học con đường giải phóng dân tộc đồng thời xác định hướng phát triển của xã hội Việt Nam lên hình thái kinh tế – xã hội mới sau khi giành được độc lập • đó là con đường định hướng phát triển xã hội – xã hội chủ nghĩa.
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống các quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người, về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội…”.
Trong hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh, tư tưởng triết học Hồ Chí Minh đóng vai trò là thế giới quan và phương pháp luận khoa học, cách mạng của những tư tưởng về độc lập dân tộc, về chủ nghĩa xã hội, về văn hóa, về đạo đức, nhân văn… Thế giới quan và phương pháp luận Hồ Chí Minh là một hệ thống toàn vẹn, thống nhất của những quan điểm duy vật biện chứng và duy vật lịch sử. Hạt nhân của thế giới quan đó là triết học Mác – Lênin; sự phong phú của thế giới quan đó là những tổng kết kinh nghiệm cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới, vẻ đẹp của thế giới quan đó được tạo ra bởi sự kết hợp lôgíc giữa tính khoa học của thế giới quan Mác – Lênin với các giá trị triết học truyền thống Việt Nam, cũng như các giá trị của lịch sử triết học phương Đông và phương Tây.
Chính vì vậy, có thể tìm thấy trong mỗi lời nói, việc làm, bài viết của Hồ Chí Minh sự vững chắc của các nguyên lý triết học Mác – Lênin, sự tinh tế của các triết lý trong nền triết học phương Đông, phương Tây và một chiều sâu thẳm của các giá trị tư tưởng triết học Việt Nam về độc lập dân tộc, về nhân dân, về đạo sống, đạo làm người của dân tộc Việt Nam.
Với Hồ Chí Minh, lịch sử triết học Việt Nam đã chuyển sang một thời kỳ phát triển mới, hiện đại. Thời kỳ hiện đại của lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam là thời kỳ phát triển tư tưởng triết học với nội dung cơ bản của nó là nghiên cứu, vận dụng và phát triển các nguyên lý của triết học Mác – Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam. Đó cũng là quá trình vượt qua những hạn chế và kế thừa có chọn lọc các giá trị trong lịch sử triết học Việt Nam cũng như lịch sử triết học phương Đông và phương Tây theo mục tiêu giải quyết các nhiệm vụ của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.