Hiện nay, già hóa dân số xảy ra tại nhiều quốc gia ở Châu Á. Chính sách cấm sinh con thứ 3 đã không còn phù hợp với tình hình hiện tại. Tuy nhiên, đối với Đảng viên, họ có bị xử phạt khi sinh con thứ 3 không? Trường hợp Đảng viên tái hôn, họ sinh thêm con thứ 3 là con chung có được phép không?
Mục lục bài viết
- 1 1. Đảng viên có được sinh thêm con thứ ba sau tái hôn không?
- 2 2. Đảng viên sinh con thứ ba có bị xử phạt hành chính không?
- 3 3. Quy trình xử lý kỷ luật đảng viên sinh con thứ ba:
- 4 4. Thời điểm xử lý kỷ luật đảng viên sinh con thứ ba:
- 5 5. Đảng viên sinh con thứ ba có được kết nạp lại vào Đảng không?
1. Đảng viên có được sinh thêm con thứ ba sau tái hôn không?
Tóm tắt câu hỏi:
Xin chào Luật sư! Tôi đã có 1 đời chồng và có một cháu 6 tuổi, do tôi nuôi. Nay tôi muốn kết hôn với người chồng thứ 2 (anh cũng đã ly hôn vợ, và anh nuôi 1 cháu 15 tuổi). Anh làm ở cán bộ đảng uỷ xã. Tôi cũng là đảng viên. Chúng tôi muốn sinh thêm 1 cháu là con chung của vợ chồng thì có vi phạm chế độ kế hoạch hoá gia đình không? có bị kỷ luật về đảng không? Tôi được biết pháp luật hiện nay đã có những quy định mới và thoáng hơn đối với những trường hợp như của chúng tôi. Xin Luật sư tư vấn giúp. Tôi xin chân thành cám ơn!
Luật sư tư vấn:
Theo quy định tại Điều 52 Quy định 69-QĐ/TW năm 2022 về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm do Ban Chấp hành Trung ương ban hành như sau:
– Đảng viên vi phạm một trong các trường hợp sau gây hậu quả ít nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách:
+ Cản trở, cưỡng bức thực hiện kế hoạch hoá gia đình; tham gia hoạt động xét nghiệm, chẩn đoán để xác định giới tính thai nhi trái quy định;
+ Vi phạm chính sách dân số.
– Trường hợp đảng viên vi phạm đã kỷ luật theo quy định trên mà tái phạm hoặc vi phạm lần đầu gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ):
+ Tuyên truyền, phổ biến hoặc ban hành văn bản có nội dung trái với chính sách dân số, truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc.
+ Có hành vi gian dối trong việc cho con đẻ hoặc nhận nuôi con nuôi mà thực chất là con đẻ nhằm sinh thêm con ngoài giá thú hoặc trái quy định.
– Trường hợp vi phạm hai quy định trên gây hậu quả rất nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức khai trừ.
Mặt khác theo quy định tại Nghị định số 20/2010/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh Dân số quy định những trường hợp không vi phạm quy định sinh một hoặc hai con:
– Cặp vợ chồng sinh con thứ ba mà cả hai hoặc một trong hai người thuộc dân tộc có số dân dưới 10.000 người hoặc thuộc dân tộc có nguy cơ suy giảm số dân (tỷ lệ sinh nhỏ hơn hoặc bằng tỷ lệ chết) theo công bố chính thức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
– Cặp vợ chồng sinh con lần thứ nhất mà sinh ba con trở lên;
– Cặp vợ chồng đã có một con đẻ, sinh lần thứ hai mà sinh hai con trở lên;
– Cặp vợ chồng sinh lần thứ ba trở lên, nếu tại thời điểm sinh chỉ có một con đẻ còn sống, kể cả con đẻ đã cho làm con nuôi;
– Cặp vợ chồng sinh con thứ ba, nếu đã có hai con đẻ nhưng một hoặc cả hai con bị dị tật hoặc mắc bệnh hiểm nghèo không mang tính di truyền, đã được Hội đồng Giám định y khoa cấp tỉnh hoặc cấp Trung ương xác nhận;
– Phụ nữ chưa kết hôn sinh một hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh;
– Cặp vợ chồng đã có con riêng (con đẻ):
+ Sinh một con hoặc hai con, nếu một trong hai người đã có con riêng (con đẻ).
+ Sinh một con hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh, nếu cả hai người đã có con riêng (con đẻ). Lưu ý không áp dụng cho trường hợp hai người đã từng có hai con chung trở lên và các con hiện đang còn sống.
Như vậy, trường hợp của bạn, bạn và chồng đều có một con riêng thì vẫn được phép sinh con chung sau khi tái hôn mà không vi phạm hay kỷ luật.
2. Đảng viên sinh con thứ ba có bị xử phạt hành chính không?
Trước đây, tại
– Đảng viên sinh con thứ 3 trở lên thì bị xử lý kỷ luật theo quy định của Đảng;
– Cán bộ, công chức, viên chức sinh con thứ 3 trở lên thì bị xử lý kỷ luật theo quy định của Chính phủ;
– Thành viên các đoàn thể, tổ chức xã hội sinh con thứ 3 trở lên thì bị xử lý theo quy chế, quy định của đoàn thể, tổ chức;
– Người dân sinh con thứ 3 trở lên thì bị xử lý theo hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, xóm, cụm dân cư…
Tuy nhiên, hiện nay Nghị định 117/2020/NĐ-CP đang có hiệu lực đã bỏ các quy định xử phạt nêu trên. Do đó, có thể hiểu, Đảng viên nói riêng và người dân nói chung sinh con thứ 3 trở lên không bị xử phạt hành chính.
3. Quy trình xử lý kỷ luật đảng viên sinh con thứ ba:
Đối với đảng viên sinh con thứ ba nếu không thuộc các trường hợp không bị xử lý quy định tại Điều 27 của hướng dẫn 04-HD/UBKTTW năm 2018 thì quy trình xử lý kỷ luật đảng viên sinh con thứ 3 sẽ được tiến hành như sau:
– Đảng viên vi phạm tự thực hiện kiểm điểm trước chi bộ và tự nhận hình thức kỷ luật. Cấp ủy có trách nhiệm hướng dẫn đảng viên vi phạm thực hiện
– Tổ chức đảng vi phạm phải tự kiểm điểm, tự nhận hình thức kỷ luật và báo cáo lên cấp ủy cấp trên quyết định;
– Khi ký quyết định xử lý kỷ luật thì đại diện tổ chức đảng có thẩm quyền nghe đảng viên vi phạm hoặc đại diện tổ chức đảng vi phạm trình bày ý kiến;
– Kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên vi phạm sẽ có hiệu lực ngay sau khi công bố quyết định.
4. Thời điểm xử lý kỷ luật đảng viên sinh con thứ ba:
Tại Khoản 10 Điều 2 Quy định 69-QĐ/TW năm 2022 về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm do Ban Chấp hành Trung ương ban hành:
– Kỷ luật Đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể và các hình thức xử phạt của pháp luật. Đảng viên bị kỷ luật về Đảng thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày công bố quyết định kỷ luật về Đảng, cấp ủy quản lý Đảng viên đó phải kịp thời chỉ đạo, đề nghị cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội có thẩm quyền phải kỷ luật về hành chính, đoàn thể (nếu có) theo quy định của cơ quan nhà nước, đoàn thể.
Như vậy, Đảng viên sẽ bị kỷ luật theo hình thức kỷ luật tương ứng với mức độ vi phạm của mình trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày quyết định kỷ luật về Đảng được công bố.
Tuy nhiên, đặc biệt với nữ Đảng viên sinh con thứ ba, theo khoản 14 Điều này mà đang mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi hoặc nam Đảng viên có vợ chết hoặc lý do khách quan, bất khả kháng khác đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi sẽ chưa bị xem xét kỷ luật.
5. Đảng viên sinh con thứ ba có được kết nạp lại vào Đảng không?
Hiện nay, điều kiện kết nạp lại Đảng viên sinh con từ thứ 3 trở lên có phần “thoáng” hơn trước. Cụ thể, theo Điều 4 của Quy định 05/QĐ-TW, các điều kiện này như sau:
– Có thời gian phấn đấu ít nhất 24 tháng đối với trường hợp sinh con thứ 3, 36 tháng với sinh con thứ 4 (trước đây là 60 tháng);
– Là người uy tín trong cơ quan, đơn vị, cộng đồng, dân cư, được cấp ủy nơi công tác và nơi cư trú, các tổ chức đoàn thể mà mình là thành viên đánh giá cao.
– Có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của Điều lệ Đảng, các quy định, hướng dẫn của Trung ương và yêu cầu thực tế của công tác xây dựng Đảng của địa phương, đơn vị.
Do đó, mặc dù sinh con thứ ba nhưng Đảng viên vẫn có thể được kết nạp lại vào Đảng nếu đáp ứng điều kiện nêu trên.
Căn cứ pháp lý:
– Quy định 69-QĐ/TW năm 2022 về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm do Ban Chấp hành Trung ương ban hành;
– Hướng dẫn 04-HD/UBKTTW năm 2018 thực hiện một số Điều trong Quy định 102-QĐ/TW về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm do Ủy ban Kiểm tra Trung ương ban hành.