Để xây dựng Đảng vững mạnh cần không ngừng chỉnh đốn, nâng cao chất lượng của đội ngũ Đảng viên cả về phẩm chất đạo đức, tư tưởng chính trị. Những Đảng viên có hành vi vi phạm phải bị xử lý kỷ luật nghiêm minh. Vậy, các hình thức kỷ luật trong Đảng đối với Đảng viên vi phạm là gì?
Mục lục bài viết
1. Đảng viên và nhiệm vụ của Đảng viên:
Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam là chiến sĩ cách mạng trong đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam, suốt đời phấn đấu cho mục đích, lý tưởng của Đảng, đặt lợi ích của Tổ quốc, của giai cấp công nhân và nhân dân lao động lên trên lợi ích cá nhân; chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, các nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước; có lao động, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; có đạo đức và lối sống lành mạnh; gắn bó mật thiết với nhân dân; phục tùng tổ chức, kỷ luật của Đảng, giữ gìn đoàn kết thống nhất trong Đảng.
2. Các hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật của Đảng viên:
Theo quy định tại Quyết định 102-QĐ/TW năm 2017, Đảng viên bị xử lý kỷ luật nếu có các hành vi vi phạm sau đây:
– Vi phạm về quan điểm chính trị và chính trị nội bộ
– Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ
– Vi phạm các quy định về bầu cử
– Vi phạm về tuyên truyền, phát ngôn
– Vi phạm trong công tác tổ chức, cán bộ
– Vi phạm các quy định về bảo vệ bí mật của Đảng, Nhà nước
– Vi phạm trong công tác phòng, chống tội phạm
– Vi phạm hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán
– Vi phạm về khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo
– Vi phạm các quy định về phòng, chống tham nhũng, lãng phí
– Vi phạm các quy định về phòng, chống tham nhũng, lãng phí
– Vi phạm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng
– Vi phạm trong quản lý, sử dụng các loại quỹ hỗ trợ, tài trợ, nhân đạo, từ thiện
– Vi phạm trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội
– Vi phạm quy định về đất đai, nhà ở
– Vi phạm về quản lý, cấp phát, sử dụng văn bằng, chứng chỉ
– Vi phạm quy định về lập hội và hoạt động của hội; biểu tình, tập trung đông người gây mất an ninh, trật tự
– Vi phạm quy định về hôn nhân và gia đình
– Vi phạm quy định về kết hôn với người nước ngoài
– Vi phạm quy định về quan hệ với tổ chức, cá nhân người nước ngoài
– Vi phạm quy định về chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình
– Vi phạm quy định về đạo đức nghề nghiệp trong ngành Y tế
– Vi phạm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành
– Vi phạm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, công vụ
– Vi phạm về tệ nạn xã hội
– Vi phạm về bạo lực gia đình
– Vi phạm về đạo đức, nếp sống văn minh
– Vi phạm về tín ngưỡng, tôn giáo
3. Các hình thức xử lý kỷ luật Đảng viên:
3.1. Quy định về thời hiệu xử lý kỷ luật:
Thời hiệu xử lý kỷ luật được quy định tại Điều 3 Quyết định 102-QĐ/TW năm 2017, cụ thể như sau:
Thời hiệu xử lý kỷ luật về Đảng là thời hạn được quy định trong Quy định này mà khi hết thời hạn đó thì đảng viên có hành vi vi phạm không bị xử lý kỷ luật. Theo đó, thời hiệu xử lý kỷ luật đảng được quy định như sau:
– 5 năm đối với những hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khiển trách.
– 10 năm đối với những hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức.
Thời hiệu xử lý kỷ luật được tính từ thời điểm có hành vi vi phạm. Nếu trong thời hạn xử lý kỷ luật được quy định tại Điểm a Khoản này, đảng viên có hành vi vi phạm mới thì thời hiệu xử lý kỷ luật đối với vi phạm cũ được tính lại kể từ thời điểm thực hiện hành vi vi phạm mới.
Lưu ý:
Không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật đảng đối với những hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khai trừ; vi phạm về chính trị nội bộ; về an ninh, quốc phòng, đối ngoại có xâm hại đến lợi ích quốc gia và việc sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận không hợp pháp.
3.2. Thẩm quyền xử lý kỷ luật Đảng viên:
Tại Điều 36 Quy định 30-QĐ/TW năm 2016, thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với Đảng viên vi phạm được quy định như sau:
– Chi bộ quyết định khiển trách, cảnh cáo đảng viên trong chi bộ (kể cả cấp uỷ viên các cấp, đảng viên thuộc diện cấp uỷ cấp trên quản lý) vi phạm phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, sinh hoạt đảng, thực hiện nhiệm vụ đảng viên (trừ nhiệm vụ do cấp trên giao).
Đảng uỷ cơ sở quyết định khiển trách, cảnh cáo đảng viên trong đảng bộ, cách chức cấp uỷ viên cấp dưới.
Đảng uỷ cơ sở được uỷ quyền quyết định kết nạp đảng viên thì có quyền quyết định khai trừ đảng viên, nhưng không phải là cấp uỷ viên cùng cấp và đảng viên là cán bộ thuộc diện cấp uỷ cấp trên quản lý.
– Cấp uỷ tỉnh, thành, huyện, quận và tương đương quyết định các hình thức kỷ luật đảng viên; quyết định khiển trách, cảnh cáo cấp uỷ viên các cấp, đảng viên thuộc diện cấp uỷ cấp trên quản lý vi phạm phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, sinh hoạt đảng, thực hiện nhiệm vụ đảng viên; quyết định khiển trách, cảnh cáo cấp uỷ viên cùng cấp vi phạm nhiệm vụ do cấp uỷ giao.
Ban thường vụ cấp uỷ quyết định các hình thức kỷ luật đảng viên; quyết định khiển trách, cảnh cáo cấp uỷ viên các cấp, đảng viên thuộc diện cấp uỷ cấp trên quản lý vi phạm phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, sinh hoạt đảng, thực hiện nhiệm vụ đảng viên, cán bộ thuộc diện cấp uỷ cấp trên quản lý vi phạm nhiệm vụ chuyên môn được giao.
– Ban Chấp hành Trung ương quyết định các hình thức kỷ luật đảng viên, kể cả Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Bộ Chính trị.
Bộ Chính trị, Ban Bí thư quyết định các hình thức kỷ luật đảng viên, kể cả đảng viên là cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; khiển trách, cảnh cáo Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương vi phạm phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, sinh hoạt đảng, thực hiện nhiệm vụ đảng viên.
– Uỷ ban kiểm tra từ cấp huyện, quận và tương đương trở lên quyết định các hình thức kỷ luật đảng viên, nhưng không phải là cấp uỷ viên cùng cấp; quyết định khiển trách, cảnh cáo đảng viên là cán bộ thuộc diện cấp uỷ cùng cấp quản lý và cấp uỷ viên cấp dưới trực tiếp.
– Cấp uỷ và uỷ ban kiểm tra cấp trên có quyền chuẩn y, thay đổi hoặc xoá bỏ hình thức kỷ luật do cấp dưới quyết định.
3.3. Các hình thức xử lý kỷ luật đối với Đảng viên vi phạm:
Theo Điều 35 Quy định 30-QĐ/TW năm 2016 và Quyết định 102-QĐ/TW năm 2017 Đảng viên vi phạm bị xử lý kỷ luật như sau:
– Đối với tổ chức đảng: khiển trách, cảnh cáo, giải tán.
– Đối với đảng viên chính thức: khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ.
Đảng viên chính thức vi phạm nghiêm trọng đến mức phải khai trừ thì phải kỷ luật khai trừ, không áp dụng biện pháp xóa tên, không chấp nhận việc xin ra khỏi Đảng. Cấp ủy viên vi phạm đến mức cách chức thì phải cách chức, không để thôi giữ chức.
– Đối với đảng viên dự bị: khiển trách, cảnh cáo.
Đảng viên dự bị vi phạm đến mức phải kỷ luật thì kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo và khi hết thời hạn dự bị, chi bộ vẫn tiến hành xét công nhận đảng viên chính thức. Nếu vi phạm đến mức không còn đủ tư cách đảng viên thì xóa tên trong danh sách đảng viên.
Lưu ý:
Đảng viên vi phạm chưa xem xét, xử lý kỷ luật và không xử lý kỷ luật nếu thuộc các trường hợp quy định sau:
– Đảng viên vi phạm đang trong thời gian mang thai, nghỉ thai sản, đang mắc bệnh hiểm nghèo hoặc đang mất khả năng nhận thức, bị ốm nặng đang điều trị nội trú tại bệnh viện được cơ quan y tế có thẩm quyền theo quy định của pháp luật (từ cấp huyện trở lên) xác nhận thì chưa xem xét, xử lý kỷ luật.
– Đảng viên vi phạm đã qua đời, tổ chức đảng xem xét, kết luận, không xử lý kỷ luật, trừ trường hợp đảng viên đó vi phạm kỷ luật đặc biệt nghiêm trọng.
3.4. Quy định về những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng mức kỷ luật Đảng viên:
Theo quy định tại Điều 4 Quyết định 102-QĐ/TW năm 2017, Đảng viên được xem xét tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng khi xử lý kỷ luật như sau:
Thứ nhất, những trường hợp vi phạm có một hoặc một số tình tiết sau được xem xét giảm nhẹ mức kỷ luật:
– Chủ động báo cáo vi phạm của mình với tổ chức, tự giác nhận khuyết điểm, vi phạm trước khi bị phát hiện.
– Chủ động báo cáo, cung cấp thông tin, phản ánh đầy đủ, trung thực về những người cùng vi phạm.
– Chủ động khắc phục hậu quả vi phạm và tích cực tham gia ngăn chặn hành vi vi phạm; tự giác bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do mình gây ra.
– Vi phạm do nguyên nhân khách quan hoặc do bị ép buộc nhưng đã chủ động báo cáo với tổ chức.
– Vi phạm do phải thực hiện chủ trương, quyết định, mệnh lệnh sai trái của cấp trên.
Thứ hai, những trường hợp vi phạm có một hoặc một số tình tiết sau phải xem xét tăng nặng mức kỷ luật:
– Đã được tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giáo dục, nhắc nhở mà không sửa chữa.
– Quanh co, che giấu hoặc không tự giác nhận khuyết điểm, vi phạm.
– Bao che cho người cùng vi phạm; trù dập, trả thù người đấu tranh, tố cáo vi phạm hoặc người cung cấp chứng cứ vi phạm.
– Cung cấp thông tin, báo cáo sai sự thật; ngăn cản người khác cung cấp chứng cứ vi phạm; sửa chữa, tiêu hủy chứng cứ, lập hồ sơ, chứng cứ giả.
– Đối phó, cản trở, gây khó khăn, trở ngại trong quá trình kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, thẩm tra, xác minh, thu thập chứng cứ vi phạm.
– Vi phạm do lợi dụng tình trạng khẩn cấp, thiên tai, thực hiện chính sách xã hội và an ninh, quốc phòng.
– Vi phạm gây thiệt hại về vật chất phải bồi hoàn nhưng không bồi hoàn, không khắc phục hậu quả.
– Vi phạm nhiều lần, có hệ thống, bị xử lý kỷ luật nhiều lần.
– Vi phạm có tổ chức; là người chủ mưu, khởi xướng hành vi vi phạm.
– Ép buộc, vận động, tổ chức, tiếp tay cho người khác cùng vi phạm.
– Ép buộc, hướng dẫn hoặc tạo điều kiện cho người khác tạo lập tài liệu, hồ sơ, chứng cứ giả; che giấu, sửa chữa, tiêu hủy chứng cứ, hồ sơ, tài liệu.