Được đứng vào trong đội ngũ Đảng viên là vinh dự to lớn đối với mỗi con người Việt Nam. Đảng viên giới thiệu người kết nạp vào Đảng được quy định chi tiết tại Quy định số 24-QĐ/TW, ngày 30/7/2021 về thi hành Điều lệ Đảng. Cùng Luật Dương Gia tìm hiểu bài viết dưới đây.
Mục lục bài viết
- 1 1. Quy định về người giới thiệu kết nạp đảng viên mới:
- 2 2. Điều kiện để được kết nạp vào Đảng:
- 2.1 2.1. Về độ tuổi:
- 2.2 2.2. Về trình độ học vấn:
- 2.3 2.3. Thừa nhận và tự nguyện:
- 2.4 2.4. Qua thực tiễn chứng tỏ là người ưu tú, được nhân dân tín nhiệm:
- 2.5 2.5. Bồi dưỡng nhận thức về Đảng:
- 2.6 2.6. Có đơn tự nguyện xin vào Đảng:
- 2.7 2.7. Báo cáo trung thực lý lịch với chi bộ:
- 2.8 2.8. Được hai đảng viên chính thức giới thiệu:
- 3 3. Quy định thủ tục kết nạp Đảng viên:
1. Quy định về người giới thiệu kết nạp đảng viên mới:
Theo Điều 4, Quy định số 24-QĐ/TW, ngày 30/7/2021 về thi hành Điều lệ Đảng, quy định về giới thiệu và kết nạp người vào Đảng như sau:
– Việc giới thiệu người vào Đảng được quy định tại điểm 3.2.1 và 3.2.2 (khoản 2, Điều 4 Điều lệ Đảng) Quy định số 24-QĐ/TW, trong đó điểm mới so với Quy định số 29-QĐ/TW là bổ sung điều kiện của đảng viên giới thiệu người vào Đảng phải đáp ứng là đảng viên chính thức, cùng công tác, lao động, học tập hoặc cùng sinh hoạt nơi cư trú ít nhất 12 tháng với người được giới thiệu vào Đảng trong cùng một đơn vị thuộc phạm vi lãnh đạo của đảng bộ, chi bộ cơ sở.
Trường hợp đảng viên giới thiệu người vào Đảng chuyển đến đảng bộ, chi bộ cơ sở khác, bị kỷ luật hoặc vì lý do khác không thể tiếp tục theo dõi, giúp đỡ người vào Đảng thì chi bộ thực hiện phân công đảng viên chính thức khác theo dõi, giúp đỡ người vào Đảng, tuy nhiên không nhất thiết đảng viên đó cùng công tác, lao động, học tập hoặc cùng sinh hoạt nơi cư trú với người vào Đảng ít nhất 12 tháng.
– Việc kết nạp người vào Đảng được quy định tại tiểu mục 3.3 (khoản 3, Điều 4 Điều lệ Đảng) Quy định số 24-QĐ/TW, có sự bổ sung như sau: “Vấn đề lịch sử chính trị, chính trị hiện nay và tiêu chuẩn chính trị của người vào Đảng thực hiện theo quy định của Bộ Chính trị”. So với Quy định số 29-QĐ/TW, ngoài vấn đề lịch sử chính trị và chính trị hiện nay, Quy định này bổ sung tiêu chuẩn chính trị của người vào Đảng. Ở những nơi chưa có đảng viên, chưa có chi bộ, cấp uỷ cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng (nơi người vào Đảng công tác, lao động, học tập, cư trú) giao cho chi bộ có điều kiện thuận lợi nhất để phân công đảng viên chính thứcgiúp đỡ người vào Đảng. Khi có đủ điều kiện và tiêu chuẩn thì chi bộ nơi có đảng viên giúp đỡ người vào Đảng đang sinh hoạt làm thủ tục đề nghị kết nạp theo quy định.
– Việc kết nạp lại người vào Đảng, Quy định số 24-QĐ/TW bổ sung điều kiện người được xét kết nạp lại là trong thời hạn ít nhất là 36 tháng kể từ khi ra khỏi Đảng (riêng người bị án hình sự về tội ít nghiêm trọng thì phải sau 60 tháng kể từ khi được xoá án tích; đảng viên đã bị đưa ra khỏi Đảng do vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình thì thực hiện theo quy định của Ban Bí thư), làm đơn xin kết nạp lại vào Đảng; phải được ban thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ (hoặc tương đương) đồng ý bằng văn bản, cấp uỷ có thẩm quyền (huyện uỷ và tương đương) xem xét, quyết định.
2. Điều kiện để được kết nạp vào Đảng:
Điều 1, Điều lệ Đảng 2011 quy định điều kiện để được kết nạp vào Đảng như sau:
2.1. Về độ tuổi:
– Tại thời điểm chi bộ xét kết nạp, người vào Đảng phải đủ 18 tuổi đến đủ 60 tuổi (tính theo tháng).
– Việc kết nạp vào Đảng những người trên 60 tuổi do cấp uỷ trực thuộc Trung ương xem xét, quyết định.
Chỉ xem xét kết nạp vào Đảng những người trên 60 tuổi khi đủ các điều kiện:
+ Có sức khoẻ và uy tín;
+ Đang công tác, cư trú ở cơ sở chưa có tổ chức đảng, chưa có đảng viên hoặc do yêu cầu đặc biệt;
+ Được ban thường vụ cấp ủy trực thuộc Trung ương đồng ý bằng văn bản trước khi cấp ủy có thẩm quyền ra quyết định kết nạp.
2.2. Về trình độ học vấn:
– Người vào Đảng phải có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên.
– Học vấn của người vào Đảng đang sinh sống ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn và những trường hợp cụ thể khác do yêu cầu phát triển đảng mà không bảo đảm được quy định chung thì thực hiện theo hướng dẫn của Ban Bí thư.
Người vào Đảng đang sinh sống ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn hoặc ngư dân thường xuyên làm việc ngoài biển, đảo, nếu không bảo đảm theo Quy định thi hành Điều lệ Đảng của Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII thì phải có trình độ học vấn tối thiểu hoàn thành chương trình bậc tiểu học.
Trình độ học vấn của người vào Đảng là già làng, trưởng bản, người có uy tín, đang sinh sống ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn hoặc ngư dân thường xuyên làm việc ngoài biển, đảo tối thiểu phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ và được ban thường vụ cấp ủy trực thuộc Trung ương đồng ý bằng văn bản trước khi cấp ủy có thẩm quyền ra quyết định kết nạp.
2.3. Thừa nhận và tự nguyện:
Thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, tiêu chuẩn và nhiệm vụ đảng viên, hoạt động trong một tổ chức cơ sở đảng.
2.4. Qua thực tiễn chứng tỏ là người ưu tú, được nhân dân tín nhiệm:
Đáp ứng các điều kiện trên, trong quá trình xem xét kết nạp người vào đảng còn phải đảm bảo các yêu cầu sau:
2.5. Bồi dưỡng nhận thức về Đảng:
Người vào Đảng phải học lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng, có giấy chứng nhận do trung tâm chính trị cấp huyện hoặc tương đương cấp; nơi không có trung tâm chính trị thì do cấp ủy có thẩm quyền kết nạp đảng viên cấp.
2.6. Có đơn tự nguyện xin vào Đảng:
Người vào Đảng phải tự làm đơn, trình bày rõ những nhận thức của mình về mục đích, lý tưởng của Đảng, về động cơ xin vào Đảng.
2.7. Báo cáo trung thực lý lịch với chi bộ:
Người vào Đảng tự khai lý lịch, đầy đủ, rõ ràng, trung thực theo quy định, chịu trách nhiệm về nội dung đã khai; nếu có vấn đề nào không hiểu và không nhớ chính xác thì phải báo cáo với chi bộ.
Lý lịch phải được cấp ủy cơ sở thẩm tra, kết luận trước khi ghi nội dung chứng nhận, ký tên, đóng dấu.
2.8. Được hai đảng viên chính thức giới thiệu:
Nơi có tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, người vào Đảng trong độ tuổi thanh niên phải là đoàn viên, được ban chấp hành đoàn cơ sở và một đảng viên chính thức giới thiệu.
Ở các cơ quan, doanh nghiệp nơi không có tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, người vào Đảng phải là đoàn viên công đoàn, được ban chấp hành công đoàn cơ sở và một đảng viên chính thức giới thiệu.
Đáp ứng các điều kiện vừa nêu, quần chúng sẽ được xem xét kết nạp vào Đảng.
3. Quy định thủ tục kết nạp Đảng viên:
Tại Điểm 1, Điều 4, Điều lệ Đảng (khóa XI), quy định thủ tục kết nạp đảng viên như sau:
Thủ tục kết nạp đảng viên (kể cả kết nạp lại):
Yêu cầu với Người vào Đảng:
– Có đơn tự nguyện xin vào Đảng;
– Báo cáo trung thực lý lịch với chi bộ;
– Được hai đảng viên chính thức giới thiệu.
Nơi có tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, người vào Đảng trong độ tuổi thanh niên phải là đoàn viên, được ban chấp hành đoàn cơ sở và một đảng viên chính thức giới thiệu.
Ở các cơ quan, doanh nghiệp nơi không có tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, người vào Đảng phải là đoàn viên công đoàn, được ban chấp hành công đoàn cơ sở và một đảng viên chính thức giới thiệu.
Yêu cầu đối với người giới thiệu:
– Là đảng viên chính thức và cùng công tác với người vào Đảng ít nhất một năm;
– Báo cáo với chi bộ về lý lịch, phẩm chất, năng lực của người vào Đảng và chịu trách nhiệm về sự giới thiệu của mình. Có điều gì chưa rõ thì báo cáo để chi bộ và cấp trên xem xét.
Trách nhiệm của chi bộ và cấp uỷ:
– Trước khi chi bộ xét và đề nghị kết nạp, chi uỷ kiểm tra lại điều kiện của người vào Đảng và lấy ý kiến nhận xét của tổ chức đoàn thể nơi người đó sinh hoạt.
Vấn đề lịch sử chính trị của người vào Đảng phải thực hiện theo quy định của Ban Chấp hành Trung ương.
– Chi bộ xét và đề nghị kết nạp từng người một, khi được ít nhất hai phần ba số đảng viên chính thức trong chi bộ tán thành thì đề nghị lên cấp uỷ cấp trên; khi có quyết định của cấp uỷ cấp trên, chi bộ tổ chức lễ kết nạp từng người một.
– Đảng uỷ cơ sở xét, nếu được ít nhất hai phần ba số cấp uỷ viên tán thành kết nạp thì đề nghị lên cấp uỷ cấp trên trực tiếp.
– Ban thường vụ cấp uỷ cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng hoặc cấp uỷ cơ sở được uỷ quyền xét, quyết định kết nạp từng người một.
– Nơi chưa có đảng viên hoặc có đảng viên nhưng chưa đủ điều kiện giới thiệu thì cấp uỷ cấp trên trực tiếp cử đảng viên về làm công tác tuyên truyền, xem xét, giới thiệu kết nạp vào Đảng. Trường hợp đặc biệt do Ban Chấp hành Trung ương quy định.
Nơi có tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, người vào Đảng trong độ tuổi thanh niên phải là đoàn viên, được ban chấp hành đoàn cơ sở và một đảng viên chính thức giới thiệu.
Ở các cơ quan, doanh nghiệp nơi không có tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, người vào Đảng phải là đoàn viên công đoàn, được ban chấp hành công đoàn cơ sở và một đảng viên chính thức giới thiệu.
Căn cứ quy định trên và thực tế tại đơn vị của đồng chí (có tổ chức Đảng và Công đoàn, không có tổ chức Đoàn, người vào Đảng đã hết tuổi đoàn), thì người vào Đảng phải là đoàn viên công đoàn và được hai đảng viên chính thức giới thiệu vào Đảng. Các thủ tục khác thực hiện theo Điều lệ Đảng và quy định thi hành Điều lệ Đảng.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam năm 2011;
– Quy định số 24-QĐ/TW, ngày 30/7/2021 về thi hành Điều lệ Đảng.