Người khuyết tật là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi, từ đó cũng được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong mọi lĩnh vực. Vậy trường hợp người khuyết tật đi máy bay, tàu xe có được hưởng các chế độ ưu đãi hay không?
Mục lục bài viết
1. Quyền của người khuyết tật theo quy định của pháp luật Việt Nam:
Người khuyết tật được hiểu là người bị khiếm khuyết một hoặc một số bộ phận trên cơ thể như mắt, chân, tay,… hoặc bị suy giảm chức năng được thể hiển dưới dạng tật làm cho người đó gặp khó khăn trong đời sống, học tập. Người khuyết tật tại Việt Nam sẽ được hưởng các chế độ quyền lợi như sau:
(1) Quyền được chăm sóc sức khỏe:
Người khuyết tật có quyền lợi về việc được chăm sóc sức khỏe, được phục hồi chức năng, cụ thể như sau:
– Chăm sóc sức khỏe ban đầu tại nơi cơ trú:
Vấn đề chăm sóc này thuộc về trách nhiệm của trạm y tế cấp xã tiến hành các công việc sau:
+ Lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe người khuyết tật.
+ Trong phạm vi chuyên môn phải thực hiện khám bệnh, chữa bệnh cho người khuyết tật đúng quy định.
+ Thực hiện các biện pháp giáo dục, tuyên truyền phổ biến đến người khuyết tật cũng như mọi người về các kiến thức chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa, giảm thiểu khuyết tật.
+ Hướng dẫn người khuyết tật các phương pháp tự phòng bệnh và tự chăm sóc.
– Khám bệnh, chữa bệnh:
+ Đảm bảo chữa bệnh, khám bệnh cho người khuyết tật cũng như sử dụng các dịch vụ y tế phù hợp.
+ Được hưởng chính sách bảo hiểm y tế.
+ Gia đình của người khuyết tật phải có trách nhiệm trong việc bảo đảm cho người khuyết tật được thăm khám, chữa bệnh.
+ Được hỗ trợ sinh hoạt phí, các chi phí đi lại và chi phí điều trị trong thời gian điều trị bắt buộc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đối với người khuyết tật là những người mắc các bệnh tâm thần ở trạng thái kích động, trầm cảm và có suy nghĩ hay hành vi tự sát gây nguy hiểm cho người khác.
– Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tạo điều kiện cho người khuyết tật thể hiện thông qua:
+ Tiến hành các biện pháp khám bệnh, chữa bệnh phù hợp.
+ Những đối tượng là người khuyết tật đặc biệt nặng và người khuyết tật nặng, trẻ em khuyết tật, người cao tuổi khuyết tật, phụ nữ khuyết tật có thai sẽ được ưu tiên thăm khám.
+ Đối với trẻ em sơ sinh cần thực hiện tư vấn những biện pháp để phòng tránh hay phát hiện sớm khuyết tật.
+ Cải tạo, nâng cao cơ sở vật chất khám, chữa bệnh.
– Các cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng cho người khuyết tật bao gồm;
+ Trung tâm chỉnh hình, phục hồi chức năng.
+ Bệnh viện điều dưỡng, phục hồi chức năng.
+ Viện chỉnh hình, phục hồi chức năng.
+ Bộ phận phục hồi chức năng của cơ sở bảo trợ xã hội.
+ Khoa phục hồi chức năng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
+ Các cơ sở khác.
(2) Các quyền lợi về giáo dục:
Những người khuyết tật luôn được Nhà nước chú tâm đến chính sách, kế hoạch giáo dục để không bị thụt lùi so với các bạn đồng trang lứa. Nhà nước luôn tạo điều kiện cho người khuyết tật học tập trên cơ sở phù hợp với nhu cầu cũng như khả năng của từng người, cụ thể như:
– Được nhập học ở độ tuổi cao hơn độ tuổi mà luật quy định với giáo dục phổ thông.
– Ưu tiên trong tuyển sinh.
– Trong chương trình học sẽ được miễn, giảm một số môn học hoặc những nội dung hay hoạt động giáo dục khác nếu như người khuyết tật không đáp ứng được.
– Miễn hoặc giảm học phí.
– Có thể được xem xét cấp học bổng hay hỗ trợ các đồ dùng học tập, phương tiện đi lại.
– Đối với những trường hợp người khuyết tật nghe, nói sẽ được học bằng ngôn ngữ ký hiệu; hay người khuyết tật nhìn được học bằng chữ nổi Braille theo chuẩn quốc gia.
Nhà nước cũng có những phương thức hỗ trợ trong giáo dục đối với người khuyết tật như:
– Giáo dục hòa nhập:
Đây được coi là phương thức giáo dục chủ yếu trong quá trình giáo dục đối với người khuyết tật.
– Giáo dục bán hòa nhập:
Đây là phương thức được thực hiện khi người khuyết tật chưa đủ điều kiện thực hiện phương thức giáo dục hòa nhập.
– Giáo dục chuyên biệt:
Đây là phương thức được thực hiện khi người khuyết tật chưa đủ điều kiện thực hiện phương thức giáo dục hòa nhập.
(3) Quyền được dạy nghề và việc làm: như được tư vấn học nghề miễn phí, được lựa chọn và học nghề đúng khả năng; tạo điều kiện trong việc phục hồi chức năng lao động, tư vấn việc làm miễn phí để từ đó có việc làm phù hợp.
2. Người khuyết tật có được giảm giá vé máy bay, tàu xe không?
Căn cứ điểm a khoản 2 Điều 12 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP quy định về việc ưu đãi giảm giá vé, giá dịch vụ khi tham gia giao thông trên các tuyến vận tải nội địa bằng các phương tiện đối với người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng cụ thể như sau:
+ Đối với máy bay: được giảm tối thiểu 15%.
+ Đối với tàu hỏa, tàu điện, tàu thủy, xe ô tô vận tải khách theo tuyến cố định: được giảm tối thiểu 25%.
Như vậy, theo quy định trên, đối với người khuyết tật nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng khi di chuyển bằng máy bay, tàu xe sẽ được giảm giá vé tối thiếu là 15% theo quy định.
Theo đó, đối với mức độ khuyết tật và xác định mức độ khuyết tật được quy định cụ thể như sau:
+ Người khuyết tật nặng: người do khuyết tật dẫn đến mất một phần hoặc suy giảm chức năng, không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được một số hoạt động đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân và những việc khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc, suy giảm từ 61% – 80%.
+ Người khuyết tật đặc biệt nặng: người do khuyết tật dẫn đến mất hoàn toàn chức năng, không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được các hoạt động đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân và những việc khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn, suy giảm 81% trở lên.
Còn trường hợp khuyết tật nhẹ (được Hội đồng giám định y khoa kết luận có khả năng tự phục vụ sinh hoạt hoặc suy giảm khả năng lao động dưới 61%) sẽ không được hưởng chế độ miễn giảm vé máy bay, vé tàu đi đường.
Lưu ý: theo quy định người khuyết tật muốn được miễn giảm vé máy bay, vé tàu thì cần phải xuất trình đầy đủ Giấy xác nhận khuyết tật.
3. Xe lăn của người khuyết tật có được mang lên máy bay hay không?
Theo quy định hiện nay, xe lăn được phép mang lên máy bay, tuy nhiên cần phải lưu ý:
+ Xe lăn chạy bằng pin thuộc danh mục vật phẩm nguy hiểm cấm, hạn chế mang vào khu vực hạn chế, mang lên tàu bay do yêu cầu bảo đảm an ninh hàng không.
Chính vì vậy, khi người khuyết tật mang xe lăn cũng như các thiết bị đi lại lên máy bay phải được người khai thác tàu bay chấp nhận vận chuyển. Bên cạnh đó phải thông báo cho người chỉ huy tàu bay về vị trí để xe lăn hoặc thiết bị hỗ trợ đi lại có lắp pin ướt, vị trí của pin được đóng gói hoặc vị trí để xe lăn hoặc thiết bị hỗ trợ đi lại dùng pin lithium-ion.
Lưu ý: người khai thác tàu bay phải có trách nhiệm đảm bảo các thiết bị hỗ trợ đi lại nêu trên được vận chuyển theo đúng quy định để ngăn chặn sự kích hoạt vô ý nguồn điện của pin và không bị hư hỏng do sự di chuyển của hành lý, bưu gửi, đồ vật phục vụ trên tàu bay và hàng hóa khác.
(căn cứ Quyết định số 1541/QĐ-CHK năm 2021).
Một số lưu ý liên quan đến việc được giảm giá vé máy bay, vé tàu thì người khuyết tật phải liên hệ đến trực tiếp nơi bán vé để được mua vé theo hình thức trực tiếp hoặc online và xuất trình đầy đủ giấy tờ để chứng minh mình thuộc đối tượng người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng để được miễn giảm vé đúng quy định.
THAM KHẢO THÊM: