Dưới đây là bài thu hoạch bồi dưỡng thường xuyên Tiểu học Module 7: Xây dựng môi trường học tập thân thiện cho học sinh cấp Tiểu học. Mời các thầy cô cùng tham khảo để bài thu hoạch bồi dưỡng thường xuyên của mình được hoàn thiện, có nội dung phong phú hơn.
Mục lục bài viết
1. Mục tiêu bài thu hoạch bồi dưỡng thường xuyên Tiểu học Module 7:
– Nhằm nâng cao nhận thức về một môi trường học tập thân thiện cả về vật chất và tinh thần, đồng thời cũng nhận thức được ý nghĩa của nó đối với quá trình dạy học và giáo dục.
– Kĩ năng thực hành được nâng cao và áp dụng vào việc xây dựng một môi trường học tập thân thiện.
– Nâng cao thái độ và sự yêu thương nhằm mục đích giáo dục học sinh có trách nhiệm và chăm ngoan. Luôn vận dụng các biện pháp một cách tích cực để xây dựng một môi trường học tập phù hợp với bản thân.
2. Phong trào “Xây dựng môi trường học thân thiện”:
2.1. Trường học thân thiện là gì?
– Trước hết, trường học thân thiện được hiểu là nơi tiếp nhận tất cả các trẻ nhỏ ở trong độ tuổi theo quy định, đến trường học. Nhà trường sẽ phải tạo điều kiện nhằm thực hiện quyền bình đẳng về học tập cho các thanh, thiếu niên.
– Là trường học có chất lượng giáo dục không ngừng được nâng cao một cách có hiệu quả và toàn diện. Các thầy, cô giáo trong nhà trường phải thân thiện trong quá trình dạy học, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của học sinh, đánh giá một cách khách quan, công bằng với trách nhiệm và lương tâm của một nhà giáo. Trọng quá trình dạy học, các thầy, cô giáo phải luôn thân thiện với tất cả năng lực thực tế của các đối tượng học sinh, để cho các em học sinh có thể tự tin bước chân vào đời.
– Là trường học có môi trường sống an toàn, lành mạnh, tránh được những nguy hiểm, đe dọa các em học sinh.
– Là trường học đảm bảo cơ sở vật chất cho các quyền tự nhiên cần thiết của con người: có đủ ánh sáng, nước sạch, nhà vệ sinh, phòng y tế, bãi tập, sân chơi,…
– Là trường học tạo lập giới tính được bình đẳng, xây dựng giáo dục hành vi và thái độ ứng xử tôn trọng nam nữ bình đẳng. Trường học thân thiện cần phải chú trọng đến việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, học sinh biết cách tự rèn luyện thân thể, tự bảo vệ sức khỏe và biết cách sống an toàn, khỏe mạnh.
– Là ngôi trường có sự huy động hiệu quả sự tham gia của các thầy cô giáo, học sinh, phụ huynh học sinh, các đơn vị kinh tế, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và nhân dân địa phương cùng đóng góp cùng đồng lòng, đồng sức để xây dựng nhà trường.
2.2. Ý nghĩa phong trào “Xây dựng môi trường học thân thiện”:
– Phong trào “Xây dựng môi trường học thân thiện” có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc tạo nên một môi trường giáo dục bình đẳng, an toàn, tạo cho học sinh có sự hứng thú trong học tập, góp phần đảm bảo quyền của học sinh được đến trường đi học và được học hết cấp, chất lượng giáo dục được nâng cao trên cơ sở tập trung mọi sự nỗ lực của nhà trường đối với học sinh, cùng với các mối quan tâm thể hiện tinh thần dân chủ và thái độ thân thiện.
– Trong môi trường học đường thân thiện, các em sẽ thấy được sự thoải mái khi việc học tập của bản thân vừa được gắn với kiến thức trong sách vở, vừa thông qua những trải nghiệm của bản thân trong các hoạt động ngoại khoá, các trò chơi dân gian, các hoạt động tập thể. Như vậy, các em nhỏ đến trường mỗi ngày là một ngày vui. Trường học thân thiện có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ trong quá trình phát huy tính tích cực của các em học sinh. Trong môi trường đó, học sinh học tập một cách có chủ động, hứng thú tìm kiếm những kiến thức dưới sự hướng dẫn từ giáo viên gắn kết chặt chẽ giữa học và hành, biết cách thư giãn khoa học, rèn luyện những phương pháp và kỹ năng học tập, trong đó yếu tố vô cùng quan trọng chính là khả năng tự khám phá, tìm hiểu, sáng tạo.
– Vai trò của thầy cô giáo trong phong trào “Xây dựng môi trường học thân thiện” có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đội ngũ giáo viên có năng lực quản lý và phẩm chất đạo đức nhằm đáp ứng được các yêu cầu của giáo dục trong thời kỳ phát triển mới đang từng bước được xây dựng. Theo đó, những thế hệ học sinh tích cực, năng động dưới sự giảng dạy của các giáo viên được học tập ở trong trường học thân thiện, là nhân tố quyết định đất nước phát triển bền vững.
3. Nội dung phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”:
3.1. Những nội dung chính:
Bao gồm 5 nội dung:
– Xây dựng trường, lớp an toàn, xanh – sạch – đẹp.
– Dạy và học một cách có hiệu quả, phù hợp với lứa tuổi học sinh ở từng địa phương, góp phần giúp các em học sinh tự tin trong học tập.
– Rèn luyện cho học sinh các kỹ năng sống.
– Tổ chức những hoạt động tập thể, lành mạnh, vui tươi.
– Học sinh tham gia quá trình tìm hiểu, gìn giữ, chăm sóc và phát huy giá trị của những văn hoá, di tích lịch sử, cách mạng ở địa phương.
3.2. Những việc cần làm để phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” đạt kết quả tốt đẹp:
– Sức mạnh tổng hợp của những lực lượng phía bên trong và ngoài nhà trường cần phải được huy động, xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, an toàn, thích hợp với điều kiện của mỗi địa phương và nhu cầu xã hội.
– Tính thụ động cần phải được khắc phục, thay vào đó là phát huy tính sáng tạo, chủ động của học sinh trong quá trình học tập và các hoạt động xã hội một cách có hiệu quả. – Xây dựng, sửa sang trường học, lớp học xanh – sạch – đẹp hơn. Bảo đảm môi trường học tập sạch sẽ, thoáng mát, có cây xanh, có đủ ánh sáng, bàn ghế phù hợp với lứa tuổi học sinh.
– Nhà trường thường xuyên tổ chức cho các em học sinh trồng cây và chăm sóc cây. Nhà vệ sinh có đầy đủ và vệ sinh được giữ gìn sạch sẽ, không ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường và lớp học. Học sinh tích cực tham gia vào quá trình giữ gìn vệ sinh những công trình công cộng, giữ gìn vệ sinh cá nhân, lớp học và nhà trường.
– Thầy cô giáo dạy học có hiệu quả, giúp học sinh tự tin trong quá trình học tập, có phương pháp giáo dục, dạy học nhằm khuyến khích các em có sự chuyên cần, chủ động, tích cực, sáng tạo và có ý thức vươn lên trong học tập, góp phần hình thành nên khả năng tự học của các em học sinh…
– Nhà trường tổ chức các hoạt động thể thao, văn nghệ thiết thực, khuyến khích học sinh tham gia một cách tự giác; tổ chức các trò chơi dân gian rèn luyện học sinh các kỹ năng ứng xử, kỹ năng sống trong sinh hoạt, ứng xử văn hóa, loại bỏ các tệ nạn xã hội và bạo lực trong môi trường học đường. Tạo cho học sinh hình thành nên thói quen làm việc học tập theo nhóm.
– Huy động sự đóng góp, tham của toàn xã hội nhằm triển khai phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” trong trường, lập ra kế hoạch phối hợp chặt chẽ với ngành khác trong địa bàn nhà trường.
4. Ý nghĩa và biện pháp xây dựng môi trường trường học thân thiện:
4.1. Xây dựng môi trường trường học thân thiện về mặt vật chất:
a, Xây dựng môi trường trường học thân thiện về mặt vật chất là gì?
Là môi trường cần phải đảm bảo về cơ sở vật chất, một mặt không chỉ đáp ứng những yêu cầu của sự nghiệp giáo dục, mặt khác góp phần giúp cho cuộc sống văn minh, an toàn, phối hợp cùng với tâm lí của học sinh: trường lớp sạch đẹp, có cây xanh, thoáng đãng; lớp học có đủ ánh sáng, bàn ghế trong lớp phù hợp với lứa tuổi học sinh; có bãi tập, sân chơi,…
b, Ý nghĩa việc xây dựng môi trường trường học thân thiện về mặt vật chất
– Môi trường trường học thân thiện về mặt vật chất tạo ra một môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, tránh được những rủi ro, nguy hiểm, bất trắc đe doạ đến học sinh, tạo cho học sinh có hứng thú đối với việc học tập.
– Xây dựng các sân chơi bổ ích cho học sinh, tạo điều kiện cho các em học sinh “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.
– Học sinh phải có ý thức trong việc xây dựng môi trường xanh – sạch – đẹp, có trách nhiệm giữ vệ sinh ở nơi công cộng, chủ động, tích cực tham gia bảo vệ cảnh quan môi trường trường học.
– Tính tự giác của học sinh phải được phát huy trong việc xây dựng giữ gìn môi trường nhà trường sạch đẹp.
c, Biện pháp xây dựng môi trường trường học thân thiện về mặt vật chất
– Tổ chức công tác tuyên truyền tới giák viên, học sinh, phụ huynh học sinh và các tổ chức xã hội một cách có hiệu quả.
– Xác định những mục tiêu để giáo viên và học sinh thực hiện xây dựng môi trường xanh – sạch – đẹp:
+ Giữ gìn vệ sinh sạch sẽ trong khuôn viên nhà trường;
+ Thường xuyên vệ sinh hệ thống thoát nước, nguồn nước; có đầy đủ nhà vệ sinh, giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, không làm ảnh hưởng đến môi trường và lớp học.
+ Có nhiều cây xanh, thoáng mát trong sân trường. Thường xuyên tổ chức cho học sinh trồng cây, chăm sóc cây.
+ Vệ sinh phòng học sạch sẽ: thoáng mát, có đầy đủ ánh sáng, đầy đủ bàn ghế và thực hiện đúng quy cách.
– Tổ chức cho học sinh tích cực, chủ động tham gia bảo vệ cảnh quan ngôi trường, giữ gìn vệ sinh ở nơi công cộng.
– Tổ chức cho học sinh tham gia trang trí lớp học thân thiện, xây dựng cảnh quan lớp học sạch đẹp, tạo cho học sinh hứng thú học tập.
– Phát huy tính tự giác tự quản của học sinh trong quá trình xây dựng môi trường nhà trường sạch đẹp, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng giáo dục có trong nhà trường: Liên đội, đoàn thể,….
– Sử dụng và khai thác hợp lý có hiệu quả các đồ dùng dạy học, trang thiết bị ở từng khối lớp học. Dự giờ hường xuyên, rút ra kinh nghiệm về việc sử dụng đồ dùng dạy học hiệu quả, nhất là trong những giờ dạy có ứng dụng CNTT.
– Tổ chức các sân chơi lành mạnh cho học sinh: các phong trào thi đua, hội thi, hoạt động ngoại khoá,…
4.2. Xây dựng môi trường nhà trường thân thiện về mặt tinh thần:
a, Xây dựng môi trường nhà trường thân thiện về mặt tinh thần là gì?
Là xây dựng nên các mối quan hệ giữa giáo viên với giáo viên, giữa giáo viên với học sinh, giữa các em học sinh với nhau, giữa nhà trường với phụ huynh,…
b, Ý nghĩa việc xây dựng môi trường nhà trường thân thiện về mặt tinh thần
– Xây dựng các mối quan hệ giữa trong và ngoài nhà trường nhằm mục đích huy động sức mạnh tổng hợp của những lực lượng phía bên trong và bên ngoài trường học, tạo ra một môi trường giáo dục thân thiện, an toàn, hiệu quả và phù hợp với điều kiện của mỗi địa phương và nhu cầu xã hội.
– Trong quá trình học tập và các hoạt động xã hội, học sinh phát huy được tính sáng tạo, chủ động một cách phù hợp và có hiệu quả.
– Rèn luyện cho học sinh kĩ năng sống.
c, Biện pháp việc xây dựng môi trường nhà trường thân thiện về mặt tinh thần
* Công tác tuyên truyền được tổ chức tốt:
– Tất cả các hoạt động đều phải có sự gắn kết, nhà trường cần phải phối hợp với các ban ngành và đoàn thể của địa phương. Đối với nhà trường thì phụ huynh là lực lượng không thể thiếu trong công tác giáo dục vì vậy phong trào này phải được triển khai tới 100% phụ huynh của học sinh trong trường.
– Mục đích, yêu cầu của các văn bản được chỉ đạo phải được triển khai một cách cụ thể và được thực hiện để xây dựng một môi trường học tập thân thiện đến tất cả mọi người trong trường học, đến toàn thể cán bộ, giáo viên và học sinh.
– Các kế hoạch được xây dựng và thực hiện, cũng như tổ chức phát động các phong trào thi đua, khen thưởng với các thành viên trong nhà trường hoặc Ban đại diện hội phụ huynh học sinh và lồng ghép với các cuộc vận động trong một năm học.
– Tổ chức sơ kết và tổng kết cũng gắn với phong trào “Xây dựng trường học thân thiện”. Sơ kết, tổng kết là hình thức điển hình cho sự khen thưởng của những cá nhân trong nhà trường, cùng như các tổ khối thực hiện phong trào tốt.
* Đẩy mạnh phương pháp dạy học mới:
– Phương pháp dạy học mới, phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo của học sinh nhằm tạo dựng được mối quan hệ tốt đẹp giữa giáo viên và học sinh. Giáo viên muốn học sinh học tập tích cực, hiệu quả thì trước hết phải hiểu về khả năng nhận thức, tinh thần thái độ học, điều kiện học tập của học sinh ; ngược lại, giáo viên động viên, chỉ bảo, học sinh sẽ biết cách tìm kiếm những thông tin trên nhiều kênh phương tiện khác nhau, khi gặp vướng mắc, khó khăn các em mạnh dạn trao đổi với thầy cô giáo và trong học tập tự tin, chủ động hơn.
– Việc giáo viên đổi mới phương pháp dạy học thường lôi cuốn tất cả học sinh tham gia và hợp tác vào trong quá trình dạy học. Vì thế, qua việc dạy học một cách tích cực mà mối quan hệ hợp tác giữa học sinh với nhau được xây dựng tốt.
– Bên cạnh đổi mới phương pháp dạy học, Ban giám hiệu trong nhà trường cần tổ chức các hoạt động nghiên cứu thực tế, hoạt động ngoại khoá,… nhằm giúp học sinh hình thành và nâng cao các kỹ năng học tập.
– Nhà trường cần phải đổi mới phương pháp bồi dưỡng giáo viên với nhiều hình thức khác nhau giúp cho nhận thức của giáo viên được nâng cao tinh thần trách nhiệm và niềm yêu nghề của mình:
+ Tổ chức bồi dưỡng cho giáo viên với phương pháp dạy học phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo của học sinh qua các cụm, tổ chuyên môn.
+ Tổ chức những buổi sinh hoạt để chia sẻ các kinh nghiệm giáo dục và giảng dạy học sinh.
+ Bồi dưỡng giáo viên về quá trình sử dụng đồ dùng dạy học, ứng dụng CNTT trong hoạt động giảng dạy để đạt được hiệu quả tốt.
– Giáo viên dạy học và giáo dục học sinh có hiệu quả, phù hợp với lứa tuổi của các em, giúp các em có thêm sự tự tin trong quá trình học tập. Phương pháp dạy học, giáo dục học sinh học tập đúng đắn sẽ khuyến khích tính chuyên cần, chủ động, tích cực, sáng tạo và có ý thức vươn lên trong học tập, góp phần hình thành nên khả năng tự học của các em.
* Tổ chức các hoạt động tập thể lành mạnh cho học sinh:
– Hoạt động tập thể lành mạnh giúp cho mối quan hệ giữa giáo viên với học sinh, học sinh với học sinh trở nên tốt đẹp hơn; giúp các em có kỹ năng ứng các tình huống trong cuộc sống một cách hợp lý, kĩ năng làm việc theo nhóm, có ý thức tự giác rèn luyện và bảo vệ sức khoẻ, phòng chống các tệ nạn xã hội,bạo lực học đường,…
– Tổ chức các hoạt động thể thao, văn nghệ, thể thao thiết thực chào mừng các ngày lễ trong năm.
– Tổ chức các hoạt động vui chơi tích cực, các hoạt động dân gian phù hợp với lứa tuổi được các em học sinh hưởng ứng nhiệt tình như: kéo co, nhảy dây,…
– Tổ chức những hoạt động ngoài giờ học các em rèn kỹ năng bảo vệ sức khoẻ, phòng chống đuối nước, tai nạn giao thông,…
– Chất lượng hoạt động Đội của nhà trường được nâng cao.
* Công tác giáo dục truyền thống được tăng cường:
– Thực hiện giảng dạy nghiêm túc chương trình môn đạo đức, tăng cường hướng dẫn các em thực hành, tạo ra tình huống, cơ hội cần thiết để các em học sinh có cơ hội được bộc lộ hành vi của bản thân, trên cơ sở đó các thầy cô giáo dẫn dắt các em hướng tới các hành vi chuẩn mực.
– Cụ thể hoá Năm điều Bác Hồ dạy với các việc làm thân quen, gần gũi, phù hợp với lứa tuổi học sinh qua các hoạt động tự nhiên, cởi mở, nhẹ nhàng.
– Bằng nhiều hình thức khác nhau về tuyên truyền giáo dục truyền thống nhà trường, quê hương góp phần giúp học sinh có những tình cảm tốt đẹp với trường học với quê hương, đất nước.
– Nâng cao hiệu quả các hoạt động của Sao nhi đồng, Đội thiếu niên, lấy gương người tốt làm việc tốt ở trong trường học, lớp học, sách vở nhằm giáo dục nhân cách của học sinh.
– Tổ chức thực hiện giảng dạy về thực hiện văn hoá giao thông, an toàn giao thông một cách tốt nhất.
– Tổ chức giới thiệu đến học sinh các di sản văn hoá, di tích lịch sử của đất nước thông qua các hình thức khác nhau:
+ Tổ chức việc đăng kí chăm sóc các di tích văn hoá, di tích lịch tại địa phương: Nghĩa trang liệt sĩ,…
+ Thông qua các ngày lễ lớn trong năm để phát động các phong trào thi đua: 26/3, 30/4, 1/5, 20/10, 20/11,….
Qua phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” một môi trường sư phạm lành mạnh được xây dựng, trong đó, các em học sinh biết cách bảo vệ danh dự của bản thân, của tập thể lớp, của nhà trường; biết bảo vệ những điều đúng đắn và phê phán những cái sai trái. Và để làm được tất cả những điều này phải có sự chung tay của các gia đình và cả cộng đồng.
Nói tóm lại: Người giáo viên đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc có một môi trường học tập thân thiện, bởi các thầy cô giáo phải luôn tìm ra các giải pháp, biện pháp phù hợp, có hiệu quả nhất nhằm tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí, các trò chơi dân gian hay các hoạt động ngoại khoá khác. Bên cạnh đó, môi trường học tập thân thiện, phương pháp giảng dạy và phương pháp học tập thân thiện, cùng với những mối quan hệ thân thiện và sự phục vụ thân thiện đến từ phía nhà trường chính là điều mà các em học sinh cần. Có như thế thì các em học sinh mới thật sự cảm thấy thoải mái và yêu thương mái trường như ngôi nhà của chính các em và các em học sinh cũng chính là những mầm non, là nhân tố quyết định sự phát triển của đất nước.
THAM KHẢO THÊM: