Xâm phạm quyền riêng tư cá nhân là một trong những hành vi vi phạm thường thấy trong cuộc sống hằng ngày (có thể được thể hiện dưới hình thức: tiết lộ, phát tán... những thông tin cá nhân, riêng tư của người khác), đây là hành vi vi phạm quy định của pháp luật. Dưới đây là mẫu đơn tố cáo hành vi xâm phạm quyền riêng tư mới nhất có thể tham khảo.
Mục lục bài viết
1. Mẫu đơn tố cáo xâm phạm quyền riêng tư mới nhất:
Mẫu đơn tố cáo quyền riêng tư là văn giải trình bày với cơ quan có thẩm quyền về hành vi xâm phạm quyền riêng tư. Luật Dương Gia gửi đến bạn đọc Mẫu đơn tố cáo hành vi xâm phạm quyền riêng tư như sau:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
————–
ĐƠN TỐ CÁO
(V/v xâm phạm quyền riêng tư)
Kính gửi (1): …
Họ và tên tôi (2): … Sinh ngày (3): …
Chứng minh nhân dân số (4): …
Ngày cấp (5): … Nơi cấp (6): …
Hộ khẩu thường trú (7): …
Chỗ ở hiện tại (8): …
Số điện thoại liên hệ (9): …
Tôi làm đơn này tố cáo và đề nghị Quý cơ quan tiến hành điều tra, xử lý đối với hành vi vi phạm pháp luật của:
Anh/chị (10): … Sinh ngày (11): …
Chứng minh nhân dân số (12): …
Ngày cấp (13): … Nơi cấp (14): …
Hộ khẩu thường trú (15): …
Chỗ ở hiện tại (16): ……
Vì … đã có hành vi xâm phạm quyền riêng tư …
Sự việc cụ thể như sau: …
Từ những sự việc trên, tôi cho rằng hành vi của … có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Tôi cam kết toàn bộ nội dung đã trình bày trên là hoàn toàn đúng sự thật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về những điều trình bày trên. Kính mong Quý cơ quan xem xét và giải quyết theo đúng quy định pháp luật.
Tôi xin chân thành cảm ơn!
…, ngày … tháng … năm …
Người tố cáo
(Ký và ghi rõ họ tên)
2. Hướng dẫn viết đơn tố cáo xâm phạm quyền riêng tư:
Tố cáo là việc cá nhân, tổ chức theo thủ tục luật định, trình bày và báo cáo cho cơ quan có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm quy định của pháp luật của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào trong xã hội gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến quyền lợi hợp pháp của các tổ chức, cơ quan hoặc cá nhân khác, gây thiệt hại đến lợi ích của nhà nước. Thông thường, đối tượng của việc tố cáo các hành vi vi phạm quy định của pháp luật trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, công vụ; tố cáo hành vi vi phạm quy định của pháp luật về vấn đề quản lý nhà nước trong một hoặc một số lĩnh vực khác nhau. Mục đích của việc tố cáo là nhằm chấm dứt hành vi gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của nhà nước, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cơ quan và cá nhân trong xã hội.
Đơn tố cáo nói chung và đơn tố cáo xâm phạm đến quyền Dương Tư nói riêng được xem là văn bản mà người tố cáo trình bày với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về nội dung vi phạm. Trong quá trình làm đơn tố cáo xâm phạm đến quyền riêng tư thì cần phải cung cấp các thông tin, giấy tờ, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo, cam kết nội dung mình trình bày là đúng sự thật và trung thực. Nội dung của đơn tố cáo thông thường, bao gồm: Ngày tháng năm làm đơn tố cáo, họ tên của người tố cáo, địa chỉ liên lạc, cách thức liên hệ với người tố cáo, hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo, thông tin về người bị tố cáo, ký tên của người tố cáo và một số nội dung cơ bản khác.
Nhìn chung, mẫu đơn tố cáo xâm phạm quyền riêng tư cần phải đảm bảo một số nội dung cơ bản như sau:
-
Tiêu ngữ “Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Độc lập – tự do – hạnh phúc”, và được viết ở đầu đơn tố cáo;
-
Tên đơn tố cáo là: đơn tố cáo xâm phạm đến quyền riêng tư;
-
Kính gửi cơ quan công an cấp quận, huyện có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm quy định của pháp luật;
-
Thông tin cơ bản của người làm đơn bao gồm: họ và tên, ngày tháng năm sinh, số giấy tờ tùy thân, hộ khẩu thường trú, chỗ ở hiện tại, số điện thoại liên hệ;
-
Thông tin cá nhân của người bị tố cáo bao gồm: họ và tên, ngày tháng năm sinh, số giấy tờ tùy thân, hộ khẩu thường trú, chỗ ở hiện tại, số điện thoại liên hệ và một số thông tin cơ bản khác;
-
Trình bày rõ nội dung tố cáo, cách thức thực hiện hành vi xâm phạm đến quyền riêng tư;
-
Cam kết nội dung trình bày là đúng sự thật, chịu trách nhiệm trước pháp luật về những điều mà mình đã trình bày trong đơn tố cáo;
-
Cuối đơn cần phải ghi ngày, tháng, năm làm đơn tố cáo; người làm đơn tố cáo cần phải ký và ghi rõ họ tên.
3. Hành vi xâm phạm quyền riêng tư của người khác có vi phạm pháp luật không?
Hành vi xâm phạm quyền riêng tư của người khác là một trong những hành vi vi phạm quy định của pháp luật, người thực hiện hành vi xâm phạm quyền riêng tư có thể thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như: tiết lộ, phát tán, lan truyền … những thông tin riêng tư, cá nhân khi không được sự đồng ý của người đó. Vì vậy, hành vi xâm phạm quyền riêng tư là hành vi bị cấm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền công dân, tuy nhiên bất chấp quy định của pháp luật nhiều người vẫn đã và đang thực hiện hành vi xâm phạm quyền riêng tư của người khác.
Căn cứ theo quy định tại Điều 38 của Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định về quyền đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình. Theo đó:
-
Đời sống riêng tư, bí mật gia đình và bí mật cá nhân là bất khả xâm phạm, được pháp luật bảo vệ;
-
Quá trình thu thập, lưu giữ, công khai thông tin và sử dụng thông tin liên quan trực tiếp đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân bắt buộc phải được sự đồng ý của người đó; quá trình thu thập, lưu giữ, công khai thông tin và sử dụng thông tin liên quan trực tiếp đến bí mật gia đình bắt buộc phải được các thành viên trong gia đình đồng ý; ngoại trừ trường hợp pháp luật liên quan có quy định khác;
-
Thư tín, điện tín, điện thoại, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của các cá nhân cần phải được đảm bảo bí mật và bảo đảm an toàn theo quy định của pháp luật. Quá trình bóc, mở, kiểm soát, điện thoại, đọc, thu giữ thư tín, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân chỉ được thực hiện trong trường hợp pháp luật có quy định;
-
Các bên trong hợp đồng sẽ không được phép thực hiện hành vi tiết lộ thông tin liên quan đến đời sống cá nhân, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của nhau cho người thứ ba (những thông tin biết được trong quá trình xác lập, thực hiện hợp đồng), ngoại trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Tiếp tục căn cứ theo quy định tại Điều 21 của Hiến pháp năm 2013 có quy định về quyền riêng tư bí mật thư tín, điện tín và điện thoại. Theo đó:
-
Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về bí mật cá nhân, bí mật gia đình, bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, có quyền bảo v nhân phẩm, danh dự và uy tín của bản thân. Thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật gia đình và bí mật cá nhân được pháp luật bảo đảm an toàn;
-
Mọi người có quyền giữ bí mật về thư tín, điện tín, điện thoại và các hình thức trao đổi thông tin hợp pháp, riêng tư khác. Không ai được thực hiện hành vi bóc, mở, thu giữ, kiểm soát trái pháp luật thư tín, điện tín, điện thoại và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác.
Như vậy, mọi người đều có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật gia đình và bí mật cá nhân, mọi người có quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm và uy tín của bản thân. Thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật gia đình, bí mật cá nhân được pháp luật bảo đảm an toàn, bất cứ ai cũng không được xâm phạm đến quyền riêng tư của người khác. Mọi hành vi vi phạm đều bị xử lý theo quy định của pháp luật.
THAM KHẢO THÊM: