Về lí luận, quyền của chủ thể không được hình thành, chấm dứt một cách tự nhiên mà chỉ xuất hiện khi được pháp luật quy định hoặc công nhận. Dưới góc độ pháp lý, bảo vệ vật quyền sẽ là cách thức, biện pháp mà Nhà nước tác động vào quan hệ nhằm điều chỉnh các hành vi ứng xử của con người, qua đó nhằm ngăn chặn những hành vi xâm phạm từ phía chủ thể khác đối với chủ thể mang quyền.
Mục lục bài viết
1. Xác lập, thực hiện, chấm dứt vật quyền:
1.1. Xác lập vật quyền:
1.1.1. Căn cứ xác lập vật quyền:
Pháp luật quy định hoặc công nhận là sự ghi nhận về mặt pháp lý của chủ thể đối với tài sản nên cũng như các quyền khác, vật quyền chỉ được xác lập dựa trên những sự kiện pháp lý nhất định, bao gồm:
Thứ nhất, được xác lập theo ý chí của các chủ thể thông qua hợp đồng hoặc giao dịch một bên
Quan hệ dân sự chủ yếu được thiết lập dựa vào sự thoả thuận, tự định đoạt của các chủ thể thông qua giao dịch dân sự. Do đó, khi tham gia vào quan hệ dân sự, trong đó có quan hệ vật quyền thì sự tự định đoạt của các bên thông qua hợp đồng hoặc giao dịch một bên là một căn cứ phổ biến. Hợp đồng là sự thoả thuận, thống nhất ý chí của các chủ thể làm phát sinh vật quyền của một hoặc các bên chủ thể. Các hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu hoặc các vật quyền khác như
Giao dịch một bên là sự thể hiện ý chí của một bên chủ thể làm phát sinh hậu quả pháp lý đó là xác lập một vật quyền đối với tài sản cho một chủ thể nhất định. Ví dụ như một người lập di chúc để lại tài sản cho người khác hoặc cho phép một người có quyền hưởng dụng, có quyền bề mặt hoặc quyền địa dịch đối với tài sản của mình sau khi mình chết thì khi di chúc phát sinh hiệu lực pháp luật, những người được chỉ định trong di chúc sẽ có quyền đối với tài sản đó; hoặc khi một người tuyên bố hứa thưởng cho người nào thực hiện các điều kiện do bên hứa thưởng đưa ra thì khi bên hứa thưởng trao thưởng cho bên thực hiện được các điều kiện đó sẽ làm xác lập quyền sở hữu của bên được trao thưởng đối với tài sản..
Thứ hai, xác lập theo quy định của pháp luật
Vật quyền mang tính chất tuyệt đối, pháp định nên bên cạnh sự thể hiện ý chí của một hoặc các bên chủ thể khi tham gia quan hệ pháp luật dân sự thì trong nhiều trường hợp, nhằm thực hiện việc quản lý nhà nước, bảo vệ lợi ích của người yếu thế trong xã hội, vì lợi ích công cộng, vì lợi ích của chính các bên trong quan hệ… mà pháp luật quy định về những sự kiện pháp lý làm phát sinh vật quyền của chủ thể. Có thể kể đến các trường hợp cụ thể xác lập vật quyền do pháp luật quy định như: 1) Xác lập quyền sở hữu do sáp nhập, trộn lẫn, chế biến; xác lập quyền sở hữu do phát hiện tài sản vô chủ, nhặt được tài sản đánh rơi, bỏ quên, tìm được tài sản chôn giấu, chìm đắm..; 2) Xác lập quyền hưởng dụng do chiếm hữu gia súc, gia cầm thất lạc; xác lập quyền hưởng dụng đối với hoa lợi, lợi tức do chiếm hữu không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình..; 3) Xác lập quyền địa dịch do vị trí như quyền sử dụng lối đi qua bất động sản liền kề; quyền về mắc đường dây tải điện, thông tin liên lạc qua bất động sản khác; quyền cấp thoát nước qua bất động sản liền kề, quyền về tưới tiêu nước trong canh tác..
Thứ ba, xác lập theo những căn cứ riêng biệt khác tin Trong những trường hợp đặc biệt, vật quyền có thể được xác lập dựa trên những căn cứ khác như bản án, quyết định của toà án hoặc các quyết định tố tụng, hành chính khác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc theo thời hiệu… Ví dụ như quyết định tịch thu tài sản, bản án có hiệu lực phân chia tài sản chung hoặc quyết định, bản án giao quyền hưởng dụng, địa dịch hoặc bề mặt cho một chủ thể nhất định.
Xuất phát từ nguyên tắc trên, hầu hết pháp luật của các nước đều ghi nhận việc xác lập vật quyền dựa trên những căn cứ này. Ví dụ như trong luật La Mã, “Servitus”(26) phát sinh theo ý chí của chủ sở hữu đồ vật dùng để cho người khác sử dụng hoặc theo một hợp đồng giữa chủ sở hữu và chủ thể “Servitus”. “Servitus” cũng có thể phát sinh theo quyết định của toà án. BLDS Pháp quy định quyền hưởng hoa lợi, lợi tức được xác lập theo quy định của pháp luật hoặc theo ý chí của chủ thể (Điều 579); Điều 639 quy định dịch quyền phát sinh do địa thế tự nhiên của bất động sản, theo quy định của pháp luật hoặc theo thoả thuận của các chủ sở hữu Điều 176 BLDS Nhật Bản” và Điều 133 BLDS Campuchia đều quy định việc xác lập và chuyển giao vật quyền được xác lập thông qua việc thể hiện ý chí của các bên.
1.1.2. Thời điểm xác lập vật quyền:
Thời điểm xác lập vật quyền là một điểm thời gian hoặc một mốc thời gian mà kể từ thời điểm đó chủ thể phát sinh một vật quyền đối với tài sản. Xác định thời điểm xác lập vật quyền có ý nghĩa trong việc bảo vệ quyền của chủ thể có vật quyền đồng thời xác định được chủ thể hưởng hoa lợi, lợi tức đối với tài sản cũng như chủ thể chịu rủi ro đối với tài sản. Thời điểm xác lập vật quyền được xác định khác nhau phụ thuộc vào đối tượng của vật quyền, bởi lẽ đối với mỗi loại tài sản khác nhau có quy chế pháp lý riêng biệt là cơ sở để pháp luật công nhận quyền của chủ thể đối với tài sản đó. Dựa trên đặc điểm pháp lý của các loại tài sản khác nhau, thời điểm xác lập vật quyền được xác định như sau:
Thứ nhất, thời điểm đăng ký
Về nguyên tắc, đối với những tài sản pháp luật quy định bắt buộc phải đăng ký như bất động sản, tàu bay, tàu biển, phương tiện cơ giới… mà các chủ thể có quyền đối với tài sản không đăng ký thì không thể được pháp luật công nhận và bảo vệ. Chính vì vậy, đối với những loại tài sản này thì thời điểm xác lập vật quyền được xác định là thời điểm đăng ký.
Ghi nhận nguyên tắc này, pháp luật của nhiều nước trên thế giới đều khẳng định tầm quan trọng của đăng ký trong việc xác lập vật quyền. Ví dụ như: Luật về tài sản của Trung Quốc quy định bất động sản phải được đăng ký tại cơ quan đăng ký của nơi có bất động sản (Điều 10) và trừ khi có quy định khác của luật, việc thiết lập, sửa đổi, chuyển nhượng, mất đi của quyền đối với bất động sản chỉ có hiệu lực khi đăng ký theo quy định của pháp luật (Điều 9). Điều 177 BLDS Nhật Bản quy định việc thủ đắc, mất hoặc thay đổi vật quyền đối với bất động sản không thể được tiến hành chống lại người thứ ba khi việc này chưa được đăng ký phù hợp với quy định về đăng ký tài sản. Điều 134 BLDS Campuchia quy định, loại trừ quyền chiếm hữu, quyền cầm giữ, quyền sử dụng, quyền cư ngụ thì việc xác lập, chuyển giao, thay đổi vật quyền đối với bất động sản không được tiến hành chống lại người thứ ba nếu quyền đó không được đăng ký theo quy định của pháp luật về đăng ký tài sản.
Có thể nói, mặc dù trong dân sự các bên có quyền thoả thuận và tự định đoạt nhưng trong trường hợp đối tượng của vật quyền là các tài sản có đăng ký thì các bên không thể thoả thuận về thời điểm xác lập vật quyền mà phương thức duy nhất để khẳng định quyền của chủ thể đối với tài sản chính là đăng ký.
Thứ hai, thời điểm luật quy định
Trong một số trường hợp, để đảm bảo lợi ích cho các bên tham gia quan hệ cũng như đảm bảo lợi ích công cộng, sự hài hoà về lợi ích giữa các bên tham gia quan hệ với lợi ích chung và lợi ích của người khác, pháp luật dân sự có quy định về thời điểm xác lập vật quyền như thời điểm trả hết tiền trong hợp đồng mua trả chậm, trả dần; thời điểm kết thúc thời hạn chiếm hữu trong trường hợp xác lập vật quyền theo thời hiệu; thời điểm hết thời hạn dùng thử mà không trả lời…
Tương tự như tài sản có đăng ký, đây là những trường hợp đặc biệt có hệ quả pháp lý riêng nên luật đã ấn định thời điểm xác lập vật quyền và các bên cũng không thể có thoả thuận khác.
Thứ ba, thời điểm các bên có thoả thuận hoặc theo ý chí của một bên trong giao dịch một bên
Đối với những tài sản pháp luật không quy định phải đăng ký hoặc luật không có quy định khác thì pháp luật hoàn toàn để các bên tự do thể hiện ý chí. Trong trường hợp này, nếu các bên có thoả thuận hoặc một bên trong giao dịch đơn phương thể hiện ý chí về thời điểm xác lập vật quyền thì thời điểm đó được xác định theo ý chí của các bên. Thời điểm này có thể là thời điểm hợp đồng có hiệu lực, thời điểm chuyển giao tài sản hoặc sau thời điểm đó. Xét về logic, các bên không thể thoả thuận thời điểm xác lập vật quyền là thời điểm trước thời điểm hợp đồng có hiệu lực, bởi lẽ tính đến thời điểm hợp đồng có hiệu lực, tài sản vẫn luôn thuộc quyền của chủ thể mang vật quyền trước đó mà không thể được chuyển giao cho người khác. Tương tự như vậy, đối với giao dịch một bên thì thời điểm xác lập vật quyền cũng phải phát sinh sau thời điểm giao dịch có hiệu lực.
Thứ tư, thời điểm chuyển giao tài sản
Đối với tài sản không phải đăng ký mà luật không có quy định khác và các bên không có thoả thuận thì thời điểm xác lập quyền sở hữu và các quyền khác đối với tài sản là thời điểm chủ thể có quyền đối với tài sản được chuyển giao đối với tài sản đó. Việc chuyển giao đối với tài sản được hiểu là bên được chuyển giao đã chiếm hữu đối với tài sản về mặt pháp lý hoặc vật lí. Về nguyên tắc, khi một người nắm giữ tài sản, họ thường tác động vào tài sản và được suy đoán là người có quyền đối với tài sản đó. Do đó, để phát huy giá trị của tài sản, tránh những rủi ro đáng tiếc xảy ra khi tài sản được mang ra giao dịch tiếp theo, việc xác định thời điểm chuyển giao vật quyền là thời điểm chiếm hữu là hoàn toàn phù hợp.
1.2. Thực hiện vật quyền:
Thực hiện vật quyền là việc chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản thực hiện các quyền năng mà pháp luật cho phép đối với tài sản của mình hoặc của người khác nhằm thỏa mãn nhu cầu vật chất hoặc tinh thần cụ thể. Thực tế, việc thực hiện vật quyền chính là thực hiện quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản như quyền đối với bất động sản liền kề, quyền hưởng dụng, quyền bề mặt. Việc thực hiện các vật quyền này có những đặc điểm như sau:
Thứ nhất, việc thực hiện các vật quyền luôn gắn với một tài sản nhất định. Về lý thuyết, vật quyền được hiểu là quyền của một chủ thể đối với một loại tài sản nhất định mà ở đó, chủ thể được thực hiện các quyền năng nhằm khai thác công dụng của tài sản nhằm thỏa mãn những nhu cầu nhất định. Do đó, không thể có vật quyền nào được thực hiện mà không gắn với tài sản. Đây là đặc điểm cơ bản nhằm phân biệt việc thực hiện vật quyền với việc thực hiện trái quyền, bởi việc thực hiện trái quyền luôn phụ thuộc vào hành vi của bên có nghĩa vụ chứ không phụ thuộc vào một tài sản cụ thể.
Thứ hai, việc thực hiện vật quyền do chính chủ thể mang vật quyền thực hiện nhằm mang lại những lợi ích nhất định cho chủ thể có vật quyền. Thực tế, vật quyền luôn được thực hiện trên một tài sản cụ thể. Biểu hiện của việc thực hiện vật quyền là chủ thể có vật quyền tiến hành khai thác công dụng của tài sản hoặc hưởng hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản nhằm thỏa mãn những nhu cầu nhất định cho bản thân hoặc gia đình. Trong khi đó, đối với trái quyền, để đáp ứng lợi ích của mình chủ thể có quyền phải yêu cầu người có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ và nếu người có nghĩa vụ không thực hiện thì lợi ích của bên mang quyền cũng không thể được đáp ứng.
Thứ ba, việc thực hiện vật quyền phải bảo đảm sự tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể khác. Việc khai thác lợi ích từ tài sản của chủ thể có vật quyền luôn bị giới hạn bởi những quy định cụ thể, nhằm bảo vệ lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể khác. Thực tế, nếu không có những giới hạn cụ thể cho chủ sở hữu và chủ thể có quyền khác đối với tài sản thì việc thực hiện các vật quyền của các chủ thể này có thể gây ảnh hưởng đến lợi ích công cộng cũng như các quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể khác. Ví dụ, việc thực hiện quyền sở hữu nếu không được kiểm soát có thể gây ra ô nhiễm môi trường, dẫn đến thiệt hại cho các chủ thể khác.
Dưới góc độ pháp lý, các chủ thể có vật quyền có thể thực hiện mọi hành vi mà pháp luật không cấm để khai thác công dụng và hưởng các lợi ích từ tài sản là đối tượng của vật quyền. Việc thực hiện các quyền này có thể ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Do đó, để bảo đảm việc các chủ thể có vật quyền có thể khai thác lợi ích tối đa từ tài sản là đối tượng của vật quyền, đồng thời hạn chế những thiệt hại có thể xảy ra cho các chủ thể có liên quan, việc đặt ra các nguyên tắc và những quy định nhằm giới hạn việc thực hiện vật quyền là cần thiết.
1.3. Chấm dứt vật quyền:
Chấm dứt vật quyền dẫn đến việc chấm dứt mọi quyền năng của chủ thể mang quyền đối với tài sản là đối tượng của vật quyền. Khi vật quyền chấm dứt, chủ sở hữu hoặc chủ thể có vật quyền khác đối với tài sản không được phép tác động lên tài sản để thoả mãn lợi ích của mình.
Là một quan hệ pháp luật tuyệt đối, vật quyền cũng chấm dứt dựa trên những sự kiện pháp lý nhất định. Các sự kiện này có thể khác nhau tuỳ vào từng loại vật quyền cụ thể và tuỳ vào từng trường hợp khác nhau. Tuy nhiên, dưới góc độ lý luận có thể thấy, vật quyền chấm dứt theo một trong ba nhóm căn cứ chủ yếu sau đây:
Thứ nhất, vật quyền chấm dứt theo ý chí của chủ thể có vật quyền
Đây trường hợp vật quyền chấm dứt theo ý chí đơn phương của chủ thể có vật quyền. Căn cứ này xuất phát từ nguyên tắc cơ bản của luật dân sự đó là tôn trọng quyền tự do của các chủ thể khi tham gia vào quan hệ pháp luật dân sự. Xét về bản chất, đây là trường hợp một chủ thể có quyền đối với tài sản nhưng lại thể hiện ý chí nhằm khước từ quyền đó. Đối với mỗi loại vật quyền, việc chấm dứt theo ý chí có thể là việc thực hiện một quyền năng thuộc vật quyền (từ bỏ) hoặc từ chối hưởng vật quyền, cụ thể như:
Đối với quyền sở hữu, chủ sở hữu thể hiện ý chí làm chấm dứt quyền sở hữu tài sản của mình thông qua việc định đoạt tài sản (từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng hết tài sản, tiêu hủy tài sản). Tức là việc thể hiện ý chí này chính là thực hiện một trong những quyền năng thuộc nội dung của quyền sở hữu. Hay nói cách khác, việc thực hiện quyền sở hữu (thực hiện quyền định đoạt tài sản) lại chính là căn cứ chấm dứt quyền sở hữu.
Đối với các vật quyền khác, việc chủ thể quyền thể hiện ý chí làm chấm dứt vật quyền không phải là thực hiện một trong các quyền năng thuộc nội dung của vật quyền. Đây là trường hợp chủ thể có vật quyền thể hiện ý chí từ chối việc tiếp tục được hưởng vật quyền.
Thứ hai, vật quyền chấm dứt theo thỏa thuận
Thỏa thuận là một trong những phương thức phổ biến để chủ thể xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền và nghĩa vụ trên thực tế. Theo đó, đây cũng được coi là một trong những căn cứ được áp dụng để làm chấm dứt một loại vật quyền cụ thể. Đối với vật quyền chính (quyền sở hữu), sự thỏa thuận được coi là căn cứ chấm dứt quyền sở hữu là sự thỏa thuận giữa chủ sở hữu và chủ thể khác. Kết quả của sự thỏa thuận này bao giờ cũng là chấm dứt quyền sở hữu của chủ sở hữu, và sẽ làm phát sinh quyền sở hữu cho chủ thể nhận chuyển giao. Tức là xét về bản chất, quyền sở hữu thực tế không chấm dứt mà chỉ chuyển từ chủ thể này sang chủ thể khác. Đối với các vật quyền khác, sự thỏa thuận có thể được thực hiện trong hai trường hợp. Thứ nhất là sự thỏa thuận giữa người có vật quyền đó với chủ sở hữu (người có vật quyền chính). Kết quả của sự thỏa thuận này là vật quyền khác sẽ chấm dứt và không làm phát sinh vật quyền này cho bất cứ chủ thể nào khác. Ví dụ: A có quyền địa dịch về lối đi đối với mảnh đất của B nhưng do A có thể tạo lập lối đi khác và B có nhu cầu sử dụng phần đất đó thì 2 bên có thể thỏa thuận chấm dứt quyền địa dịch này. Thứ hai là trường hợp chủ thể của vật quyền khác chuyển giao hoàn toàn vật quyền cho người thứ ba thì khi đó người thứ ba sẽ trở thành người có vật quyền mới và người có vật quyền trước đó sẽ chấm dứt tư cách chủ thể quyền đối với tài sản. Ví dụ: A có quyền bề mặt, A thỏa thuận chuyển giao quyền bề mặt đó cho B thì khi đó quyền của A sẽ chấm dứt.
Thứ ba, vật quyền chấm dứt theo quy định của luật
Ngoài căn cứ theo ý chí của một bên hoặc các bên thì vật quyền còn chấm dứt theo quy định của pháp luật. Đây là nhóm căn cứ phổ biến làm chấm dứt vật quyền bởi lẽ vật quyền là một loại quyền tuyệt đối mang tính pháp định nên cơ sở hình thành và chấm dứt vật quyền chủ yếu do pháp luật quy định. Không những thế, về nguyên tắc, để đảm bảo lợi ích của các chủ thể trong xã hội, để cân bằng lợi ích của chủ thể có vật quyền với lợi ích chung và lợi ích của các chủ thể khác, trong những trường hợp cần thiết pháp luật cũng cần phải quy định về việc chấm dứt vật quyền. Tuỳ từng trường hợp cụ thể khác nhau mà pháp luật có thể ghi nhận các căn cứ chấm dứt vật quyền khác nhau như tài sản là đối tượng của vật quyền không còn hoặc do hết thời hạn hoặc do các căn cứ riêng biệt khác như theo bản án, quyết định…
2. Bảo vệ vật quyền:
2.1. Khái niệm bảo vệ vật quyền:
Khái niệm về bảo vệ vật quyền có thể hiểu theo nghĩa đơn giản đó là việc giữ gìn, đảm bảo cho chủ thể quyền được thực hiện quyền của mình một cách hiệu quả nhằm thỏa mãn những lợi ích chính đáng của họ, không chủ thể nào được phép cản trở và xâm phạm đến những quyền này.
Trên cơ sở ghi nhận cách thức, biện pháp tác động bằng pháp luật tới quan hệ vật quyền, mỗi ngành luật sẽ cho ra đời tương ứng các phương thức khác nhau để bảo vệ loại quyền năng này. Dưới góc độ dân sự, con đường để bảo vệ vật quyền được ghi nhận là tự bảo vệ hoặc yêu cầu
2.2. Đặc điểm phương thức bảo vệ vật quyền ghi:
Phương thức bảo vệ vật quyền ngoài việc mang tính chất của những phương thức bảo vệ quyền trong các quan hệ khác của chủ thể (trái quyền) như: Được luật định trên cơ sở tôn trọng sự thỏa thuận, thương lượng (tự bảo vệ), khởi kiện yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo vệ bằng việc áp dụng các quy định của pháp luật… còn có những đặc điểm riêng sau đây:
Thứ nhất, tính đa dạng trong việc bảo vệ khi có sự khác nhau về hành vi xâm phạm.
Xuất phát từ sự đang dạng của cuộc sống, của lối tư duy, suy nghĩ và hành động thì hành vi xâm phạm đến vật quyền cũng đa dạng và phong phú. Do đó, pháp luật dân sự cũng thể hiện tính đa chiều khi ghi nhận phương thức bảo vệ vật quyền để phù hợp với từng diễn biến, tình tiết của các vụ việc khác nhau. Nếu như trong quan hệ trái quyền chỉ có thể kiện buộc người vi phạm phải thực hiện đúng nghĩa vụ hoặc yêu cầu bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ thì kiện vật quyền có thể là: tự bảo vệ, ngăn chặn bất kì người nào có hành vi xâm phạm quyền của mình bằng những biện pháp không trái với quy định của pháp luật; buộc người có hành vi xâm phạm trả lại tài sản; yêu cầu chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật đối với việc thực hiện quyền sở hữu; yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Thứ hai, không bị áp dụng thời hiệu trong quá trình khởi kiện
Khác với các loại quan hệ khác như nghĩa vụ, hợp đồng, bồi thường, thừa kế… việc khởi kiện để yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu và các vật quyền khác không áp dụng thời hiệu. Cơ sở của việc không quy định thời hiệu khởi kiện khi quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản bị xâm phạm chính là vì các vật quyền mang tính chất tuyệt đối, luôn tồn tại ở trạng thái tĩnh, có tính lâu dài không bị giới hạn về mặt thời gian. Bên cạnh đó, việc xâm phạm loại quyền năng này lúc nào, ra sao và do ai cũng khó xác định hơn các loại quan hệ khác. Do đó, nếu áp dụng thời hiệu khởi kiện sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới các quyền này của chủ thể.
Thứ ba, chủ thể bị khởi kiện là bất kỳ ai có hành vi xâm phạm
Nếu trong quan hệ trái quyền, chủ thể bị kiện chỉ là một trong hai bên được xác định trước trong quan hệ nghĩa vụ thì trong quan hệ vật quyền chủ thể bị khởi kiện có thể là bất kỳ ai có hành vi xâm phạm. Bởi lẽ, quan hệ trái quyền là quan hệ tương đối nên tư cách chủ thể được xác định ngay từ ban đầu và người có hành vi vi phạm chỉ có thể là một bên trong quan hệ đó kể cả trong trường hợp có sự vi phạm đến từ chủ thể thứ ba. Ví dụ: Trong hợp đồng mua bán, khi bên mua và bên bán ký kết hợp đồng với nhau mà bên thứ ba là chủ thể tạo ra thiệt hại dẫn đến ảnh hưởng nghiêm trọng tới nghĩa vụ giao tài sản thì chủ thể là bị đơn trong quan hệ tố tụng vẫn chỉ có thể là bên mua hoặc bên bán. Trong khi đó, tính xác định chủ thể trong quan hệ vật quyền luôn mang yếu tố tuyệt đối, nên khi áp dụng các phương thức bảo vệ vật quyền, chủ thể bị khởi kiện có thể là bất kỳ ai có hành vi xâm phạm đến việc thực hiện vật quyền của chủ thể mang quyền. Cũng chính vì vậy mà trong quan hệ vật quyền, cùng một lúc chủ thể quyền có thể khởi kiện nhiều người nếu họ đều có hành vi xâm phạm đến chủ thể mang vật quyền. Ví dụ, A có một mảnh đất và bị B xây bịt lối đi, bị C chiếm hữu trái pháp luật không trả thì đồng thời A có thể khởi kiện cả B và C.
2.3. Phân loại phương thức bảo vệ vật quyền:
Các phương thức bảo vệ vật quyền trong pháp luật dân sự có thể được phân loại dựa trên một số tiêu chí khác nhau. Cụ thể như:
– Căn cứ vào chủ thể sử dụng phương thức bảo vệ có thể phân loại thành: Phương thức tự bảo vệ do chủ thể mang quyền (chủ sở hữu hoặc chủ thể có quyền khác đối với tài sản) sử dụng; và phương thức bảo vệ vật quyền thông qua Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác.
Phương thức tự bảo vệ do chủ thể mang quyền sử dụng được hiểu là cách thức, biện pháp mà chủ thể mang vật quyền tự sử dụng nhằm ngăn chặn các hành vi xâm phạm để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình mà không thông qua bất kỳ cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nào. Có thể kể đến một số biện pháp trong phương thức này như đăng ký tài sản, xây tường, rào chắn, khoá, buộc, bảo hiểm đối với tài sản là đối tượng của vật quyền.
Phương thức bảo vệ vật quyền thông qua Toà án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác được hiểu là cách thức, biện pháp mà chủ thể có vật quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền can thiệp để ngăn chặn hành vi xâm phạm hoặc khôi phục lại lợi ích bị mất, hao hụt khi quyền và lợi ích của chủ thể mang vật quyền bị chủ thể khác xâm phạm.
– Căn cứ vào thời điểm áp dụng các phương thức bảo vệ vật quyền có thể phân loại thành: phương thức bảo vệ khi quyền của chủ sở hữu hoặc quyền khác đối với tài sản chưa bị xâm phạm; và phương thức bảo vệ khi quyền của chủ sở hữu hoặc quyền của chủ thể có quyền khác đối với tài sản đã bị xâm phạm.
Để phòng ngừa và ngăn chặn hành vi xâm phạm chủ thể có vật quyền thường áp dụng các phương thức bảo vệ trước khi có hành vi xâm phạm diễn ra. Phương thức này sẽ do chủ thể mang vật quyền tự thực hiện và đem lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, trong trường hợp quyền và lợi ích của chủ thể mang vật quyền đã bị xâm phạm bởi chủ thể khác thì việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa không còn ý nghĩa. Lúc này các biện pháp yêu cầu chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật hoặc yêu cầu hoàn trả tài sản hoặc yêu cầu bồi thường thiệt hại sẽ được áp dụng.
– Căn cứ vào mục đích áp dụng phương thức bảo vệ vật quyền có thể phân loại thành: phương thức tự bảo vệ; phương thức kiện đòi tài sản; phương thức kiện yêu cầu người có hành vi vi phạm chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật việc thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản; phương thức kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại.