Vật quyền có thể phát sinh từ quy định của luật, thỏa thuận, hành vi pháp lý đơn phương của các chủ thể và phán quyết của tòa án. Tuy nhiên, về nguyên tắc, các loại vật quyền và nội dung của vật quyền phải được quy định trong luật, các bên trong hợp đồng không thể tạo ra vật quyền mới ngoài các vật quyền đã được quy định.
Mục lục bài viết
1. Nguyên tắc chủ yếu của vật quyền:
1.1. Nguyên tắc vật quyền phải được pháp luật quy định:
Nếu ký kết hợp đồng nhằm hình thành vật quyền không được quy định trong luật thì theo nguyên tắc vật quyền luật định, vật quyền này sẽ không được tạo ra. Thoả thuận trên của hai bên chỉ hình thành nên trái quyền. Trái quyền chỉ trở thành vật quyền nếu có đủ hai điều kiện: được pháp luật thừa nhận và có cơ chế công bố công khai quyền với bên thứ ba. Như vậy, có thể thấy nguyên tắc luật định là nguyên tắc quan trọng để khẳng định quyền nào là vật quyền và không là vật quyền. Nguyên tắc luật định cũng có vai trò quan trọng trong việc không để cho các bên thoả thuận hình thành vật quyền một cách vô nguyên tắc, dẫn đến những thiệt hại, gây rắc rối cho cả hai bên. Pháp luật dân sự các nước đều tôn trọng nguyên tắc này. Điển hình, pháp luật dân sự Nhật Bản dành riêng một điều luật để quy định về nguyên tắc luật định của vật quyền tại Điều 175 BLDS Nhật Bản: “Không một vật quyền nào được xác lập khác với các quyền quy định trong Bộ luật này và các luật khác”. BLDS Pháp 1804, BLDS Việt Nam 2015 không dành quy định riêng về xác lập vật quyền theo luật định như BLDS Nhật Bản nhưng về cơ bản những vật quyền nào được quy định trong các bộ luật này thì mới được thừa nhận.
1.2. Nguyên tắc tuyệt đối:
Vật quyền được coi là quyền có tính chất tuyệt đối. Vật quyền có hiệu lực đối với tất cả mọi người và mọi người phải tôn trọng. Trong khi đó, trái quyền lại có tính chất tương đối, tức là có hiệu lực trong mối quan hệ giữa người có quyền yêu cầu và người có nghĩa vụ, người thứ ba không cần biết đến môi quan hệ này.
Nguyên tắc này của vật quyền nhằm chống lại tác động, gây rối loạn của người khác đối với vật. Tính chất tuyệt đối (theo tiếng La tinh là “erga omnes”) của học thuyết vật quyền được thể hiện ở chỗ quyền này có hiệu lực đối với tất cả mọi người và bất kỳ ai cũng phải tôn trọng. Vật quyền là quyền chi phối trực tiếp đối với vật nên không thể xác lập cùng lúc cùng một vật quyền có cùng nội dung về cùng một vật (tính loại trừ của vật quyền). Như vậy, cũng đã có một số quan điểm của các học giả thừa nhận nguyên tắc tuyệt đối của vật quyền. Cụ thể hơn, các quan điểm này cho rằng nguyên tắc tuyệt đối thể hiện tính loại trừ của vật quyền mà thuộc tính này không có ở trái quyền. Vì có tính loại trừ nên có thể thấy không thể xác lập cùng một thời điểm về cùng một vật quyền có cùng nội dung về cùng một vật, ví dụ: anh C không thể xác lập đồng thời quyền bề mặt của mảnh đất vào cùng một thời điểm cho cả anh A và anh B. Nguyên tắc tuyệt đối của vật quyền còn thể hiện trong sự xung đột giữa các vật quyền. Khi có nhiều vật quyền xung đột với nhau thì vật quyền nào có trước thì được ưu tiên, dựa trên tiêu chí ai được quyền công khai vật quyền trước. Trong trường hợp, có sự xung đột giữa vật quyền và trái quyền thì vật quyền được ưu tiên thực hiện trước. Điều này cũng thể hiện nguyên tắc tuyệt đối của vật quyền.
1.3. Nguyên tắc công khai:
Trong đời sống xã hội thì việc tồn tại các vật quyền và nhu cầu chuyển dịch vật quyền là sự thật khách quan. Do vậy, việc công khai vật quyền nhằm đảm bảo bên thứ ba có thể nhận biết được sự tồn tại của vật quyền và sự chuyển dịch của vật quyền. Nguyên tắc công khai vừa là nhằm ghi nhận quyền cho người có vật quyền vừa nhằm tránh rủi ro cho các bên thứ ba. Công khai vật quyền cũng là nguyên tắc cần thiết nhằm mục đích an toàn trong giao dịch. Biện pháp thực hiện việc công khai ở mỗi quốc gia cũng có những sự khác nhau. Pháp luật một số quốc gia (Nhật Bản, Pháp, Nga…) và pháp luật dân sự Việt Nam (BLDS 2015) đều thừa nhận chiếm hữu thực tế là cách thức công khai quyền. Tuy nhiên, việc chiếm hữu thực tế cũng khó có thể coi là cách thức công khai có tính chính xác và đầy đủ cao. Để thực hiện tốt việc công khai thì cần phải thực hiện thông qua chế độ đăng ký. Việc công khai vật quyền sẽ có ý nghĩa đặc biệt trong việc xác định hiệu lực của giao dịch cũng như xác định hiệu lực đối kháng với người thứ ba. Thứ nhất, nguyên tắc công khai là điều kiện để việc chuyển dịch quyền hiệu lực. Tức là, khi chuyển dịch vật quyền mà không kèm theo sự công khai thì việc dịch chuyển đó không có hiệu lực. Nguyên tắc này được áp dụng ở một số nước như Đức, Nga… Thứ hai, nguyên tắc công khai là điều kiện để đối kháng với người thứ ba. Theo đó, sự chuyển dịch vật quyền giữa các bên không cần công khai cũng vẫn có hiệu lực nhưng nếu không công khai thì không thể đối kháng với người thứ ba.
1.4. Nguyên tắc tin cậy (hiệu lực công tín):
Nguyên tắc tin cậy được thiết lập trên cơ sở sự xác nhận của một cơ quan nhà nước có thẩm quyền, người nào đã tin vào của sự xác nhận đó thì họ có quyền tin vào sự tồn tại hợp pháp của một vật quyền và được bảo vệ, kể cả trường hợp sự xác nhận của cơ quan nhà nước có sai sót, nhầm lẫn. Nguyên tắc tin cậy nhằm mục đích bảo vệ người thứ ba ngay tình – người đã căn cứ vào việc tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà xác lập giao dịch thì được bảo vệ. Nhìn chung, những nước quy định thời điểm xác lập, chuyển dịch quyền sở hữu, vật quyền khác đối với tài sản tính từ thời điểm đăng ký thường lựa chọn chính sách “hiệu lực công tín”. Tuy nhiên, yêu cầu của việc thực hiện nguyên tắc này là cơ chế đăng ký tài sản phải chặt chẽ, rõ ràng và chính xác. Tại hầu hết các quốc gia trên thế giới, đặc biệt với các nước có nền kinh tế phát triển như: Pháp, Đức, Nhật Bản.., pháp luật về đăng ký tài sản – gồm việc đăng ký tài sản theo quy định của pháp luật và đăng ký tài sản theo yêu cầu của các chủ thể trong xã hội – giữ vị trí quan trọng trong hệ thống pháp luật. Theo đó, hệ thống đăng ký tài sản không chỉ phục vụ mục tiêu quản lý nhà nước, mà còn nhằm thúc đẩy các giao dịch được thực hiện an toàn, minh bạch và công khai.
2. Phân loại vật quyền và mối liên hệ giữa các vật quyền:
2.1. Phân loại vật quyền:
Có nhiều cách để phân loại vật quyền trong luật học của các nước, trong đó, hai cách đáng chú ý nhất đó là dựa vào mối quan hệ của chủ thể có quyền với tài sản và dựa vào mức độ tác động vật chất mà chủ thể được phép thực hiện đối với vật khi tìm kiếm lợi ích.
Thứ nhất, dựa vào mối quan hệ của chủ thể có quyền với tài sản
Dựa vào tiêu chí này, vật quyền được phân biệt thành hai nhóm là quyền sở hữu và các vật quyền khác.
(i) Quyền sở hữu (còn gọi là quyền trên tài sản của mình): Gồm quyền tự do sử dụng, hưởng lợi và định đoạt. Quyền sở hữu được coi là vật quyền thứ nhất, tuyệt đối, trọn vẹn nhất. Nó có tác dụng thiết lập độc quyền của chủ thể đối với tài sản, một cách hoàn hảo, từ nắm giữ, kiểm soát về phương diện vật chất, cho đến khai thác công năng kinh tế và cả số phận vật chất, pháp lý của tài sản đó.
(ii) Các vật quyền khác (còn gọi là quyền trên tài sản của người khác, hoặc dịch quyền (servitude), hoặc là một số quyền của người không phải là chủ sở hữu). Gồm có các quyền như quyền hưởng dụng (usufruct), quyền sử dụng (use), quyền ngụ cư (inhabitation), quyền thuê dài hạn (emphyteusis), quyền bề mặt (superficies), quyền khai thác kinh tế và quyền quản lý nghiệp vụ, quyền địa dịch, quyền ưu tiên, vật quyền bảo đảm… Ngoài ra, còn có các vật quyền đặc biệt trên tài sản công được tạo lập bởi Nhà nước vì lợi ích của chính mình, hay vì lợi ích của tư nhân. Chẳng hạn, quyền khai thác mỏ, quyền đánh cá, quyền khai thác rừng…
Thứ hai, dựa vào mức độ tác động vật chất mà chủ thể được phép thực hiện đối với vật trong khuôn khổ tìm kiếm lợi ích
Dựa vào tiêu chí này có thể chia vật quyền thành vật quyền chính và vật quyền phụ.
(i) Vật quyền chính: Là các quyền cho phép người có quyền không chỉ nắm giữ việc kiểm soát vật chất đối với tài sản, mà còn có thể khai thác các khả năng và đặc biệt là giá trị kinh tế của tài sản. Quyền sở hữu đứng đầu nhóm vật quyền này do tính chất hoàn hảo của quyền năng: Nó tạo điều kiện cho người có quyền thu được lợi ích từ việc khai thác một cách trọn vẹn các khả năng kinh tế của tài sản. Các vật quyền chính khác có mức độ hoàn hảo của quyền năng thấp hơn: Quyền hưởng dụng chỉ cho phép người có quyền thu hoa lợi từ việc khai thác tài sản, chứ không cho phép định đoạt tài sản; với quyền địa dịch, người có quyền chỉ được khai thác được tài sản ở một khía cạnh nào đó (chẳng hạn, sự tiện lợi về tầm nhìn, lối đi qua)… Trong pháp luật Việt Nam hiện hành có một số vật quyền mang tính chất này. Tuy nhiên, do khái niệm vật quyền chưa được chính thức thừa nhận, chứng chỉ được ghi nhớ bằng những tên gọi đặc thù: Quyền sở hữu, quyền sử dụng hạn chế bất động sản liền kề, quyền thuê quyền sử dụng đất ở, đất chuyên dùng. Trừ quyền sở hữu, tất cả các quyền còn lại có đặc điểm chung là được thực hiện trên tài sản của người khác.
(ii) Vật quyền phụ (còn gọi là vật quyền bảo đảm thực hiện nghĩa vụ) chỉ có tác dụng tạo ra sự an toàn cho người có quyền trong quá trình tham gia vào một quan hệ nghĩa vụ với tư cách trái chủ. Thay vì phải lệ thuộc vào vai trò chủ động của thụ trái để có được sự thực hiện nghĩa vụ thoả đáng, người có vật quyền có thể tác động vào giá trị tiền tệ của tài sản. Loại vật quyền này chỉ trao cho người có quyền các quyền năng hạn chế đối với tài sản. Các quyền năng này chỉ phát huy tác dụng trong những trường hợp được ghi nhận trong luật và được thực hiện theo những quy định nghiêm ngặt. Quyền của chủ nợ nhận thế chấp, nhận cầm cố là những ví dụ tiêu biểu cho các vật quyền thuộc nhóm này. Trong chừng mực nào đó, người ta nói rằng vật quyền được gọi là phụ, bởi vì tài sản đối tượng của quyền được coi như một thứ “dự trữ giá trị” (value reserve)”. Dự trữ đó sẽ được và chỉ được mang ra sử dụng một khi người có quyền không còn sự lựa chọn khác cho việc thực hiện trái quyền của mình. Vật quyền phụ không trao cho người có quyền những công cụ khai thác các khả năng của tài sản để phục vụ cho cuộc sống, sinh hoạt của mình, như các vật quyền chính. Pháp luật Việt Nam hiện hành chưa xây dựng khái niệm vật quyền phụ này. Trong luật thực định có ghi nhận các biện pháp bảo đảm đối vật cho việc thực hiện nghĩa vụ như cầm cố, thế chấp tài sản”. Với các biện pháp ấy, người thụ hưởng cũng không có các quyền trực tiếp đối với đối tượng, mà chỉ có quyền đối với giá trị của đối tượng đó và trong phạm vi giá trị của quyền chủ nợ có bảo đảm. Ví dụ: Trong trường hợp người cầm cố không thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm bằng biện pháp cầm cố, thì người nhận cầm cố có quyền yêu cầu xử lý tài sản theo thoả thuận hoặc yêu cầu bán đấu giá tài sản và được ưu tiên thanh toán bằng tiền bán tài sản; nếu sau khi đã thanh toán cho người thụ hưởng biện pháp bảo đảm mà tiền bán tài sản vẫn còn lại một phần, thì phần còn lại đó thuộc về người cầm cố.
Đôi khi quyền sở hữu lại được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, như trong trường hợp bảo lưu quyền sở hữu của người bán trong một thời hạn. Khi đó, quyền sở hữu lại thuộc về nhóm thứ hai chứ không phải nhóm thứ nhất. Tuy nhiên, khó có thể gọi đây là biện pháp bảo đảm đối vật đúng nghĩa, bởi suy cho cùng, quyền sở hữu được đem ra bảo đảm vốn chưa bao giờ thuộc về người bảo đảm, tức là người mua, cho đến khi nghĩa vụ trả tiền được thực hiện.
Ngoài ra, pháp luật một số nước (chẳng hạn pháp luật Đức) chia vật quyền thành hai loại: Vật quyền về nội dung và vật quyền về hình thức. Vật quyền về nội dung được quy định tại BLDS và các đạo luật khác (chẳng hạn như pháp luật về nhà ở, xây dựng…). Vật quyền hình thức được quy định tại các văn bản điều chỉnh về thủ tục như pháp luật về đăng ký tài sản, đăng ký bất động sản… Bên cạnh đó, người ta có thể phân loại vật quyền thành vật quyền luật định và vật quyền ước định. Vật quyền với tính chất là quyền tuyệt đối của chủ thể có quyền, có tính loại trừ, đối kháng với chủ thể khác, có tính chi phối trực tiếp đối với tài sản, nên phải được pháp luật quy định. Vật quyền ước định là quyền đối với tài sản được xác lập trên cơ sở một hợp đồng (hợp đồng cầm cố, thế chấp..) và được pháp luật quy định. Nội dung các loại vật quyền, hiệu lực của vật quyền và cách thức công khai, công bố vật quyền được pháp luật ghi nhận.
2.2. Mối liên hệ giữa các vật quyền:
Thứ nhất, mối liên hệ giữa vật quyền chính và vật quyền phụ.
tâm Vật quyền chính được tạo ra để giúp cho các chủ thể tác động trực tiếp vào tài sản, khai thác các giá trị của tài sản. Vật quyền chính thường có trước vật quyền phụ và là cơ sở để phát sinh vật quyền phụ trong quan hệ dân sự. Ví dụ, A có quyền sở hữu tài sản thì A mới có quyền cầm cố, thế chấp tài sản đó cho B. Khi B nhận cầm cố, thế chấp thì mới phát sinh vật quyền bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Hoặc ví dụ, H có quyền bề mặt, H mang quyền bề mặt đó đi thế chấp vay ngân hàng một khoản tiền. Quyền của người nhận thế chấp được phát sinh sau khi hai bên cam kết thoả thuận. Vật quyền chính và vật quyền phụ cùng có điểm chung là khi thực hiện đều tác động lên tài sản. Vật quyền chính tác động lên tài sản nhằm khai thác lợi ích từ tài sản còn vật quyền phụ tác động lên tài sản nhằm bảo đảm cho một nghĩa vụ được thực hiện.
Thứ hai, mối liên hệ giữa các vật quyền trong cùng một nhóm quyền.
Nhóm vật quyền chính bao gồm quyền sở hữu và các vật quyền chính khác (quyền bề mặt, quyền hưởng dụng, quyền địa dịch). Trong nhóm vật quyền chính, quyền sở hữu là trung tâm của các vật quyền còn lại. Quyền sở hữu là nguyên gốc, là quyền ban đầu, tạo cơ sở phát sinh cho các vật quyền còn lại. Các vật quyền còn lại được phái sinh từ quyền sở hữu. Các vật quyền trong nhóm vật quyền chính đều có tác động lên tài sản nhưng mức độ tác động, mức độ hoàn hảo của quyền là khác nhau. Quyền sở hữu của chủ sở hữu là quyền có mức độ tác động rộng lớn nhất, hoàn hảo nhất. Các vật quyền khác tác động lên tài sản ở mức độ hạn chế hơn do người có quyền không phải là chủ sở hữu của tài sản. Quyền sở hữu là cơ sở ban đầu, là xuất phát điểm làm phát sinh các vật quyền khác. Ngược lại, các vật quyền khác được hình thành có tác động trở lại quyền sở hữu, mở rộng quyền sở hữu. Các vật quyền khác giúp cho chủ sở hữu có khả năng cấp một phần quyền trong quyền sở hữu cho chủ thể khác (quyền chiếm hữu, quyền sử dụng..) để nhằm khai thác được các giá trị của tài sản.
Thứ ba, mối liên hệ chung giữa các vật quyền.
Các vật quyền có mối liên hệ chung là đều có sự tác động, hướng đến một tài sản nhất định nhưng được thông qua những sự tác động khác nhau. Ví dụ, A có tài sản (ngôi nhà, mảnh đất,..) thì quyền sở hữu hướng đến tài sản đó theo nội dung của quyền sở hữu. Nhưng nếu A đã cầm cố, thế chấp tài sản trên cho B thì B cũng sẽ hướng tới tài sản của A dưới góc độ nhằm bảo vệ cho lợi ích của mình. Nếu A cấp quyền bề mặt cho C thì C cũng hướng đến tài sản của A dưới góc độ sử dụng bề mặt tài sản đó phù hợp theo quy định của pháp luật. Trong hệ thống vật quyền, quyền sở hữu là vật quyền trung tâm, có ảnh hưởng, chi phối đến tất cả các vật quyền còn lại. Ngược lại, các vật quyền còn lại cũng có tác động ngược trở lại quyền sở hữu theo như nội dung của vật quyền đó.