Quyền đối với vật (real right) và quyền yêu cầu hay trái quyền (right under an obligation -or personal right) đã tồn tại từ trong pháp luật La Mã (cách đây hơn 2000 năm). Trên cơ sở các quy định vật quyền, pháp luật đã xác lập thẩm quyền (quyền năng) trực tiếp và thường xuyên của chủ thể - người có quyền sử dụng toàn bộ hay một phần hoặc toàn bộ đồ vật nằm trong các quan hệ vật quyền vì lợi ích của mình.
Mục lục bài viết
1. Khái niệm vật quyền:
Mặc dù các luật gia La Mã không nêu ra định nghĩa cụ thể về vật quyền nhưng khái niệm vật quyền và trái quyền đã tồn tại từ thời kỳ này. Đến thời kỳ cận đại, BLDS đầu tiên và nổi tiếng trên thế giới (Bộ luật Napoleon – 1804) cũng đã ghi nhận về các loại vật quyền. Theo thời gian, việc vận dụng lý thuyết vật quyền – trái quyền đem lại lợi ích chung cho tất cả các hệ thống pháp luật dân sự, từ phương diện cấu trúc lập pháp, đến phương diện thực tiễn.
Trong quan niệm của người La Mã cổ đại, vật quyền (jus in re) được hiểu là quyền được chủ thể (người có quyền) thực hiện trực tiếp và tức thì trên một vật mà không cần vai trò trung gian của một người khác. Quan hệ vật quyền trên nguyên tắc hình thành từ hai yếu tố: Chủ thể của quyền (con người) và đối tượng của quyền (vật). Quan hệ ấy vận hành mà không cần đến vai trò của một chủ thể khác, đặc biệt là không cần sự hợp tác hoặc trợ lực của chủ thể khác. Mọi chủ thể khác đều phải tôn trọng quyền này. Tính chất trực tiếp và tức thì của vật quyền được thể hiện trong cách thức tác động bằng hành vi vật chất và cả hành vi pháp lý của chủ thể lên đối tượng của quyền. Chẳng hạn, chủ sở hữu một chiếc xe có thể tự mình đi xe hoặc đem cho mượn, cho thuê mà không cần sự đồng ý của người nào khác. Tương tự, người có quyền hưởng dụng được hưởng hoa lợi từ tài sản (ví dụ: hái quả, lấy gỗ,…) mà không ai có quyền can thiệp.
Như vậy, theo cách hiểu trên thì khái niệm vật quyền được dùng theo cách của người La Mã cổ đại có nghĩa hẹp – là quyền được thực hiện trực tiếp trên một vật chất cụ thể và xác định khái niệm vật (res) sẽ không bao hàm tài sản như cổ tức, trái phiếu, chứng khoán, quyền ưu tiên, quyền tương lai, quyền đối với tài sản cầm cố, thế chấp… Tuy nhiên, có thể thấy rằng một số loại tài sản như giấy tờ có giá, quyền tài sản không được đề cập đến trong pháp luật La Mã là bởi chúng chưa xuất hiện và tồn tại trong đời sống kinh tế của La Mã cổ đại. Hơn nữa, khi nghiên cứu về khái niệm vật quyền trong pháp luật La Mã, tác giả Edinburgh cho rằng: “Một thứ gì đó (thing) được nhìn nhận là vật (res) trong luật La Mã là thứ mà người La Mã dùng để chỉ tài sản thuộc sở hữu của một người nào đó (person’s property). Vật (res) trong luật La Mã không chỉ là vật với nghĩa “vật chất” và “hữu hình” mà còn bao gồm cả những thứ “phi vật chất” và “vô hình” giống như quyền đối với tài sản. Nói cách khác, vật (res) trong luật La Mã dùng để chỉ tất cả những thứ mà có thể là đối tượng của một quyền hoặc thông qua nó để các quyền được thực hiện bởi các chủ thể, bao gồm các đối tượng vật chất (vật) và tài sản vô hình (quyền) như quyền thừa kế, dịch quyền,..
Trong quan niệm của các nước theo văn hoá pháp lý Romano-Germanic, cũng như trong khoa học pháp lý hiện đại ngày nay, đối tượng của vật quyền không chỉ được hình dung là một vật cụ thể, mà vật quyền được hiểu là quyền của một chủ thể đối với một tài sản, cho phép chủ thể trực tiếp thực hiện các quyền năng được pháp luật thừa nhận đối với một tài sản. Theo tiếng Anh, thuật ngữ “things” với thuật ngữ “property” (tài sản) có nội hàm về cơ bản là giống nhau. “Things” được hiểu là những đối tượng của sự chiếm hữu hoặc được hiểu là tài sản. Bên cạnh đó, khái niệm “property” (tài sản) được định nghĩa theo nghĩa rộng hơn và tiếp cận ở góc độ pháp lý, là toàn bộ những quyền mà một chủ thể có được đối với một tài sản nhất định và được Nhà nước bảo vệ. Với cách hiểu này, khái niệm tài sản được mở ra đối với bất cứ loại quyền và lợi ích có giá trị nào theo không gian đa chiều, bao gồm cả tài sản cố định và tài sản lưu động, hữu hình và vô hình, tài sản đã hình thành hoặc chưa hình thành, vấn đề nhượng quyền, địa dịch.. Khái niệm tài sản rộng, có tính khái quát cao nên hệ thống pháp luật của nhiều nước đã phát triển thành quyền tài sản. “Tài sản không phải là một vật mà là một quyền hoặc một loạt quyền được cưỡng chế thực hiện trong quan hệ với những người khác. Giải thích cách khác, thuật ngữ tài sản có nghĩa là những quan hệ giữa con người liên quan đến các yêu cầu đối với những thứ hữu hình và vô hình”. Ngày nay, thuật ngữ vật quyền (real right) đang dần được thay thế bởi một thuật ngữ hiện đại hơn là quyền đối với tài sản (“property right” hoặc “law on property”), được hiểu là “quyền mà một người có đối với tài sản và có tính đối kháng với người khác.
Như vậy, cùng với sự phát triển của lý luận và pháp luật, khái niệm vật quyền trong xã hội hiện đại ngày nay có thể được hiểu dưới hai góc độ chủ quan và khách quan.
Theo nghĩa chủ quan vật quyền có thể được hiểu là quyền của một chủ thể bằng hành vi của mình tác động lên tài sản theo ý chí của mình mà không phụ thuộc vào người khác để nhằm thỏa mãn lợi ích của mình. Theo nghĩa này vật quyền là quyền đối vật cho phép chủ thể trực tiếp thực hiện các quyền năng được pháp luật thừa nhận đối với tài sản, khác với trái quyền là quyền của một người yêu cầu một người khác thực hiện hoặc không thực hiện một hành vi nhất định (quyền đối nhân).
Theo nghĩa khách quan thì vật quyền là toàn bộ các quy phạm pháp luật quy định về các loại vật quyền và nội dung của từng loại vật quyền, về căn cứ phát sinh, chấm dứt các loại vật quyền, nguyên tắc thực hiện, bảo vệ vật quyền, về các hạn chế quyền mà người có vật quyền phải tuân thủ khi thực hiện các quyền năng của mình 3, Theo nghĩa này thì vật quyền được hiểu là một chế định pháp luật điều chỉnh các quan hệ pháp luật về vật quyền được ghi nhận trong pháp luật dân sự để phân biệt với các chế định khác như chế định thừa kế, hợp đồng, hoặc bồi thường thiệt hại…
2. Đặc điểm pháp lý của vật quyền
Vật quyền với cách hiểu chung nhất là quyền của một người đối với một vật, là quyền chi phối trực tiếp của người đó đối với vật. Vật quyền là quyền tuyệt đối, áp dụng đối với tất cả mọi người.
Trên cơ sở đó, vật quyền hàm chứa những đặc điểm pháp lý nhất định của nó mà trên nguyên tắc, quyền đối nhân (trái quyền) không có, đó là:
Thứ nhất, tính đối vật (quyền chi phối trực tiếp với vật)
Phải khẳng định rằng thông qua vật quyền cho phép chủ thể có quyền được trực tiếp tác động lên tài sản hay là quyền chi phối trực tiếp đối với tài sản đó. Vật quyền thể hiện mối quan hệ trực tiếp giữa người có quyền và tài sản. Tính đối vật của vật quyền thể hiện sự chi phối của các chủ thể lên tài sản. Các chủ thể thực hiện vật quyền thông qua hành vi của mình nhằm tác động trực tiếp lên tài sản như nắm giữ, khai thác công dụng, sử dụng, bảo quản, giữ gìn tài sản… Tính đối vật trong vật quyền thể hiện mối liên hệ trực tiếp giữa người với vật (tài sản) mà không cần có vai trò của bất kỳ người thứ ba nào khác. Đồng thời, tính đối vật của vật quyền còn thể hiện thông qua các trường hợp là trực tiếp tác động lên tài sản của mình hoặc trực tiếp tác động lên tài sản của người khác. Quyền sở hữu là một vật quyền thể hiện sự trực tiếp tác động lên tài sản của mình. Chủ sở hữu có quyền tự mình nắm giữ, chi phối tài sản, tự mình khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản hoặc định đoạt về mặt pháp lý hoặc về mặt thực tế đối với tài sản. Ngoài ra, chủ thể có vật quyền có thể trực tiếp tác động lên tài sản của người khác thể hiện thông qua các vật quyền khác như Quyền hưởng dụng, Quyền bề mặt, Quyền địa dịch… Trong khi quyền đối nhân đòi hỏi người có quyền phải yêu cầu người có tài sản thực hiện nghĩa vụ giao tài sản hoặc lợi ích vật chất gắn liền với tài sản cho mình.
Thứ hai, tính tuyệt đối (có hiệu lực đối với tất cả mọi người)
Vật quyền có hiệu lực đối với tất cả mọi người và phải được mọi người tôn trọng. Vật quyền được bảo vệ một cách tuyệt đối, không bị xâm phạm bởi bất kỳ chủ thể nào khác. Tất nhiên, để đối kháng được với người thứ ba, thì điều cần thiết là vật quyền phải được người thứ ba nhận biết rõ ràng, chứ không thể tồn tại một cách mập mờ, lúc ẩn, lúc hiện. Khi vật quyền có hiệu lực thì mọi người khác trong xã hội đều phải có nghĩa vụ tôn trọng người có vật quyền, không được xâm phạm đến quyền của người có vật quyền. Để bảo đảm quyền của người có vật quyền, pháp luật dân sự quy định cho người có vật quyền đối với tài sản được quyền tự mình sử dụng mọi biện pháp không trái với quy định của pháp luật nhằm bảo vệ, ngăn chặn người khác có hành vi xâm phạm quyền của mình. Đồng thời, họ cũng được quyền khởi kiện chống lại mọi hành vi xâm phạm từ phía chủ thể khác.
Đối lập với việc bảo vệ vật quyền, trái quyền cũng được pháp luật bảo vệ nhưng không mang tính tuyệt đối giống như bảo vệ vật quyền. Trái quyền chỉ được bảo vệ một cách tương đối khỏi sự xâm phạm của chủ thể mang nghĩa vụ xác định. Người có trái quyền có quyền yêu cầu bên vi phạm thực hiện nghĩa vụ của mình để bảo đảm quyền, lợi ích của mình. Việc yêu cầu này chỉ có tác động đối với bên vi phạm nghĩa vụ mà không ảnh hưởng đến những người khác trong xã hội.
Thứ ba, tính lâu dài của vật quyền
Các vật quyền tồn tại lâu dài, không bị hạn chế bởi thời gian cụ thể. Tính lâu dài của vật quyền không được hiểu là tồn tại mãi mãi, vô thời hạn, không có thời điểm xác định mà sự tồn tại của các vật quyền thường gắn liền với sự tồn tại của tài sản. Người có vật quyền sẽ có quyền tác động, chi phối đến tài sản trong khoảng thời gian dài. Vật quyền sẽ mất đi trong trường hợp tài sản đó không còn tồn tại nữa. Đối với chủ thể mang vật quyền sẽ có được vật quyền lâu dài kể từ khi được xác lập vật quyền. Nếu vật quyền được chuyển dịch từ chủ thể này sang chủ thể khác thì vật quyền đó sẽ tiếp tục tồn tại đối với chủ thể mới thế quyền. Tính lâu dài của vật quyền cũng là một tính chất nhằm để phân biệt giữa vật quyền và trái quyền. Trái quyền chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian xác định cụ thể mà đã được xác định theo thoả thuận giữa các bên hoặc được xác định theo tập quán hoặc quy định của pháp luật.
Thứ tư, tính theo đuổi vật
Vật quyền cho phép người có quyền thực hiện quyền của mình đối với tài sản bất kể vật đang nằm trong tay bất kỳ người nào, trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Đặc tính này được hiểu là người có quyền đối vật có thể thực hiện quyền của mình đối với tài sản, bất kể tài sản đang nằm trong tay người nào và trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Đây chính là tính dõi theo vật được thể hiện trong các vật quyền. Tức là, chủ thể có vật quyền có quyền được tác động lên tài sản của mình dù cho tài sản đã được chuyển dịch, nằm trong sự kiểm soát của bất kể chủ thể nào khác trong xã hội. Khi thay đổi chủ sở hữu tài sản (quyền sở hữu tài sản được dịch chuyển từ chủ thể này sang chủ thể khác) thì các vật quyền khác đang tồn tại đối với tài sản vẫn được bảo lưu. Ví dụ: Chủ sở hữu của địa dịch hưởng quyền vẫn được thực hiện quyền của mình trên bất động sản chịu địa dịch dù bất động sản chịu địa dịch đó được chuyển nhượng lần lượt cho nhiều người; chủ sở hữu tài sản thế chấp phải tôn trọng quyền kê biên tài sản của chủ nợ nhận thế chấp; chủ sở hữu có quyền kiện đòi lại tài sản của mình do người khác chiếm giữ mà không có sự đồng ý của mình…
Tính theo đuổi vật hay tính dõi theo vật được thể hiện rất rõ ràng trong pháp luật một số nước. Điển hình, trong pháp luật của Pháp, người được chuyển nhượng tài sản thế chấp không phải là người bảo lãnh đối vật. Đơn giản, chủ nợ nhận thế chấp luôn có tài sản thế chấp để bảo đảm cho việc thu hồi nợ. Người mắc nợ có thể chuyển nhượng tài sản thế chấp mà chủ nợ không thể phản đối; nhưng, khi nợ đến hạn, chủ nợ có quyền yêu cầu kê biên tài sản thế chấp để bán và nhận tiền thanh toán, dù lúc đó tài sản không còn thuộc về người mắc nợ.
Đặc tính dõi theo vật còn mang ý nghĩa rất quan trọng đó là đảm bảo cho sự tồn tại độc lập của các vật quyền khỏi sự lệ thuộc vào quyền sở hữu. Do đó, các vật quyền khác ngoài quyền sở hữu vẫn có hiệu lực trong trường hợp quyền sở hữu được chuyển giao. Việc không lệ thuộc giữa vật quyền khác so với quyền sở hữu cũng là để khẳng định tính chất tuyệt đối của các vật quyền.
Thứ năm, việc thực hiện vật quyền không làm chấm dứt vật quyền
Các chủ thể có vật quyền sẽ thực hiện các hành vi tác động lên tài sản theo nội dung của vật quyền đó (ví dụ như sử dụng ngôi nhà, dùng lối đi, hưởng hoa lợi từ khai thác bề mặt đất..). Tuy nhiên, một điểm quan trọng là khi các chủ thể này thực hiện vật quyền không làm chấm dứt vật quyền. Đây là một đặc điểm cơ bản để phân biệt vật quyền với trái quyền. Ví dụ: Khi một chủ thể có quyền địa dịch về lối đi trên đất nhà hàng xóm thì việc thực hiện quyền về lối đi này liên tục, lâu dài và không mất đi. Vật quyền sẽ tồn tại trong suốt quá trình tồn tại của tài sản. Trong khi đó, việc thực hiện trái quyền sẽ là căn cứ làm chấm dứt trái quyền. Bản chất trái quyền là quyền đối nhân, là quyền yêu cầu người khác thực hiện hoặc không thực hiện công việc nhất định để đem lại lợi ích cho người yêu cầu. Do đó khi bên có nghĩa vụ thực hiện xong thì nghĩa vụ được coi là hoàn thành và quan hệ nghĩa vụ chấm dứt.
Thứ sáu, tính dịch chuyển được
Tính dịch chuyển được cũng là một đặc tính của vật quyền. Tính dịch chuyển được hiểu là vật quyền có thể được dịch chuyển từ chủ thể này sang chủ thể khác. Tính dịch chuyển được kết hợp với tính tuyệt đối đảm bảo cho các vật quyền có tính độc lập trong việc dịch chuyển. Ngoài chủ sở hữu thì khi một chủ thể được cấp quyền bề mặt, quyền địa dịch hoặc quyền hưởng dụng muốn dịch chuyển quyền sang cho chủ thể khác cũng không cần đến sự đồng ý, cho phép của chủ sở hữu tài sản. Đặc tính này cũng là đặc tính nhằm làm rõ sự khác biệt giữa vật quyền và trái quyền. Ví dụ, trường hợp A thuê đất dài hạn của B, thời hạn thuê đất chưa hết, nhưng nếu A muốn cho thuê lại mảnh đất trên cho C thì cần phải có sự cho phép của B. Bản chất việc thuê đất dài hạn khác với việc A được cấp quyền bề mặt đối với mảnh đất trên. Trường hợp A thuê đất dài hạn, A chỉ được quyền sử dụng đất đó theo đúng với thoả thuận được hai bên ghi nhận, do vậy, khi chuyển nhượng lại cho C thì nhất thiết cần phải có ý kiến của chủ đất là B. Khi A có quyền bề mặt (với đặc tính chuyển dịch được và tính tuyệt đối), thì trong thời hạn được cấp quyền, A có toàn quyền dịch chuyển quyền bề mặt mà không cần có sự đồng ý của chủ sở hữu đất là B.
Thứ bảy, vật quyền cho phép người có quyền được ưu tiên thực hiện quyền của mình đối với tài sản
Vật quyền cho phép người có quyền thực hiện quyền của mình đối với tài sản nhằm thỏa mãn lợi ích theo đuổi trước những người khác, đặc biệt là những người theo đuổi có cùng lợi ích đó. Quyền này gọi là quyền ưu tiên”. Người có quyền đối vật có thể loại tất cả những người có quyền đối nhân và cả những người có quyền đối vật xếp sau mình theo thứ tự đăng ký ra khỏi cuộc chạy đua nhằm thực hiện các quyền đối với tài sản liên quan. Người mua tài sản, sau khi quyền sở hữu tài sản mua đã được chuyển giao mà tài sản chưa được giao, có quyền ưu tiên đối với tài sản so với các chủ nợ của người bán trong trường hợp người bán lâm vào tình trạng phá sản. Nếu người mua tuyên bố nhận tài sản, thì các chủ nợ của người bán không có quyền yêu cầu kê biên tài sản đó. Trong thực tiễn, quyền ưu tiên của người có quyền đối vật được thể hiện rõ nét qua việc thực hiện quyền của người nhận cầm cố, nhận thế chấp tài sản. Những người này có quyền được ưu tiên thanh toán bằng số tiền bán tài sản thế chấp hoặc cầm cố trước các chủ nợ không có bảo đảm. Đặc điểm này nhằm phân biệt rõ giữa vật quyền và trái quyền, tức là người có vật quyền được ưu tiên hơn so với người có trái quyền.