Thông tin khách hàng luôn được xem là nguồn tài liệu vô cùng quan trọng của bất kỳ doanh nghiệp nào khi muốn tồn tại và phát triển. Việc bảo mật thông tin khách hàng luôn luôn được đặt ra. Vậy theo quy định của pháp luật hiện nay thì hành vi bán thông tin khách hàng sẽ bị xử lý như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Bán thông tin khách hàng bị xử lý như thế nào?
Thông tin khách hàng có thể hiểu là những cơ sở dữ liệu thông tin cá nhân của khách hàng, của người tiêu dùng được tổng hợp thông qua quá trình nghiên cứu thị trường, lưu giữ hồ sơ bởi các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ. Thông tin cơ bản nhất được lưu giữ thông thường là họ tên khách hàng và số điện thoại, giấy tờ tùy thân của khách hàng. Trong một số ngành nghề đặc thù thì có thể thu thập thêm các thông tin chi tiết hơn về người dùng hướng tới mục tiêu đáp ứng thị hiếu, cung cấp dịch vụ cho khách hàng, hướng tới mục tiêu quảng bá sản phẩm của các doanh nghiệp. Tuy nhiên dù bất kỳ mục đích nào thì thông tin khách hàng cũng cần phải được bảo mật. Hành vi bán thông tin khách hàng là một trong những hành vi vi phạm quy định của pháp luật. Tuy nhiên, bất chấp quy định của pháp luật, nhiều người vẫn có hành vi mua bán thông tin khách hàng tìm kiếm lợi nhuận.
Hành vi mua bán thông tin khách hàng là việc các cá nhân, tổ chức trao đổi, mua bán dữ liệu thông tin khách hàng mà mình có được cho một bên khác hướng tới mục tiêu tạo ra lợi nhuận, trục lợi cá nhân. Tùy từng mức độ vi phạm khác nhau, hành vi mua bán thông tin khách hàng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự. Căn cứ theo quy định tại Điều 101 của Nghị định 15/2020/NĐ-CP, có quy định về mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội. Theo đó, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với các đối tượng có hành vi làm lộ thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật riêng tư cá nhân, bí mật khác tuy nhiên chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bên cạnh đó, căn cứ theo quy định tại Điều 102 của Nghị định 15/2020/NĐ-CP, có quy định về mức xử phạt đối với hành vi mua bán, sử dụng thông tin khách hàng trái quy định của pháp luật. Theo đó, phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với các đối tượng thực hiện một trong những hành vi vi phạm quy định của pháp luật như sau:
-
Có hành vi mua bán, trao đổi trái phép thông tin riêng tư của khách hàng, của người sử dụng dịch vụ viễn thông;
-
Có hành vi che giấu tên, che giấu địa chỉ điện tử của mình, giả mạo tên/giả mạo điện tử của các tổ chức, cá nhân khác trong quá trình gửi thư điện tử, gửi tin nhắn.
Theo đó thì có thể nói, hành vi mua bán thông tin riêng tư của khách hàng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng. Ngoài ra, hành vi đó còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung đó là tước quyền sử dụng giấy phép thiết lập mạng xã hội trong khoảng thời gian từ 22 tháng đến 24 tháng.
2. Bán thông tin khách hàng có phải là hành vi vi phạm pháp luật không?
Trước hết, Hiến pháp năm 2013 có quy định về thông tin cá nhân. Theo đó, mọi người có quyền bất khả xâm phạm về bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình. Thông tin liên quan đến đời sống riêng tư và bí mật cá nhân đều được pháp luật đảm bảo an toàn. Đồng thời, căn cứ theo quy định tại Điều 38 của Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định về đời sống riêng tư và bí mật cá nhân. Theo đó:
-
Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình là một trong những vấn đề bất khả xâm phạm, được pháp luật bảo vệ;
-
Quá trình thu thập, sử dụng, công khai các thông tin liên quan đến bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân bắt buộc phải được sự đồng ý của chủ sở hữu thông tin, quá trình thu thập và sử dụng công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình cần phải được sự đồng ý của các thành viên trong gia đình, ngoại trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
-
Thư tín, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử, các hình thức trao đổi liên quan đến thông tin riêng tư của cá nhân cần phải được đảm bảo an toàn/bí mật.
Tiếp tục căn cứ theo quy định tại Điều 7 của Văn bản hợp nhất Luật an toàn thông tin mạng năm 2018 có quy định về các hành vi bị nghiêm cấm. Trong đó bao gồm:
-
Ngăn chặn quá trình truyền tải thông tin trên mạng xã hội, can thiệp, thay đổi, sao chép, làm sai lệch các thông tin trên mạng xã hội trái quy định của pháp luật;
-
Gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường, cản trở trái quy định của pháp luật tới hoạt động bình thường của hệ thống thông tin, can thiệp tới khả năng truy cập hệ thống thông tin của người sử dụng;
-
Tấn công hệ thống đảm bảo an toàn thông tin, vô hiệu hóa và làm mất tác dụng của các biện pháp bảo vệ an toàn thông tin, chiếm quyền điều khiển và phá hoại hệ thống an toàn thông tin;
-
Phát tán các phần mềm độc hại, các thư mục rác, thiết lập hệ thống thông tin lừa đảo và giả mạo;
-
Thu thập, phát tán, sử dụng, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác, trong đó có thông tin khách hàng. Có hành vi lợi dụng điểm yếu của hệ thống thông tin để hướng tới mục tiêu khai thác, thu thập thông tin cá nhân.
Theo đó, hành vi mua bán thông tin khách hàng nói riêng và mua bán thông tin cá nhân nói chung là hành vi vi phạm quy định của pháp luật, bị pháp luật nghiêm cấm.
3. Bán thông tin khách hàng có thể bị đi tù không?
Người có hành vi mua bán trái phép thông tin của khách hàng, tùy vào tính chất mức độ vi phạm khác nhau hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông căn cứ theo quy định tại Điều 288 của Bộ luật hình sự năm 2015. Theo đó, hành vi khách quan của tội phạm này được quy định cụ thể như sau:
-
Hành vi đưa lên mạng máy tính/mạng viễn thông những thông tin trái quy định của pháp luật như thông tin có nội dung vô khống, xuyên tạc, xúc phạm danh dự nhân phẩm của các tổ chức, cá nhân, công kích tội ác, tệ nạn xã hội, truyền bá mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục của dân tộc;
-
Mua bán, tặng cho, trao đổi, sửa chữa, công khai hóa những thông tin riêng tư của cơ quan, cá nhân khác trên mạng máy tính, mạng viễn thông khi chưa được sự đồng ý của chủ sở hữu thông tin đó;
-
Hành vi khác sử dụng trái phép thông tin cập nhật trên mạng máy tính và mạng viễn thông.
Hành vi bán thông tin khách hàng có thể cấu thành tội phạm này khi thuộc một trong những trường hợp như sau:
-
Thu lợi bất chính ít nhất từ 50.000.000 đồng;
-
Gây thiệt hại cho người khác ít nhất 100.000.000 đồng;
-
Gây dư luận xấu, làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức và cá nhân.
Khung hình phạt của loại tội phạm này được quy định như sau:
-
Khung hình phạt cơ bản là phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm;
-
Khung hình phạt tăng nặng là phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng, phạt tù từ 02 năm đến 07 năm;
-
Khung hình phạt bổ sung có thể được áp dụng là phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc cấm làm công việc nhất định trong khoảng thời gian từ 01 năm đến 05 năm.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Văn bản hợp nhất 29/VBHN-VPQH 2018 Luật An toàn thông tin mạng;
– Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017;
– Bộ luật Dân sự 2015;
– Nghị định 15/2020/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực bưu chính, viễn thông;
– Nghị định 14/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 15/2020/NĐ-CP và Nghị định 119/2020/NĐ-CP xử phạt VPHC lĩnh vực bưu chính, viễn thông và báo chí, xuất bản.
THAM KHẢO THÊM: