Bất chấp những cáo phó gần đây của chủ quyền quốc gia và vai trò trung tâm của nhà nước trong các vấn đề quan hệ quốc tế, các quốc gia vẫn là nhân tố chủ yếu trong hệ thống quốc tế. Chỉ có các quốc gia và các biên giới hải quan, và không có thực thể nào khác, mới có chỗ đứng trong WTO.
Mục lục bài viết
1.Quyền lực Nhà nước và các thể chế thương mại quốc tế:
Các thể chế quốc tế là những tổ chức tự nguyện; các quốc gia tuân thủ các nghĩa vụ xuất phát từ lợi ích riêng của mình. Với một thể chế gồm nhiều quốc gia có chủ quyền chúng ta có thể kỳ vọng rằng các quá trình ra quyết sách sẽ hoặc là phản ánh chính thức lợi ích của các quốc gia hùng mạnh, hoặc sẽ được bổ sung bởi hành động không chính thức qua đó biểu thị sức mạnh của họ.
Tuy nhiên, một quốc gia đang thực hiện “quyền lực” sẽ đặt ra thách thức đối với cách lập luận này. Trong khi có sự đồng thuận về định nghĩa quyền lực là khả năng làm cho người khác phải làm điều họ không làm, thì việc đo lường là một vấn đề khác (Keohane và Nye 1977). Một số nhà phân tích đánh giá quyền lực quốc gia một cách tổng thể, có tính đến sức mạnh quân sự và sức mạnh kinh tế để phân chia các nước thành “các cường quốc” hay không phải cường quốc (Waltz 1979; Gilpin 1981). Nhưng trong bối cảnh các cuộc đàm phán cụ thể, như các cuộc đàm phán thương mại, trong đó chỉ có một khía cạnh của quyền lực là có thể gây ảnh hưởng, thì cách đo lường sức mạnh cần phải tùy từng trường hợp.
Trong việc phân tích các quan hệ thương mại, quy mô thị trường khả năng để mở cửa hay đóng cửa thị trường – có thể tạo ra sức mạnh mặc cả đầu tiên tốt nhất (Steinberg 2002b). Hầu hết các nhà khoa học chính trị và các nhà kinh tế thương mại cho rằng các chính phủ đều coi việc mở cửa thị trường nước ngoài và kèm theo đó là tăng cường các cơ hội xuất khẩu là có lợi cho chính trị trong nước và việc mở cửa thị trường trong nước là cái giá phải trả (Schattschneider 1935; Bauer, de Sola Pool, và Dexter 1963; Putnam 1988). Từ đó, chẳng hạn, các cơ hội xuất khẩu càng lớn, thì lợi ích chính trị trong nước dành cho chính phủ của nước có các cơ hội đó càng nhiều. Mở cửa thị trường và đóng cửa thị trường được các nước coi trọng như vấn đề tiền tệ trong đàm phán thương mại trong thời kỳ sau chiến tranh (Hirschman 1945; Waltz 1970; Krasner 1976).
Bất kể cuộc mặc cả thương mại diễn ra dưới hình thức cùng hứa hẹn mở cửa thị trường, đe dọa đóng cửa thị trường hay kết hợp cả hai, thì các thị trường lớn hơn và phát triển hơn sẽ có lợi thế trong đàm phán thương mại hơn các thị trường nhỏ hơn. Mức độ tác động của kinh tế và chính trị trong nước đến sự thay đổi về tiếp cận thương mại sẽ thay đổi theo tỷ lệ ngược với quy mô của nền kinh tế quốc gia. Các nền kinh tế có quy mô lớn hơn sẽ có nhiều khả năng tốt hơn cho thương mại trong nước so với các nền kinh tế nhỏ hơn. Giá trị xuất khẩu tăng thêm sẽ đem lại nhiều phúc lợi và việc làm cho các nước nhỏ hơn là các nước lớn. Về hậu quả chính trị, với cùng mức độ tự do hóa thương mại nhất định thì lợi ích về chính trị nội bộ cho chính phủ các nước lớn hơn sẽ nhỏ hơn. 20 nước có tỷ trọng thương mại cao nhất thế giới và 20 nước phụ thuộc nhiều nhất vào thương mại thế giới. Không có nước nào trong số năm nước có tỷ trọng thương mại cao nhất nằm trong danh sách các nước phụ thuộc nhiều nhất vào thương mại: các nước nhỏ hơn phụ thuộc vào thương mại nhiều hơn. Vì vậy, các nước nhỏ hơn có thể “sốt sắng” hơn trong việc đạt được thỏa thuận về tự do hóa thương mại so với các nước lớn hơn. Tương tự, trong các cuộc đàm phán tự do hóa thương mại, thì khả năng nội thương của các nước lớn hơn, phát triển hơn sẽ giúp họ có được “phương án tốt nhất cho một thỏa thuận trong đàm phán” hơn là các nước nhỏ hơn.
Ngược lại, trong các cuộc đàm phán đòi hỏi phải đưa ra sự răn đe về đóng cửa thị trường, thì sự răn đe đánh mất đi một lượng xuất khẩu nhất định sẽ là một chiến lược kém tác dụng hơn khi áp dụng chống lại nước lớn so với nước nhỏ. Từ đó, một điều chắc chắn là các nền kinh tế đã phát triển với thị trường lớn sẽ có sức mạnh lớn trong một hệ thống thương mại mở cửa nhờ có nhiều phương án chi phí cơ hội khi đóng cửa thị trường với các đối tác thương mại (Krasner 1976).
Theo cách này, Hoa Kỳ phải được coi là quốc gia chi phối nhất trong việc định hình các thể chế GATT và WTO trong suốt lịch sử của nó. Tuy nhiên, vai trò của Hoa Kỳ đã suy giảm đi nhiều, và nó không ngừng cần hợp tác với các cường quốc khác để cai quản hệ thống này. Trong khi Hoa Kỳ có thể là một nước bá chủ về các vấn đề an ninh, hiện giờ nước này phải chia sẻ quyền lực với EC về vấn đề thương mại. Hình 1.3 cho thấy tỷ trọng GDP của Hoa Kỳ và EC so với GDP của tất cả các nước thành viên GATT/WTO từ năm 1947 đến năm 2001. Trong khi các con số này chỉ là sự ước lượng sức mạnh trong hệ thống thương mại (chẳng hạn, nó không tính đến hệ quả sự sụp đổ của Liên Xô hay quy mô tăng lên hay sự mở rộng các thành viên GATT/ WTO), biểu đồ minh họa sự mất đi tương tác sức mạnh thị trường của Hoa Kỳ và sức mạnh tăng lên của EC trong GATT/WTO từ năm 1947. Năm 1948, năm đầu tiên GATT có hiệu lực, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Hoa Kỳ chiếm khoảng 65% tổng GDP của tất cả các thành viên GATT, và kết hợp GDP của Hoa Kỳ và Anh chiếm đến 75% GDP của tổng số các nước thành viên. Đến năm 1970 tỷ trọng GDP của Hoa Kỳ trong GDP của GATT giảm xuống còn 46%, và tỷ trọng của EC là 14%; do vậy, vào đầu những năm 1970, các nhà phân tích chính trị nhận xét rằng GATT là do Hoa Kỳ và EC điều hành (Curzon và Curzon 1973).
Khi bước sang thiên niên kỷ mới, tỷ trọng GDP của Hoa Kỳ tiếp tục giảm, trong khi thị trường EC lớn gần bằng với Hoa Kỳ: năm 2000, GDP của Hoa Kỳ chiếm khoảng 33% tổng GDP của tất cả các thành viên WTO và GDP của EC chiếm khoảng 31%. Tỷ trọng của liên kết “Tứ hùng” (Hoa Kỳ, EC, Nhật Bản và Canada) chiếm khoảng 81% tổng GDP của WTO.10 Sự suy giảm tương đối về quy mô thị trường của Mỹ có thể quy cho số lượng các quốc gia thành viên của GATT/WTO tăng lên: tổ chức này đã tăng từ 19 thành viên năm 1948 lên 145 năm 2002. Tỷ trọng của EC tăng lên một phần là do sự mở rộng của tổ chức này. Như vậy, sức mạnh của Hoa Kỳ tại GATT/WTO theo chiều hướng giảm đi, và sự hợp tác của Hoa Kỳ với các đối tác khác đặc biệt là EC – đã trở nên rất quan trọng để định hình các thể chế của WTO.
Sự thay đổi về cơ cấu quyền lực này đã không kèm theo sự thay đổi các quy tắc thể chế cơ bản hay các thông lệ cơ bản của tổ chức GATT/WTO. Hơn nữa, những sự thay đổi về các quy tắc pháp lý và thông lệ dường như không có quan hệ trực tiếp
đến sự thay đổi quyền lực này. Một số quy tắc lập pháp chính thức qua rất nhiều năm mới chỉ đụng đến qua loa: chẳng hạn, nay đòi hỏi phải có ba phần tư số thành viên WTO mới có quyền miễn trừ một điều luật, thay vì hai phần ba số thành viên như quy định trong hệ thống GATT. Nhưng hầu hết các quy tắc lập pháp chính thức về cơ bản là không thay đổi – một nước một lá phiếu; quy tắc đa số được áp dụng đối với “hành động tập thể” của các nước thành viên; quy tắc nhất trí khi muốn sửa đổi Phần I của GATT (quy tắc đối xử tối huệ quốc); quy tắc đa số ba phần tư số phiếu khi muốn sửa đổi bất cứ phần nào của GATT. Và thông lệ lập pháp chủ yếu đã không có sự thay đổi gì từ những năm 1950: bất chấp các quy tắc chính thức đã được liệt kê, hầu hết các hành động của GATT/WTO đều dựa trên cơ sở sự “đồng thuận” của các nước thành viên nghĩa là một nghị quyết đưa ra sẽ được thực hiện nếu không có thành viên nào chính thức phản đối (Steinberg 2002a).
2. Các nhân tố phi nhà nước và cấu trúc thể chế trong nước:
Chúng tôi đã trình bày cứ như là các nước hay các chính phủ có “những lợi ích” rõ ràng hay được hiểu rõ trong việc ra quyết sách về thương mại quốc tế. Nhưng việc hiểu rõ được các lợi ích quốc gia không phải việc dễ. Các lợi ích thường nằm ngoài các mô hình “thuần khiết” của các quan hệ quốc tế: ngoài sự sống còn chỉ có một vài lợi ích, là được các quốc gia nêu rõ. Cần phải có một số lý thuyết, điều tra nghiên cứu hay giả thuyết về các lợi ích để bổ sung cho cách tiếp cận quốc tế thuần khiết.
Cách tiếp cận phân tích phổ biến nhất là gắn câu chuyện quốc tế lấy quốc gia làm trung tâm với mô hình chính trị nội bộ tự do của việc hình thành sự ưu tiên quốc gia (Moravcsik 1991, 1997). Do vậy, những phân tích chính trị cổ điển chính sách thương mại quốc tế trong thế kỷ XX thường là những câu chuyện nói về các nhân tố có quyền lực nội bộ ở Hoa Kỳ hay châu Âu – các tổ chức kinh doanh và các hiệp hội thương mại – đã định hình chính sách thương mại quốc gia như thế nào (Schattschneider 1935; Bauer, de Sola Pool, và Dexter 1963). Các nhà kinh tế thường dựa vào lập luận này, phân tích các hậu quả của việc bảo vệ các lợi ích đặc biệt đối với loại hàng hóa lớn hơn. Kết quả thường là sự giải thích có “hai mức độ” các nhân tố có ảnh hưởng đến các thể chế quốc tế và các lợi ích đang có: một câu chuyện chính trị nội bộ nói về các lợi ích quốc gia được xác định như thế nào và một câu chuyện quốc tế nói về các quốc gia hùng mạnh bảo vệ các lợi ích quốc gia của họ ra sao (Putnam 1988).
Sự phân tích khía cạnh chính trị nội bộ của vấn đề thương mại nên bắt đầu bằng việc giải thích cơ sở pháp lý của việc sắp đặt thể chế nội bộ dẫn đến những ưu tiên thương mại. Các quy tắc và thủ tục trong nước phản ánh tiếng nói của các nhóm lợi ích thương mại như thế nào? Các nhóm lợi ích có được khuyến khích để có tiếng nói hay không? Các chính sách của chính phủ có giải thích được sự thay đổi trong việc thúc đẩy tổ chức hay không? Ví dụ, nếu luật pháp trong nước không tạo cơ hội hay dành ưu đãi cho tổ chức của các nhóm lợi ích (chẳng hạn, không có quyền mặc cả tập thể), thì các nhóm lợi ích đó chắc chắn sẽ không có tổ chức và yếu kém. Và dù các luật pháp trong nước tạo các cơ hội và những ưu đãi khuyến khích cho tổ chức của các nhóm lợi ích, nhưng họ bị loại khỏi các quá trình ra quyết sách thương mại quốc gia, thì chính sách thương mại được làm ra và các thể chế gắn liền với nó sẽ gặp phải sự chống đối chính trị nội bộ liên miên từ các tác nhân bị loại bỏ. Để tạo ra một chính sách thương mại quốc gia được sự ủng hộ rộng rãi, các thể chế chính trị trong nước phải dung hòa giữa các lợi ích của tất cả các nhóm lợi ích có tổ chức.
Để duy trì sự ủng hộ đối với tự do hóa thương mại, các thể chế trong nước và quốc tế phải cùng nhau giải quyết vấn đề có lợi ích chung và lợi ích gián tiếp theo con đường không bảo hộ. Có thể sử dụng nhiều cơ chế để tạo thuận lợi cho việc liên kết các nhóm lợi ích ủng hộ tự do hóa thương mại hơn là để cho các nhóm lợi ích ủng hộ bảo hộ chi phối. Ví dụ, các quá trình thiết lập hiệp định và thực thi hiệp định mà khuyến khích một chính phủ đưa ra các chính sách mở cửa thị trường cả gói có đi có lại sẽ có nhiều khả năng tập hợp được sự ủng hộ mạnh mẽ đối với tự do hóa thương mại hơn là các quá trình chỉ xem xét nhỏ giọt từng yếu tố của thỏa thuận cả gói (Bailey, Goldstein và Weingast 1997).
Những dàn xếp thể chế trong nước và quốc tế cần phải được phân tích đồng thời. Chúng cần được tiến hành một cách nhất quán và hỗ trợ lẫn nhau, nếu không thì sẽ là trống đánh xuôi kèn thổi ngược. Chẳng hạn, khi một chính phủ nước ngoài không tuân thủ nghĩa vụ WTO của mình và việc không tuân thủ đó làm vô hiệu hóa hoặc có hại đến các lợi ích mà lẽ ra Hoa Kỳ được hưởng, thì các quy tắc xử lý tranh chấp của WTO có thể được áp dụng kết hợp với đạo luật của Hoa Kỳ (Mục 301 của
Các thể chế trong nước và quốc tế liên quan đến thương mại không những cần hoạt động phối hợp với nhau một cách có hiệu quả, mà còn phải làm như vậy trong thời gian dài. Chẳng hạn, việc mở rộng GATT/WTO đã làm tăng sự phân tán các nước là thành viên GATT/WTO và sự phân tán tăng lên đó đã hạn chế thể chế đa phương. Phần lớn các nước thành viên đầu tiên của GATT 1947 là các nước có nền kinh tế tư bản đã phát triển. Các nước gia nhập từ đầu những năm 1950 thuộc vào loại khác – đó là những nước đang phát triển, và bây giờ, các nước đang chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung sang một hình thức của tư bản chủ nghĩa. Hơn một trăm nước thành viên WTO trong tổng số 150 thành viên là các nước đang phát triển. Sự phân tán gia tăng trong cơ cấu thành phần WTO làm tăng các vấn đề thể chế. Chẳng hạn, thử so sánh giữa việc giảm thuế quan và việc điều hòa chính sách cạnh tranh xét từ góc độ các nhu cầu đối với các nước tham gia. Về mặt chính trị, các cuộc đàm phán về giảm thuế quan đòi hỏi nhà thương thuyết của một nước phải cân bằng các đòi hỏi của các đối thủ cạnh tranh về nhập khẩu và các nhà sản xuất hướng về xuất khẩu – đây không phải là việc nhỏ, mà là một việc có thể khả thi. Về mặt quản lý nhà nước, việc hạ thấp mức thuế quan chỉ cần thay đổi mức quy định hiện hành (cơ quan hải quan). Không đòi hỏi phải có hành động pháp lý, có lẽ ngoại trừ xem xét lại các quy trình giảm thuế quan.
Ngược lại, đối với việc điều hòa chính sách cạnh tranh đòi hỏi hầu hết các nước phải có thể chế mới của chính phủ; sự thực thì chính sách đó đòi hỏi thiết lập quy tắc luật pháp; và bản thân chính sách này là những thách thức tiềm tàng đối với cơ cấu công nghiệp của nền kinh tế quốc gia – tức là những thách thức gay go cả về chính trị, pháp lý và quản lý nhà nước. Đối với các quy định và các nguyên tắc thực hiện nhiều chức năng thương mại mới, có thể cách tiếp cận “một kích cỡ dùng cho tất cả” là không thích hợp và có thể đòi hỏi một hệ thống có hai tốc độ hay nhiều tốc độ. Các quy tắc và thủ tục cần phải tính đến thực lực khác nhau của các quốc gia.
Tương tự, sự tự do hóa thương mại thường dẫn đến các đòi hỏi tự do hóa hơn về chuyên môn và chính trị (Haas 1958; Burley và Mattli 1993). Ví dụ, việc loại bỏ thuế quan và hạn ngạch – từng là một định nghĩa cổ điển về tự do hóa thương mại – phơi bày hệ quả hạn chế thương mại của các quy định có tính kỹ thuật khác nhau diễn ra ở các nước, tạo ra nhu cầu cần đạt được thỏa thuận quốc tế về những điều tạo ra hàng rào kỹ thuật hợp pháp đối với thương mại. Những sự “lan tràn” khỏi tự do hóa thương mại trước đây đòi hỏi sự thay đổi về thể chế không chỉ vì có những chức năng mới cần được thực hiện, mà còn vì chúng kéo theo sự tham gia của các nhân tố mới vào khía cạnh chính trị của hệ thống. Những chức năng mới và những vấn đề nảy sinh thường không phải chỉ dựa vào nguyên tắc: chúng đã trở thành những vấn đề mới bởi vì các bên có lợi ích đã đưa chúng ra diễn đàn. Chẳng hạn, khi mà các biện pháp biên giới đã sụp đổ, các tổ chức công đoàn đã đưa ra các vấn đề thương mại bổ sung – bảo vệ môi trường và các quyền lợi của người lao động. Một vấn đề thể chế lúc ban đầu là làm thế nào để tiếp nhận những nhân tố mới này vào hệ thống chính trị sẽ chi phối thương mại toàn cầu. Các nhân tố mới này cần phải được tạo ra diễn đàn để tham gia hoặc ở mức độ quốc gia hoặc tại WTO, và những lợi ích của chúng phải sánh ngang với lợi ích của các nhân tố khác – nếu không chắc chắn họ sẽ cứ ở trên đường phố, phản đối lại hệ thống.
3. Các tư tưởng và cấu trúc của thể chế:
Những sự thay đổi trong môi trường có thể là về nhận thức hay là vật chất. Các thể chế có thể đương đầu với sự thay đổi trong các cấu trúc về tư tưởng, cả bên trong tổ chức của thể chế lẫn trong môi trường hoạt động của nó. Từ cơ sở vật chất thuần túy, thường không thể nào hiểu được cả sự lựa chọn các quy tắc cụ thể lẫn các thủ tục và sự thúc đẩy thay đổi. Chẳng hạn, có thể đúng khi nói rằng Hoa Kỳ chi phối hình thức lúc đầu của nhiều thể chế sau chiến tranh, nhưng chỉ có sự phân tích các mục tiêu và các chiến lược của Hoa Kỳ mới đưa đến sự giải thích cho những quyết định cụ thể đã được đưa ra (Goldstein 1993).
Những dàn xếp thể chế hiện diện trong GATT 1947 phản ảnh tầm nhìn thế giới sau chiến tranh xuất hiện ở Hoa Kỳ và Anh. Các nhà ngoại giao của hai nước này muốn thiết lập các quy tắc và lập ra một tổ chức quốc tế có thể tránh được việc lặp lại thảm họa đóng cửa thương mại thế giới được tượng trưng bởi Đạo luật thuế quan Smoot-Hawley, từng làm cuộc Đại suy thoái kinh tế trầm trọng thêm. Nhưng họ nhận ra rằng các thực tại chính trị nội bộ đương thời có thể làm cho chủ nghĩa tự do chính thống không khả thi: một số chính sách bảo hộ là một thiết yếu chính trị. Chẳng hạn, Quốc hội Hoa Kỳ đẻ ra một loạt đạo luật để bảo hộ các nhà sản xuất trong nước. Còn nước Anh thì bác bỏ các yêu cầu của Hoa Kỳ và không chịu từ bỏ sự thiên vị dành cho Vương quốc Anh và Khối thịnh vượng chung.
Về thực chất, Hoa Kỳ và Vương quốc Anh gặp nhau không phải trên cơ sở quy tắc và nguyên tắc của tự do thương mại thuần túy, mà là một hệ thống nhằm chuyển động theo phương hướng tự do, với những nỗ lực không ngừng giảm thuế quan có đi có lại và khóa chặt sự cắt giảm thuế quan đó trong khi đồng thời duy trì nhiều hình thức bảo hộ khác nhau (Ruggie 1983). Đứng về mặt tổ chức, các nhà ngoại giao Hoa Kỳ và Anh cố gắng lập ra một Tổ chức Thương mại Quốc tế (ITO), là tổ chức sẽ được thiết lập thông qua Hiến chương Havana. Vào năm 1951, một điều trở nên rõ ràng là Quốc hội Hoa Kỳ sẽ không phê chuẩn Hiến chương Havana, do đó nó không được trình ra Quốc hội Hoa Kỳ và không bao giờ tồn tại (Jackson 1969). GATT – một văn kiện chủ yếu do các nhà ngoại giao Hoa Kỳ và Anh đàm phán với nhau, chưa bao giờ được Quốc hội Mỹ chính thức thông qua, trong đó chứa đựng những quy tắc cai quản yếu ớt và mơ hồ, và chỉ có 22 các nước thành viên sáng lập – được sử dụng để điều chỉnh các hoạt động thương mại đa phương.
Cũng như các tướng lĩnh áp dụng kế hoạch chiến tranh dựa vào cách thức tiến hành của cuộc chiến tranh đã qua thường bị lúng túng trước một trận chiến mới, các thể chế quốc tế được thiết lập ra nhằm khắc phục sai lầm của các chính sách trước đây và của những dàn xếp mang tính thể chế có thể không được trang bị đầy đủ để xử lý những vấn đề cấp bách mới xuất hiện. Những nhà soạn thảo GATT lập ra các quy tắc, các nguyên tắc, và thủ tục nhằm thu hồi các biện pháp biên giới đã từng là công cụ của các chính sách bần cùng hóa láng giềng (beggar-thy-neighbor policies) của những năm 1930. Mục tiêu này phần lớn đã đạt được. Nhưng các hiệp hội thương mại, các nhà hoạch định chính sách thương mại và các quốc gia lại hành động có chiến lược, và mọi sự sắp đặt thể chế nhất định sẽ tạo ra các cơ hội cho hành vi chiến lược nhằm đem lại lợi thế cho những người tham gia.
Chẳng hạn, chủ nghĩa trọng thương (Mercantilism) của những năm 1980 và 1990 trông rất khác với các cuộc chiến thương mại của những năm 1930. Trong thời gian gần đây, “khả năng cạnh tranh” tương đối của các hệ thống kinh tế quốc gia đã trở thành một thước đo cho chính sách thương mại tốt đối với nhiều nước. Nhiều học giả đã nhận diện căn cứ mới cho các chính sách quốc gia nhằm nuôi dưỡng sự phát triển hoặc duy trì một ngành kinh tế cụ thể (Tyson 1992; Cohen và Zysman 1987; Krugman 1991). “Lý thuyết thương mại chiến lược” được đặt trên cơ sở ý tưởng mà các nhà phân tích có thể nhận diện “các ngành kinh tế chiến lược” là những ngành hứa hẹn lợi tức cao và những yếu tố tích cực bên ngoài không dính dáng đến các nhân tố khác. Với các biện pháp biên giới truyền thống – thuế quan và hạn ngạch được quy định nghiêm ngặt bởi các quy tắc của GATT, các quốc gia có thể sử dụng các chính sách công nghiệp để ngăn cản nhập khẩu hoặc duy trì đồng tiền được định giá thấp hơn giá trị thực để thúc đẩy xuất khẩu, nhằm xây dựng và duy trì các ngành kinh tế chiến lược (Prestowitz 1988). Những chính sách này đối với nhiều người có vẻ như là chính sách tân trọng thương mâu thuẫn với nguyên tắc “tự do thương mại” cơ bản mà GATT lấy làm cơ sở. Tuy nhiên những chính sách này vẫn chưa được điều chỉnh một cách hữu hiệu bởi các quy tắc của GATT.
Tương tự, nhiều vấn đề được nêu ra trong khuôn khổ của Vòng Doha về đàm phán thương mại có liên quan đến hệ quả của thương mại hơn là hệ quả lên thương mại. Hầu hết các cuộc tranh luận về chính sách thương mại trong thời gian 40 năm đầu tiên của hệ thống GATT/WTO được tập trung vào các chính sách quốc gia tạo ra các rào cản đối với thương mại. Từ năm 1990, các cuộc tranh luận đã mở rộng sang xem xét các nguyên tắc, các quy tắc và thủ tục về mối quan hệ giữa thương mại với môi trường, lao động có tổ chức, nhân quyền. Phạm vi của cuộc thảo luận đã được mở rộng.