Vào năm 1995, với nhiều kỳ vọng và kèn trống linh đình, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã được thành lập. Những người chủ xướng đã tán dương nhiều ưu điểm của tổ chức này. Nó sẽ trở thành một tổ chức toàn cầu, chứ không phải chỉ là một câu lạc bộ của các nước buôn bán phương Tây.
GATT là một hiệp định thương mại đa phương giữa các thực thể tự trị (không nhất thiết phải là quốc gia) nhằm mục đích mở rộng thương mại quốc tế. Như được trình bày chi tiết hơn tại Chương 2, GATT đã được ký kết lần đầu tiên vào năm 1947 như một hiệp định tạm thời, và nó đã trở thành một hiệp định quốc tế then chốt và là một thể chế chuyên về thương mại toàn cầu. Đến năm 1995, GATT 1947 đã được thay thế bằng GATT 1994, mà về cơ bản giống như trước cộng thêm vai trò là công cụ pháp lý rõ nét. WTO được thành lập với tư cách là một tổ chức quốc tế để quản lý GATT và các thỏa thuận thương mại có liên quan.
Môi trường quốc tế đã thay đổi nhiều từ khi GATT có hiệu lực từ năm 1948. Hoa Kỳ vẫn là thị trường lớn nhất thế giới, nhưng EC mà hiện nay gồm có 25 thành viên, đã lớn lên thành một thị trường gần bằng với Hoa Kỳ; Nhật Bản và Trung Quốc đã nổi lên như những nền kinh tế mạnh nhất trên thế giới, mỗi nước có hệ thống kinh tế quốc gia được cấu trúc theo một cách rất khác biệt so với các nước phương Tây. Những vấn đề chưa bao giờ được chú ý nhiều khi đàm phán GATT – như vấn đề bảo vệ môi trường đa phương và bảo vệ sở hữu trí tuệ – thì nay trở thành trọng tâm cho các cuộc đàm phán thương mại. Tuy vậy các luật lệ và nguyên tắc của định chế – những luật lệ trung tâm và các nguyên tắc điều chỉnh hoạt động của thương mại thế giới – phần lớn vẫn giữ nguyên không thay đổi.
Thế giới ngày nay được liên kết hơn rất nhiều so với thời kỳ vào giữa thế kỷ XX, một phần do kết quả của những thay đổi công nghệ trong lĩnh vực thông tin liên lạc và giao thông vận tải. Một chỉ số cho thấy sự giảm cước phí cuộc gọi điện thoại xuyên Đại Tây dương, minh họa cho quy mô của những thay đổi này. Cước phí gọi điện thoại từ Hoa Kỳ sang Anh đã giảm xuống như thế nào trong thời gian 75 năm qua, ngược hẳn với sự tăng lên gấp 10 lần về chỉ số giá cả nói chung tại các khu vực đô thị của Hoa Kỳ, cho thấy giờ đây ý nghĩ có thể vượt qua các biên giới quốc gia rẻ hơn và nhanh hơn đến chừng nào.
Dòng chảy xuyên biên giới của tư bản là một thước đo khác nói lên tính phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế tăng lên. Sự tăng đột biến về đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) trong 40 năm qua cả về giá trị danh nghĩa lẫn về tỷ lệ so với sản lượng toàn cầu – cho thấy dòng chảy tư bản ngày nay tự do hơn trước đây rất nhiều. Thương mại hàng hóa và thương mại dịch vụ cũng đã tăng lên tính theo tỷ lệ trên GDP. Thời kỳ đầu sau chiến tranh thế giới, tăng trưởng trung bình GDP của thế giới là 5% và thương mại quốc tế tăng 8%. Sự tăng lên về giá trị xuất khẩu toàn cầu tiếp tục qua những năm 1990, tăng từ bốn ngàn tỉ đô-la Mỹ lên sáu ngàn tỉ đô-la Mỹ (theo giá đô-la hiện hành) và bây giờ chiếm khoảng 20% hoạt động kinh tế trong các nước thành viên WTO.
Phần lớn dòng chảy quốc tế về vốn và hàng hóa là nằm trong nội bộ công ty hơn là giữa các công ty, phản ánh sự phát triển của các mạng lưới xuyên quốc gia như là một hình thức trung tâm của sản xuất hàng hóa trong nền kinh tế toàn cầu. Mức tăng tuyệt đối về nhập khẩu và xuất khẩu trong nội bộ công ty trong những năm cuối cùng của thế kỷ XX.
Nhìn chung, ai cũng có thể hình dung được các thuộc tính thể chế của một tổ chức quốc tế sẽ phải tương xứng một cách logic với môi trường mà tổ chức đó có nhiệm vụ điều chỉnh.
Chúng tôi khái quát hóa các thuộc tính thể chế dưới dạng hoặc mang tính chỉ dẫn (tức là các khái niệm chung của tính chất thích hợp) hoặc tính bắt buộc và chúng được viết thành văn bản hay không chính thức. Ma trận của các thuộc tính thể chế: Các nguyên tắc được viết thành các chỉ dẫn cho hành vi, trong khi các chuẩn mực là những chỉ dẫn bất thành văn, các quy tắc và các thủ tục được viết thành các quy định có tính bắt buộc đối với hành vi hay giới hạn hành vi, còn các thông lệ là những quy định bắt buộc bất thành văn đối với hành vi hay giới hạn hành vi.
Các chương tiếp theo sẽ đánh giá tác động của sự thay đổi môi trường, do cả hai nguyên nhân bên ngoài và bên trong, đến các thuộc tính thể chế của GATT/WTO bằng văn bản và bất thành văn. GATT/WTO được coi như một hệ thống pháp lý, là hệ thống xác định dưới dạng mối quan hệ và sự tương tác qua lại giữa các chức năng của nó về lập pháp, tư pháp và hành chính (Hart 1961). Các thành phần và cơ cấu của thể chế này không thể được xem xét tách biệt với các bộ phận khác của một hệ thống lớn hơn. Từ đó, sự thay đổi cụ thể về các quy tắc hay thủ tục có tính thể chế của GATT/WTO, như việc thành lập Cơ quan Phúc thẩm, cần được phân tích trong bối cảnh của các bộ phận khác trong cơ cấu WTO.
Việc không có sự thay đổi cơ bản trong các quy tắc và thủ tục của GATT như đã nêu ở trên, không có gì đáng ngạc nhiên. Các nhà phân tích đã cho thấy rằng những định chế được sắp đặt theo cách khác nhau có thể được dùng để thực hiện một chức năng như nhau (Koremenos, Lipson và Snidal 2001). Quan điểm cân bằng đa chiều (multiple-equilibrium view) đối với cơ cấu thể chế có một số hệ quả. Trong đó có hai hệ quả quan trọng nhất. Hệ quả thứ nhất, các quy tắc của định chế có thể không phải là tối ưu; mà chỉ là một tổng thể các cơ cấu quy tắc có thể phù hợp với một kết quả hợp tác. Thứ hai, việc thay đổi các bộ quy tắc có thể bị chi phối bởi các lý do chính trị, nằm ngoài mô hình thể chế tự do. Các học giả của các định chế đều hiểu rõ khó khăn trong việc thay đổi các thủ tục và chuẩn mực bên trong một tổ chức. Các quy tắc sẽ tạo ra những người được hưởng lợi mà các lợi ích của họ gắn với nguyên trạng. Một tổ chức phải trở nên rất kém hiệu quả – tức là ngay cả đối tượng hưởng lợi nhiều nhất từ hệ thống cũng không hài lòng – trước khi có thể thay đổi.
Thách thức đối với bất kỳ thể chế nào là phải sáng chế ra, tiền nghiệm, một cơ chế cho phép tổ chức phản ứng lại với sự thay đổi của môi trường, hậu nghiệm. Các định chế không thích nghi được sẽ trở nên lạc lõng; trong trường hợp cực đoan, sự bất ổn chính trị gây ra do sự kém thích nghi của thể chế có thể dẫn đến sự sụp đổ của cả thể chế.
Thomas Jefferson đã đưa ra nhận định tương tự về sự cần thiết phải sửa đổi hay giải thích lại bản hiến pháp quốc gia khi xã hội thay đổi. Công trình của Samuel Huntington về việc duy trì trật tự chính trị trong các xã hội đang biến đổi đã chứng tỏ sự cần thiết đối với các thể chế xã hội tiến hóa cùng với sự thay đổi của xã hội trong khi các nước phát triển về kinh tế (Huntington 1968). Các nhà lý luận về tổ chức cũng đưa ra những lập luận tương tự.
Các tổ chức quốc tế đang phải đối mặt với những thay đổi trong môi trường của mình với mức độ sâu sắc ngang bằng với hoặc nhiều hơn mức độ thay đổi đang thách thức các thể chế trong nước. Hội Quốc Liên đã bị suy thoái dẫn đến lạc lõng và cuối cùng sụp đổ vì nó không chịu bổ sung các quy tắc có tính hợp hiến do một trong các cường quốc là Hoa Kỳ chủ xướng. Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) đã trở nên kém thích hợp vào các thập niên 1980 và 1990, khi nó tỏ ra không có khả năng đáp ứng các đòi hỏi của hai thế lực có sức mạnh EC và Hoa Kỳ – để tăng cường bảo hộ sở hữu trí tuệ trên toàn cầu, và không có khả năng đưa ra một giải pháp mang tính thể chế theo đòi hỏi của họ để thực thi các nghĩa vụ theo Công ước Berne và Công ước Paris (Beier và Schricker 1989). Tương tự như vậy, Liên minh Viễn thông Quốc tế đã đánh mất nhiều vai trò vào những năm 1990 khi năng lực thể chế của nó không theo kịp sự phát triển nhanh chóng của kỹ thuật để lập ra chính sách quốc tế (Borrus và Cohen 1998).
Hơn thế nữa, điều ngược lại cũng đúng: các thể chế sẽ tồn tại và tiếp tục là tâm điểm của hoạt động quốc tế nếu chúng có sự điều chỉnh tốt theo sự thay đổi của môi trường. Do đó, ví dụ, NATO đến nay vẫn tồn tại, bất kể sự sụp đổ của Liên Xô và Hiệp ước Warsaw – xóa bỏ lý do tồn tại của nó – bằng cách xác định lại các chức năng hoạt động và tổ chức lại để thực hiện chức năng đó. Và tổ chức EC đã mở rộng và tập trung quyền lực chính trị của nó từ năm 1957 thông qua một loạt các cuộc cải cách thể chế lớn – nổi bật nhất là Luật về một châu Âu duy nhất (Single European Act), Hiệp ước Maastricht về Liên Minh châu Âu, và các hiệp ước Amsterdam và Nice mỗi loại nhằm giải quyết các thách thức mới về kinh tế và chính trị.
Ba sự thay đổi của môi trường – quyền lực nhà nước, các lợi ích của các nhân tố phi nhà nước, và các tư tưởng về thương mại – có tác động đến cơ sở chính trị và cơ cấu của WTO, và dùng làm các chuẩn mực để đo lường mức độ tiến hóa của các thể chế GATT/WTO khi các yếu tố của môi trường thay đổi. Các chương tiếp theo sẽ đưa ra sự phân tích kỹ hơn các mối quan hệ này nhằm tìm hiểu mức độ mà các thể chế có liên hệ với WTO duy trì và tạo ra sự ủng hộ về chính trị cho sự tự do hóa thương mại đa phương.