Mớm cung là một trong những hành động vô cùng nguy hiểm, nó khiến cho quá trình điều tra vụ án trở nên không minh bạch và không khách quan, đưa đến những kết luận sai và làm ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan tư pháp, thậm chí là lòng tin của người dân vào chính quyền. Vậy mớm cung là gì? Và cần phải làm gì khi bị mớm cung?
Mục lục bài viết
1. Mớm cung là gì?
Mớm cung được xem là biểu hiện phổ biến của hành vi vi phạm quy định của pháp luật, mớm cung xảy ra trong hoạt động hỏi cung bị can, thông thường những câu hỏi mớm cung thường chứa đựng các nội dung chủ quan và ý chí của người hỏi (điều tra viên), hướng bị can trả lời theo ý chí đó. Theo quy định của pháp luật hiện nay, mớm cung là việc dùng thủ đoạn, gợi ý lấy lời khai theo mong muốn chủ quan của người hỏi cung đối với các bị can. Nội dung của các câu hỏi mớm cung thông thường sẽ chứa đựng các câu trả lời sẵn của người hỏi, người hỏi sử dụng những câu hỏi đó đưa cho người bị hỏi, với mong muốn người bị hỏi sẽ trả lời theo ý kiến chủ quan của mình. Hình thức mớm cũng vô cùng đa dạng, có thể cho xem các loại tài liệu giấy tờ, cho xem vật chứng chưa được xác định là chính xác, hướng các bị can trả lời theo những gợi ý có sẵn. Việc mớm cung trên thực tế làm cho lời khai của các bị can trở nên không chính xác, không vô tư khách quan, không phản ánh đúng sự thật của vụ án.
Vì vậy, pháp luật tố tụng hình sự hiện nay có nhiều điều luật quy định nội dung nghiêm cấm hành vi mớm cung trong quá trình hỏi cung bị can cũng như trong quá trình xét hỏi tại phiên tòa.
Tóm lại, mớm cung có thể được hiểu như sau: Đây là khái niệm để chỉ hoạt động của điều tra viên, điều tra viên nhắc lời khai cho bị can, bị hại, người làm chứng với những nội dung mà điều tra viên cho là quan trọng và cần thiết. Những nội dung này không có thật trên thực tế, có thể làm sai lệch đối với kết quả điều tra, từ đó khiến cho sự thật của vụ án không được làm sáng tỏ.
Có thể đưa ra ví dụ như sau: Có một vụ tai nạn xảy ra trên thực tế, các điều tra biết nghi ngờ và muốn buộc tội cho một người bất kỳ nào đó. Người chứng kiến vụ việc tai nạn đó chỉ nhớ rằng người gây ra tai nạn ở độ tuổi trung niên, là người đi xe máy màu đen … Điều tra viên nhắc lại cho người làm chứng với nội dung biển số của phương tiện, đó là phương tiện gì, người gây tai nạn trong quá trình gây tai nạn đã ăn mặc như thế nào … và các câu hỏi có liên quan khác. Người chứng kiến nội dung đã khai theo những lời nhắc nhở đó của điều tra viên, điều tra viên tiếp tục ghi lại trong biên bản lấy lời khai và lấy chữ ký của những người làm chứng. Người bị nghi ngờ gây ra tai nạn có thể dễ dàng bị buộc tội, vì vậy đây có thể coi là hoạt động mớm cung.
2. Cần phải làm gì khi bị mớm cung?
Căn cứ theo quy định tại Điều 15 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 có quy định về vấn đề xác định sự thật của vụ án. Theo đó, trách nhiệm và nghĩa vụ chứng minh tội phạm theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự sẽ thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền chứng minh tuy nhiên không bắt buộc phải chứng minh mình vô tội. Trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng bắt buộc phải áp dụng các biện pháp cần thiết và biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, đầy đủ, toàn diện, có trách nhiệm làm rõ chứng cứ xác định người bị buộc tội là có tội, chứng cứ xác định người bị buộc tội vô tội, xác định các tình tiết tăng nặng và các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho người bị buộc tội.
Vì vậy, mớm cung là một trong những hành vi vi phạm quy định về vấn đề xác định sự thật của vụ án. Tuy nhiên, mặc dù bị cấm nhưng hành động mớm cung vẫn đã và đang xảy ra vô cùng phổ biến. Nhiều người không có tội đã trở thành người có tội và ngược lại, những người có tội lại không bị xử phạt thích đáng. Trong trường hợp bị mớm cung, các bị can/bị cáo cần phải:
- Yêu cầu có luật sư trong các buổi làm việc với cơ quan điều tra;
- Hỏi điều tra viên về khả năng buổi làm việc đó có được ghi âm hoặc ghi hình hay không …;
- Đề nghị các điều tra viên giải thích rõ bản thân bị truy tố và những tội danh gì …, đồng thời có những dấu hiệu bắt buộc chứng minh về những tội danh đó hay không;
- Trong quá trình kết thúc điều tra, cần phải yêu cầu cung cấp và photo lời khai của mình trong quá trình làm việc với cơ quan điều tra và của người khác liên quan đến quyền lợi hợp pháp của mình. Đồng thời cần phải đọc và tiếp tục căn chỉnh, cùng cố mô hình gỡ tội trình bày cho Tòa án và Viện kiểm sát;
- Cần phải nhớ lại điều tra viên đã hỏi cung như thế nào, nội dung là gì, các điều tra viên mớm cung để có thể sẵn sàng trình bày chi tiết tại Tòa án, tận dụng thời gian tại Tòa án để chỉ ra những lời khai bị coi là mớm cung;
- Sau khi ra Tòa án, cần phải yêu cầu triệu tập điều tra viên để sẵn sàng đối chất trong trường hợp cần thiết.
Vì vậy, để đảm bảo quyền lợi của mình thì cần phải tham khảo một số hành động cần làm khi các bị can, bị cáo bị mớm cung nêu trên.
3. Hành vi mớm cung có thể bị xử về các tội gì?
Hành vi mớm cung có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh khác nhau như tội bức cung, tội dùng nhục hình. Cụ thể:
Thứ nhất, tội dùng nhục hình căn cứ theo quy định tại Điều 373 của Bộ luật hình sự năm 2015. Theo đó, người nào trong hoạt động tố tụng hình sự, trong hoạt động thi hành án, thi hành các biện pháp đưa vào cơ sở giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc tuy nhiên dùng nhục hình hoặc có hành vi đối xử tàn bạo, nhằm mục đích hạ thấp nhân phẩm của người khác dưới bất kỳ hình thức nào, thì có thể bị xử phạt với mức như sau:
- Khung hình phạt cơ bản là phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm;
- Khung hình phạt tăng nặng thứ nhất là phạt tù từ 02 năm đến 07 năm;
- Khung hình phạt tăng nặng thứ hai là phạt tù từ 07 năm đến 12 năm;
- Trong trường hợp làm cho người bị nhục hình chết thì sẽ bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, hoặc tù chung thân;
- Khung hình phạt bổ sung đó là có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định trong khoảng thời gian từ 01 năm đến 05 năm.
Thứ hai, tội bức cung căn cứ theo quy định tại Điều 374 của Bộ luật hình sự năm 2015. Theo đó, người nào trong hoạt động tố tụng hình sự tuy nhiên đã sử dụng nhiều thủ đoạn trái quy định của pháp luật để ép buộc người lấy lời khai bắt buộc phải khai ra những thông tin liên quan đến vụ án, thì sẽ bị hình thức xử phạt như sau:
- Khung hình phạt cơ bản là phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm;
- Khung hình phạt tăng nặng thứ nhất là phạt tù từ 02 năm đến 07 năm;
- Khung hình phạt tăng nặng thứ hai là phạt tù từ 07 năm đến 12 năm;
- Khung hình phạt tăng nặng thứ ba là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, hoặc tù chung thân;
- Hình phạt bổ sung có thể được áp dụng đó là cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề trong khoảng thời gian từ 01 năm đến 05 năm.
Vì vậy, khi thực hiện hành vi mớm cung vi phạm các quy định pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự thuộc một trong những trường hợp nêu trên thì sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật tố tụng hình sự 2015;
– Văn bản hợp nhất 06/VBHN-VPQH 2021 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự;
– Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017).
THAM KHẢO THÊM: