Chăn nuôi là một trong những ngành quan trọng của nông nghiệp hiện đại, chăm sóc các loại vật nuôi để tạo ra các sản phẩm công nghiệp như thực phẩm, sức lao động, sữa ... Sản phẩm từ chăn nuôi cung cấp tiện ích và phục vụ cho nhu cầu đời sống sinh hoạt của con người. Vậy theo quy định của pháp luật hiện nay thì chăn nuôi tại hộ gia đình được quy định như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Quy định pháp luật về chăn nuôi tại hộ gia đình:
Trước hết, chăn nuôi tại hộ gia đình là tên gọi khác của hình thức chăn nuôi nông hộ. Căn cứ theo quy định tại Điều 2 của Luật chăn nuôi năm 2018 có quy định về chăn nuôi nông hộ. Theo đó, chăn nuôi nông hộ là khái niệm để chỉ hình thức tổ chức hoạt động chăn nuôi tại các hộ gia đình.
Tuy nhiên, để có thể chăn nuôi tại hộ gia đình thì cần phải đáp ứng được một số yêu cầu nhất định. Không phải bất kỳ hộ gia đình nào cũng có thể tổ chức hoạt động chăn nuôi. Tiếp tục căn cứ theo quy định tại Điều 56 Luật chăn nuôi năm 2018 có quy định về hình thức chăn nuôi nông hộ. Theo đó, chăn nuôi nông hộ cần phải đáp ứng được đầy đủ các điều kiện sau đây:
-
Chuồng nuôi tại cơ sở chăn nuôi hộ gia đình bắt buộc phải có sự tách biệt với nơi ở của người;
-
Định kỳ vệ sinh, tiến hành các hoạt động khử trùng, khử khuẩn, tiêu độc chuồng trại, khử khuẩn các loại dụng cụ phục vụ cho quá trình chăn nuôi;
-
Chăn nuôi tại hộ gia đình cần phải có các biện pháp phù hợp để đảm bảo an toàn vệ sinh, thực hiện đầy đủ quy định về bảo vệ môi trường, có biện pháp hợp lý để vệ sinh phòng dịch trong quá trình chăn nuôi, thu gom và xử lý nước thải, xử lý phân chăn nuôi, xác vật nuôi, xử lý chất thải chăn nuôi theo quy định của pháp luật về thú y và pháp luật về bảo vệ môi trường.
Như vậy, cần phải đáp ứng được các điều kiện nêu trên thì mới có thể tổ chức chăn nuôi dưới hình thức chăn nuôi hộ gia đình (hay còn gọi là hình thức chăn nuôi nông hộ).
Đồng thời, chăn nuôi tại hộ gia đình cũng cần phải tuân thủ theo một số quyền và nghĩa vụ nhất định. Căn cứ theo quy định tại Điều 57 Luật chăn nuôi năm 2018 có quy định về quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân chăn nuôi. Bao gồm các quyền và nghĩa vụ cơ bản như sau:
-
Các tổ chức và cá nhân thực hiện đầy đủ nghĩa vụ kê khai hoạt động chăn nuôi theo quy định của pháp luật, sau khi đã thực hiện hoạt động kê khai chăn nuôi thì sẽ được hỗ trợ thiệt hại, khôi phục sản xuất khi có thiên tai xảy ra, dịch bệnh theo quy định của pháp luật;
-
Được hưởng chính sách của nhà nước có liên quan đến hoạt động chăn nuôi;
-
Được tập huấn, bồi dưỡng đào tạo kiến thức trong lĩnh vực chăn nuôi;
-
Quảng bá các loại sản phẩm chăn nuôi theo quy định của pháp luật;
-
Thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện có liên quan đến hoạt động chăn nuôi theo quy định của pháp luật;
-
Cần phải có nghĩa vụ thực hiện đầy đủ hoạt động kê khai trong quá trình chăn nuôi, thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn sinh học, thực hiện các biện pháp phù hợp để bảo vệ môi trường trong quá trình chăn nuôi;
-
Xử lý chất thải phát sinh trong quá trình chăn nuôi theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
-
Bảo đảm đối xử nhân đạo với các động vật nuôi theo quy định của pháp luật.
2. Quy mô chăn nuôi tại hộ gia đình được quy định thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 52 Luật chăn nuôi năm 2018 có quy định về quy mô chăn nuôi. Theo đó, quy mô chăn nuôi bao gồm các loại hình như sau:
-
Chăn nuôi trang trại, trong đó bao gồm chăn nuôi trang trại quy mô lớn, chăn nuôi trang trại quy mô vừa, chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ;
-
Chăn nuôi nông hộ, hay còn được gọi là chăn nuôi tại hộ gia đình.
Theo đó, chăn nuôi tại hộ gia đình cũng là một trong những hình thức quy mô chăn nuôi theo quy định của pháp luật. Chăn nuôi tại hộ gia đình là tên gọi khác của hình thức chăn nuôi nông hộ.
Tiếp tục căn cứ theo quy định tại Điều 21 của Nghị định 13/2020/NĐ-CP, có hướng dẫn cụ thể về quy mô chăn nuôi. Theo đó:
(1) Nguyên tắc xác định quy mô chăn nuôi sẽ được xác định theo một số nguyên tắc cơ bản sau:
+ Quy mô chăn nuôi đối với gia súc, quy mô chăn nuôi gia cầm sẽ được xác định dựa trên số lượng đơn vị vật nuôi tại các cơ sở chăn nuôi trong cùng một thời điểm;
+ Quy mô chăn nuôi đối với các loại vật nuôi khác thì sẽ được xác định cụ thể bằng số lượng vật nuôi tại các cơ sở chăn nuôi trong cùng một thời điểm;
+ Trong trường hợp cơ sở chăn nuôi hỗn hợp các loại gia súc, gia cầm và các động vật nuôi khác thì quy mô chăn nuôi sẽ được xác định dựa trên tổng số đơn vị vật nuôi của các loại gia súc, gia cầm và tổng số lượng từng loại vật nuôi khác trên thực tế trong cùng một thời điểm.
(2) Quy mô chăn nuôi gia súc, quy mô chăn nuôi gia cầm sẽ được xác định cụ thể như sau:
+ Đối với hình thức chăn nuôi trang trại quy mô lớn, được xác định là từ 300 đơn vị vật nuôi trở lên;
+ Đối với hình thức chăn nuôi trang trại quy mô vừa, được xác định với số lượng từ 30 đơn vị vật nuôi đến dưới 300 đơn vị vật nuôi;
+ Đối với hình thức chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ, được xác định từ 10 đơn vị vật nuôi đến dưới 30 đơn vị vật nuôi;
+ Đối với hình thức chăn nuôi nông hộ, được xác định dưới 10 đơn vị vật nuôi.
(3) Hệ số đơn vị vật nuôi sẽ được xác định cụ thể như sau:
+ Hệ số đơn vị vật nuôi theo quy định của pháp luật hiện nay sẽ được sử dụng làm căn cứ để quy đổi số lượng vật nuôi sang đơn vị vật nuôi phù hợp với quy định của pháp luật;
+ Hệ số đơn vị vật nuôi, công thức chuyển đổi số lượng đơn vị vật nuôi thành đơn vị vật nuôi sẽ được thực hiện theo quy định cụ thể tại phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định 13/2020/NĐ-CP;
+ Trong trường hợp cần phải sửa đổi, bổ sung quy mô chăn nuôi, sửa đổi và bổ sung hệ số đơn vị vật nuôi, cơ quan có thẩm quyền đó là Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục trình bày bằng văn bản lên Chính phủ để xem xét, đưa ra quyết định cuối cùng về việc sửa đổi, bổ sung theo trình tự và thủ tục rút gọn.
Theo đó, quy mô chăn nuôi dưới hình thức hộ gia đình (chăn nuôi nông hộ) hiện nay đang được xác định với số lượng dưới 10 đơn vị vật nuôi.
3. Mức xử phạt hộ chăn nuôi gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh:
Căn cứ theo quy định tại Điều 7 của Nghị định 144/2021/NĐ-CP, có quy định về mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về an ninh trật tự công cộng. Theo đó, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với các đối tượng thực hiện một trong những hành vi vi phạm quy định của pháp luật như sau:
-
Có hành vi gây rối trật tự công cộng tại nơi biểu diễn nghệ thuật, gây rối trật tự công cộng tại nơi tổ chức hoạt động văn hóa thể dục thể thao, tại trung tâm thương mại, trụ sở của cơ quan tổ chức, gây rối trật tự công cộng tại khu dân cư, hoặc những nơi công cộng khác tuy nhiên chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
-
Có hành vi thả rông các loại động vật nuôi trong khu đô thị hoặc tại nơi công cộng;
-
Để các loại vật nuôi, cây trồng, các vật khác lẫn lòng lề đường, vỉa hè, khu vui chơi giải trí, vườn hoa, đô thị, nơi sinh hoạt chung của cộng đồng dân cư và khu đô thị;
-
Có hành vi vô ý gây thương tích, gây tổn hại đến sức khỏe của người khác tuy nhiên chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
-
Vứt rác bừa bãi, bỏ lại bất cứ vật gì trên tường rào, hoặc tại các khu vực liền kề mục tiêu bảo vệ;
-
Có hành vi chăn nuôi, thả các loại gia súc, gia cầm trong khu dân cư ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
Theo đó, hội chăn nuôi có hành vi thả gia súc, gia cầm gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh có thể bị phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Chăn nuôi 2018;
– Nghị định 13/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chăn nuôi;
– Nghị định 46/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 13/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chăn nuôi;
– Nghị định 144/2021/NĐ-CP xử phạt hành chính lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
THAM KHẢO THÊM: