Thực nghiệm điều tra là một hoạt động điều tra trong tố tụng, nếu vận dụng một cách phù hợp nó sẽ có tác dụng nhất định trong cuộc đấu tranh chống tội phạm. Tùy theo yêu cầu cụ thể của sự việc, hiện tượng cần điều tra xác minh mà áp dụng loại thực nghiệm điều tra cho thích hợp, khi tổ chức thực nghiệm điều tra phải quán triệt đầy đủ các điều kiện, nguyên tác đã quy định.
Mục lục bài viết
1. Khái niệm thực nghiệm điều tra:
Trong quá trình điều tra các vụ án ta thấy: lời khai của bị can, người bị tạm giữ, người bị hại. người làm chứng nhiều khi chưa đủ cơ sở tin cậy, hay nói cách khác là chưa thể kết luận chắc chắn về lời khai của họ. Hoặc có sự việc, hiện tượng đã xảy ra có liên quan đến quá trình điều tra, nhưng còn có nhiều giả thuyết khác nhau về nguyên nhân của nó. Để giải quyết những nghi ngờ trên, hay khẳng định một giả thuyết trong thực tế, cơ quan điều tra trong điều kiện cho phép có thể tổ chức cho người có lời khai thực hiện hành vi (như: làm, nghe, nhìn) theo đúng lời khai của họ xem thực tế trước cơ quan điều tra họ có làm được hay không, mức độ như thế nào. Cũng có trường hợp trên cơ sở những tình hình tài liệu đã thu thập được, cơ quan điều tra tự tổ chức làm thử mang tính chất thí nghiệm xem một hành vi, sự việc hiện tượng nào đó có khả năng xảy ra hay không? nếu xảy ra thì xảy ra như thế nào?
Như vậy: Thực nghiệm điều tra là việc cơ quan điều tra tổ chức diễn lại hoặc làm thử một hành vi, sự việc, hiện tượng có liên quan đến việc điều tra làm rõ vụ án trong điều kiện tương tự như lời khai của bị can, người bị tạm giữ, bị hại, người làm chứng hay giả thiết điều tra để xem xét hành vi, sự việc, hiện tượng đó có xảy ra hay không, xảy ra như thế nào?
Như vậy cần phải hiểu thực nghiệm điều tra với ba vấn đề cơ bản sau:
– Về hình thức: Thực nghiệm điều tra được tiến hành dưới hai hình thức diễn lại và làm thử.
– Về nội dung của công tác thực nghiệm điều tra – là việc cơ quan điều tra tổ chức cho bị can, người bị tạm giữ, người bị hại, người làm chứng hoặc một người khác diễn lại hoặc làm thử một hành vi, một sự việc, một hiện tượng đã xảy ra có liên quan đến công tác điều tra vụ án trong điều kiện tương tự như lời khai hay giả thiết điều tra về hành vi, sự việc, hiện tượng đó.
Mục đích chung của thực nghiệm điều tra là xác định tính chính xác của lời khai và giả thiết điều tra trên cơ sở điều tra và xác định nguyên nhân, diễn biến và mức độ xảy ra của sự việc, hiện lượng đó có cơ sở khoa học đồng thời cơ quan điều tra có cơ sở để vạch phương hướng điều tra và biện pháp giải quyết.
Để hiểu đầy đủ và chính xác thực nghiệm điều tra phải nắm vững về thực nghiệm điều tra và các loại của nó.
1.1. Hình thức thực nghiệm điều tra:
Căn cứ vào nội dung, mục đích, người đưa ra thực nghiệm, chúng ta có hai hình thức thực nghiệm sau :
– Thực nghiệm điều tra: Là việc cơ quan điều tra dựa trên cơ sở lời khai của bị can, người bị tạm giữ, người bị hại, người làm chứng tổ chức cho họ làm lại, nhận lại hoặc nghe lại hành vi, sự việc, hiện tượng mà họ đã khai là họ đã làm, đã thấy hoặc đã nghe để xác định hành vi, sự việc, hiện tượng đó có đúng, có phù hợp với lời khai của của họ và tài liệu đã thu thập được hay không.
– Thực nghiệm điều tra dưới hình thức làm thử: Là việc cơ quan điều tra dựa trên tài liệu, tình hình đã thu thập tổ chức cho cán bộ điều tra, cán bộ khám nghiệm hiện trường hoặc người khác làm theo lời khai của bị can, người bị tạm giữ, người làm chứng, người bị hại hay giả thiết điều tra nhằm xác định khả năng diễn ra của sự việc, hiện tượng. Hình thức thực nghiệm điều tra này có tính chất thí nghiệm về hành vi, sự việc hiện tượng.
1.2. Các loại thực nghiệm điều tra:
* Loại thực nghiệm điều tra về khả năng hành động.
Thực nghiệm điều tra về khả năng hành động là việc cơ quan điều tra tổ chức bị can, người bị tạm giữ làm lại hành vi, sự việc mà họ đã khai là họ đã làm nhằm kiểm tra và xác định khả năng thực hiện hành vi, sự việc ấy trên cơ sở đó đánh giá một cách khách quan về lời khai của họ.
– Trước hết đây là thực nghiệm điều tra dưới hình thức diễn lại, mục đích của loại thực nghiệm điều tra này là kiểm tra và xác định khả năng thực hiện hành vi của chính người có lời khai đó (bị can, người bị tạm giữ) từ đó có thêm cơ sở, căn cứ đánh giá tính chính xác, khách quan lời khai của họ, góp phần vào việc thu thập, củng cố tài liệu chứng cứ cũng như vạch phương hướng điều tra tiếp tục vụ án.
– Đối tượng đưa ra thực nghiệm là bị can, người bị tạm giữ. Phải đưa chính họ ra để thực nghiệm vì có như vậy mới trực tiếp kiểm tra đánh giá về khả năng thực hiện hành vi, từ thực tế hoạt động của họ ta mới có cơ sở đánh giá họ có làm được hay không?
– Cơ sở để tổ chức và đánh giá kết quả thực nghiệm là dựa trên lời khai của họ về hành vi, sự việc, hiện tượng mà họ đã làm, về điều kiện khách quan và chủ quan thực tế để họ làm được hành vi, sự việc đó trước đây. Bởi vì : vấn đề đặt ra trong quá trình điều tra là phải xác định cho được khả năng hành động, kiểm tra mức độ làm một hành vi, sự việc trước đây mà bị can, người bị tạm giữ đã làm để xác định họ có làm được không? làm được ở mức độ nào ? phù hợp với lời cung hay không. Chính vì vậy phải dựa vào lời cung của bị can, người bị tạm giữ để tổ chức cho họ làm lại những sự việc, hành vi mà họ đã làm trong điều kiện khách quan và chủ quan như trước đây.
Vì vậy nội dung lời khai trong thực nghiệm điều tra về khả năng hoạt động vừa là cơ sở tổ chức cho việc bị can, người bị tạm giữ làm lại một hành vi sự việc mà bị can, người bị tạm giữ đã làm vừa là căn cứ để xem xét, so sánh, đánh giá diễn biến và kết quả kiểm tra khả năng hành động.
– Để đảm bảo khách quan trong thực nghiệm điều tra về khả năng hành động cần chú ý một số vấn đề sau :
+ Về phía người đưa ra thực nghiệm : phải chú ý đến điều kiện về sức khỏe, trạng thái tâm lý, thói quen… Những yếu tố này phải giống hoặc gần giống với quá khứ, gắn liền với hành vi phạm tội hoặc hành vi nào đó họ đã thực hiện.
+ Về phía cơ quan điều tra : phải tổ chức tốt việc hỏi cung bị can, người bị tạm giữ, làm rõ các chi tiết cần thiết cho cuộc thực nghiệm điều tra. Có quyết định chính xác trong việc chọn người đưa ra thực nghiệm, quyết định những biện pháp cần thiết để phục hồi hoặc tái tạo, dựng lại những điều kiện hoàn cảnh đảm bảo giống hoặc gần giống như lời khai của bị can, người bị tạm giữ. Mặt khác cơ quan điều tra bố trí cán bộ chủ trì và tham gia có đủ khả năng tổ chức.
* Loại thực nghiệm điều tra về khả năng quan sát thu cảm:
Trước hết cần phải hiểu rõ khả năng quan sát thụ cảm là khả năng nhìn, khả năng nghe của một con người cụ thể.
Thực nghiệm điều tra về khả năng quan sát thụ cảm là việc cơ quan điều tra tổ chức cho người bị tạm giữ, người bị hại, người làm chứng nhìn lại, nghe lại sự việc, hiện tượng mà họ đã nhìn, đã nghe (hoặc người khác nhìn theo, nghe theo) để kiểm tra và xác định khả năng tri giác sự việc, hiện tượng ấy để kết luận có cơ sở khách quan về lời khai của họ.
– Mục đích của loại thực nghiệm điều tra này nhằm kiểm tra xác định mức độ nhìn và nghe về một sự việc, hiện tượng nào đó của người bị tạm giữ, bị hại, người làm chứng, bằng kết quả thực nghiệm để khẳng định họ nhìn được, nghe được hay không và có phù hợp với lời khai của họ trước cơ quan điều tra hay không. Trên cơ sở đó mà có kết luận về lời khai của họ về sự việc, hiện tượng.
Cơ sở để tổ chức thực nghiệm điều tra về khả năng quan sát, thụ câm và đánh giá kết quả là sử dụng lời khai của người bị tạm giữ, người bị hại, người làm chứng về sự việc, hiện tượng mà họ đã trực tiếp tri giác, những điều kiện chủ quan, khách quan khi họ tri giác và khi cơ quan điều tra tổ chức tiến hành thực nghiệm điều tra.
Khi tiến hành tổ chức thực nghiệm điều tra về khả năng quan sát, thụ cảm cần chú ý:
Điều kiện về sức nhìn, sức nghe của mỗi người, trong từng thời kỳ… không phải bao giờ cũng hoàn toàn giống nhau, do vậy khi tổ chức loại thực nghiệm này phải chú ý để họ có thể nhìn, nghe trong điều kiện tương tự, chú ý điều kiện về không gian, thời gian…
Phải chọn thời gian, địa điểm tiến hành thực nghiệm giống như lời khai của họ về nơi, lúc xảy ra sự việc, hiện tượng mà họ đã nhìn, đã nghe. Vấn đề cơ bản ở đây là phải nắm chắc hoàn cảnh mà họ đã tri giác, quan sát được.
Tuyệt đối không
* Thực nghiệm điều tra về khả năng diễn ra của sự việc:
Khi nói đến khả năng diễn ra của sự việc hiện tượng là nói đến khả năng phát sinh của sự việc đó và mức độ diễn biến của nó.
Vậy thực nghiệm điều tra về khả năng diễn ra của sự việc, hiện tượng là việc cơ quan điều tra tổ chức làm có tính chất thí nghiệm một sự việc, hiện tượng nào đó đã xảy ra chưa rõ nguyên nhân hoặc thủ phạm để xác định nguyên nhân và diễn biến của sự việc hiện tượng ấy có phù hợp với giả thiết điều tra đặt ra hay không nhằm tạo điều kiện cho việc đặt ra phương hướng điều tra và biện pháp giải quyết.
Đặc trưng của loại thực nghiệm điều tra này là thực nghiệm về sự việc, hiện tượng đã xảy ra nhưng chưa xác định được nguyên nhân hoặc thủ phạm. Chính vì vậy cơ quan điều tra làm có tính chất thí nghiệm theo giả thiết điều tra và các tài liệu thu thập được xung quanh sự việc, hiện tượng. Mục đích trực tiếp là nhằm xác định nguyên nhân và diễn biến của sự việc, hiện tượng từ đó có cơ sở vạch phương hướng điều tra và biện pháp giải quyết.
Cơ sở áp dụng thực nghiệm điều tra về khả năng diễn ra của sự việc hiện tượng là dựa vào toàn bộ nội dung tài liệu, tình hình cũng như sự hiểu biết của cơ quan điều tra về sự việc hiện tượng đó. Chính vì vậy việc thu thập tình hình, tài liệu càng đầy đủ, chính xác bao nhiêu thì càng mang lại hiệu quả bấy nhiêu, vì nó có căn cứ khoa học mang tính thuyết phục hơn. Ngược lại sự tính toán không cẩn thận, tài liệu thu thập không đầy đủ sẽ mang lại kết quả không chính xác.
Khi áp dụng loại thực nghiệm điều tra về khả năng diễn ra sự việc, hiện tượng cần chú ý do tính chất đặc điểm của loại thực nghiệm điều tra này đòi hỏi việc tổ chức thực nghiệm phải chú ý khâu tái tạo và dựng lại những điều kiện, hoàn cảnh, ánh sáng, thời tiết, độ ẩm, tình trạng kỹ thuật… và mọi chi tiết khác có liên quan đến lĩnh vực chuyên môn, kỹ thuật mới thu được kết quả một cách đáng tin cậy. Chính vì vậy khi tiến hành thực nghiệm điều tra có thể mời các chuyên gia thuộc lĩnh vực có liên quan tham gia vào việc tính toán cũng như tổ chức thực nghiệm. Mặt khác cần phải thu thập tình hình tài liệu, lời khai của người có liên quan đến sự việc, hiện tượng một cách chi tiết, cụ thể và đầy đủ.
1.3. Mối quan hệ giữa 3 loại thực nghiệm và 2 hình thức thực nghiệm điều tra:
Thực nghiệm điều tra có thể được tổ chức dưới 2 hình thức: diễn lại và làm thử với 3 loại khác nhau: Khả năng hành động, khả năng quan sát thụ cảm, khả năng diễn ra của sự việc, hiện tượng. Hai hình thức và ba loại thực nghiệm điều tra có sự khác nhau rất căn bản, cần phải có sự phân biệt rõ để vận dụng cho thích hợp.
Thực nghiệm điều tra về khả năng hành động và khả năng quan sát thụ cảm có thể tiến hành ở bất kỳ hình thức nào của thực nghiệm. Còn thực nghiệm điều tra về khả năng diễn ra thì chỉ có hình thức duy nhất là làm thử.
Khi tiến hành thực nghiệm có thể kết hợp giữa các loại thực nghiệm với nhau nếu xét thấy giá trị của các cuộc thực nghiệm đó bảo đảm tính khách quan. Sự kết hợp này có thể xảy ra theo các cặp :
TNĐT về KNHĐ kết hợp với TNĐT về KNQS và TC
TNĐT về KNQS và TC kết hợp với TNĐT về KNDR của sự việc hiện tượng.
Không thể kết hợp giữa thực nghiệm điều tra về KNHĐ và TN về KNDR.
2. Mục đích và tác dụng của thực nghiệm điều tra:
Thực nghiệm điều tra được tiến hành dưới 2 hình thức và ở 3 loại khác nhau. Đó là điểm cơ bản để phân biệt các loại thực nghiệm. Nhưng với tư cách là hoạt động điều tra trong tố tụng hình sự nên thực nghiệm điều tra nói chung đều có mục đích cụ thể sau:
Kiểm tra đánh giá và củng cố chứng cứ về những vấn đề cần thiết của vụ án một cách có cơ sở khoa học.
Việc kiểm tra đánh giá và củng cố chứng cứ là một vấn đề có tính chất bắt buộc trong quá trình điều tra các vụ án nhằm đảm bảo tính khách quan trong quá tình điều tra, chính vì vậy, trong quá trình điều tra cơ quan điều tra có biện pháp khác nhau để kiểm tra, đánh giá và củng cố chứng cứ, trong đó thực nghiệm điều tra là một biện pháp có hiệu quả, kết quả mang tính khoa học và thuyết phục cao. Cơ sở khoa học của quá trình thực nghiệm biểu hiện là nó có thể được tiến hành dựa trên quy luật của cuộc sống; lời khai về thực hiện hành vi sẽ được chứng minh bằng việc làm cụ thể của chính người có lời khai, vì vậy nó là cơ sở để tạo nên niềm tin của cơ quan điều tra, cơ quan truy tố và xét xử.
Mặt khác việc tổ chức thực nghiệm điều tra còn được tiến hành dựa trên cơ sở tính toán thận trọng, chính xác và tỷ mỷ về mọi điều kiện cần thiết và có liên quan, nên kết quả đáng tin cậy vì nó mang tính chất khoa học một cách sâu sắc.
Thông qua tổ chức thực nghiệm điều tra, kết quả của thực nghiệm điều tra góp phần vào việc kiểm tra, đánh giá và củng cố chứng cứ của vụ án.
Trước hết cần phải khẳng định rằng thực nghiệm điều tra không có ý nghĩa trong việc thu thập chứng cứ có giá trị chứng minh tội phạm một cách độc lập mà tác dụng cơ bản của nó là kiểm tra đánh giá, và củng cố chứng cứ đã thu thập được : Lời khai của bị can, người bị tạm giữ, người bị hại, người làm chứng sẽ được kiểm tra đánh giá một cách khách quan, nhanh chóng thông qua việc đối chiếu, so sánh với kết quả thực nghiệm điều tra. Chứng cứ chứng minh thu được qua lời khai cũng sẽ được kiểm tra và đánh giá, củng cố một cách vững chắc và có cơ sở khoa học không thể bác bỏ.
3. Điều kiện phải có khi tiến hành thực nghiệm điều tra:
Cũng như các biện pháp điều tra khác, thực nghiệm điều tra có ý nghĩa và tác dụng nhất định trong quá trình điều tra làm rõ vụ án, song việc vận dụng nó trong thực tiễn đều phải có những điều kiện nhất định. Những điều kiện này đảm bảo cho việc áp dụng thực nghiệm điều tra một cách đúng đắn và có hiệu quả, tránh tùy tiện. Do vậy thực nghiệm điều tra dưới bất cứ hình thức nào hay loại gì đều phải tuân thủ các điều kiện sau :
a/ Yêu cầu công tác điều tra đặt ra cần thiết giải quyết bằng thực nghiệm điều tra.
Quá trình điều tra vụ án là quá trình giải quyết những yêu cầu khác nhau được đặt ra ở các giai đoạn điều tra. Mỗi một biện pháp điều tra được áp dụng nhằm giải quyết những yêu cầu điều tra cụ thể khác nhau, đối với thực nghiệm điều tra là một biện pháp được áp dụng trong điều tra vụ án nó cũng nhằm giải quyết những yêu cầu cụ thể của công tác điều tra, cũng có thể nó chỉ góp phần hỗ trợ thêm cho việc giải quyết triệt để yêu cầu điều tra đặt ra, cũng có thể qua thực nghiệm điều tra mới có kết luận một cách chắc chắn và có cơ sở khoa học. Vậy yêu cầu điều tra vụ án đòi hỏi phải giải quyết bằng thực nghiệm điều tra gồm các điều kiện sau:
– Khi cần phải thu thập, củng cố chứng cứ.
– Khi cần phải làm rõ sự thật khách quan của sự việc hiện tượng. hành vi đã xảy ra.
– Cần phải làm rõ giả thiết điều tra.
Cần phải cho bị can diễn lại tổng hợp hành vi phạm
Những yêu cầu điều tra trên đây có thể được định ra với thực nghiệm điều tra nhưng xem xét có thực nghiệm điều tra hay không để giải quyết yêu cầu điều tra còn phải xem xét có cần thiết giải quyết các yêu cầu điều tra bằng thực nghiệm điều tra hay không. Thực tế cho thấy sẽ giải quyết bằng thực nghiệm điều tra trong một số trường hợp.
– Chỉ có thực nghiệm điều tra mới giải quyết được yêu cầu điều tra đặt ra.
– Tiến hành thực nghiệm điều tra sẽ giải quyết yêu cầu điều tra tốt hơn so với việc áp dụng các biện pháp khác.
– Thực nghiệm điều tra là biện pháp hỗ trợ cho kết quả các biện pháp khác hoặc tạo điều kiện cho biện pháp khác thực hiện tốt hơn.
b/ Cơ quan điều tra phải đảm bảo đủ khả năng tổ chức và tiến hành thực nghiệm.
Xuất phát từ mục đích, yêu cầu của từng cuộc thực nghiệm điều tra cụ thể mà đòi hỏi việc tổ chức thực nghiệm điều tra phải có những điều kiện cụ thể gì? Nhưng yêu cầu chung là: Phải làm sao tạo ra được những yếu tố cần thiết cho cuộc thực nghiệm ; tạo ra càng giống với lời khai và tài liệu thu thập về nơi và lúc xảy ra sự việc hiện tượng đó bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu và kết quả càng chính xác bấy nhiêu. Chính vì vậy điều kiện này đòi hỏi cơ quan điều tra phải :
* Người đưa ra thực nghiệm điều tra phải có khả năng đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ trong cuộc thực nghiệm một cách khách quan.
Đối với hình thức diễn lại (nhất là diễn lại về khả năng hành động) cần đặc biệt đảm bảo : Người được đưa ra thực nghiệm trong quá trình thực nghiệm hoàn toàn không có biểu hiện thông cung, tự sát, liên lạc hoặc biểu hiện chống đối tiêu cực khác và phải làm tốt công tác tư tưởng cho họ.
Trong trường hợp làm thử cần chọn người hoàn toàn có khả năng thực hiện tốt nhiệm vụ thực nghiệm một cách khách quan. Chọn người có những điều kiện chủ quan tương tự, người đó phải tuyệt đối tuân thủ sự điều khiển của cơ quan điều tra.
* Đảm bảo địa điểm, hoàn cảnh, thời gian thực nghiệm khách quan.
– Thời gian thực nghiệm: là thời gian bắt đầu, tiến hành và kết thúc thực nghiệm. Yêu cầu với việc chọn thời gian thực nghiệm là tạo hoặc lợi dụng những điều kiện khách quan cần thiết cho việc bắt đầu và tiến hành thực nghiệm. Hay nói cách khác là chọn thời gian thực nghiệm sao cho giống với thời gian và điều kiện khác lúc xảy ra sự việc hiện tượng mà cần phải đưa ra thực nghiệm.
– Địa điểm thực nghiệm: là nơi tiến hành một cuộc thực nghiệm, có thể đó là hiện trường vụ án hay nơi xảy ra sự việc, hiện tượng cần phải tiến hành thực nghiệm. Hay cũng có thể là nơi lựa chọn ở một địa điểm khác. Khi chọn địa điểm thực nghiệm cần chú ý là phải chọn được địa điểm thực nghiệm mà tại đó có hoàn cảnh khách quan cần cho thực nghiệm, có thể lợi dụng, phục hồi hoặc tạo ra những thuận lợi cho thực nghiệm.
– Hoàn cảnh khách quan bao gồm: Nhiệt độ, độ ẩm, khí hậu, ánh sáng… và các yếu tố khác của hiện trường vụ án trước đây có tác động hoặc liên quan tới hành vi, sự việc, hiện tượng.
Chính vì vậy trong quá trình chuẩn bị và tiến hành thực nghiệm, để đảm bảo yếu tố khách quan cơ quan điều tra cần :
+ Tận dụng triệt để những yếu tố còn nguyên vẹn của hiện trường.
+ Phục hồi những yếu tố không còn nguyên vẹn.
+ Tái tạo những yếu tố đã mất.
+ Ghi nhận chính xác sự thay đổi về điều kiện khách quan trước đây và trong quá trình thực nghiệm. Yêu cầu của việc phục hồi và tái tạo hoàn cảnh là phải đảm bảo giống hay gần giống so với hoàn cảnh được phản ánh trong lời khai hoặc được tồn tại trong các tài liệu khác.
* Phải đảm bảo có đầy đủ phương tiện cho cuộc thực nghiệm.
Cơ quan điều tra phải đảm bảo chuẩn bị được các phương tiện cần thiết cho cuộc thực nghiệm, phục vụ thực nghiệm. Khi sử dụng phương tiện thực nghiệm (dù thay thế hay giữ nguyên phương tiện) đòi hỏi.
+ Không được để người thực nghiệm (đặc biệt bị can) thông cung, tự sát, chạy trốn, chống đối.
+ Không được làm giảm giá trị chứng minh (nhất là khi sử dụng vật chứng làm phương tiện thực nghiệm).
+ Không được làm ảnh hưởng tính khách quan của kết quả thực nghiệm.
d/ Cơ quan điều tra đảm bảo được khả năng bố trí cán bộ có khả năng tổ chức, chỉ đạo, có năng lực thực hiện tốt quá trình thực nghiệm. Đối với những cuộc thực nghiệm có tính chất khoa học kỹ thuật đòi hỏi cơ quan điều tra phải bố trí lược các chuyên gia, cán bộ chuyên môn theo những lĩnh vực xào học kỹ thuật phù hợp
* Mối quan hệ giữa hai điều kiện.
– Đây là hai điều kiện bắt buộc bất cứ cuộc thực nghiệm nào cũng phải đảm bảo đầy đủ
– Điều kiện 1 đặt ra trước nhằm xem xét có cần thiết giải quyết các vấn đề điều tra bằng thực nghiệm điều tra hay không Điều kiện 2 đặt ra với nội dung xem xét cơ quan điều tra có đủ khả năng tổ chức và tiến hành thực nghiệm để giải quyết các vấn đề trên hay không.
4. Nguyên tắc của quá trình thực nghiệm điều tra:
Đây là vấn đề có tính chỉ định, hướng dẫn nhận thức và hành động, đòi hỏi sự tuân thủ triệt để bằng việc chấp hành đầy đủ mọi nội dung của nguyên tắc, đảm bảo cho công tác thực nghiệm điều tra đi đúng hướng, tránh được sai lầm, lệch lạc. Công tác thực nghiệm điều tra có các nguyên tắc sau đây :
4.1. Nghiêm chỉnh chấp hành đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước:
a/ Cơ sở của nguyên tắc :
– Thực nghiệm điều tra là hoạt động điều tra trong tổ tụng hình sự, phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử. góp phần tăng cường pháp chế và phòng ngừa tội phạm.
– Chấp hành nghiêm chỉnh đường lối chính sách, Pháp luật là nhân tố đảm bảo thắng lợi trong đấu tranh chống tội phạm.
b/ Nội dung của nguyên tắc :
– Tuyệt đối không được tổ chức thực nghiệm điều tra với những hành vi, sự việc hiện tượng xét có thể ảnh hưởng xấu đến chính trị, ảnh hưởng không lợi cho chế độ XHCN, ảnh hưởng xấu đến vai trò lãnh đạo của Đảng, lãnh tụ, chính quyền hoặc có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự và giá trị đạo đức của con người hoặc quyền lợi chính đáng của công dân.
– Thiết thực phục vụ nhiệm vụ chính trị trong từng giai đoạn ở địa phương.
– Phải tính toán, cân nhắc những hậu quả tác hại có thể xảy ra nếu tiến hành thực nghiệm để có biện pháp hữu hiệu, khắc phục những hậu quả ấy, đảm bảo hạn chế thấp nhất tác hại, không để gây hư hại tài sản nhà nước, nhân dân, tập thể. Không gây ảnh hưởng xấu tới phong tục tập quán, đạo đức, sinh hoạt bình thường ở địa phương.
– Tiến hành thực nghiệm phải đảm bảo đúng trình tự, thủ tục do luật TTHS quy định (Điều 201 BLTTHS).
4.2. Tôn trọng thực tế khách quan:
a/ Cơ sở của nguyên tắc :
Khách quan trong điều tra là một yêu cầu cao nhất trong quá trình điều tra. Nó đảm bảo cho việc xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Thực nghiệm điều tra, làm rõ sự thật khách của hành vi, sự việc, hiện tượng. Nên nếu không tôn trọng thực tế khách quan thì sẽ không giúp ta có thêm cơ sở để nhận xét, đánh giá một cách chính xác về hành vi, sự việc, hiện tượng ấy, thậm chí dẫn đến sai lầm trong công tác.
b/ Nội dung của nguyên tắc :
– Điều kiện, hoàn cảnh, thời gian, địa điểm, phương tiện… khi đưa ra để tổ chức thực nghiệm phải giống hoặc gần giống như điều kiện khách quan của hành vi, sự việc, hiện tượng đã xảy ra trước đây. Phải xác định những thay đổi giữa điều kiện quá khứ và điều kiện thực nghiệm hiện tại được tổ chức lại.
Phải thận trọng, không gò ép, không bắt buộc, gợi móm, lừa phỉnh hoặc biểu hiện sai trái khác với những người diễn lại hay làm thử.
– Không vội vàng tin ngay vào kết quả thực nghiệm mà phải có thái độ khách quan, khoa học khi nghiên cứu đánh giá toàn bộ quá trình thực nghiệm cũng như khi sử dụng kết quả thực nghiệm điều tra.
5. Trình tự tiến hành một cuộc thực nghiệm điều tra:
Khi tiến hành một cuộc thực nghiệm điều tra dưới hình thức diễn lại hay làm thử đều phải tuân thủ theo 3 bước :
– Giai đoạn chuẩn bị.
– Giai đoạn tiến hành.
– Giai đoạn kết thúc cuộc thực nghiệm.
a/ GIAI ĐOẠN CHUẨN BỊ MỘT CUỘC THỰC NGHIỆM
* Nghiên cứu hồ sơ vụ án và tình hình có liên quan:
a/ Nghiên cứu hồ sơ vụ án : bao gồm toàn bộ các tài liệu đã thu thập được về hành vi, sự việc hiện tượng đã xảy ra như : biên bản khám nghiệm hiện trường, báo cáo xác minh, các tài liệu cũng như các biên bản khác… và các thông tin mà cán bộ điều tra đã thu thập được không nằm trong hồ sơ vụ án.
– Nghiên cứu tình hình có liên quan : Thực nghiệm điều tra có liên quan tới các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, một số cuộc thực nghiệm liên quan tới các lĩnh vực chuyên môn khoa học kỹ thuật… Cho nên cần phải nghiên cứu tình hình có liên quan mới có thể xây dựng kế hoạch thực nghiệm phù hợp.
– Yêu cầu của việc nghiên cứu :
+ Xác định cho được vấn đề đưa ra nghiên thực nghiệm.
+ Xác định một lần nữa sự cần thiết tiến hành thực nghiệm.
+ Tính toán nội dung và cách tiến hành thực nghiệm.
+ Nắm chắc hoàn cảnh khách quan và những phương tiện thực nghiệm, nắm và tính toán cách phục hồi hoàn cảnh tương tự.
– Một số chú ý:
+ Đối với loại thực nghiệm động và khả năng quan sát thụ cảm lời cung, lời khai, phải nắm chắc nội dung lời khai ấy phản ánh bằng hành vi, sự việc hiện tượng gì ? ở đâu ? như thế nào ? trường hợp cần thiết có thể tiến hành hỏi cung, lấy lời khai lại để có thể hiểu biết chắc chắn hơn.
+ Đối với loại thực nghiệm điều tra về khả năng diễn ra : vì sự việc phức tạp, chưa biết rõ nguyên nhân, thủ phạm và có liên quan đến một số lĩnh vực chuyên môn khoa học kỹ thuật cho nên đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ về diễn biến, kết quả của khám nghiệm hiện trường, xác định hoàn cảnh khách quan khi sự việc hiện tượng đó xảy ra.
* Lập kế hoạch cuộc thực nghiệm điều tra.
Nội dung một kế hoạch thực nghiệm điều tra thường gồm các vấn đề sau :
a/ Xác định yêu cầu cuộc thực nghiệm.
b/ Xác định nội dung và cách tiến hành thực nghiệm.
c/ Ấn định thời gian, địa điểm thực nghiệm, ấn định việc tái tạo hoàn cảnh tương tự.
d/ Xác định thành phần cuộc thực nghiệm và những người tham gia tùy thuộc vào tính chất cuộc thực nghiệm. Nói chung một cuộc thực nghiệm công khai có những thành phần sau :
– Người chủ trì : theo dõi, chỉ đạo và điều khiển chung toàn bộ cuộc thực nghiệm, phải chọn cán bộ có năng lực, kinh nghiệm điều hành.
– Người thư ký : theo dõi trọn vẹn cuộc thực nghiệm, phản ánh trọn vẹn toàn bộ diễn biến, kết quả cuộc thực nghiệm trong các biên bản, bản ảnh, sơ đồ hoặc các phương tiện khác.
– Cán bộ khoa học kỹ thuật hình sự.
Cán bộ chuyên môn kỹ thuật, phiên dịch (tùy từng trường hợp mà có thể có hoặc không).
– Người đưa ra thực nghiệm gồm : bị can, người bị tạm giữ, người bị hại, người làm chứng, cán bộ điều tra, cán bộ khoa học kỹ thuật hoặc người khác.
– Người chứng kiến : Có nhiệm vụ chứng kiến và giám sát diễn biến, kết quả cuộc thực nghiệm (quy định Điều 204 BLTTHS). Đối với những trường hợp quan trọng có thể mời Viện kiểm sát,
– Lực lượng bảo vệ.
e/ Chuẩn bị phương tiện phục vụ thực nghiệm và các phương tiện khác như phương tiện để đưa ra thực nghiệm và phương tiện để tạo điều kiện khách quan cho cuộc thực nghiệm cũng như phương tiện để phản ánh quá trình thực nghiệm.
b/ CHỈ ĐẠO VÀ TIẾN HÀNH THỰC NGHIỆM ĐIỀU TRA.
Đây là khâu trọng tâm chủ yếu của quá trình tổ chức cuộc thực nghiệm điều tra, nó quyết định sự thành công của cuộc thực nghiệm. Sự chỉ đạo tập trung thống nhất và chặt chẽ ở tất cả các khâu và trong suốt quá trình từ chuẩn bị đến kết thúc và việc đánh giá sử dụng kết quả thực nghiệm đó. Sự chỉ đạo và tiến hành theo các bước sau :
1- Khi đến địa điểm thực nghiệm.
Khi đến địa điểm để thực nghiệm điều tra, người chủ trì phải kiểm tra :
– Kiểm tra lại toàn bộ công việc chuẩn bị theo kế hoạch.
– Kiểm tra lại hiện trường, không gian, hoàn cảnh và địa điểm thực nghiệm.
– Kiểm tra lại toàn bộ phương tiện thực nghiệm.
– Kiểm tra lại số người tham gia. Khi đã thấy toàn bộ các khâu theo kế hoạch vạch ra đã đảm bảo thì người chủ trì :
+ Giới thiệu các thành phần tham gia
+ Phổ biến trình tự tiến hành thực nghiệm và nói rõ quyền và trách nhiệm của từng người.
+ Phổ biến trình tự tiến hành thực nghiệm và nói rõ quyền và trách nhiệm của từng người.
2- Tiến hành thực nghiệm:
Đúng giờ quy định người chủ trì ra lệnh tiến hành thực nghiệm theo kế hoạch đã định.
– Các thành phần tham gia lần lượt thực hiện các phần việc đã được ấn định trước.
– Sau khi người đưa ra thực nghiệm làm xong, xét thấy có những điểm chưa đầy đủ, không hợp lý, cán bộ chủ trì khéo léo giáo dục, tế nhị giúp họ nhớ lại việc đã làm để họ làm lại sự việc, tình tiết có đúng như họ làm trước đây, nghiêm cấm việc bức, mớm hoặc làm theo lối chủ quan, suy diễn.
– Trong quá trình tiến hành, khi người thực nghiệm đang diễn lại hoặc làm thử thì tất cả các thành phần khác không được có biểu hiện, cử chỉ nào gây ra ảnh hưởng đến diễn biến, kết quả của thực nghiệm (nhất là thực nghiệm được tiến hành dưới hình thức diễn lại).
– Đối với cuộc thực nghiệm xét thấy tổ chức thực nghiệm một lần thì kết quả sẽ thiếu tin cậy, chưa thật chính xác, để đảm bảo tính khách quan của kết quả thực nghiệm thì có thể tổ chức thực nghiệm điều tra lại nhưng không lặp lại quá nhiều lần.
– Trong quá trình thực nghiệm có thể xuất hiện một số trường hợp.
+ Điều kiện khách quan không đảm bảo cho cuộc thực nghiệm tiến hành được (khi đến nơi thực nghiệm qua kiểm tra phát hiện được) cần nhanh chóng xem xét khả năng có thể khắc phục tại chỗ được hay không, nếu không thể khắc phục được thì phải tạm đình chỉ thực nghiệm để xem xét thêm.
+ Trường hợp người đưa ra thực nghiệm phản đối, không có thiện chí hợp tác, giúp đỡ cơ quan điều tra thì cần phải giáo dục, giải thích cho họ và chỉ tiến hành thực nghiệm điều tra khi họ có sự chuyển biến theo hướng có lợi cho cơ quan điều tra.
c/ KẾT THÚC CUỘC THỰC NGHIỆM ĐIỀU TRA.
Sau khi người đưa ra thực nghiệm điều tra đã hoàn thành toàn bộ việc diễn lại hoặc làm thử theo đúng kế hoạch cần phải tiến hành một số công việc sau:
1- Lập biên bản và thông qua biên bản thực nghiệm.
Ý nghĩa : Biên bản thực nghiệm điều tra là tài liệu trung thực và trực tiếp về diễn biến và kết quả thực nghiệm, là tài liệu tổng hợp nhất quá trình thực nghiệm điều tra.
Việc lập biên bản thực nghiệm điều tra là việc làm bắt buộc, biên bản phải được lập theo đúng quy định của pháp luật (Điều 133, 178, 204 Bộ luật TTHS ) khi lập biên bản thực nghiệm điều tra cần chú ý :
+ Không được để lộ mục đích thực nghiệm.
+ Từ ngữ sử dụng trong biên bản phải rõ ràng, dễ hiểu, dùng từ phổ thông.
+ Biên bản phải được thông qua với sự có mặt của tất cả các thành viên tham gia trong thực nghiệm điều tra và có đủ chữ ký của các thành viên theo quy định.
2- Tiến hành giải quyết những thiệt hại do thực nghiệm điều tra gây ra, thu dọn các phương tiện, trường hợp cần thiết thì có thể xóa hiện trường.
3- Ổn định tư tưởng cho các thành phần tham gia (nhất là bị can, người bị tạm giữ). Nếu thấy cần thiết phải yêu cầu các thành phần tham gia giữ bí mật cuộc thực nghiệm điều tra. Tiến hành giải thích, giáo dục tinh thần cảnh giác cho quần chúng nhân dân nơi tiến hành thực nghiệm.
4- Người chủ trì tuyên bố kết thúc thực nghiệm.
d/ ĐÁNH GIÁ VÀ SỬ DỤNG KẾT QUẢ THỰC NGHIỆM ĐIỀU TRA
Sau khi kết thúc thực nghiệm điều tra, cơ quan điều tra cần phải tiến hành những việc sau :
1- Tổ chức rút kinh nghiệm, đánh giá kết quả cuộc thực nghiệm điều tra. Việc rút kinh nghiệm chủ yếu vào 2 vấn đề: + Yêu cầu, nội dung của cuộc thực nghiệm điều tra có đúng không?
+ Phương pháp điều tra có giống với tình huống lúc xảy ra sự việc, hiện tượng như họ đã khai không?
Trên cơ sở rút kinh nghiệm các vấn đề trên sẽ đánh giá kết quả cuộc thực nghiệm có giải đáp được những điều nghi vấn đã nêu ra hay không? Có đảm bảo chính xác hay không?
Đối với những cuộc thực nghiệm điều tra không đạt kết quả, cần phải kiểm điểm, tìm nguyên nhân để rút kinh nghiệm.
2- Sử dụng kết quả thực nghiệm điều tra.
– Trước khi sử dụng kết quả thực nghiệm điều tra phải kiểm tra lại cẩn thận, khi sử dụng phải cân nhắc kỹ và phải được lãnh đạo cho phép. Không được đưa ra sử dụng một cách tùy tiện, thiếu tính toán.
– Nói chung kết quả thực nghiệm điều tra được sử dụng trong quá trình điều tra vụ án, trong hỏi cung bị can cũng như có thể phục vụ công tác xét xử (kết quả có giá trị chứng cứ theo điều 87 BLTTHS).