Với nền kinh tế phát triển kéo theo đó là sự phát triển của những dự án đầu tư. Hiện nay có nhiều loại dự án đầu tư như đầu tư trong nước, đầu tư nước ngoài, có loại đầu tư ngắn hạn hoặc đầu tư dài hạn, và mỗi loại đầu tư này đều có thời hạn hữu hạn chứ không có dự án nào là tồn tại mãi mãi. Vậy khi dự án đầu tư chấm dứt hoạt động thì thủ tục thanh lý diễn ra như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Dự án đầu tư là gì?
Theo cách hiểu thông thường, dự án bao gồm một chuỗi các hoạt động liên kết với nhau nhằm đạt mục tiêu, kết quả nhất định trong phạm vi ngân sách và thời gian xác định. Theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Luật Đầu tư 2020 thì dự án đầu tư là tập hợp đề xuất bỏ vốn trung hạn hoặc dài hạn để tiến hành các hoạt động đầu tư kinh doanh trong một khoảng thời gian xác định và trên một địa bàn cụ thể. Để thực hiện dự dán đầu tư thì cần lập một kế hoạch, mục tiêu của hoạt động này cũng chính là đưa những sáng kiến, ý tưởng trong kế hoạch đó trở thành sự thật, đúng với mục đích ban đầu đặt ra. Dự án đầu tư là cơ sở để cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành các biện pháp quản lý, cấp phép đầu tư, sự quản lý này giúp triển khai hoạt động đầu tư và đánh giá được hiệu quả của dự án, đồng thời có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thuyết phục chủ đầu tư quyết định đầu tư và tổ chức tín dụng cấp vốn cho dự án.
Một dự án đầu tư thường có những đặc điểm sau:
- Thứ nhất, một dự án đầu tư có thể là dự án ngắn hạn hay dài hạn, nhưng đều phải tuân thủ những điều kiện sau đây:
+ Đối với dự án đầu tư trong khu kinh tế thì thời hạn hoạt động không quá 70 năm.
+ Đối với dự án đầu tư ngoài khi kinh tế thì thời hoạt động không quá 50 năm. Đối với những dự án đầu tư thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn hoặc dự án có vốn đầu tư lớn nhưng thu hồi vốn chậm thì thời hạn dài hơn nhưng không quá 70 năm.
- Thứ hai, dự án đầu tư luôn có mục tiêu rõ ràng
Mỗi một dự án đầu tư đều phải xây dựng một kế hoạch với những mục tiêu cụ thể, thời gian thực hiện là bao lâu, chi phí ước tính như thế nào,…Đây là một trong những nội dung quan trọng được thể hiện trong đề xuất dự án đầu tư, để được xét duyệt dự án thì cần chuẩn bị những mục tiêu cụ thể phù hợp với tiến trình thực hiện dự án.
- Thứ ba, dự án đầu tư có thể chuyển nhượng
Căn cứ Điều 46 Luật Đầu tư 2020 thì nhà đầu tư có quyền chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án đầu tư cho nhà đầu tư khác khi đáp ứng các điều kiện sau:
- Dự án đầu tư hoặc phần dự án đầu tư chuyển nhượng không bị chấm dứt hoạt động theo quy định
- Nhà đầu tư nước ngoài nhận chuyển nhượng dự án đầu tư, một phần dự án đầu tư phải đáp ứng điều kiện quy định
- Trong trường hợp chuyển nhượng dự án đầu tư gắn với chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất thì phải tuân theo những điều kiện theo quy định của pháp luật về đất đai.
- Trong trường hợp chuyển nhượng dự án đầu tư nhà ở, dự án bất động sản thì tuân theo những điều kiện theo quy định của pháp luật về nhà ở, pháp luật về kinh doanh bất động sản.
- Tuân theo những điều kiện quy định tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc theo quy định khác của pháp luật có liên quan (nếu có).
- Ngoài việc thực hiện theo quy định tại Điều này, khi chuyển nhượng dự án đầu tư thì doanh nghiệp nhà nước có trách nhiệm thực hiện theo quy định về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp trước khi thực hiện việc điều chỉnh dự án đầu tư.
2. Dự án đầu tư chấm dứt khi nào?
Căn cứ khoản 1, 2, 3 Điều 48 Luật Đầu tư 2020 thì các dự án đầu tư chấm dứt hoạt động khi có một trong các căn cứ sau:
- Trường hợp nhà đầu tư chấm dứt dự án đầu tư trong các trường hợp sau đây: nhà đầu tư quyết định chấm dứt hoạt động, hoặc theo các điều kiện chấm dứt hoạt động được quy định trong hợp đồng, điều lệ doanh nghiệp.
- Trường hợp cơ quan đăng ký đầu tư chấm dứt hoặc chấm dứt một phần hoạt động của dự án đầu tư trong các trường hợp sau đây:
+ Dự án đầu tư chấm dứt hoặc chấm dứt một phần hoạt động nhằm để bảo vệ di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia theo quy định của Luật Di sản văn hóa; để khắc phục vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường theo đề nghị của cơ quan quản lý nhà nước về môi trường; để thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn lao động theo đề nghị của cơ quan nhà nước quản lý về lao động; theo bản án, quyết định của Tòa án, phán quyết trọng tài; nhà đầu tư không thực hiện đúng nội dung chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng tiếp tục vi phạm.
+ Nhà đầu tư không được tiếp tục sử dụng địa điểm đầu tư và không thực hiện thủ tục điều chỉnh địa điểm đầu tư trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày không được tiếp tục sử dụng địa điểm đầu tư, trừ trường hợp quy định tại điểm d khoản này.
+ Dự án đầu tư đã ngừng hoạt động và hết thời hạn 12 tháng kể từ ngày ngừng hoạt động, cơ quan đăng ký đầu tư không liên lạc được với nhà đầu tư hoặc đại diện hợp pháp của nhà đầu tư.
+ Dự án đầu tư thuộc trường hợp bị thu hồi đất do không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai.
+ Nhà đầu tư không ký quỹ hoặc không có bảo lãnh nghĩa vụ ký quỹ theo quy định của pháp luật đối với dự án đầu tư thuộc diện bảo đảm thực hiện dự án đầu tư.
+ Nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư trên cơ sở giao dịch dân sự giả tạo theo quy định của pháp luật về dân sự.
+ Theo bản án, quyết định của Tòa án, phán quyết trọng tài.
- Đối với dự án đầu tư thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư, cơ quan đăng ký đầu tư chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư sau khi có ý kiến của cơ quan chấp thuận chủ trương đầu tư.
- Việc chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư thực hiện theo thủ tục sau:
+ Trường hợp tự quyết định chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư theo quy định thì trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày quyết định nhà đầu tư gửi quyết định chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư cho Cơ quan đăng ký đầu tư kèm theo Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (nếu có).
+ Trường hợp chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư theo các điều kiện quy định trong hợp đồng, điều lệ doanh nghiệp hoặc hết thời hạn hoạt động của dự án đầu tư theo quy định thì trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư nhà đầu tư thông báo và nộp lại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (nếu có) cho Cơ quan đăng ký đầu tư kèm theo bản sao tài liệu ghi nhận việc chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư. Cơ quan đăng ký đầu tư thông báo việc chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư cho các cơ quan liên quan.
+ Trường hợp chấm dứt hoạt động dự án đầu tư theo trường hợp cơ quan đăng ký đầu tư chấm dứt hoặc chấm dứt một phần hoạt động của dự án đầu tư thì Cơ quan đăng ký đầu tư quyết định chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư, đồng thời thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư chấm dứt hiệu lực kể từ ngày quyết định chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư có hiệu lực.
+ Trường hợp dự án đầu tư hoạt động theo Giấy chứng nhận đầu tư (đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh) hoặc Giấy phép đầu tư, Cơ quan đăng ký đầu tư quyết định chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư mà không thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư (đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh) hoặc Giấy phép đầu tư. Trong trường hợp này, nội dung đăng ký kinh doanh tại Giấy chứng nhận đầu tư (đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh), Giấy phép đầu tư tiếp tục có hiệu lực.
+ Trường hợp doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, Cơ quan đăng ký kinh doanh thực hiện thủ tục thu hồi nội dung đăng ký kinh doanh tại Giấy chứng nhận đầu tư (đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh); nội dung dự án đầu tư tiếp tục có hiệu lực.
+ Trường hợp nhà đầu tư không thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư theo quy định thì Cơ quan đăng ký đầu tư thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư.
+ Trường hợp nhà đầu tư hoặc Cơ quan đăng ký đầu tư quyết định chấm dứt một phần hoạt động của dự án đầu tư theo quy định thì nhà đầu tư được tiếp tục thực hiện phần dự án không bị chấm dứt hoạt động, đồng thời thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư theo quy định.
+ Trường hợp chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư đồng thời chấm dứt hoạt động của tổ chức kinh tế thì dự án đầu tư chấm dứt hoạt động theo quy định và nhà đầu tư thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động của tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật tương ứng với từng loại hình tổ chức kinh tế.
3. Thủ tục thanh lý dự án đầu tư chấm dứt hoạt động:
Theo khoản 8 Điều 57 Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định về việc thanh lý dự án đầu tư sau khi dự án đầu tư chấm dứt hoạt động như sau:
- Nhà đầu tư tự thanh lý dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về thanh lý tài sản. Ở đây, việc thanh lý tài sản này là hoạt động của chủ đầu tư, không có quy định về quy trình mà chủ yếu là do chủ đầu tư thực hiện theo quy định của luật về thanh lý tài sản. Trên thực tế thì sẽ có các bước chính sau:
+ Chủ đầu tư ra quyết định về việc thanh lý tài sản.
+ Căn cứ vào quyết định của công ty thì người được giao trách nhiệm sẽ thực hiện xác định trị giá tài sản để xác định giá bán, phương thức bán.
+ Triển khai thực hiện phương thức bán theo lựa chọn, nhu cầu của công ty (tự tìm người mua hoặc tổ chức đấu giá), nếu người mua là đơn vị có vốn nước ngoài thì đơn vị có vốn nước ngoài cần làm công văn gửi UBND cấp tỉnh trước khi nhận chuyển nhượng để xác định là được chấp nhận chuyển nhượng, được cấp giấy chứng nhận.
+ Ký kết hợp đồng, thực hiện chuyển giao, cấp hóa đơn theo quy định.
- Đối với dự án đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì khi chấm dứt dự án đầu tư việc xử lý quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan.
- Trong quá trình thanh lý dự án đầu tư, nếu nhà đầu tư là tổ chức kinh tế bị giải thể hoặc lâm vào tình trạng phá sản thì việc thanh lý dự án đầu tư thực hiện theo quy định của pháp luật về giải thể, phá sản tổ chức kinh tế.
Những văn bản sử dụng trong bài viết:
Nghị định 31/2021/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư
THAM KHẢO THÊM: