Đèn giao thông là một trong những phương tiện hỗ trợ quan trọng trong việc điều khiển giao thông. Đèn giao thông hoạt động cung cấp cho người tham gia giao thông thông tin về tình trạng giao thông hiện tại, giúp họ biết được khi nào họ có thể di chuyển an toàn. Vậy, Cách tính thời gian, chu kỳ đèn giao thông như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Cách tính thời gian, chu kỳ đèn giao thông như thế nào?
Tại Việt Nam, số lượng phương tiện tham gia giao thông vô cùng lớn, đặc biệt gây ra áp lực cho các tuyến đường phố tại thành phố lớn như Hà Nội, Thành Phố Hồ Chí Minh,.. Một công cụ hiệu quả được áp dụng để khắc phục phần nào sự vô tổ chức, tắc nghẽn giao thông đó là đưa sự hoạt động của đèn tín hiệu giao thông để điều khiển giao thông. Mục đích của sự hoạt động của đèn là báo hiệu cho người điều khiển phương tiện lưu thông đảm bảo an toàn, tránh tắc nghẽn. Vị trí để đặt những cây đèn giao thông này thường được đặt ở những vị trí có ngã 3, ngã 4, ngã 5, khu vực có lưu lượng phương tiện lớn thì mới phát huy triệt để tác dụng. Đèn tín hiệu chính điều khiển giao thông được áp dụng ba loại màu tín hiệu: Xanh, vàng và đỏ.
+ Tín hiệu xanh: Thể hiện ý là cho các phương tiện được tiếp tục đi;
+ Tín hiệu vàng báo hiệu thay đổi tín hiệu của đèn xanh sang đỏ. Tín hiệu vàng bật sáng, thì tất cả các phải dừng lại trước vạch dừng ( trừ những phương tiện được ưu tiên vượt), còn trong trrường hợp đã đi quá vạch dừng hoặc đã quá gần vạch dừng nếu dừng lại thấy nguy hiểm thì được đi tiếp;
Pháp luật cũng quy định, trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là thì vẫn được điều khiển phương tiện nhưng cần giảm tốc độ, tập trung chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường hoặc các phương tiện khác theo quy định của Luật Giao thông đường bộ.
+ Tín hiệu đỏ: khi tín hiệu này xuất hiện thì các phương tiện dừng lại trước vạch dừng. Nếu không có vạch dừng thì phải dừng trước đèn tín hiệu theo chiều đi.
– Chu kỳ đèn (ký hiệu là Tp) là khoảng thời gian bắt đầu đèn xanh của pha này đến lúc bắt đầu đèn xanh pha đó ở quá trình tiếp theo (Quá trình điều khiển theo quy luật sau: Xanh – Vàng – Đỏ). Thời gian một chu kỳ đèn được xác định như sau:
Tp = Tx + Tv + Tđ (3.1)
Tp: thời gian một chu kỳ đèn (đơn vị giây: s); Tx: thời gian đèn xanh; Tv: thời gian đèn vàng; Tđ: thời gian đèn đỏ
2. Đèn xanh trong hệ thống đèn tín hiệu thì sáng tối thiểu trong bao lâu?
Tại Mục A2 Phụ lục A QCVN 41:2019/BGTVT Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về báo hiệu đường bộ, quy định như sau:
– Trong cấu tạo trong hệ thống đèn tín hiệu, cần tuân thủ về thời gian đèn xanh tối thiểu cho một hướng giao thông ít nhất là 15 giây;
– Đối với đèn dành cho người đi bộ có chu kỳ đèn dài ít nhất là 7 giây. Khi lưu lượng người đi bộ thấp và bề rộng đường hẹp 2 làn xe và không là đường ưu tiên thì có thể giảm bớt chu kỳ đèn ngắn hơn nhưng không ít hơn 4 giây.
Về vấn đề đăt chu kỳ đèn thì cần quan sát về tốc độ của người đi bộ sang đường được tính bằng 1,2 m/s, nếu nơi bố trí dành cho người khuyết tật qua đường sẽ phải tính tốc độ của người sang đường thấp hơn 1,2 m/s để thực hiện sao cho phù hợp;
Bên cạnh đó, có thể sử dụng thiết bị cảm biến thụ động hoặc nút ấn với mục đích là trợ giúp người đi bộ sang đường nhất là người khiếm thị, khiếm thính hoặc khuyết tật. Thiết bị nút ấn dành cho người đi bộ sang đường bao gồm nút ấn, đèn nhấp nháy đặt chung trên một cột ở vị trí thuận lợi trên vỉa hè ngay vị trí bắt đầu dành cho người đi bộ sang đường. Cấu tạo của thiết bị nút ấn còn được trang bị bộ phận phát âm thanh để báo nơi đặt thiết bị nút ấn, âm thanh dễ nhận biết có chu kỳ 0,15 giây và lặp lại sau 1 giây, âm thanh có thể nghe thấy từ cự ly 1,8 m đến 3,7 m và âm lượng không thấp hơn 5 dB nhưng không cao hơn 89 dB và sẽ bị vô hiệu hóa khi chu kỳ đèn nhấp nháy kết thúc. Khi đặt thiết bị nút ấn phải khảo sát thực địa để bố trí phù hợp;
– Liên quan đến kích thước đèn tín hiệu thì cũng có sự khác nhau về đường kính, tùy thuộc vào đường mà phương tiện giao thông tham gia lưu thông. Thông thường thì sẽ sử dụng đèn tín hiệu có đường kính 300 mm ở những đường có tốc V85 từ 60 km/h trở lên và ở nơi thường xuyên không có người điều khiển giao thông, nơi có nhiều người già tham gia giao thông;
– Địa điểm lựa chọn đặt đèn: Cần lưu ý nếu nơi đặt đèn có độ sáng của thiên nhiên sau đèn gây rối nhận biết của người điều khiển phương tiện thì nghiên cứu tạo nền sau đèn để trợ giúp nhận biết cho người điều khiển phương tiện;
– Vị trí đặt đèn thuận lợi cho quan sát: Cần phải biết rằng, khi tham gia giao thông thì việc tập trung quan sát là việc làm vô cùng quan trọng nên khi đặt đèn tín hiệu hoặc các báo hiệu giao thông trên lề, hè cần xác định vùng quan sát hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho việc quan sát khi lưu thông mà vẫn tuân thủ được hướng dẫn của đèn giao thông;
+ Cách xác định như sau: mở một góc 40° từ vị trí mắt người lái đối xứng qua trục mắt tạo thành vùng nhìn rõ của người lái;
+ Khoảng cách đặt đèn cũng cần đảm bảo để cá nhân có khả năng quan sát được đèn của các xe phía sau các xe lớn hoặc người tham gia giao thông bị ngược ánh nắng mặt trời.
3. Đèn tín hiệu giao thông đường bộ phải được lắp đặt ở vị trí và độ cao như thế nào mới đúng quy chuẩn?
Căn cứ Điều 13 QCVN 41:2019/BGTVT Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về báo hiệu đường bộ, quy định vị trí và độ cao đặt đèn tín hiệu giao thông như sau:
– Việc đặt đèn cần đảm bảo là mặt đèn quay về hướng đi của người tham gia giao thông;
– Khi đèn bố trí theo chiều thẳng đứng trên cột đặt trên lề đường, dải phân cách, đảo giao thông: chiều cao vị trí thấp nhất của đèn từ 1,7m đến 5,8m, khoảng cách từ bộ đèn đến mép phần đường xe chạy từ 0,5 đến 2m;
– Khi đèn được đặt theo chiều ngang trên cần vươn thì chiều cao tối thiểu là 5,2 m, tối đa là 7,8m tính từ điểm thấp nhất của đèn đến mặt đường hoặc mặt vỉa hè;
– Đèn được bố trí sao cho người tham gia giao thông nhìn thấy được từ xa đủ để giảm tốc độ và dừng xe được an toàn. Trong một số trường hợp có thể cho phép kết hợp đặt đèn trên cột điện hoặc những vật kiến trúc nhưng phải đảm bảo những tiêu chuẩn kỹ thuật đặt đèn về vị trí, độ cao, khoảng cách nhìn thấy đèn theo Quy chuẩn này và đảm bảo thẩm mỹ;
– Đèn tín hiệu đặt trên từng nhánh đường ngay trước nút giao theo chiều đi; Tùy từng trường hợp, có thể bổ sung đèn tín hiệu trên cột cần vươn hoặc giá long môn phía bên kia nút giao theo chiều đi để nhắc lại và thuận tiện cho việc quan sát;
– Ở trong khu đông dân cư, khu đô thị có đường chật hẹp, đèn có thể bố trí trên thân cột thẳng đứng đặt bên đường về phía tay phải của chiều đường theo quy định tại điểm 13.3.1 khoản 13.3 Điều này ngay trước vạch dừng;
– Độ lớn (kích thước) và độ sáng của đèn tín hiệu phải được thiết kế phù hợp với điều kiện khai thác đặc biệt phải nhìn thấy được trong điều kiện người tham gia giao thông bị ngược ánh sáng mặt trời.
Văn bản pháp luật được sử dụng:
- Thông tư 54/2019/TT-BGTVT về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành;
- QCVN 41:2019/BGTVT do Tổng cục Đường bộ Việt Nam biên soạn, Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành theo Thông tư số 54/2019/TT-BGTVT ngày 31 tháng 12 năm 2019. Có hiệu lực từ ngày 01/07/2020.
THAM KHẢO THÊM: