Bảo hiểm trách nhiệm dân sự nói chung và bảo hiểm dân sự của chủ xe cơ giới nói riêng là chủ đề đã được nghiên cứu trong thời gian gần đây trên bình diện pháp lý. Để xác lập và thực hiện một quan hệ bảo hiểm, chủ xe cơ giới và công ty bảo hiểm phải ký kết với nhau một hợp đồng bảo hiểm theo quy định của pháp luật.
Trong quá trình thực hiện hợp đồng sẽ có một số trường hợp phát sinh tranh chấp giữa các bên, thậm chí gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bên bị thiệt hại. Xuất phát từ thực tế đó bài viết tập trung phân tích và chỉ ra một số vấn đề còn bất cập liên quan đến việc thực hiện Hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới theo pháp luật Việt Nam, từ đó đưa ra một số đề xuất hoàn thiện.
Mục lục bài viết
1. Khái quát về hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới:
Theo quy định của pháp luật hiện hành, “Hợp đồng bảo hiểm là sự thỏa thuận giữa bên mua bảo hiểm và Doanh nghiệp bảo hiểm, theo đó bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm, Doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm””, định nghĩa này đang áp dụng chung cho các loại hợp đồng bảo hiểm được quy định trong luật kinh doanh bảo hiểm bao gồm bảo hiểm con người, bảo hiểm tài sản và bảo hiểm trách nhiệm dân sự. Tuy nhiên, với hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới có những đặc trưng riêng nên ngoài cách tiếp cận chung như trên, nhóm tác giả sẽ làm rõ thêm khái niệm và đặc điểm của loại hợp đồng này.
Cụ thể, hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới là sự thỏa thuận bằng văn bản giữa bên mua bảo hiểm là chủ xe cơ giới và Doanh nghiệp bảo hiểm, theo đó Doanh nghiệp bảo hiểm sẽ bảo hiểm cho trách nhiệm dân sự của bên mua bảo hiểm đối với bên thứ ba phát sinh trong trường hợp sự kiện bảo hiểm xảy ra khi bên mua bảo hiểm đóng phí bảo hiểm theo quy định.
Trong đó, trách nhiệm dân sự được hiểu là sự quy định của pháp luật dân sự về hậu quả pháp lý được cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng buộc người có hành vi vi phạm quy tắc xử sự phải gánh chịu những hậu quả pháp lý nhất định nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho bên có quyền dân sự bị xâm phạm. Theo quy định tại Nghị định 03/2021/ NĐ-CP về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (sau đây gọi tắt là “Nghị định 03/2021/NĐ-CP”), tại khoản 1 Điều 3 thì chủ xe cơ giới được hiểu là cá nhân hoặc tổ chức là chủ sở hữu xe cơ giới hoặc được chủ sở hữu xe cơ giới giao chiếm hữu, sử dụng hợp pháp xe cơ giới. Cũng theo Nghị định 03/2021/NĐ-CP, xe cơ giới được định nghĩa bao gồm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và xe máy chuyên dùng, trong đó:
a) Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ gồm xe ô tô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo; xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe có kết cấu tương tự theo quy định của Luật Giao thông đường bộ.
b) Xe máy chuyên dùng gồm xe máy thi công, xe máy nông nghiệp, lâm nghiệp và các loại xe đặc chủng khác sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh theo quy định của Luật Giao thông đường bộ.
Xuất phát từ quy định phương tiện giao thông vận tải cơ giới được xem là nguồn nguy hiểm cao độ và chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra theo Điều 601
Đối tượng bảo hiểm của trách nhiệm dân sự xe cơ giới là trách nhiệm ngoài hợp đồng của bên mua bảo hiểm – chủ xe cơ giới đối với bên thứ ba, trách nhiệm này được xác định bởi trách nhiệm của người điều khiển phương tiện giao thông hoặc trách nhiệm của chủ phương tiện khi tai nạn giao thông xảy ra. Trên thực tế, nhiều trường hợp khi gây ra tai nạn, chủ xe cơ giới không có đủ khả năng tài chính để bồi thường thiệt hại cho người được bảo hiểm không may bị nạn và sẽ không có khả năng để khắc phục hậu quả gây ra nếu như không có Doanh nghiệp bảo hiểm đứng ra chi trả. Vì thế, việc tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới thông qua hợp đồng bảo hiểm là rất cần thiết, đây cũng chính là một trong những mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội nhằm khắc phục một phần hậu quả đáng tiếc do tai nạn giao thông gây ra.
2. Một số góp ý nhằm hoàn thiện pháp luật về thực hiện hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới:
Từ những phân tích nêu trên có thể thấy rằng, hiện nay hệ thống các quy định pháp luật điều chỉnh về hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới về cơ bản đã được đảm bảo. Tuy nhiên, để việc thực hiện hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đạt được tính hiệu quả tối ưu trên thực tế vì đòi hỏi cần phải xem xét thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, cần có biện pháp quản lý hiệu quả về hoạt động phân phối bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Tại Thông tư số 04/2021/TT-BTC hướng dẫn chi tiết một số điều của Nghị định số 03/2021/NĐ-CP chính phủ đã quy định rất rõ mức phí tham gia hợp đồng bảo hiểm với từng phương tiện xe cơ giới, ví dụ với xe mô tô hai bánh trên 50 cc là 60.000 đồng, mô tô ba bánh là 290.000 đồng,… (các mức phí này chưa bao gồm VAT). Tuy nhiên, trên thị trường không khó để tìm mua những sản phẩm này với mức giá thấp hơn rất nhiều, chẳng hạn trên một tài khoản cá nhân, chủ đại lý chỉ thanh toán mức phí 45.000 đồng đối với xe gắn động cơ trên 50cc, thấp hơn 21.000 đồng so với quy định. Trên thực tế, vấn đề này đã được nhắc đến từ lâu, nhưng vì nhiều nguyên nhân, trong đó phổ biến là do áp lực doanh số bán hàng nên các phương thức cung ứng bảo hiểm xe máy ra thị trường quá đơn giản và bất cứ ai cũng có thể trở thành đại lý phân phối sản phẩm, từ người bán xăng dầu, tạp hóa,…. Tình trạng này có thể gây ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các Doanh nghiệp bảo hiểm khi mà các doanh nghiệp sẵn sàng chiết khấu hoa hồng cao cho đại lý và đại lý sẵn sàng giảm phí thấp để có được doanh số.
Bên cạnh đó, một số đại lý đã có hành vi chiếm đoạt phí bảo hiểm của khách hàng như trường hợp một khách hàng khi giao dịch qua mạng đã được đại lý hướng dẫn mua bảo hiểm và ghi sẵn thời hạn bảo hiểm 2 năm với giá ưu đãi giảm 10.000 đồng nhưng sau khi đóng phí và nhận giấy chứng nhận, qua đường dây nóng của Doanh nghiệp bảo hiểm khách hàng nhận được thông tin họ không thực hiện bảo hiểm 2 năm trên 1 giấy chứng nhận. Theo đại diện doanh nghiệp, có thể đại lý lợi dụng khách hàng không để ý, ghi bừa để chiếm dụng tiền của khách hàng, còn thực tế cuống hóa đơn gửi về doanh nghiệp lại ghi theo quy định, trong tình huống này dù khách hàng đóng phí cho 2 năm nhưng thực tế họ chỉ được hưởng quyền lợi 1 năm. Từ những bất cập này cho thấy tình trạng quản lý hoạt động đại lý đang được buông lỏng do đó cần có những biện pháp mạnh mẽ nhằm chấn chỉnh đội ngũ đại lý tham gia phân phối sản phẩm, tuyên truyền và phổ biến kiến thức về bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Bên cạnh đó doanh nghiệp cũng cần tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, chất lượng dịch vụ thay vì chỉ tập trung vào cuộc đua giảm giá để dành thị phần như hiện nay.
Hai là, xem xét bổ sung trách nhiệm ký quỹ, ký cược của đại lý bảo hiểm cho Doanh nghiệp bảo hiểm. Theo quy định pháp luật hiện hành, đại lý phân phối bảo hiểm không phải có trách nhiệm ký quỹ, ký cược trong quá trình hành nghề do đó những hành vi chiếm đoạt doanh thu khai thác của Doanh nghiệp bảo hiểm hay phí bảo hiểm của khách hàng rồi nghỉ việc diễn ra không ít. Tình trạng này đã gây ra thiệt hại về tài chính lẫn niềm tin cho Doanh nghiệp bảo hiểm và người tham gia bảo hiểm. Vì vậy, để khắc phục tình trạng này thì đòi hỏi cần phải nhanh chóng quy định bổ sung trách nhiệm ký quỹ, ký cược của đại lý bảo hiểm cho Doanh nghiệp bảo hiểm.
Ba là, thống nhất quy định về chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Theo quy định của Điều 26 Luật kinh doanh bảo hiểm, “việc chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm chỉ có hiệu lực trong trường hợp bên mua bảo hiểm
Bốn là, nâng cao nhận thức của chủ xe cơ giới về việc tham gia hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự. Hiện nay, theo thống kê tỷ lệ tham gia bảo hiểm bắt buộc của xe máy ở nước ta vẫn ở mức thấp, chỉ khoảng 30% trong tổng số hơn 61 triệu xe; trong khi tỷ lệ tham gia của ô tô lên đến 90% trong tổng số trên 3 triệu xe. Số liệu nghiên cứu về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới năm 2020 cũng cho thấy, số vụ tai nạn giao thông liên quan đến nhóm xe máy chiếm khoảng 70% tổng số vụ tai nạn giao thông mỗi năm, nhưng tỷ lệ bồi thường trên tổng doanh thu bảo hiểm xe cơ giới chỉ đạt 6%. Điều này cho thấy hiện nay chủ xe cơ giới vẫn chưa mặn mà với việc tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự. Vì vậy, vấn đề nâng cao nhận thức của chủ xe cơ giới về việc tham gia hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự là điều cần thiết và cấp bách trong bối cảnh hiện nay.
Năm là, chú trọng cải tiến và ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm. Khi cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ thì sức ép chuyển đổi số đối với các doanh nghiệp bảo hiểm lại ngày càng lớn. Đặc biệt, trong bối cảnh covid-19 vừa qua việc sử dụng mô hình phân phối truyền thống đã đặt ra phép thử cho các doanh nghiệp. Ứng dụng công nghệ số để đổi mới hoạt động, giảm chi phí, tăng hiệu quả kinh doanh là cơ hội mà nhiều doanh nghiệp cần nắm bắt để tồn tại và phát triển trong giai đoạn hiện nay. Đặc biệt với bảo hiểm trách nhiệm bắt buộc của chủ xe cơ giới, khách hàng sẽ nhanh chóng tiếp cận và thuận tiện sử dụng giấy chứng nhận hợp đồng điện tử khi tham gia giao thông mà không lo lắng vì bị mất hay rách nát bản cứng như trước đây. Bên cạnh đó, những phần mềm quản lý hợp đồng bảo hiểm chuyên nghiệp sẽ góp phần cải tiến hiệu suất làm việc và phục vụ nhu cầu của khách hàng trong quá trình ký kết, cập nhật thông tin hợp đồng, thẩm định và yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm, đồng thời giúp doanh nghiệp bảo hiểm phân tích và quản lý rủi ro một cách hiệu quả, hạn chế tình trạng trục lợi bảo hiểm và phân tích tình hình khai thác hợp đồng một cách có hiệu quả.
Kết luận
Trải qua hơn 20 năm triển khai và thực hiện, pháp luật về kinh doanh bảo hiểm trong đó có bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc của chủ xe cơ giới đã có những thay đổi tích cực. Để phát huy những thành quả đạt được và khắc phục những hạn chế còn tồn đọng về thực hiện hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới thì đòi hỏi cần có sự kết hợp và thực hiện đồng bộ các giải pháp từ nhiều bên từ cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội bảo hiểm cho đến doanh nghiệp bảo hiểm và người dân. Theo đó, hoàn thiện khung pháp lý cho hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, thay đổi và nâng cao nhận thức của người dân về việc tham gia bảo hiểm thay vì tâm lý đối phó, nâng cao năng lực cơ quan quản lý, giám sát bảo hiểm, ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình giao kết hợp đồng bảo hiểm, nâng cao chất lượng bán hàng của các kênh phân phối, đầu tư công nghệ thông tin…, là những giải pháp cần được đẩy mạnh để góp phần đưa pháp luật về hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới thực sự đi vào cuộc sống.