Khai thác thủy sản được biết đến là những hoạt động mà con người sử dụng các ngư cụ, ngư thuyền và ngư pháp để đánh bắt hoặc thực hiện các hoạt động hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản. Hành vi khai thác phải nằm trong khuôn khổ pháp luật, chỉ được thực hiện hoạt động khai thác không nằm trong nhóm khai thác bất hợp pháp. Vậy các hành vi nào được coi là khai thác thủy sản bất hợp pháp?
Mục lục bài viết
1. Các hành vi được coi là khai thác thủy sản bất hợp pháp:
Hoạt động khai thác thủy sản dần trở thành ngành nghề giữ vị trí quan trọng trong nền kinh tế của quốc gia, bởi nguồn tài nguyên vô cùng đa dạng, đem lại nguồn lợi nhuận cao khi tham gia thực hiện. Tuy nhiên, việc khai thác đi đôi với bảo vệ là một trong những mục tiêu lớn nhất đối với lĩnh vực này, nhưng không dễ dàng thực hiện được. Thực tế ghi nhận nhiều trường hợp con người sử dụng các ngư cụ, ngư thuyền và ngư pháp để đánh bắt hoặc thực hiện các hoạt động hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản một cách bất hợp pháp gây ảnh hưởng lớn đến nguồn tài nguyên, hệ sinh thái. Dưới đây là tất cả các hành vi được ghi nhận là đang khai thác thủy sản bất hợp pháp.
Theo quy định tại Điều 60 Luật thủy sản 2017 thì hành vi khai thác thủy sản được coi là bất hợp pháp bao gồm:
- Tham gia vào việc khai thác thủy sản trên vùng biển nhưng không có giấy phép cấp từ cơ quan có thẩm quyền, hoạt động này diễn ra bộc phát, tự ý thực hiện;
- Có vi phạm trong phạm vi khai thác thủy sản, cụ thể là thực hiện trong vùng cấm khai thác, trong thời gian cấm khai thác; khai thác, vận chuyển thủy sản cấm khai thác; khai thác loài thủy sản có kích thước nhỏ hơn quy định; sử dụng nghề, ngư cụ khai thác bị cấm;
- Đối với những loại nằm trong Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm nhưng vẫn thực hiện việc khai thác trái phép loài thủy sản;
- Trong trường hợp mà khai thác thủy sản trong vùng biển thuộc quyền quản lý của tổ chức quản lý nghề cá khu vực, quốc gia và vùng lãnh thổ khác nếu chưa có sự chấp thuận từ người có thẩm quyền thì xác định rằng đây là hành vi khai thác trái phép;
- Còn phải kể đến trường hợp khai thác thủy sản vượt sản lượng theo loài, khai thác sai vùng, quá hạn ghi trong giấy phép;
- Phát hiện ra hành vi che giấu, cố tình tìm mọi cách để giả mạo hoặc hủy chứng cứ vi phạm quy định liên quan đến khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản;
- Khi đang thực hiện hành vi vi phạm mà phát hiện ra người có thẩm quyền đang thực hiện công vụ đã có hành động ngăn cản, chống đối người có thẩm quyền thực hiện kiểm tra, giám sát sự tuân thủ các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản;
- Trực tiếp tham gia vào việc chuyển tải hoặc hỗ trợ cho tàu đã được xác định có hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp, trừ trường hợp bất khả kháng;
- Theo quy định thì tàu thuyền phải có thiết bị thông tin liên lạc và thiết bị giám sát hành trình theo quy định nhưng lại không trang bị hoặc trang bị không đầy đủ hoặc không vận hành thiết bị thông tin liên lạc và thiết bị giám sát hành trình theo quy định;
- Khi nhận được yêu cầu kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền thì không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định;
- Tiến hành việc tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, chuyển khẩu, quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam thủy sản, sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác thủy sản bất hợp pháp;
- Vi phạm trong việc cung cấp thông tin liên quan đến quá trình khai thác thủy sản như không ghi, ghi không đầy đủ, không đúng, không nộp nhật ký khai thác thủy sản, không báo cáo theo quy định;
- Cố tình sử dụng tàu cá không quốc tịch hoặc mang quốc tịch của quốc gia không phải là thành viên để khai thác thủy sản trái phép trong vùng biển quốc tế thuộc thẩm quyền quản lý của tổ chức quản lý nghề cá khu vực;
- Hoặc có hành động là sử dụng tàu cá để khai thác thủy sản không theo quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong vùng biển quốc tế không thuộc thẩm quyền quản lý của tổ chức quản lý nghề cá khu vực.
Như vậy, cá nhân tổ chức có hành vi nêu trên được xác định là đang vi phạm về khai thác thủy sản. Tùy vào mưc độ hành vi vi phạm thì có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
2. Hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp bị xử lý thế nào?
2.1. Mức phạt hành chính đối với hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp:
Khai thác thủy sản bất hợp pháp tồn tại nhiều hành vi vi phạm khác nhau, nhưng mức xử phạt đều đã được quy định cụ thể tại Nghị định 42/2019/NĐ-CP. Theo đó:
- Khi cá nhân thực hiện hành vi khai thác thủy sản không có giấy phép, chủ tàu cá có thể bị phạt tiền đến 1.000.000.000 đồng theo nội dung điều chỉnh trong Điều 20, 23 Nghị định 42/2019/NĐ-CP;
Đồng thời, tàu cá vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu thủy sản khai thác, tịch thu ngư cụ, tịch thu tàu cá, tước quyền sử dụng văn bằng, chứng chỉ thuyền trưởng tàu cá Việt Nam
- Trong trường hợp mà hành vi khai thác thủy sản trong vùng cấm khai thác, trong thời gian cấm khai thác, tàu cá thì mức phạt tiền được áp dụng lên tới 100.000.000 đồng theo Điều 7 Nghị định 42/2019/NĐ-CP;
Hình thức xử phạt bổ sung với tàu cá vi phạm đó là tịch thu ngư cụ khai thác thủy sản; bắt buộc phải khắc phục hậu quả buộc thả thủy sản còn sống trở lại môi trường sống của chúng, buộc chuyển giao số thủy sản thuộc Nhóm I của Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm đã chết cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý;
- Mức xử phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng sẽ áp dụng đối với hành vi khai thác thủy sản trái phép trong vùng biển thuộc quyền quản lý của tổ chức quản lý nghề cá khu vực, quốc gia và vùng lãnh thổ khác, thực hiện theo Điều 20 Nghị định 42/2019/NĐ-CP;
Khi có những hành vi vi phạm này thì tàu cá bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu thủy sản khai thác, tịch thu tàu cá, tước quyền sử dụng văn bằng, chứng chỉ thuyền trưởng tàu cá Việt Nam; biện pháp khắc phục hậu quả được áp dụng là buộc chủ tàu cá phải chi trả toàn bộ kinh phí đưa ngư dân bị cơ quan có thẩm quyền nước ngoài bắt giữ về nước và các chi phí liên quan khác.
2.2. Truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp:
Theo nội dung điều chỉnh trong Bộ luật Hình sự thì hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm của các tội như:
– Bị truy cứu về tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản theo Điều 242 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), mức hình phạt cao nhất được áp dụng với cá nhân là 10 năm tù.
– Hành vi khai thác thủy sản mà những loài này nằm trang Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm thì truy cứu tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm theo Điều 244 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), mức hình phạt cao nhất lên đến 15 năm tù.
3. Cách ngăn chặn được hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp:
Để đạt được hiệu quả trong công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp thì tất cả cá nhân, tổ chức cần phải quán triệt, thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ, giải pháp sau đây:
- Nghiêm túc trong việc tổ chức triển khai thực hiện nghiêm Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành, ví dụ: Việc cấp phép giấy phép khai thác thủy sản và việc triển khai lắp đặt, vận hành và quản lý thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá theo quy định tại Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 của Chính phủ phải thật sự trú trọng, kiểm soát chặt chẽ; Thực hiện việc đánh dấu tàu cá, đăng ký tàu cá, đăng kiểm tàu và kẻ số đăng ký tàu cá theo đúng quy định tại Thông tư số 23/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và PTNT để có thể kiểm soát tàu cá ra vào cảng, kiểm soát sản lượng thủy sản qua cảng, công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản,..;
- Khi phát hiện ra hành vi vi phạm đã được quy định tại Nghị định số 42/2019/NĐ-CP thì cần xử phạt nghiêm theo quy định, không bao che đối với những hành vi này; đặc biệt nếu tau thuyền không tuân thủ trong việc llắp thiết bị giám sát hành trình “VMS” (Vessel Monitoring Systems), hoặc đã lắp nhưng cố tình tắt thiết bị, thiết bị mất kết nối khi hoạt động trên biển thì cũng phải xử lý kịp thời, nhanh chóng;
- Bên cạnh đó, mục tiêu thay đổi về ý thức người dân cũng cần được đề cao hơn, tạo điều kiện thúc đẩy nâng cao thu nhập cho ngư dân thông qua việc áp dụng công nghệ mới vào khai thác thủy sản, bảo quản sản phẩm, đẩy mạnh hình thành chuỗi liên kết thu mua với doanh nghiệp; xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học, lao động có tay nghề cao; quyết liệt hơn trong việc thực thi các quy định trong khai thác thủy sản;
- Sử dụng các biện pháp để thực hiện tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về chống khai thác bất hợp pháp, cấm sử dụng xung điện, chất nổ, chất độc để khai thác thủy sản, nghiêm cấm việc đưa tàu cá đi khai thác thủy sản trái phép tại vùng biển nước ngoài,..
Văn bản pháp luật được sử dụng:
- Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017);
- Luật Thủy sản năm 2017;
- Nghị định số 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.
THAM KHẢO THÊM: