Hợp đồng thông minh chưa được pháp luật thừa nhận là một hợp đồng có giá trị pháp lý. Tức là, hợp đồng thông minh khi đặt cùng với hợp đồng truyền thống thì nó sẽ không được công nhận và không trở thành một bằng chứng pháp lý trong quá trình giao kết và thực hiện các quyền, nghĩa vụ có trong hợp đồng; nếu xảy ra tranh chấp thì hợp đồng thông minh không có ý nghĩa trong quá trình chứng minh.
Mục lục bài viết
1. Một số thách thức của Việt Nam trong việc thừa nhận tính pháp lý của hợp đồng thông minh:
Thực tế có thể thấy rằng việc tiếp thu và thừa nhận tính pháp của hợp đồng thông minh tại Việt Nam trong bối cảnh hiện nay là điều không hề dễ dàng bởi điều này đang tồn tại các vấn đề thách thức về pháp lý và thực tiễn áp dụng đối với loại hợp đồng này. Cụ thể:
Thứ nhất, thách thức về pháp lý, điều này được thể hiện qua các khía cạnh sau:
Một là, ý chí trong quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng. Trong pháp luật hợp đồng, nguyên tắc về tự do ý chí được xem là nguyên tắc xương sống và được hiểu là việc các bên được tự do giao kết hợp đồng hay thỏa thuận về việc xác lập quyền và nghĩa vụ dân sự theo ý chí của mình miễn là nó
ý không trái với trật tự công cộng. Ý chí này được thể hiện qua năng lực của chủ thể giao kết hợp đồng. Có nghĩa là, không phải ai cũng được quyền thực hiện giao kết hợp đồng mà chỉ có những chủ thể đáp ứng các điều kiện luật định. Cụ thể, nếu các chủ thể thuộc một trong các trường hợp sau thì giao dịch dân sự đó sẽ bị vô hiệu: (i) Khi giao dịch dân sự do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; (ii) giao dịch dân sự được xác lập có sự nhầm lẫn làm cho một bên hoặc các bên không đạt được mục đích của việc xác lập giao dịch; (iii) khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa, cưỡng ép’. Tuy nhiên, việc xác định những trường hợp bị vô hiệu như trên là khó khăn khi giao dịch được thực hiện qua hợp đồng thông minh. Bởi bản chất của hợp đồng thông minh chính là loại hợp đồng kỹ thuật số dựa trên nền tảng công nghệ Blockchain bằng cách sử dụng các thuật toán nên việc xác định ý chí của chủ thể là điều không dễ dàng và cơ sở nào để xác định thì chưa rõ ràng và phù hợp với môi trường ảo. Mặc khác, nếu hợp đồng truyền thống, ý chí của các bên được thể hiện trực tiếp và bên còn lại có thể đánh giá được mức độ của sự đồng thuận thì đối với hợp đồng thông minh, việc xác định mức độ này cũng là một vướng mắc khi sự đồng ý này được cụ thể hóa qua ngôn ngữ máy tính mang nặng tính phức tạp và khuôn khổ. Do vậy mà ý chí được thể hiện qua hợp đồng thông minh không đảm bảo bằng so với hợp đồng truyền thống.
Hai là, về sửa đổi của hợp đồng. Đối với hợp đồng truyền thống, các bên có thể thỏa thuận để sửa đổi hợp đồng. Yếu tố thỏa thuận được đề cao và tôn trọng. Có nghĩa là, nếu các bên nhận thấy rằng, nội dung của hợp đồng mà trước đó đã thỏa thuận không còn phù hợp và quyền lợi của các bên ký kết bị ảnh hưởng thì có thể thỏa thuận lại và sửa đổi nội dung đó. Tuy nhiên, hợp đồng thông minh, việc sửa đổi hợp đồng lại là một rào cản bởi hợp đồng thông minh có tính bất biến và không thể sửa đổi sau khi đã mã hóa các dòng lệnh. Do vậy, khi các bên có mong muốn sửa đổi hoặc bổ sung các điều khoản trong hợp đồng hoặc các yêu cầu khác thì hợp đồng thông minh sẽ không được thực hiện. Trong những trường hợp này, các bên cần đặt ra các dòng lệnh có cấu trúc “nếu thì” để dự liệu trước những sự thay đổi. Nhưng theo quan điểm của tác giả thì sự dự liệu này không giải quyết được thực chất vấn đề, tức là nếu điều khoản, yêu cầu bổ sung vượt ra ngoài phạm vi đã dự liệu trước thì cuối cùng rủi ro vẫn xảy ra và các bên tham gia giao kết và thực hiện hợp đồng phải chấp nhận các điều khoản trước đó.
Thứ hai, thách thức về thực tiễn áp dụng:
Mặc dù nhiều chuyên gia dự báo rằng, hợp đồng thông minh sẽ trở thành một xu thế tất yếu trong tương lai nhưng thời điểm hiện tại, nhiều người vẫn chưa hiểu rõ về bản chất, cách thức hoạt động cũng như tính chất pháp lý của loại hợp đồng này. Bên cạnh đó, có một khoảng cách đáng kể về kỹ năng của người áp dụng, tức là các bên trong quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng chưa có những hiểu biết nhất định về hợp đồng thông minh. Ngoài ra, ngôn ngữ lập trình của hợp đồng này có phần phức tạp, không giống với ngôn ngữ của hợp đồng truyền thống cho nên để hiểu rõ là điều khó khăn và việc truyền đạt lại bằng ngôn ngữ nói hàng ngày một cách dễ hiểu lại càng khó khăn hơn. Không chỉ vậy, các tranh chấp liên quan đến hợp đồng thông minh sẽ được giải quyết như thế nào khi mà hợp đồng thông minh hoạt động dựa trên nền tảng công nghệ Blockchain, đây vẫn còn là một dấu hỏi lớn.
2. Liên hệ pháp luật Anh và xứ Wales về hợp đồng thông minh và một số đề xuất kiến nghị:
2.1. Liên hệ pháp luật Anh và xứ Wales về hợp đồng thông minh:
Pháp luật Anh và xứ Wales hiện nay đã có sự điều chỉnh về hợp đồng thông minh mà cụ thể là hợp đồng pháp lý thông minh (Smart legal contract)”. Ở đây, pháp luật nước này đã khẳng định hợp đồng thông minh có tính pháp lý và được định nghĩa như sau: Hợp đồng pháp lý thông minh là một hợp đồng ràng buộc về mặt pháp lý, trong đó một số hoặc tất cả các nghĩa vụ hợp đồng được xác định trong và/ hoặc được thực hiện tự động bởi một chương trình máy tính. Hợp đồng này tuân theo một logic có điều kiện là nếu X xảy ra thì thực hiện bước Y. Theo định nghĩa này, hợp đồng pháp lý thông minh có hai đặc tính giúp nhận diện so với các hợp đồng khác:
(i) Nội dung hợp đồng được thực hiện tự động bởi một chương trình máy tính. Ở đây, việc thực hiện hợp đồng sẽ được tự động mà không có sự can thiệp của con người. Chẳng hạn,
(ii) Có hiệu lực pháp luật, ở đây được hiểu là hợp đồng này có thể thi hành một cách hợp pháp.
Để hình thành một hợp đồng pháp lý thông minh thì pháp luật Anh và xứ Wales đã đặt ra các yêu cầu sau:
Một là, về sự thỏa thuận. Thỏa thuận này bao gồm việc đưa ra đề nghị với các điều khoản cụ thể và sự đồng ý đề nghị đó. Khác với hợp đồng truyền thống, các thỏa thuận có thể được thực hiện thông qua lời nói, hành vi hoặc bằng văn bản thì đối với hợp đồng pháp lý thông minh, các thỏa thuận này sẽ được thực hiện tự động bởi các chương trình máy tính. Hơn nữa, pháp luật Anh và xứ Wales không ràng buộc vấn đề xác định danh tính của các bên tham gia ký kết hợp đồng, có nghĩa là, các bên không nhất thiết phải biết danh tính của nhau mà vẫn có thể giao kết và thực hiện được hợp đồng.
Hai là, về sự xem xét. Trong hợp đồng pháp lý thông minh, việc xem xét lại các điều khoản là điều không thể thực hiện hoặc rất khó vì tính bất biến của hợp đồng này. Một khi các điều khoản trong hợp đồng đã được thông qua các dòng mã trên hệ thống máy tính thì việc thay đổi hay chỉnh sửa rất khó khăn.
Ba là, về tính chắc chắn và đầy đủ. Yêu cầu này đặt ra khi hợp đồng pháp lý thông minh có sự kết hợp giữa hai ngôn ngữ là ngôn ngữ tự nhiên và ngôn ngữ đã được mã hóa. Có nghĩa là trong một số trường hợp, việc diễn đạt các điều khoản giữa hai ngôn ngữ này sẽ có sự khác nhau dẫn đến những cách hiểu khác nhau. Do vậy, tính chắc chắn và đầy đủ phải được đảm bảo trong trường hợp này.
Bốn là, về ý định tạo quan hệ pháp luật. Ở đây, yêu cầu này được hiểu là ý chí thỏa thuận khi thực hiện hợp đồng của các bên sẽ được đánh giá như thế nào khi sử dụng hợp đồng pháp lý thông minh. Theo pháp luật Anh và xứ Wales, việc đánh giá ý chí của các bên là khó khăn và trong những trường hợp không xác định một cách rõ ràng thì
Năm là, về hình thức. Hợp đồng pháp lý thông minh có thể là văn bản nếu như các điều khoản của hợp đồng ở dạng mã mà một người có thể đọc được. Về chữ ký thì hợp đồng này có thể có chữ ký điện tử và không là điều kiện bắt buộc.
2.2. Một số đề xuất kiến nghị:
Như đã đề cập, hợp đồng thông minh vẫn còn là một thuật ngữ mới tại Việt Nam, do đó việc tiếp thu và học hỏi các khía cạnh của loại hợp đồng này từ pháp luật nước ngoài và quan điểm của các nhà nghiên cứu là điều hết sức cần thiết. Theo quan điểm của tác giả, hiện nay, hợp đồng thông minh chưa thể áp dụng ngay trong các giao dịch dân sự như hợp đồng truyền thống vì các điều kiện thực tế để áp dụng loại hợp đồng này chưa thỏa mãn cũng như tính chất pháp lý chưa được pháp luật Việt Nam điều chỉnh. Tuy nhiên, chúng ta cần có những nghiên cứu chuyên sâu hơn về việc xác định bản chất pháp lý của hợp đồng thông minh để phù hợp với tốc độ phát triển kinh tế – xã hội. Dưới đây là một số đề xuất của tác giả dựa trên việc phân tích và nghiên cứu đã đề cập ở trên:
Một là, các nhà lập pháp cần nghiên cứu ban hành một khung pháp lý mới cho hợp đồng thông minh. Tuy nhiên, việc này cần rất nhiều thời gian vì phải đánh giá và nghiên cứu một cách chuyên sâu kinh nghiệm nước ngoài và nhu cầu thực tiễn của việc áp dụng loại hợp đồng này tại Việt Nam. Khung pháp lý của hợp đồng thông minh có rất nhiều khía cạnh nhưng cần tập trung quy định các vấn đề mang tính đặc trưng như điều kiện về chủ thể của hợp đồng, nội dung hợp đồng, hình thức hợp đồng, …
Hai là, tạo cơ hội để hợp đồng thông minh được áp dụng vào thực tiễn. Hiện nay, hợp đồng thông minh có thể được áp dụng trong một số lĩnh vực chẳng hạn như hợp đồng vay mượn tài sản, hợp đồng thuê dịch vụ, Đây là những hợp đồng tương đối phổ biến và có tính chất đơn giản nên việc áp dụng sẽ dễ dàng hơn. Việc áp dụng ban đầu sẽ tạo điều kiện cho các chuyên gia đánh giá được hiệu quả áp dụng của loại hợp đồng này như thế nào so với hợp đồng truyền thống để làm cơ sở cho việc xây dựng các quy định pháp luật phù hợp về sau.
Ba là, khuyến khích việc nghiên cứu các khía cạnh của hợp đồng thông minh. Thực tế, nhiều người vẫn còn hoài nghi về tính hiệu quả và khả năng áp dụng của loại hợp đồng này trong thực tiễn. Điều này cũng dễ hiểu bởi lẽ hiện nay tại Việt Nam, hợp đồng thông minh là một điều gì đó còn rất xa lạ đối với các chủ thể trong xã hội. Do vậy, việc tăng cường công bố những bài viết nghiên cứu có tính chất chuyên sâu để mọi người có thể hiểu hơn về loại hợp đồng này là điều cần thiết.