Nhà nước lập ra các chế tài xử lý vi phạm hành chính với mục đích thiết lập an ninh trật tự xã hội, tạo tính răn đe đối với công dân. Tuy nhiên, có những trường hợp pháp luật quy định sẽ không xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm đó. Bài viết dưới đây sẽ làm rõ vấn đề trên:
Mục lục bài viết
1. Các trường hợp không ra quyết định xử phạt hành chính:
Căn cứ Điều 65 Văn bản hợp nhất số 20/VBHN-VPQH quy định những trường hợp không ra quyết định xử phạt hành chính gồm có:
(1) Các trường hợp quy định tại Điều 11 Văn bản hợp nhất số 20/VBHN-VPQH, cụ thể là:
– Đối tượng thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong tình thế cấp thiết.
– Đối tượng thực hiện hành vi vi phạm hành chính do phòng vệ chính đáng.
– Đối tượng thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất ngờ.
– Đối tượng thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất khả kháng.
– Đối tượng thực hiện hành vi vi phạm hành chính không có năng lực trách nhiệm hành chính.
– Đối tượng thực hiện hành vi vi phạm hành chính chưa đủ tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính.
(2) Không xác định được đối tượng nào vi phạm hành chính.
(3) Đã hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính hoặc hết thời hạn ra quyết định xử phạt.
(4) Đối tượng vi phạm hành chính là cá nhân chết, mất tích. Đối tượng vi phạm hành chính là tổ chức đã giải thể, phá sản trong thời gian xem xét ra quyết định xử phạt.
(5) Hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm và chuyển hồ sơ vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm theo quy định.
Lưu ý: Người có thẩm quyền không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi quy định tại mục 1,2,3,4 nhưng vẫn phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính nếu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thuộc loại cấm tàng trữ, cấm lưu hành hoặc tang vật, phương tiện mà pháp luật có quy định hình thức xử phạt tịch thu và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả được quy định đối với hành vi vi phạm hành chính đó.
Nội dung của quyết định lưu ý phải ghi đầy đủ, ghi rõ các lý do tại sao không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính; tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu; biện pháp khắc phục hậu quả được áp dụng, trách nhiệm và thời hạn thực hiện.
2. Thời hiệu và thời hạn xử lý vi phạm hành chính:
Vi phạm hành chính theo quy định được hiểu là hành vi có lỗi được thực hiện bởi một cá nhân hoặc tổ chức, hành vi đó vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và phải bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
Khi thực hiện xử lý vi phạm hành chính sẽ có thời hiệu, đây được coi khoảng thời gian do luật quy định mà nếu như hết thời gian này thì sẽ phát sinh hậu quả pháp lý đối với chủ thể theo điều kiện nhất định do luật quy định.
Theo khoản 1 Điều 6 Văn bản hợp nhất số 20/VBHN-VPQH 2022 Luật xử lý vi phạm hành chính quy định thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính: 01 năm, ngoại trừ các trường hợp vi phạm hành chính về những hoạt động sau thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm:
– Kế toán; hóa đơn; phí, lệ phí; kinh doanh bảo hiểm; quản lý giá.
– Chứng khoán.
– Sở hữu trí tuệ.
– Xây dựng.
– Thủy sản, lâm nghiệp.
– Điều tra.
– Quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước.
– Hoạt động dầu khí và hoạt động khoáng sản khác.
– Bảo vệ môi trường.
– Năng lượng nguyên tử.
– Quản lý, phát triển nhà và công sở.
– Đất đai.
– Đê điều.
– Báo chí.
– Xuất bản.
– Sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh hàng hóa.
– Sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả.
– Quản lý lao động ngoài nước.
Cách tính thời hạn, thời hiệu trong xử lý vi phạm hành chính quy định được áp dụng theo quy định tại Bộ luật dân sự, trong đó thời gian ban đêm được tính từ 22 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ ngày hôm sau. Dẫn chiếu đến Điều 144, Điều 145, Điều 146 Bộ luật dân sự 2015 quy định thời hạn áp dụng như sau:
– Thời hạn có thể được xác định bằng phút, giờ, ngày, tuần, tháng, năm hoặc bằng một sự kiện có thể sẽ xảy ra.
– Thời hạn được tính theo dương lịch.
+ Trường hợp các bên có thỏa thuận về thời hạn là một năm, nửa năm, một tháng, nửa tháng, một tuần, một ngày, một giờ, một phút mà khoảng thời gian diễn ra không liền nhau thì thời hạn đó được tính như sau:
- Một năm là ba trăm sáu mươi lăm ngày.
- Nửa năm là sáu tháng.
- Một tháng là ba mươi ngày.
- Nửa tháng là mười lăm ngày.
- Một tuần là bảy ngày.
- Một ngày là hai mươi tư giờ.
- Một giờ là sáu mươi phút.
- Một phút là sáu mươi giây.
+ Trường hợp các bên thỏa thuận về thời điểm đầu tháng, giữa tháng, cuối tháng thì thời điểm đó được quy định như sau:
- Đầu tháng là ngày đầu tiên của tháng.
- Giữa tháng là ngày thứ mười lăm của tháng.
- Cuối tháng là ngày cuối cùng của tháng.
+ Trường hợp các bên thỏa thuận về thời điểm đầu năm, giữa năm, cuối năm thì thời điểm đó được quy định như sau:
- Đầu năm là ngày đầu tiên của tháng một.
- Giữa năm là ngày cuối cùng của tháng sáu.
- Cuối năm là ngày cuối cùng của tháng mười hai.
Ngoài ra, pháp luật cũng quy định về thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính là thời gian trong trường hợp cá nhân hoặc tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính, trong thời hạn 06 tháng tính từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt cảnh cáo hoặc 01 năm kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hành chính khác hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà không tái phạm.
Hoặc trường hợp cá nhân bị xử lý hành chính trong vòng 02 năm tính từ ngày chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc 01 năm kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính mà không tái phạm.
3. Nội dung của quyết định xử phạt vi phạm hành chính bao gồm?
Căn cứ Điều 68 Văn bản hợp nhất số 20/VBHN-VPQH 2022 Luật xử lý vi phạm hành chính quy định nội dung của quyết định xử phạt vi phạm hành chính gồm có:
– Thông tin về địa danh, ngày, tháng, năm ra quyết định.
– Các căn cứ pháp lý để ban hành quyết định.
– Thông tin, nội dung của Biên bản vi phạm hành chính, kết quả xác minh, văn bản giải trình của cá nhân, tổ chức vi phạm hoặc biên bản họp giải trình và tài liệu khác (nếu có).
– Thông tin của người ra quyết định như họ, tên, chức vụ.
– Thông tin của người vi phạm như họ, tên, địa chỉ, nghề nghiệp; hoặc thông tin của người đại diện theo pháp luật của tổ chức vi phạm gồm tên, địa chỉ, họ tên, chức vụ.
– Thông tin về hành vi vi phạm hành chính cũng như các tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng.
– Nội dung các điều, khoản của văn bản pháp luật được áp dụng.
– Các hình thức cử phạt chính.
– Các hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả (nếu có).
– Quyền khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
– Thông tin hiệu lực của quyết định, thời hạn cũng như nơi thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; nơi nộp tiền phạt.
– Thông tin của người ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
– Thông tin về trách nhiệm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và việc cưỡng chế trong trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính không tự nguyện chấp hành.
Lưu ý: Thời hạn thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là 10 ngày tính từ ngày nhận quyết định xử phạt. Nếu quyết định có ghi thông tin thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì sẽ thực hiện theo thời gian đó.
Nếu quyết định xử phạt vi phạm hành chính được ban hành chung với nhiều cá nhân, tổ chức cùng thực hiện một hành vi vi phạm; hoặc nhiều tổ chức, cá nhân thực hiện nhiều các hành vi khác nhau trong cùng một vụ thì khi đó nội dung hành vi vi phạm, hình thức, mức xử phạt đối với từng cá nhân, tổ chức phải xác định cụ thể, rõ ràng.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
Văn bản hợp nhất số 20/VBHN-VPQH 2022 Luật xử lý vi phạm hành chính.
Nghị định số 118/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật xử lý vi phạm hành chính.
THAM KHẢO THÊM: