Thương tích do hỏa khí là chấn thương cơ học gây ra do đạn thoát khỏi nòng súng, hoặc hiện tượng phát nổ của các loại vũ khí như: bom, mìn, đạn đại bác, kíp nổ, bộc phá, lựu đạn, v.v... những thương tích do hỏa khí rất đa dạng và phức tạp.
Mục lục bài viết
1. Sơ lược về súng, đạn:
1.1. Súng:
Phân loại súng: có nhiều loại súng với tên gọi khác nhau CKC, K44, K50, AK v.v… nhưng tựu trung gồm có:
– Súng lục hay súng ngắn, súng pháo hiệu, súng bắn đinh (không có đầu đạn), súng lục (có đầu đạn).
– Súng trường hay súng dài.
+ Súng trận (súng quân dụng)
+ Súng săn (súng dân dụng)
– Súng săn công nghiệp: có thuốc nổ hoặc không có thuốc nổ (súng hơi)
– Súng săn tự tạo (súng săn thủ công).
1.2. Cấu tạo chung của súng:
Báng súng, nòng súng, cò súng, kim hoả, ổ lắp đạn.
Nòng súng: ở đa số các kiểu súng hiện đại, mặt trong nòng súng có các rãnh gọi là rãnh khương tuyến hay đường khương tuyến. Mỗi đường khương tuyến dù nòng dài hay ngắn chỉ được đủ một vòng xoắn từ gốc đến ngọn. Rãnh khương tuyến có tác dụng giữ cho đạn chỉ chuyển động xoay quanh trục của nó khi bay và giữ cho đường bay ổn định. Hai tác dụng đó làm tăng độ xa và tăng sức xuyên của đạn (súng các nước XHCN có 4 rãnh, súng tư bản 6 – 8 rãnh). Dựa vào đường kính của nòng súng người ta có 3 cỡ nòng đối với súng quân dụng và 5 cỡ nòng đối với súng dân dụng (súng săn)
Súng quân dụng:
+ Cỡ nhỏ 5.66 mm
+ Trung bình: 6.35 mm, 7.62 mm và 9 mm
+ Lớn: trên 10 mm.
– Súng dân dụng
+ Số 10: 19.30 mm – 19.70 mm
+ Số 12: 18.20 mm – 18.60 mm
+ Số 16: 16.80 – 17.20 mm
+ Số 20: 15.60 mm – 16.10 mm
+ Số 32: 12.40 – 13.10 mm
Trong thực tế, dùng phổ biến là cỡ số 12 và 16.
1.3. Đạn:
Mỗi loại súng có loại đạn riêng. Để thuận tiện cho chiến đấu, ngày nay người ta chế tạo một loại đạn có thể dùng chung cho một vài loại súng như: trung liên, AK v.v…đạn có nhiều cỡ, cỡ đạn (đường kính) tính theo đường kính của rãnh khương tuyến người ta chia làm hai loại đạn.
Loại quân dụng (súng trận) mỗi viên đạn có 4 thành phần: vỏ đạn, kíp đạn, thuốc đạn và đầu đạn.
Vỏ đạn: là kim loại thường là hợp kim (đồng thau).
Hạt nổ: (kíp đạn) đáy vỏ đạn có hạt nổ (ngòi nổ). Làm bằng chất fulminate thuỷ ngân
Thuốc đạn: có nhiều loại nhưng dựa vào màu sắc và độ cháy hoàn toàn hay không hoàn toàn, chia làm hai loại
Thuốc đen (có khói) thành phần cấu tạo có 3 nhóm:
- Nitrat kali 75% hoặc * Sulfer 18% * salpêtre 78%
- Lưu huỳnh 13% hoặc * Lưu huỳnh 70% * Lưu huỳnh 13%
- Than 12% hoặc * Than 12% * Than 12%
Thuốc này cháy không hoàn toàn nên tạo ra nhiều khói muội và lửa. Thuốc không mạnh, sức đẩy kém, ở nước ta tại một số vùng miền núi vẫn còn súng kíp tự tạo dùng để săn bắn.
Thuốc trắng (không khói) thành phần có nitrocellulose hoặc nitroglyxerin.
Thuốc sản xuất dưới dạng nghiền nhỏ, hình trụ, hình ống có khi các hạt thuốc được bọc chất chống ẩm. Thuốc này cháy hoàn toàn không khói sinh nhiều lửa tạo nên áp suất rất mạnh.
Đạn bắn ra ở tầm khác nhau đặc biệt ở tầm kề và tầm gần khiến khói thuốc hoặc các hạt thuốc còn sót lại bám quanh lỗ vào, giúp giám định Y pháp phát hiện các loại súng, đạn.
Đầu đạn: đầu đạn có thể tròn hoặc nhọn với trọng lượng khác nhau, trung bình 12 – 15 gam. Vỏ đầu đạn làm bằng đồng đỏ, đồng trắng, thép hoặc bằng hợp kim kết hợp với antimon.
Ngoài ra còn có các đầu đạn đặc biệt như đạn đum-đum (đạn nổ 2 lần: mỗi khi bắn ra và tác động vào đối tượng lại nổ). Hội nghị Quốc tế cấm sử dụng loại đạn này sau chiến tranh 1914 – 1918.
Đạn dân dụng: (súng săn) còn gọi là đạn ghém gồm 4 thành phần: vỏ đạn, kíp đạn (hạt nổ) thuốc đạn và các viên chì. Các viên chì cũng có nhiều cỡ khác nhau số 2: mỗi cỡ nhỏ hơn nhau 0.25 mm và có đánh dấu ký hiệu khác nhau như: số 1: 4mm 3.75mm.
Trong đạn súng săn, ngoài đầu đạn và thuốc nổ ra còn có chất đệm bằng giấy hoặc vải. Các chất này cũng giúp giám định viên phán đoán loại đạn mà hung thủ đã dùng.
2. Khái niệm về tầm bắn:
Tầm bắn là một khái niệm xác định khoảng cách khi đạn bay ra kể từ tiết diện của đầu nòng súng cho đến bề mặt tiếp cận của mục tiêu. Tầm bắn có thể hướng lên cao, xuống thấp, hướng chếch hoặc hướng ngang v.v… tầm bắn khác nhau để lại những dấu vết trên mục tiêu khác nhau. Dựa vào đặc điểm ấy người ta quy định có 3 loại tầm bắn:
2.1. Tầm kề:
Loại tầm này có 3 mức độ:
Tầm kề sát: (kề hoàn toàn): đầu súng áp vào mục tiêu thường là thẳng góc, khi ấy nòng súng sẽ ăn sâu trực tiếp với rãnh xuyên của vết thương, nên lỗ vào tròng, ở trường hợp điển hình đặc trưng này tuy ít gặp, ta thấy dấu ấn của nòng súng nghĩa là thấy vết xước da tụ máu hoặc vết bỏng hay vết dầu lau nòng súng in hình của đầu nòng súng trên da hoặc quần áo. Vì đầu nòng súng trực tiếp với rãnh xuyên nên hơi thuốc súng lùa theo đầu đạn phá bục da làm mờ vết thương nham nhở có thể rộng hơn cỡ đạn, một số trường hợp thấy thuốc đạn bám trong rãnh xuyên. Có khi không thấy, hoặc thấy rách da ở hai bên. Có thể thấy trên một vết thương có 2 dấu ấn đầu nòng súng do súng giật, vì tỳ không chắc. Một điều đáng chú ý là tổn thương hầm phá. Hầm phá là một phần tổ chức dưới da bị lóc vòng tròn như một túi bịt, do áp lực hơi nòng súng gây nên (chỉ ở nơi nào tổ chức dưới da là cơ mới có hầm phá). Hầm phá có thể có khói thuốc đạn đen xám, các mảnh thuốc đạn còn sót bám vào (lấy que diêm, que kim loại nóng đỏ ấn vào những mảnh nghi có thuốc súng, nếu đúng sẽ bùng cháy). Hầm phá tổ chức dập nát có màu hồng, tươi do sắc tố của cơ gắn với CO (CO+carboxymyoglobin), máu chảy ở hầm phá cũng có màu đỏ cánh sen do hemoglobin gắn với CO (carboxyhémoglobin). Hình ảnh màu cơ giập nát và màu máu ở hầm phá có thể thấy cả lỗ đạn vào và ra.
Tầm kề không hoàn toàn: là tầm đầu nòng súng không ấn chặt vào da mà chỉ chạm vào da. Khi súng nổ, một phần khói thuốc súng tỏa trên mặt da, mặt khác hơi ở đầu súng phá ngay từ mặt da nên da tổn thương rộng và chúng tạo nên quầng khói đen quanh vết thương, vòng đen gồm thuốc súng, ion kim loại của đầu đạn và của nòng súng vì thế bằng phương pháp hoá học có thể phát hiện được loại đạn. Da ở đây rách thường hình chữ thập làm vết thương rất rộng, bên dưới không có hầm phá vì hơi đã tỏa ra bên ngoài.
Tầm kề nghiêng: đầu súng chạm mục tiêu nhưng để nghiêng. Tổn thương giống tầm kề không hoàn toàn, nhưng chỉ khác đầu nòng súng hướng sát đâu thì phần đó bị ám khói, quầng khói có hình bán nguyệt và vết rách dài. Trong vết thương có phần ám khói và thuốc đạn.
Dù tầm kề hoàn toàn hay không hoàn toàn hoặc kề nghiêng thì cả 3 loại bao giờ cũng có ám khói và thuốc súng còn sót trên vết thương.
2.2. Tầm gần:
Tầm gần, tầm nằm trong giới hạn tác động của các yếu tố phụ như hơi thuốc đạn, khói thuốc đạn, mảnh thuốc đạn còn sót lại và các bụi kim loại. Đối với súng chiến đấu tầm hoạt động của những yếu tố này phát huy trong khoảng 1m, nhưng đối với súng săn giới hạn xa hơn. Dựa vào cách phân bố và mức độ biểu hiện của các yếu tố phụ trên mục tiêu có thể xác định được tầm bắn:
Vết cháy hoặc bỏng do lửa cháy chủ yếu của các thuốc đạn cháy có khói, thường thấy trong phạm vi 20-25 cm. Đối với các thuốc súng không khói, dấu tích này thấy ở phạm vi 10 cm, đôi khi cũng thấy vết xám nhẹ.
Vết khói thấy ở khoảng cách 15 – 30 cm. Trong vòng 15 cm dấu tích này biểu hiện rõ nhất. Từ 25 – 30 cm biểu hiện này rất nhẹ, có khi không thấy. Vết ám khói trên quần áo nói chung (trừ màu trắng) đôi khi không rõ muốn xác định cần dùng phương pháp chụp ảnh bằng tia hồng ngoại. Vết ám khói càng nhạt dần thì tầm bắn càng xa.
Mảnh thuốc đạn: mảnh thuốc đạn có thể thấy khảm (găm, cắm) vào lớp biểu bì, có khi cả ở lớp trung bì của da hoặc thấy chúng bám quanh lỗ đạn. Đối với quần áo cũng có thể thấy dấu tích các mảnh đạn. Mảnh thuốc đạn thể hiện bằng các vết lấm tấm đen quanh vết thương. Với súng ngắn (súng lục) khoảng cách tầm bắn 50 – 70cm, với súng trường, súng cacbin khoảng cách 100cm thấy được mảnh thuốc đạn. Người ta coi phạm vi 100 cm (1m) là phạm vi của tầm gần.
Vành quệt (vành chùi): là những bụi bẩn của bản thân đầu đạn cũng như bụi khói, mảnh nhỏ của thuốc đạn hoặc dầu lau nòng súng còn sót lại đính vào đầu đạn, khi đầu đạn xuyên qua tổ chức, vừa xuyên, vừa xoáy để lại xung quanh bờ lỗ vào và rãnh xuyên một lớp xám đen, lớp xám đen ấy chính là vành quệt.
2.3. Tầm xa:
Tầm này không còn thấy các dấu tích của các yếu tố phụ. Chỉ thấy đầu đạn sát thương khi khám nghiệm không thấy các dấu tích của tầm gần hoặc kề, giám định viên chỉ nên nói: “ không thấy dấu vết của tầm gần”, không nên khẳng định là “tầm xa”, sở dĩ phải thận trọng vì có khi đạn qua một lớp chướng ngại vật nào đó rồi vào quần áo và cơ thể người. Như vậy dù bắn gần cũng không có dấu vết của tầm gần.
3. Xác định hướng bắn:
Xác định được hướng bắn có thể phán đoán được tư thế của người bắn và tư thế của nạn nhân khi bị đạn xuyên. Để xác định hướng bắn người ta căn cứ vào 3 thành phần của vết thương: lỗ vào, rãnh xuyên và lỗ ra.
3.1. Lỗ vào:
Như người ta đã biết, đầu đạn khi bắn xuyên vào người ấn lõm da thành hình phễu làm căng lớp hạ bì và miết mạnh vào mặt ngoài của lớp biểu bì tạo nên các hiện tượng:
– Lỗ mất da hình tròn hoặc bầu dục.
– Có vành xượt da quanh mép vết thương.
– Có vành quệt (vành chùi): nếu đầu đạn dính thuốc đạn, khói đạn hay dầu lau lòng nòng súng thì sẽ để lại trên quần áo trắng hoặc có màu xám một vành quệt quanh lỗ đạn vào. Dùng ánh đèn tử có thể nhìn rõ vết dầu hoặc thuốc đạn.
Ở tầm kề hoặc tầm gần còn thấy các dấu hiệu của các yếu tố phụ giúp ta nhận định thuận lợi lỗ vào.
Lỗ đạn vào Lỗ đạn ra
3.2. Rãnh xuyên:
Rãnh xuyên là một đường dài kín hoặc hở, tạo ra khi đầu đạn xuyên qua cơ thể. Có hai hình thái rãnh xuyên:
Rãnh xuyên hoàn toàn: là đường hầm nối giữa lỗ vào và lỗ ra.
Rãnh xuyên không hoàn toàn: là đường ngầm tận cùng trong cơ thể, chỉ có lỗ vào, không có lỗ ra còn gọi là lỗ đạn chột hay vết thương chột.
Rãnh xuyên không phải khi nào cũng là một đường thẳng vì đạn vào cơ thể bị xương, cơ có độ rắn khác nhau làm chệch hướng. Nếu sức đẩy đầu đạn hết, đầu đạn có thể nằm trong phần mềm hoặc trong xương. Trường hợp đầu đạn gặp chướng ngại vật cứng (cột sống, xương chậu, v. v…) thì rất dễ đổi hướng.
– Ở phổi rãnh xuyên khó phát hiện vì nhu mô phổi xốp, lại luôn luôn di động co giãn.
– Ở tạng đặc như gan, lách, v.v… rãnh xuyên có các tia rạn nứt..
– Đạn hết lực đẩy có thể lọt vào lòng mạch máu lớn, xoang tim, ống tiêu hoá, v.v… trong trường hợp này phải kiểm tra tỷ mỉ kỹ càng, thậm chí phải mở các mạch máu lớn, ống tiêu hoá để thu hồi đầu đạn.
– Trong rãnh xuyên có thể tìm thấy các dị vật như: mảnh quần áo, xương hoặc các dị vật khác.
3.3. Lỗ ra:
Đầu đạn xuyên qua người va chạm vào vật hoặc tổ chức mềm cũng như vật hoặc tổ chức rắn có thể biến dạng. Đạn làm căng xuyên thủng mặt da từ mặt trong chọc thủng hạ bì rồi đến cơ.Vì vậy đối với tầm xa, lỗ ra có thể nhỏ hơn lỗ vào, có khi lỗ vào lỗ ra bằng nhau hoặc có hình thái bất thường như hình khe, hình sao, v.v … Nguyên tắc lỗ ra không bao giờ có vành xượt và vành quệt.
Trên các xương dẹt như xương sườn, xương cánh chậu và đặc biệt là xương sọ, lỗ vào nhỏ và tương đối đều, mặt ngoài hẹp, mặt trong rộng, trái lại lỗ ra có vết rạn xương hình nan hoa hay vòng đồng tâm, lỗ ra có các đường rạn xương bị cắt cụt. Mặt khác lỗ vào bao giờ cũng bị khuyết da (da bị bung đi) cố phục hồi chỗ khuyết da, không thể có da đầy đủ và nơi phục hồi da thường bị răn rúm. Trái lại phục hồi da ở lỗ ra phẳng vì da bị khuyết ít (tỷ lệ khuyết da lỗ vào 100%, khuyết da lỗ ra khoảng 30%. Đây là đặc trưng cho vết thương hoả khí.
Nếu tử thi hư thối muốn xác định lỗ vào, lỗ ra cần làm các xét nghiệm mô học, sinh hoá học để phân biệt.
– Muốn phát hiện thuốc súng và thuốc cháy hoàn toàn có gốc nitro ở lỗ vào, người ta tìm chất có phản ứng với nitro để nhuộm tổ chức.
– Diphenylamin acid Sulfuric + nitro màu xanh
– Alpha naphtylamin + nitro màu đỏ.
– Tìm lỗ vào và lỗ ra đôi khi không phải dễ dàng, có thể có khi chỉ thấy lỗ vào mà không thấy lỗ ra (đạn chột) có khi chỉ thấy lỗ ra mà không thấy lỗ vào (đạn bắn qua âm đạo, hậu môn, mồm…).