Hiện nay, vẫn có nhiều thắc mắc về căn cứ để giải trình trong xử phạt vi phạm hành chính là căn cứ vào mức phạt để cho phép giải trình hay căn cứ vào khung phạt tiền của từng Nghi định xử phạt vi phạm hành chính. Để hiểu rõ hơn về quy định về giải trình trong xử phạt vi phạm hành chính cũng tìm hiểu bài viết dưới đây.
Mục lục bài viết
1. Xử lý vi phạm hành chính là gì?
Theo quy định có thể hiểu vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng theo quy định thì phải bị xử phạt vi phạm hành chính. Xử phạt vi phạm hành chính là thủ tục do người có thẩm quyền xử phạt bằng việc áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính theo quy định. Vi phạm hành chính có một số đặc điểm cụ thể sau đây:
– Thứ nhất vi phạm hành chính là hành vi trái pháp luật xâm phạm các quy tắc quản lý nhà nước. Hành vi này là hành vi trái pháp luật hành chính được thể hiện dưới dạng hành động hoặc không hành động. Như vậy, sẽ không có vi phạm hành chính nếu không có hành vi trái pháp luật xâm phạm các quy tắc quản lý nhà nước.
– Thứ hai vi phạm hành chính là hành vi có lỗi, do chủ thể có năng lực trách nhiệm hành chính thực hiện. Lỗi trong vi phạm hành chính được thể hiện dưới hình thức cố ý hoặc vô ý. Lỗi cố ý thể hiện ở chỗ chủ thể nhận thức được tính chất nguy hại của hành vi, thấy trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội do hành vi của mình gây ra nhưng vẫn cố tình thực hiện và mong muốn điều đó xảy ra hoặc tuy không mong muốn nhưng có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra. Lỗi vô ý thể hiện ở chỗ chủ thể không nhận thức được tính chất nguy hại của hành vi mặc dù có thể hoặc cần phải nhận thức được hoặc nhận thức được nhưng cho rằng hậu quả không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được hậu quả xảy ra.
– Thứ ba vi phạm hành chính phải bị xử lý hành chính theo quy định của pháp luật
2. Quy định về giải trình trong xử phạt vi phạm hành chính:
Theo quy định giải trình là một quyền quan trọng của người bị xử phạt vi phạm hành chính, giúp bảo đảm khách quan, minh bạch, dân chủ và đúng quy định pháp luật trong xử phạt vi phạm hành chính làm căn cứ cho việc ban hành quyết định xử phạt. Trong nhiều trường hợp, cá nhân, tổ chức vi phạm không biết về quyền giải trình của mình nên không thực hiện được quyền giải trình, nhưng cơ quan có thẩm quyền vẫn ban hành được quyết định xử phạt, đây là những trường hợp thực hiện không đúng quy định về trình tự, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính. Những quyết định xử phạt được ban hành trong trường hợp này có thể bị hủy bỏ và ban hành quyết định xử phạt hành chính mới.
Không phải tất cả các trường hợp vi phạm hành chính cá nhân/tổ chức vi phạm đều có quyền giải trình mà chỉ những trường hợp theo quy định tại Điều 61 Văn bản hợp nhất 31/VBHN-VPQH sau đây:
Về các trường hợp áp dụng thủ tục giải trình
(1) Đối với hành vi vi phạm hành chính mà pháp luật quy định áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn.
(2) Đối với hành vi vi phạm hành chính mà pháp luật quy định áp dụng mức phạt tiền tối đa của khung tiền phạt đối với hành vi đó từ 15.000.000 đồng trở lên đối với cá nhân, từ 30.000.000 đồng trở lên đối với tổ chức.
Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm xem xét ý kiến giải trình của cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính để ra quyết định xử phạt, trừ trường hợp cá nhân, tổ chức không yêu cầu giải trình.
Việc giải trình được thực hiện theo một trong hai hình thức: giải trình trực tiếp hoặc giải trình bằng văn bản.
– Giải trình bằng văn bản là trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính phải gửi văn bản giải trình cho người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, thời hạn gửi văn bản giải trình là trong vòng 5 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính. Nếu vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp thì có thể gia hạn nhưng không quá 05 ngày làm việc, và việc gia hạn phải được lập thành văn bản. Ngoài ra cá nhân, tổ chức hoặc ủy quyền cho người đại diện hợp pháp của mình thực hiện việc giải trình bằng văn bản.
– Giải trình trực tiếp là trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính phải gửi văn bản yêu cầu được giải trình trực tiếp đến người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Văn bản này được gửi đến trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính. Người có thẩm quyền xử phạt phải thông báo bằng văn bản cho người vi phạm về thời gian và địa điểm tổ chức phiên giải trình trực tiếp trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu của người vi phạm.
Trong phiên giải trình trực tiếp thì người có thẩm quyền phải nêu căn cứ pháp lý, tình tiết, chứng cứ liên quan đến hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả dự kiến áp dụng đối với hành vi vi phạm. Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính, người đại diện hợp pháp tham gia phiên giải trình có quyền đưa ra ý kiến, chứng cứ để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Việc giải trình trực tiếp được lập thành biên bản và phải có chữ ký của các bên liên quan; trường hợp biên bản gồm nhiều trang thì các bên phải ký vào từng trang biên bản, biên bản được giao cho các bên liên quan.
– Trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không yêu cầu giải trình nhưng trước khi hết thời hạn quy định về việc giải trình trực tiếp hoặc giải trình bằng văn bản lại có yêu cầu giải trình thì người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có trách nhiệm xem xét ý kiến giải trình của cá nhân, tổ chức vi phạm.
3. Quy trình xử phạt vi phạm hành chính đúng quy định:
Các bước xử phạt vi phạm hành chính được tiến hành theo trình tự sau:
– Khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính đang diễn ra thì người có thẩm quyền đang thi hành công vụ buộc người thực hiện hành vi chấm dứt hành vi vi phạm hành chính.
– Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính. Bước này là một bước cơ bản của thủ tục xử phạt vi phạm hành chính bởi việc xét xem hành vi đó là đúng hay sai sẽ được xác định ở giai đoạn này, một số biên bản được lập đó là: Biên bản kiểm tra, xác minh; biên bản làm việc,…Khi phát hiện vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của mình, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải kịp thời lập biên bản, trừ trường hợp pháp luật quy định không cần lập biên bản. Giao cho tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính 01 bản sau khi lập xong biên bản vi phạm hành chính. Khi người vi phạm là người chưa thành niên thì biên bản còn được gửi cho cha mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp của người đó theo quy định. Với trường hợp vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền lĩnh vực được giải quyết hoặc vượt quá thẩm quyền xử phạt theo quy định thì biên bản phải được chuyển ngay đến người có đủ thẩm quyền xử phạt để tiến hành xử phạt.
– Trong trường hợp cần thiết người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm xác minh các tình tiết vụ việc vi phạm hành chính. Xác minh các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, giá trị tang vật để xác định khung hình phạt…
– Khi đã xác minh và trong thời hạn theo quy định, đã tiến hành bước giải trình, người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính
– Gửi, chuyển, công bố quyết định xử phạt vi phạm hành chính
– Thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính
– Cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt
Những văn bản sử dụng trong bài viết:
Văn bản hợp nhất 31/VBHN-VPQH năm 2020 do Văn phòng Quốc hội ban hành hợp nhất Luật Xử lý vi phạm hành chính
THAM KHẢO THÊM: