Mã vạch là một công nghệ nhận dạng và thu thập dữ liệu một cách tự động hóa dựa trên những dãy số đã mã hoá, sử dụng máy quét có thể đọc được các thông tin trên mã vạch đó. Vậy pháp luật hiện nay quy định như thế nào về thủ tục thu hồi mã số mã vạch?
Mục lục bài viết
1. Quy định về thủ tục thu hồi mã số mã vạch mới nhất:
Trước hết, mã vạch là một trong những sản phẩm và thành tựu của khoa học công nghệ. Căn cứ theo quy định tại Điều 3 của Thông tư 10/2020/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ, có quy định cụ thể về mã số mã vạch. Theo đó, mã số là một dãy số hoặc một dãy chữ được sử dụng để định danh các loại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, địa điểm, tổ chức, cá nhân. Mã vạch là phương thức lưu giữ và truyền tải thông tin của mã số bằng: Loại ký hiệu vạch tuyến tính (hay còn được gọi là mã vạch một chiều), tập hợp điểm, tiếp nhận dạng thông qua tần số vô tuyến và các công nghệ nhận dạng khác.
Theo hướng dẫn của Bộ khoa học Công nghệ thì thủ tục thu hồi mã số mã vạch được thực hiện như sau:
(1) Quy trình thực hiện:
– Khi muốn thực hiện thủ tục thu hồi mã số mã vạch, cần phải chuẩn bị thành phần hồ sơ để nộp tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền, có thể nộp hồ sơ trực tiếp hoặc nộp hồ sơ thông qua dịch vụ bưu chính;
– Cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành thủ tục thẩm định hồ sơ, trong trường hợp nhận thấy hồ sơ đã đầy đủ và hợp lệ thì sẽ đưa giấy tiếp nhận hồ sơ, trong trường hợp nhận thấy hồ sơ chưa đáp ứng đầy đủ điều kiện thì sẽ hướng dẫn sửa đổi bổ sung hồ sơ sao cho phù hợp với quy định của pháp luật;
– Xem xét và ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số mã vạch. Trong trường hợp không đáp ứng đầy đủ điều kiện thu hồi thì cần phải trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do chính đáng.
(2) Cách thức thực hiện: Có thể nộp hồ sơ trực tiếp tại Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Trung tâm tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam, Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng, hoặc có thể nộp thông qua dịch vụ bưu điện.
(3) Thành phần và số lượng hồ sơ:
– Công văn xin ngừng sử dụng giấy chứng nhận mã số, mã vạch;
– Quyết định giải thể doanh nghiệp;
– Bằng chứng hoàn thành nghĩa vụ phí tính tới thời điểm xin ngừng sử dụng mã số, mã vạch;
– Giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số, mã vạch đã được cấp trước đó.
Cần phải lưu ý về số lượng hồ sơ: 01 bộ.
(4) Thời hạn giải quyết: 15 ngày được tính kể từ ngày Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng nhận được hồ sơ đầy đủ.
(5) Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính: Tổ chức, cá nhân giải thể hoặc chủ sở hữu không có nhu cầu sử dụng mã số mã vạch.
(6) Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính: Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng.
(7) Kết quả thực hiện thủ tục hành chính: Quyết định thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số/mã vạch.
(8) Lệ phí: không phải đóng lệ phí.
(9) Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính: không có yêu cầu.
2. Hướng dẫn thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số mã vạch:
Căn cứ theo quy định tại Điều 6 của Thông tư 10/2020/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ, có quy định cụ thể về vấn đề hướng dẫn thực hiện thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số, mã vạch. Cụ thể như sau:
– Trong trường hợp thực hiện thủ tục cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số mã vạch thì sẽ áp dụng cho các đối tượng sau đây:
+ Tổ chức và cá nhân chưa tiến hành thủ tục đăng ký sử dụng mã số, mã vạch tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
+ Tổ chức và cá nhân đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số mã vạch này tiếp tục có nhu cầu đăng ký cấp mới trong những trường hợp như sau: Đã sử dụng hết quý mã số được cung cấp, đăng ký bổ sung mã số, bị thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số mã vạch tuy nhiên đáp ứng đầy đủ điều kiện để được cấp lại giấy chứng nhận mới theo quy định của pháp luật, hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số mã vạch đã được cấp trước đó hết hiệu lực.
– Thực hiện thủ tục cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số mã vạch cho các đối tượng như sau: Các tổ chức và cá nhân đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số mã vạch bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền và giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số mã vạch đó còn thời hạn hiệu lực tuy nhiên bị mất, bị hư hỏng, thay đổi thông tin liên quan tới tên và địa chỉ của các tổ chức/cá nhân;
– Tổ chức và cá nhân nộp thành phần hồ sơ trực tiếp tại bộ phận một cửa của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng hoặc có thể gửi thông qua dịch vụ bưu chính đến Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, tiếp tục thực hiện theo quy định tại Điều 19 của Nghị định 132/2008/NĐ-CP của Chính phủ (sửa đổi tại Nghị định 13/2022/NĐ-CP), và thực hiện thủ tục kê khai theo quy định tại Điều 4 của Thông tư 10/2020/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ;
– Về thời hạn hiệu lực của giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số mã vạch cũng cần phải tuân theo quy định của pháp luật. Trong đó, thời hạn có hiệu lực của giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số mã vạch trong trường hợp cấp mới sẽ không được phép vượt quá 03 năm kể từ ngày cấp căn cước theo quy định tại Điều 19c của Nghị định 132/2008/NĐ-CP của Chính phủ (sửa đổi tại Nghị định 13/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định quy định thi hành một số điều Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Đo lường), bên cạnh đó, thời hạn có hiệu lực của giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số mã vạch trong trường hợp cấp lại sẽ được thực hiện theo thời hạn có hiệu lực của giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số mã vạch đã được cấp trước đó.
3. Đăng ký mã số mã vạch đem lại những vai trò và lợi ích gì?
Đăng ký mã số mã vạch là một trong những thủ tục quan trọng mà các doanh nghiệp cần phải thực hiện. Đặc biệt là với các doanh nghiệp kinh doanh với số lượng sản phẩm lớn thì phương pháp thủ công sẽ đem lại rất nhiều bất tiện, mã số mã vạch là một trong những phương pháp hiện đại để có thể kiểm soát sản phẩm tốt nhất trong quá trình quản lý và buôn bán sản phẩm ra thị trường. Hơn nữa, để bảo vệ sản phẩm của mình trước hàng giả, đem lại cho khách hàng dấu hiệu nhận biết trong quá trình mua sản phẩm, mã số mã vạch sẽ là giải pháp nhằm tạo thuận lợi trong quá trình quản lý và bảo vệ thương hiệu sản phẩm của mình trên thị trường. Doanh nghiệp nên đăng ký mã số mã vạch vì một số lý do cơ bản sau:
– Mã số mã vạch giúp tăng hiệu suất cho doanh nghiệp. Mã số mã vạch giúp cho các doanh nghiệp và công ty giảm thiểu tối đa các công đoạn tính tay, nhập dữ liệu bằng tay/hoặc bằng các phương pháp thủ công, tối giản chi phí nhân công, tăng năng suất làm việc;
– Độ chính xác cao. Với cấu trúc tối ưu hóa và được tạo ra bởi sản phẩm công nghệ, mã số mã vạch giúp cho người dùng có thể tra cứu được các thông tin liên quan đến sản phẩm, không bị nhầm lẫn với các sản phẩm khác;
– Hỗ trợ cho khách hàng truy cứu thông tin, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Với tính năng hiệu quả, chính xác, tra cứu thông tin nhanh, mã số mã vạch giúp cho khách hàng tiết kiệm về mặt thời gian để có thể tra cứu chủng loại, chất lượng hàng hóa, số lượng hàng hóa, phương thức thanh toán, quá trình tra cứu cũng trở nên dễ dàng và chính xác hơn, tạo điều kiện cho khách hàng yên tâm trong quá trình lựa chọn hàng hóa và sử dụng cụ;
– Hỗ trợ trong vấn đề quản lý hoạt động nội bộ, dễ dàng đưa sản phẩm vào hệ thống bán lẻ. Mã số mã vạch được coi là công cụ hiệu quả trong quá trình quản lý hoạt động nội bộ của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp dễ dàng hơn trong quá trình quản lý nhân sự, quản lý kho, quản lý vốn điều lệ của doanh nghiệp, vì vậy quản lý hàng hóa thông qua mã số mã vạch được hầu hết các doanh nghiệp lựa chọn hiện nay.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Nghị định 132/2008/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa;
– Nghị định 13/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định quy định thi hành một số điều Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Đo lường;
– Nghị định 74/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 132/2008/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa;
– Thông tư 10/2020/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều Nghị định 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 và Nghị định 74/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ về sử dụng mã số, mã vạch.
THAM KHẢO THÊM: