Các tổ chức và cá nhân kinh doanh đăng ký nộp thuế giá trị gia tăng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì đều phải thực hiện thủ tục kê khai thuế giá trị gia tăng theo đúng quy định của pháp luật. Vậy theo quy định hiện nay thì xác định kỳ kê khai tính thuế giá trị gia tăng theo tháng, theo quý như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Xác định kỳ kê khai tính thuế GTGT theo tháng, quý:
Trước hết, kê khai thuế giá trị gia tăng, hay còn được gọi là kê khai thuế VAT, là việc chủ thể thuộc diện nộp thuế giá trị gia tăng cần phải thực hiện nghĩa vụ khai báo tất cả những nghiệp vụ chịu thuế phát sinh trong kỳ nộp thuế, số thuế giá trị gia tăng đã trả khi mua hàng hóa/sử dụng dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng, số thuế giá trị gia tăng thu được trong quá trình buôn bán hàng hóa, số thuế giá trị gia tăng đã nộp và phải nộp trong kỳ cho cơ quan thuế. Nhìn chung, việc kê khai thuế giá trị gia tăng sẽ được thực hiện theo mẫu tờ khai thuế. Căn cứ vào dữ liệu cung cấp trên tờ khai thuế, người nộp thuế sẽ cần phải kê khai đầy đủ thông tin và chịu trách nhiệm về tính chính xác đối với những dữ liệu mà mình đã kê khai. Pháp luật hiện nay đã quy định cụ thể về thời hạn kê khai tính thuế giá trị gia tăng theo tháng/hoặc theo quý.
Căn cứ theo quy định tại Điều 44 của Luật quản lý thuế năm 2019 có quy định về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế. Theo đó:
– Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với các loại thuế kê khai theo tháng, các loại thuế kê khai theo quý được quy định như sau:
+ Chậm nhất được xác định là ngày thứ 20 của tháng tiếp theo tháng phát sinh nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp kê khai và nộp thuế theo tháng;
+ Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng đầu quý tiếp theo quý phát sinh nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp kê khai và nộp thuế theo quý.
– Thời hạn nộp thành phần hồ sơ khai thuế đối với loại thuế của kỳ tính thuế theo năm sẽ được xác định cụ thể như sau:
+ Chậm nhất được xác định là ngày cuối cùng của tháng thứ 03 bắt đầu kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc kết thúc năm tài chính đối với thành phần hồ sơ quyết toán thuế theo năm, hoặc chậm nhất được xác định là ngày cuối cùng của tháng đầu tiên năm dương lịch/năm tài chính đối với thành phần hồ sơ khai thuế theo năm;
+ Chậm nhất được xác định là ngày cuối cùng của tháng thứ 04 được tính kể từ ngày kết thúc năm dương lịch đối với thành phần hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân của các cá nhân trực tiếp quyết toán thuế đối với cơ quan thuế;
+ Chậm nhất được xác định là ngày 15/12 của năm trước liền kề đối với thành phần hồ sơ khai thuế khoán của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương thức khoán, trong trường hợp hộ kinh doanh/cá nhân kinh doanh mới kinh doanh trên thị trường thì thời hạn nộp thành phần hồ sơ khai thuế khoán chậm nhất là 10 ngày tính kể từ ngày bắt đầu tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh.
– Thời hạn nộp thành phần hồ sơ khai thuế đối với các loại thuế khai và nộp theo từng lần phát sinh nghĩa vụ nộp thuế chậm nhất là ngày thứ 10 kể từ ngày phát sinh nghĩa vụ nộp thuế đó.
Tóm lại, kỳ kê khai tính thuế giá trị gia tăng theo quý, theo tháng được xác định như sau:
– Đối với trường hợp nộp tờ khai thuế giá trị gia tăng theo tháng, chậm nhất được xác định là ngày thứ 20 của tháng tiếp theo tháng phát sinh nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp khai thuế và nộp thuế giá trị gia tăng theo tháng;
– Đối với trường hợp đột thành phần hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng theo quý, chậm nhất được xác định là ngày cuối cùng của tháng đầu quý liền kề tiếp theo quý phát sinh nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp kê khai và nộp thuế giá trị gia tăng theo quý.
2. Đối tượng kê khai tính thuế GTGT theo tháng, quý:
Đối tượng kê khai tính thuế giá trị gia tăng theo tháng, theo quý cũng là một trong những vấn đề quan trọng. Căn cứ theo quy định tại Điều 8 của Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Quản lý thuế, có quy định về các loại thuế phải khoản thu thuộc ngân sách nhà nước do cơ quan quản lý thuế quản lý thu thuộc loại kê khai thuế theo tháng. Bao gồm: Thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân.
Trong trường hợp người nộp thuế đáp ứng đầy đủ điều kiện và tiêu chí căn cứ theo quy định tại Điều 9 của Nghị định 126/2020/NĐ-CP, thì sẽ có quyền được lựa chọn khai thuế theo quý. Theo đó, thuế giá trị gia tăng là loại thuế kê khai theo tháng. Tuy nhiên nếu các doanh nghiệp đáp ứng được các tiêu chí căn cứ theo quy định tại Điều 9 của Nghị định 126/2020/NĐ-CP, thì doanh nghiệp đó sẽ được quyền lựa chọn hình thức kê khai thuế giá trị gia tăng theo quý. Cụ thể như sau:
– Đối với doanh nghiệp mới thành lập. Doanh nghiệp mới bắt đầu đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh trên thực tế thì sẽ có quyền lựa chọn hình thức kê khai thuế giá trị gia tăng theo quý. Sau khi doanh nghiệp đó tiến hành hoạt động sản xuất trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng trở lên, thì từ năm dương lịch tiếp theo năm đã đủ 12 tháng hoạt động, sẽ căn cứ vào mức doanh thu của năm dương lịch liên kết trước đó (đủ 12 tháng) để thực hiện hoạt động kê khai theo tháng/kê khai theo quý;
– Đối với doanh nghiệp đang trong quá trình hoạt động. Các doanh nghiệp thuộc đối tượng kê khai thuế giá trị gia tăng theo tháng nếu có tổng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của năm trước liền kề với mức từ 50.000.000.000 đồng trở xuống thì sẽ được quyền thực hiện thủ tục kê khai thuế giá trị gia tăng theo quý. Trong đó cần phải lưu ý, doanh nghiệp buôn bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ được xác định là tổng doanh thu trên tờ khai thuế giá trị gia tăng của các kỳ tính thuế trong năm dương lịch, nếu trong trường hợp doanh nghiệp thực hiện hoạt động kê khai thuế tập trung tại trụ sở chính cho các đơn vị phụ thuộc thì doanh nghiệp buôn bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ trong trường hợp này sẽ bao gồm tổng cả doanh thu của đơn vị thuộc địa điểm kinh doanh đó.
3. Xác định phương pháp kê khai thuế GTGT như thế nào?
Hiện nay, có hai phương pháp tính thuế giá trị gia tăng, đó là phương pháp khấu trừ và phương pháp trực tiếp. Theo đó:
– Đối tượng kê khai thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ sẽ được thực hiện theo quy định tại Điều 12 của Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Quản lý thuế. Theo đó, phương pháp khấu trừ thuế giá trị gia tăng sẽ áp dụng đối với doanh nghiệp thực hiện đầy đủ chế độ kiểm toán, hóa đơn và chứng từ theo quy định của pháp luật. Trong đó bao gồm:
+ Doanh nghiệp có doanh thu bán hàng và cung ứng dịch vụ hằng năm với mức từ 1.000.000.000 đồng trở lên, ngoại trừ hộ kinh doanh hoặc cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp trực tiếp;
+ Các cơ sở kinh doanh tự nguyện thực hiện thủ tục đăng ký áp dụng phương pháp khấu trừ thuế, ngoại trừ hộ kinh doanh hoặc cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp trực tiếp.
– Đối tượng kê khai thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp. Theo đó, đối tượng kê khai thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp chủ yếu là các cơ sở kinh doanh có tiến hành hoạt động mua bán, chế tác vàng bạc, đá quý. Ngoài ra, còn có thể bao gồm một số đối tượng khác như:
+ Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh;
+ Doanh nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động có doanh thu buôn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ hằng năm với mức dưới 1.000.000.000 đồng, ngoại trừ trường hợp đối tượng đăng ký áp dụng tự nguyện phương pháp khấu trừ;
+ Các doanh nghiệp, hợp tác xã mới thành lập, ngoại trừ các doanh nghiệp đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế;
+ Các tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh không có cơ sở thường trú trên lãnh thổ của Việt Nam tuy nhiên phát sinh doanh thu tại Việt Nam, chưa thực hiện đầy đủ chế độ kiểm toán, kế toán, hóa đơn chứng từ theo quy định của pháp luật trong lĩnh vực thuế;
+ Các tổ chức kinh tế khác, ngoại trừ trường hợp đã đăng ký nộp thuế theo phương pháp khấu trừ thuế.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật quản lý thuế năm 2019;
– Thông tư
– Thông tư 43/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc sửa đổi, bổ sung khoản 11 Điều 10 Thông tư
THAM KHẢO THÊM: