Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án hoặc theo quyết định đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là Tòa án. Vậy trong trường hợp chồng cũ cố tình quấy rối (gọi điện làm phiền, xúc phạm ...) sau khi ly hôn thì cần phải xử lý như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Chồng cũ quấy rối sau khi ly hôn thì phải làm như thế nào?
Trước hết, pháp luật hiện nay đề cao và tôn trọng kết hôn/ly hôn tự nguyện, tiến bộ. Tuy nhiên, ly hôn cũng kéo theo nhiều hậu quả pháp lý, trong đó có hậu quả pháp lý về quan hệ nhân thân giữa vợ và chồng. Theo đó, quan hệ nhân thân giữa vợ và chồng sẽ chấm dứt ngay khi quyết định hoặc bản án của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là tòa án giải quyết ly hôn có hiệu lực pháp luật trên thực tế. Cụ thể:
– Các quyền và nghĩa vụ nhân thân giữa vợ và chồng sẽ đương nhiên không còn tồn tại. Đồng thời, các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật về hôn nhân gia đình giữa các bên cũng sẽ không còn;
– Kể từ thời điểm bản án hoặc quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết vụ việc ly hôn có hiệu lực pháp luật trên thực tế, thì cá nhân đó sẽ trở thành người độc thân. Họ hoàn toàn có thể kết hôn với một người khác theo nhu cầu và nguyện vọng của bản thân, không chịu bất cứ một sự ràng buộc nào từ phía bên còn lại.
Vì vậy, sau khi ly hôn, các bên sẽ trở về tình trạng độc thân, không bên nào được quyền cầm cho cuộc sống bình thường và quấy rối bên còn lại. Tuy nhiên trên thực tế hiện nay, xuất phát từ mâu thuẫn bất bình cá nhân, nhiều người chồng sau khi ly hôn vẫn quấy rối vợ cũ thông qua nhiều hình thức khác nhau, đây được coi là hành vi vi phạm quy định của pháp luật, đó có thể là: Hành vi nhắn tin quấy rối, gọi điện quấy rối, hành vi sử dụng vũ lực gây thương tích, đe dọa giết người … đối với vợ cũ. Xét về mặt pháp luật, quan hệ hôn nhân giữa hai người đã chấm dứt, thì đương nhiên giữa họ sẽ không còn bất kỳ sự ràng buộc nào về quyền lợi và nghĩa vụ của vợ chồng đối với nhau. Căn cứ theo quy định tại Điều 33 của Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định về quyền sống, quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng sức khỏe và thân thể của con người. Theo đó:
– Cá nhân có quyền sống, có quyền bất khả xâm phạm về tính mạng và thân thể, cá nhân có quyền được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, không ai có quyền tước đoạt tính mạng của người khác trái quy định của pháp luật;
– Khi phát hiện người bị tai nạn, bệnh tật mà tính mạng bị đe dọa thì người phát hiện cần phải có trách nhiệm và nghĩa vụ, yêu cầu cơ quan tổ chức, cá nhân có liên quan tạo điều kiện cần thiết đường ai người đó đến cơ sở khám chữa bệnh nơi gần nhất, cơ sở khám chữa bệnh cần phải có trách nhiệm và nghĩa vụ thực hiện hoạt động khám chữa bệnh theo quy định của pháp luật về khám chữa bệnh đối với bệnh nhân.
Theo đó thì có thể nói, người chồng không được phép thực hiện hành vi vi phạm, quấy rối đối với vợ cũ dưới bất kỳ hình thức nào, không được thực hiện hành vi xâm phạm đến tính mạng thân thể, sức khỏe, danh dự nhân phẩm, vì đây là một trong những vấn đề được pháp luật bảo hộ đối với con người, ngay cả khi quan hệ hôn nhân còn tồn tại hay quan hệ hôn nhân đã chấm dứt.
Tùy thuộc vào mức độ và hậu quả của hành vi vi phạm, người chồng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự. Vì vậy, khi bị chồng cũ quấy rối sau ly hôn thì cần phải thực hiện một trong các cách thức như sau:
Thứ nhất, sử dụng biện pháp thỏa thuận và thương lượng. Có thể thỏa thuận và thương lượng với chồng cũ, yêu cầu chồng cũ chấm dứt hành vi quấy rối của mình;
Thứ hai, sau khi đã thỏa thuận thương lượng, tuy nhiên người chồng vẫn không chấm dứt hành vi quấy rối của mình thì cần phải nhờ đến sự can thiệp của cơ quan chức năng. Người bị quấy rối trong trường hợp này cần phải làm đơn trình báo công an, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra vụ việc. Công an và cơ quan nhà nước có thẩm quyền nơi người chồng cũ cư trú cần phải có các biện pháp răn đe, giáo dục, đưa ra các biện pháp để bảo vệ người vợ. Công dân cần phải lưu số điện thoại của tổ trưởng tổ dân phố, tổ trưởng hội phụ nữ, công an khu vực, trực ban công an xã nơi cư trú để có thể kịp thời được hỗ trợ và giải quyết khi có sự việc bất thường xảy ra.
2. Chồng cũ quấy rối sau khi ly hôn có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
Tùy vào hành vi quấy rối khác nhau, người chồng hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh tương ứng khi gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm đến khách thể do bộ luật hình sự bảo vệ. Người chồng cũ quấy rối sau khi ly hôn hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội sau đây: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, tội đe dọa giết người … Cụ thể, khung hình phạt như sau:
Thứ nhất, căn cứ vào kết quả giám định tỷ lệ tổn thương cơ thể, hành vi sử dụng vũ lực gây thương tích của người chồng cũ hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác căn cứ theo quy định tại Điều 134 của Bộ luật hình sự năm 2015. Khung hình phạt cụ thể như sau:
– Khung hình phạt cơ bản là cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm;
– Phạt tù từ 02 năm đến 05 năm trong trường hợp gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;
– Phạt tù từ 04 năm đến 07 năm trong trường hợp gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
– Phạt tù từ 10 năm đến 15 năm trong trường hợp gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên;
– Phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân trong trường hợp làm chết hai người trở lên, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe cho hai người trở lên với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người là từ 61% trở lên, gây thương tích vào vùng mặt của người khác với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên;
– Đối với người chuẩn bị phạm tội thì có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Thứ hai, nếu chồng cũ có hành vi đe dọa tới tính mạng sức khỏe của người vợ hoặc gia đình vợ cũ, người vợ cũ hoàn toàn có thể tố cáo với cơ quan có thẩm quyền đó là công an hoặc tòa án xem xét giải quyết hành vi vi phạm nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đe dọa giết người căn cứ theo quy định tại Điều 133 của Bộ luật hình sự năm 2015. Theo đó, người nào đe dọa giết người, nếu có đầy đủ căn cứ cho người bị đe dọa lo sợ rằng hành vi đe dọa giết người này sẽ được xảy ra trên thực tế thì sẽ bị cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm, không hình phạt tăng nặng là phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
Vì vậy, để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình và của người thân trong gia đình, cá nhân có thể làm đơn tố cáo kèm theo bằng chứng chồng cũ quấy rối, ví dụ như hình ảnh tin nhắn, ghi âm, ghi hình và kết quả giám định tỷ lệ tổn thương cơ thể, sau đó yêu cầu cơ quan công an can thiệp tiến hành điều tra giải quyết, xử lý đúng theo quy định của pháp luật.
3. Chồng cũ gọi điện quấy rối sau khi ly hôn bị xử phạt hành chính bao nhiêu?
Căn cứ theo quy định tại Điều 102 của Nghị định 15/2020/NĐ-CP, có quy định cụ thể về mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về lưu trữ, cho thuê, cung cấp, truy nhập, thu thập, xử lý, trao đổi và sử dụng thông tin. Theo đó, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với các đối tượng thực hiện một trong các hành vi vi phạm quy định như sau:
– Truy cập, sử dụng, tiết lộ, làm gián đoạn, phá hoại, sửa đổi trái phép thông tin và hệ thống thông tin;
– Không thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn chặn quá trình truy cập thông tin hoặc loại bỏ thông tin trái pháp luật theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
– Không thực hiện theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc xác định danh sách chủ sở hữu thuê chỗ lưu trữ thông tin số;
– Không đảm bảo bí mật thông tin của các tổ chức và cá nhân thuê chỗ lưu trữ thông tin số, ngoại trừ trường hợp cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;
– Không thực hiện các biện pháp quản lý, thực hiện các biện pháp kĩ thuật cần thiết để đảm bảo thông tin cá nhân không bị đánh cắp, tiết lộ, thay đổi, phá hủy trong quá trình thu thập, xử lý và sử dụng thông tin cá nhân trên môi trường mạng;
– Thu thập, xử lý, sử dụng thông tin của các tổ chức và cá nhân khác khi không được sự đồng ý của cá nhân đó hoặc sử dụng sai mục đích;
– Cung cấp, trao đổi, đưa chuyển, lưu trữ, sử dụng thông tin nhằm đe dọa, quấy rối, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm danh dự nhân phẩm uy tín của tổ chức, danh dự nhân phẩm uy tín của người khác.
Như vậy, hành vi nhắn tin/gọi điện quấy rối của chồng cũ sau khi ly hôn hoàn toàn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Dân sự năm 2015;
– Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017);
– Nghị định 15/2020/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực bưu chính, viễn thông;
– Nghị định 14/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 15/2020/NĐ-CP và Nghị định 119/2020/NĐ-CP xử phạt VPHC lĩnh vực bưu chính, viễn thông và báo chí, xuất bản.
THAM KHẢO THÊM: