Dự án ứng dụng công nghệ thông tin là một tập hợp các hoạt động có liên quan đến việc nghiên cứu, bỏ vốn để mua sắm, thuê dịch vụ công nghệ thông tin, thiết lập mới, mở rộng hoặc nâng cấp cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật tỏng thời hạn nhất định. Vậy trình tự đầu tư dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Bước chuẩn bị đầu tư trong trình tự đầu tư dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin:
Bước đầu tiên trong trình tự đầu tư dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin đó chính là bước chuẩn bị đầu tư. Nội dung công việc chuẩn bị đầu tư bao gồm có:
– Thực hiện lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư dự án;
– Thực hiện việc khảo sát;
– Thực hiện lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án.
Cụ thể như sau:
1.1. Lập thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư dự án:
– Trình tự, thủ tục, thẩm quyền lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư dự án thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công. Đơn vị được giao lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án tự thực hiện hoặc là thuê tổ chức, cá nhân lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư.
– Nội dung báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án thực hiện theo quy định ở tại Luật đầu tư công. Việc xác định sơ bộ tổng mức đầu tư trong các nội dung của báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án sẽ thực hiện theo phương pháp so sánh hoặc là phương pháp chuyên gia hoặc theo báo giá thị trường hoặc là kết hợp các phương pháp hoặc căn cứ theo kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin được duyệt.
– Trường hợp dự án đầu tư trong lĩnh vực khác có hạng mục ứng dụng công nghệ thông tin, nội dung của báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đề xuất về chủ trương đầu tư hạng mục ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện theo quy định tại Luật đầu tư công.
1.2. Thực hiện khảo sát:
– Lập nhiệm vụ khảo sát và tổ chức thực hiện công tác khảo sát: Nhiệm vụ khảo sát bao gồm những nội dung sau:
+ Mục đích của khảo sát;
+ Phạm vi của khảo sát;
+ Những loại công tác khảo sát dự kiến;
+ Thời gian để thực hiện khảo sát dự kiến.
– Báo cáo kết quả khảo sát: Nội dung báo cáo kết quả khảo sát gồm:
+ Tên của nhiệm vụ khảo sát được duyệt;
+ Đặc điểm, quy mô của đầu tư;
+ Quy trình, phương pháp và thiết bị (nếu như có) dùng cho khảo sát;
+ Số liệu, kết quả khảo sát thực tế. Đối với phần mềm nội bộ thì bổ sung thêm mô tả yêu cầu người sử dụng;
+ Phân tích về số liệu, đánh giá kết quả khảo sát;
+ Đề xuất giải pháp kỹ thuật – công nghệ (nếu có) phục vụ cho việc thiết kế cơ sở hoặc thiết kế chi tiết (ở trong trường hợp khảo sát bổ sung hoặc trường hợp dự án thực hiện lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật);
+ Đưa kết luận và kiến nghị;
+ Những phụ lục có liên quan để minh họa cho kết quả khảo sát thu được (nếu có).
– Nghiệm thu kết quả khảo sát: Nội dung nghiệm thu gồm:
+ Đánh giá về chất lượng công tác khảo sát so với nhiệm vụ khảo sát;
+ Kiểm tra về hình thức và số lượng của báo cáo kết quả khảo sát;
+ Nghiệm thu khối lượng công việc khảo sát theo như hợp đồng đã ký kết.
1.3. Lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án:
– Nội dung chính của báo cáo kinh tế – kỹ thuật bao gồm có:
+ Đánh giá sự tuân thủ Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, Kiến trúc Chính phủ điện tử cấp bộ hoặc là Kiến trúc Chính quyền điện tử cấp tỉnh;
+ Phân tích, lựa chọn phương án công nghệ, kỹ thuật, thiết bị, trong đó có phân tích, lựa chọn phương án bảo đảm được tính kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống hạ tầng kỹ thuật, phần mềm, những cơ sở dữ liệu liên quan; yêu cầu về tính sẵn sàng với IPv6 hoặc là giải pháp nâng cấp hệ thống bảo đảm sẵn sàng với IPv6 nếu có các nội dung liên quan hoạt động trên môi trường Internet.
2. Bước thực hiện đầu tư trong trình tự đầu tư dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin:
Đây là bước thứ hai trong trình tự đầu tư dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin. Nội dung công việc trong giai đoạn thực hiện đầu tư gồm có:
– Thực hiện việc khảo sát bổ sung (nếu như cần thiết):
+ Chủ đầu tư có trách nhiệm xem xét, quyết định về việc khảo sát bổ sung.
+ Báo cáo kết quả khảo sát bổ sung phải được chủ đầu tư kiểm tra, nghiệm thu và là cơ sở cho triển khai lập hoặc là thay đổi, điều chỉnh, bổ sung thiết kế chi tiết hoặc thiết kế cơ sở của báo cáo nghiên cứu khả thi.
– Thỏa thuận sử dụng tần số, tài nguyên số quốc gia (nếu như yêu cầu phải có thỏa thuận về sử dụng tần số, tài nguyên số theo quy định của pháp luật có liên quan).
– Lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế chi tiết, trừ trường hợp dự án thực hiện lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật: khi này Chủ đầu tư tự thực hiện hoặc thuê các tổ chức, cá nhân lập thiết kế chi tiết và dự toán. Trong quá trình thực hiện thiết kế, được phép sử dụng thiết kế điển hình cho các mô hình ứng dụng công nghệ thông tin tương tự nhau.
– Tổ chức lựa chọn nhà thầu và thực hiện những hợp đồng.
– Kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện những hợp đồng.
– Quản lý việc thực hiện dự án.
– Kiểm thử hoặc là vận hành thử:
+ Sản phẩm của dự án phải được kiểm thử hoặc là vận hành thử tại ít nhất một đơn vị thụ hưởng trước khi tiến hành nghiệm thu.
+ Trường hợp thực hiện kiểm thử, tùy điều kiện cụ thể, chủ đầu tư có thể lựa chọn một trong những hình thức sau:
++ Hình thức tự kiểm thử;
++ Thuê tổ chức, cá nhân kiểm thử độc lập mà có đủ năng lực, phương tiện và điều kiện để thực hiện kiểm thử.
+ Sản phẩm của dự án sau khi được nhà thầu bổ sung, hoàn thiện phải được chủ đầu tư tổ chức kiểm thử hoặc là vận hành thử lại. Quá trình này chỉ kết thúc khi sản phẩm đáp ứng yêu cầu chất lượng.
– Bàn giao các sản phẩm, hạng mục công việc của dự án.
– Đào tạo về hướng dẫn sử dụng, triển khai, hỗ trợ, quản trị, vận hành và khai thác.
– Nghiệm thu, bàn giao dự án: Sản phẩm hoặc hạng mục công việc của dự án chỉ được bàn giao cho chủ đầu tư sau khi mà đã nghiệm thu đạt yêu cầu chất lượng. Chủ đầu tư tổ chức nghiệm thu, bàn giao sản phẩm hoặc là hạng mục công việc của dự án với sự tham gia của những tổ chức, cá nhân tư vấn, cung cấp thiết bị, triển khai và cơ quan, đơn vị liên quan (nếu có).
– Lập hồ sơ hoàn thành, lưu trữ hồ sơ của dự án theo đúng quy định.
3. Bước kết thúc đầu tư trong trình tự đầu tư dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin:
Đây là bước cuối cùng trong trình tự đầu tư dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin. Nội dung công việc thực hiện trong giai đoạn này bao gồm có:
– Bảo hành các sản phẩm của dự án:
+ Thời hạn tối thiểu bảo hành sản phẩm của dự án được tính từ ngày chủ đầu tư ký biên bản nghiệm thu bàn giao, đưa các sản phẩm hoặc hạng mục công việc của dự án vào khai thác, sử dụng và được quy định như sau:
++ Bảo hành 24 tháng đối với các sản phẩm của dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A;
++ Bảo hành 12 tháng đối với các sản phẩm của dự án nhóm B, C.
+ Mức tiền bảo hành tối thiểu được tính bằng tỷ lệ phần trăm (%) giá trị của sản phẩm của dự án và được quy định như sau:
++ Đối với sản phẩm mà có thời hạn bảo hành 24 tháng là 03%;
++ Đối với sản phẩm mà có thời hạn bảo hành 12 tháng là 05%.
+ Trách nhiệm của những bên về bảo hành:
++ Chủ đầu tư, cơ quan, đơn vị quản lý, sử dụng sản phẩm của dự án phải có trách nhiệm:
Kiểm tra, phát hiện ra sai hỏng để yêu cầu nhà thầu sửa chữa, khắc phục, thay thế.
Giám sát và nghiệm thu các công việc khắc phục, sửa chữa, thay thế của nhà thầu;
Xác nhận việc hoàn thành bảo hành sản phẩm của dự án cho nhà thầu.
++ Nhà thầu phải có trách nhiệm:
Tổ chức khắc phục, sửa chữa, thay thế ngay sau khi có yêu cầu của chủ đầu tư, đơn vị quản lý, sử dụng các sản phẩm của dự án và phải chịu mọi phí tổn khắc phục, sửa chữa, thay thế;
Từ chối bảo hành trong các trường hợp: Hư hỏng không phải do lỗi của nhà thầu gây ra; chủ đầu tư mà vi phạm quy định quản lý nhà nước bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền buộc phải gỡ bỏ; sử dụng sản phẩm của dự án sai quy trình vận hành.
+ Nhà thầu phải bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra hư hỏng, sự cố, sai hỏng đối với sản phẩm của dự án kể cả là sau thời gian bảo hành, tùy theo mức độ vi phạm còn bị xử lý theo quy định của pháp luật.
– Quyết toán vốn đầu tư và phê duyệt quyết toán: Việc thanh toán, quyết toán dự án thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Chủ đầu tư hoặc là đại diện hợp pháp của chủ đầu tư chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, tính hợp pháp của các đơn giá, khối lượng và giá trị đề nghị thanh toán trong hồ sơ thanh toán.
Những văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Nghị định 73/2019/NĐ-CP quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng ngân sách.
THAM KHẢO THÊM: