Việc nhặt được tài sản của người khác là tình huống có thể xảy ra bất kỳ lúc nào trong cuộc sống. Tuy nhiên, nhiều người vì lòng tham hoặc thiếu hiểu biết đã có hành vi cố ý không trả lại tài sản nhặt được, dẫn đến những hậu quả pháp lý nghiêm trọng. Bài viết này sẽ làm rõ vấn đề cố ý không trả lại tài sản nhặt được có bị đi tù không.
Mục lục bài viết
1. Cố tình không trả lại tài sản nhặt được có bị đi tù không?
Theo quy định của pháp luật hiện hành, người nhặt được tài sản có trách nhiệm trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp hoặc phải giao nộp lại cho cơ quan có thẩm quyền. Nếu chủ sở hữu yêu cầu trả lại tài sản mà người nhặt được không thực hiện, họ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc hình sự.
Trường hợp các chủ thể trên có yêu cầu trả lại tài sản nhưng người nhặt được không trả lại tài sản nhặt được thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị xử lý hình sự, cụ thể:
* Xử phạt vi phạm hành chính với người không trả lại tài sản nhặt được:
Căn cứ theo Nghị định 144/2021/NĐ-CP, người chiếm giữ trái phép tài sản của người khác (chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự) sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Ngoài ra, họ còn bị buộc phải trả lại tài sản đã chiếm giữ.
– Ví dụ 01: Anh T đi uống cà phê tại quán vỉa hè và thấy chị B đi qua làm rơi ví, nhưng anh T không kêu chị B lại để đưa ví cho chị B mà nhân lúc không có ai để ý đã nhặt ví của chị B mang về nhà và tiêu sài tiền trong ví của chị B. Hành vi của anh T là đã cất giữ và sử dụng tài sản của người khác mà biết rõ tài sản đó là do hành vi vi phạm pháp luật (nhặt được nhưng không trả lại) của mình mà có. Do đó Anh T có thể bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
* Xử lý hình sự với người không trả lại tài sản nhặt được:
Người nào có hành vi chiếm giữ trái phép tài sản của người khác và đáp ứng đủ các yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định tại Điều 176 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chiếm giữ trái phép tài sản. Cụ thể:
* Khung 1:
Đối với Hành vi Cố ý không trả lại tài sản cho chủ sở hữu hợp pháp, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có thẩm quyền đối với tài sản:
Trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc dưới 10.000.000 đồng nhưng là di vật, cổ vật bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được.
Hậu quả: Sau khi được chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có thẩm quyền yêu cầu nhận lại tài sản mà vẫn không thực hiện, người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
* Khung 2:
Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
– Ví dụ 02: Anh T đi uống cà phê tại quán vỉa hè và thấy chị B đi qua làm rơi ví, nhưng anh T không kêu chị B lại để đưa ví cho chị B mà nhân lúc không có ai để ý đã nhặt ví của chị B mang về nhà và tiêu sài tiền trong ví của chị (số tiền có trong ví là 15.000.000 đồng). Vì giá trị tài sản mà anh T chiếm giữ là trên 10.000.000 đồng. Do đó anh T có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội chiếm giữ trái phép tài sản” theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Như vậy, tùy theo các mức độ vi phạm, giá trị của tài sản mà các đối tượng phạm tội sẽ phải chịu trách nhiệm về các khung hình phạt khác nhau.
2. Nhặt được tài sản thì sau bao lâu được “bỏ túi”?
Theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015, người nhặt được tài sản sau 1 năm kể từ ngày thông báo công khai về tài sản mà không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận sẽ được xác lập quyền sở hữu đối với tài sản đó theo các trường hợp sau:
– Tài sản có giá trị nhỏ hơn hoặc bằng 14.900.000 đồng (nhỏ hơn hoặc bằng mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định) thì người nhặt được được xác lập quyền sở hữu đối với tài sản đó theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 và quy định khác của pháp luật có liên quan.
– Tài sản có giá trị lớn hơn 14.900.000 đồng ( lớn hơn mức lương cơ sở do Nhà nước quy định) thì sau khi trừ chi phí bảo quản, người nhặt được được hưởng:
Giá trị bằng mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định (14.900.000 đồng) và 50% giá trị của phần vượt quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định, phần giá trị còn lại thuộc về Nhà nước;
– Đối với tài sản thuộc di tích lịch sử – văn hóa theo quy định của Luật di sản văn hóa thì sẽ thuộc về Nhà nước. Tuy nhiên, người nhặt được sẽ được hưởng khoản tiền thưởng theo quy định của pháp luật.
3. Nên làm gì khi nhặt được tài sản của khác đánh rơi?
Theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, tài sản bị đánh rơi, bỏ quên được coi là tài sản không xác định được chủ sở hữu. Người nhặt được tài sản có trách nhiệm thực hiện các bước sau:
Trường hợp không xác định được chủ sở hữu:
– Thông báo hoặc giao nộp tài sản cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an cấp xã nơi gần nhất.
– Hợp tác với cơ quan chức năng để thông báo công khai nhằm tìm kiếm chủ sở hữu.
– Sau 1 năm, nếu không có ai đến nhận, người nhặt được sẽ xác lập quyền sở hữu đối với tài sản theo quy định của pháp luật.
Trường hợp xác định được chủ sở hữu:
Ví dụ như đang đi đường thì thấy một người đi trước đánh rơi chìa khóa hoặc rơi một vật dụng nào đó từ chính người đó. Hay đồ đánh rơi tuy không tận mắt chứng kiến người làm rơi nhưng căn cứ vào tài sản đó có thể xác định được ai là chủ sở hữu như đánh rơi thẻ căn cước công dân, bằng lái xe, hộ chiếu… thì người nhặt được phải:
– Trả lại tài sản cho người đánh rơi hoặc bỏ quên.
– Liên hệ trực tiếp với chủ sở hữu thông qua thông tin cá nhân có trên tài sản (nếu có).
– Giao nộp tài sản cho cơ quan chức năng nếu không thể liên lạc với chủ sở hữu.
Lưu ý:
Người nhặt được tài sản tuyệt đối không chiếm giữ trái phép tài sản nhặt được. Đồng thời, khi nhặt được tài sản phải thông báo đầy đủ thông tin về tài sản cho cơ quan chức năng cũng như hợp tác với cơ quan chức năng trong quá trình xác định chủ sở hữu.
Như vậy, trong tình huống nhìn thấy tài sản bị đánh rơi, dù là tài sản ít giá trị hay có giá trị lớn, thì việc cần làm lúc này là phải thông báo hoặc giao nộp ngay cho cơ quan có thẩm quyền biết để công khai tìm lại chủ sở hữu tài sản đó.
4. Rút tiền trong thẻ tín dụng nhặt được của người khác có phạm tội không?
Việc nhặt được thẻ tín dụng của người khác và sử dụng thẻ để rút tiền được xem là hành vi phạm tội, cụ thể là tội trộm cắp tài sản theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).
Mặc dù Bộ luật Hình sự hiện nay không nêu rõ hành vi trộm cắp tài sản qua thẻ tín dụng như thế nào, nhưng theo thực tiễn xét xử các vụ án trộm cắp tài sản, hành vi này có đầy đủ các yếu tố cấu thành tội phạm bao gồm:
Là hành vi lén lút lút lấy tài sản của chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm quản lý tài sản mà không dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực hoặc bất cứ một thủ đoạn nào nhằm uy hiếp tinh thần của người quản lý tài sản.
Hành vi rút tiền từ thẻ tín dụng nhặt được có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, bao gồm:
– Gây thiệt hại về tài sản cho chủ sở hữu thẻ tín dụng.
– Xâm phạm quyền sở hữu hợp pháp của chủ sở hữu thẻ tín dụng.
– Gây rối trật tự xã hội.
Do đó, tuyệt đối không nên nhặt được thẻ tín dụng của người khác và sử dụng thẻ để rút tiền. Thay vào đó, cần thông báo cho cơ quan chức năng hoặc trả lại thẻ cho chủ sở hữu hợp pháp.
Như vậy, đối chiếu với trường hợp nêu trên thì những người nhặt được thẻ tín dụng, nhặt được thẻ ATM mà có hành vi rút tiền nhằm chiếm đoạt tài sản của chủ thẻ thì hoàn toàn có thể bị khởi tố về tội trôm cắp tài sản.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017);
Bộ Luật Dân sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).
THAM KHẢO THÊM: