Khi người bị hại phát hiện tài sản của mình đã bị trộm mất, người bị hại tốt nhất nên trình báo đến cơ quan công an gần nhất để được giải quyết. Trong trường hợp biết được người thực hiện hành vi trộm cắp của mình đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú, người bị hại cũng nên nhanh chóng thông báo cho công an khu vực.
Mục lục bài viết
1. Cấu thành tội phạm và hình phạt của Tội trộm cắp tài sản:
1.1. Khách thể:
Quan hệ xã hội bị xâm phạm: Tội trộm cắp tài sản xâm phạm đến khách thể là quan hệ sở hữu đối với tài sản của tổ chức, cá nhân, cơ quan, Nhà nước.
Đối tượng tác động: Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản (căn cứ theo quy định tai khoản 1 Điều 173 Bộ Luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017); Điều 163 Bộ Luật dân sự 2015).
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, tài sản thuộc đối tượng tác động của Tội trộm cắp tài sản quy định tại Điều 173 Bộ Luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) có thể là tài sản hợp pháp hoặc không hợp pháp; tài sản bị trộm vẫn nằm trong sự quản lý của chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản.
1.2. Mặt khách quan:
Hành vi: Người phạm tội thực hiện hành vi nhằm chiếm đoạt tài sản của nạn nhân, người bị hại bằng cách lén lút, lợi dụng sơ hở và sự mất cảnh giáo của chủ sở hữu, người quản lý tài sản để chiếm đoạt bất hợp pháp tài sản đó thành của mình. Ví dụ: Lợi dụng khi đông người tại hội chợ và lợi dụng chủ sở hữu tài sản đang lơ là, mất cảnh giác với tài sản, người phạm tội chủ động chen lấn, xô đẩy nhằm trộm tài sản đang trong sự quản lý của người bị hại được xem là thực hiện hành vi trộm cắp tài sản.
Thủ đoạn: Người phạm tội sử dụng thủ đoạn lén lút nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác. Tuy nhiên, với thủ đoạn lén lút của tội này, người phạm tội cho thể sử dụng để che dấu hành vi phạm tội với mọi người nhưng cũng có thể là chỉ che giấu với riêng chủ sở hữu hay người đang quản lý tài sản mà thôi; khi đó, với dù những người còn lại phát hiện ra hành vi phạm tội đang thực hiện nhưng chỉ sở hữu hay người đang quản lý tài sản không biết do có hành vi lén lút của người phạm tội che giấu thì người phạm tội vẫn được xem là phạm tội nếu đáp ứng đủ các dấu hiệu định tội khác.
Công cụ và phương tiện phạm tội: Không phải là dấu hiệu bắt buộc để định Tội trộm cắp tài sản.
1.3. Mặt chủ quan:
Dấu hiệu lỗi: Người phạm tội thực hiện tội phạm với lỗi cố ý trực tiếp.
Mục đích phạm tội: Người phạm tội thực hiện hành vi trộm cắp tài sản nhằm chiếm đoạt được tài sản của người bị hại, làm họ mất đi khả năng định đoạt thực tế của tài sản. Do vậy, kể từ thời điểm khi người phạm tội trộm cắp lấy được tài sản thì tội phạm xem như đã hoàn thành.
1.4. Chủ thể:
Chủ thể của tội Trộm cắp tài sản theo quy định tại Điều 173 Bộ Luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) là chủ thể thường: Đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự và đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự.
1.5. Người phạm tội trộm cắp tài sản bị xử lý như thế nào ?
Căn cứ theo quy định tại Điều 173 Bộ Luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), tùy vào giá trị tài sản mà người phạm tội trộm của người bị hại hoặc tiền án, tiền sự, mức độ vi phạm của hành vi mà Luật có những mức án khác nhau. Cụ thể:
Nếu giá trị của tài sản thiệt hại là từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc các trường hợp quy định từ điểm a đến điểm d khoản 1 Điều 173 Bộ Luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) thì người phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 173 Luật này.
Nếu giá trị tài sản thiệt hại là từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc người phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định từ điểm a đến điểm g khoản 2 Điều 173 Bộ Luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) thì sẽ phải đối mặt với khung hình phạt từ 02 năm đến 07 năm theo quy định tại khoản 2 Điều 173 Luật này.
Nếu giá trị tài sản thiệt hại là từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc người phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định từ điểm a đến điểm c khoản 3 Điều 173 Bộ Luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) thì có thể bị áp dụng hình phạt tù với thời hạn 07 năm đến 15 năm căn cứ khoản 3 Điều 173 Luật này.
Nếu giá trị tài sản thiệt hại là từ 500.000.000 đồng trở lên hoặc thuộc một trong các trường hợp tại điểm a, điểm b và điểm c khoản 4 Điều 173 Bộ Luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) thì sẽ chịu mức án “kịch khung” của tội phạm này là từ 12 năm đến 20 năm tù căn cứ khoản 4 Điều 173 Luật này.
Bên cạnh hình phạt chính là phạt cải tạo không giam giữ hay phạt tù thì người phạm tội Trộm cắp tài sản theo khoản 5 Điều 173 Bộ Luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) thì có thể phải chịu thêm hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
2. Người phạm tội Trộm cắp tài sản bỏ trốn khỏi nơi cư trú sẽ bị xử lý thế nào?
2.1. Nơi cư trú theo quy định pháp luật được hiểu là gì?
Nơi cư trú của một cá nhân theo quy định tại Điều 11 Luật cư trú 2020 bao gồm nơi thường trú và nơi tạm trú. Cụ thể:
Nơi tạm trú: được xác định là nơi cá nhân thực tế sinh sống trong khoảng thời gian xác định và có đăng ký tạm trú tại cơ quan quản lý trật tự dân cư của nơi đó.
Nơi thường trú: được xác định là thông tin ghi trên Căn cước công dân hay chứng minh nhân dân, hộ chiếu của cá nhân và là nơi sinh sống lâu dài, mang tính ổn định cũng như đã đăng ký thường trú với cơ quan quản lý trật tự dân cư nơi đó.
Tuy nhiên, nếu trong trường hợp không thể xác định được nơi thường trú hay nơi tạm trú của một cá nhân thì dựa theo quy định tại khoản 1 Điều 19 Luật Cư trú 2020, nơi cư trú lúc này được xác định là nơi sinh sống thực tế hiện nay của cá nhân đó.
2.2. Xử lý người phạm tội Trộm cắp tài sản bỏ trốn khỏi nơi cư trú:
Ngay khi phát hiện tài sản của mình đã bị trộm, người bị hại cần nhanh chóng đến cơ quan công an gần nhất để khai báo về thiệt hại của mình. Sau đó, cơ quan điều tra khi nhận được thông tin tố giác mà người bị hại cung cấp sẽ tiếp nhận thông tin, chứng cứ mà người bị hại cung cấp và mở cuộc xác minh những thông tin này. Nếu nhận thấy có dấu hiệu tội phạm thì cơ quan điều tra sẽ tiến hành thủ tục khởi tố vụ án để chuyển sang giai đoạn điều tra, khởi tố hình sự đối với người phạm tội.
Tuy nhiên, trong trường hợp chưa xác định được bị can hoặc không xác minh được hiện tại, bị can đang thực tế ở đâu mà thời hạn điều tra vụ án đã hết (xác định dựa trên căn cứ tại Điều 172 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015) thì cơ quan điều tra phải ra quyết định truy nã bị can; sau đó ra quyết định tạm đình chỉ điều tra theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 229 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).
Nếu trong thời gian truy nã, cơ quan điều tra hoặc người bị hại biết được bị can đang cư trú thực tế tại đâu và báo cho cơ quan điều tra thì cơ quan điều tra sẽ tiếp tục khôi phục lại vụ án để điều tra. Sau quá trình này, nếu nhận thấy đủ căn cứ để cấu thành tội phạm thì cơ quan điều tra sẽ chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát. Cơ quan này sẽ tiếp tục quá trình truy tố và luận tội để xử lý đúng người, đúng tội cũng như bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của người bị hại.
Những văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ Luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017);
– Bộ Luật tố tụng hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017);
– Bộ Luật dân sự 2015;
– Luật Cơ trú 2020.
THAM KHẢO THÊM: