Quy định quan hệ cấp dưỡng có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc bảo đảm quyền và nghĩa vụ quan tâm, nuôi dưỡng nhau giữa các thành viên trong gia đình, giáo dục tư tưởng đạo đức lối sống giữ gìn truyền thống gia đình. Vậy anh chị em ruột có nghĩa vụ cấp dưỡng cho nhau hay không?
Mục lục bài viết
1. Anh chị em ruột có nghĩa vụ cấp dưỡng cho nhau không?
Cấp dưỡng là việc một người có quyền và nghĩa vụ đóng góp tiền, hiện vật để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà đang có quan hệ huyết thống, nuôi dưỡng hoặc đã từng có quan hệ hôn nhân, trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, là người đã thành niên tuy nhiên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi lấy chính bản thân mình, là người gặp khó khăn và túng thiếu theo quy định của pháp luật về hôn nhân gia đình. Cấp dưỡng là một trong những thuật ngữ pháp lý được sử dụng rộng rãi theo quy định của pháp luật hiện hành. Tư tưởng về cấp dưỡng cũng “manh nha” xuất hiện từ rất sớm, cho đến thời đại hiện nay, cấp dưỡng nói chung và cấp dưỡng giữa các thành viên trong gia đình nói riêng là một trong những chế định đóng vai trò vô cùng quan trọng, đảm bảo quyền và nghĩa vụ quan tâm, chăm sóc, nuôi dưỡng giữa các thành viên trong gia đình, cùng cố quan hệ gia đình, nâng cao trách nhiệm của mỗi chủ thể trong quan hệ hôn nhân gia đình, đồng thời giáo dục tư tưởng đạo đức lối sống cũng như gìn giữ, phát huy truyền thống hiếu – nghĩa của con người Việt Nam.
Theo quy định của pháp luật, hoạt động cấp dưỡng chỉ được đặt ra khi đáp ứng được đầy đủ các điều kiện sau đây:
– Phát sinh giữa những người có quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng;
– Người được cấp dưỡng phải được xác định là những người chưa thành niên hoặc đã thành niên tuy nhiên không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi lấy chính bản thân mình, hoặc người được cấp dưỡng được xác định là những người gặp khó khăn và túng thiếu theo quy định của pháp luật về hôn nhân gia đình;
– Người được cấp dưỡng hiện nay không chung sống với người có nghĩa vụ cấp dưỡng;
– Người cấp dưỡng sẽ cần phải tiến hành hoạt động đóng góp tiền, tài sản để đáp ứng nhu cầu thiết yếu cho người được cấp dưỡng.
Đồng thời, theo quy định của pháp luật, nghĩa vụ cấp dưỡng là nghĩa vụ gắn liền với nhân thân, không thể thay thế bằng các nghĩa vụ khác cũng như người có nghĩa vụ cấp dưỡng cũng không được phép chuyển giao nghĩa vụ cấp dưỡng này cho người khác.
Và căn cứ theo quy định tại Điều 107 của Luật hôn nhân gia đình năm 2014 có quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng. Cụ thể như sau:
– Nghĩa vụ cấp dưỡng sẽ được thực hiện giữa những người có quan hệ là cha mẹ và con, giữa anh chị em với nhau, giữa ông bà nội với cháu, giữa ông bà ngoại với cháu, giữa cô/dì/chú/cậu/bác ruột và cháu ruột, giữa những người là vợ và chồng theo quy định của pháp luật về hôn nhân gia đình;
– Nghĩa vụ cấp dưỡng là nghĩa vụ gắn liền với nhân thân và không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác, người có nghĩa vụ cấp dưỡng không thể chuyển giao cho người khác;
– Trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng có hành vi trốn tránh nghĩa vụ của mình, theo yêu cầu của các cá nhân, cơ quan hoặc tổ chức được quy định cụ thể tại Điều 119 của Luật hôn nhân gia đình năm 2014, cơ quan có thẩm quyền đó là tòa án sẽ buộc người có nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật.
Theo đó thì có thể nói, có thể khẳng định các mối quan hệ phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng bao gồm:
– Mối quan hệ giữa cha mẹ và con;
– Anh chị em với nhau;
– Ông bà nội và ông bà ngoại với cháu;
– Cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột;
– Mối quan hệ giữa vợ và chồng.
Tổng hợp tất cả các điều luật nêu trên, anh chị em ruột là một trong những mối quan hệ phát sinh nghĩa vụ cấp dưỡng đối với nhau. Hay nói cách khác, trong một số trường hợp nhất định, anh chị em ruột hoàn toàn có nghĩa vụ cấp dưỡng cho nhau.
2. Anh chị em ruột có nghĩa vụ cấp dưỡng cho nhau trong trường hợp nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 112 của Luật hôn nhân gia đình năm 2014 có quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng giữa anh chị em với nhau. Theo đó, trong trường hợp không còn cha mẹ hoặc con cha mẹ tuy nhiên cha mẹ được xác định là những người không có đủ khả năng lao động và cha mẹ không có tài sản để cấp dưỡng cho con cái, thì anh/chị đã thành niên không còn chung sống với em sẽ phải có trách nhiệm và nghĩa vụ cấp dưỡng cho em chưa thành niên, những người em không có tài sản để có khả năng tự nuôi chính bản thân mình, hoặc em đã thành niên tuy nhiên cũng không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình, hoặc em đã thành niên tuy nhiên không chung sống với anh chị cũng sẽ phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho anh chị nếu như họ là những người không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
– Theo đó thì có thể nói, anh chị em sẽ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho nhau nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
– Không còn cha mẹ;
– Còn cha mẹ tuy nhiên không có khả năng lao động, không có tài sản để cấp dưỡng cho con.
Trong trường hợp này, nếu anh chị được xác định là người đã thành niên không chung sống với em thì sẽ phải có trách nhiệm và nghĩa vụ cấp dưỡng cho em chưa thành niên không có tài sản tự nuôi chính bản thân mình hoặc em đã thành niên tuy nhiên cũng không có khả năng lao động, không có tài sản riêng để tự nuôi bản thân mình.
Và ngược lại, nếu em đã thành niên không còn chung sống với anh chị, anh chị không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi chính bản thân mình thì người em cũng sẽ phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho anh chị theo quy định của pháp luật.
Mọi hành vi trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng của anh chị em ruột với nhau trong trường hợp bắt buộc phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Căn cứ theo quy định tại Điều 57 của Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình, có quy định về mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về cấp dưỡng. Theo đó, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với các đối tượng thực hiện một trong những hành vi vi phạm quy định của pháp luật như sau:
– Từ chối nghĩa vụ cấp dưỡng hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng sau khi thực hiện thủ tục ly hôn, từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng giữa anh chị em với nhau, giữa ông bà nội với cháu, ông bà ngoại với cháu theo quy định của pháp luật về hôn nhân gia đình;
– Từ chối nghĩa vụ cấp dưỡng hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, nghĩa vụ nuôi dưỡng cha mẹ, nghĩa vụ cấp dưỡng và chăm sóc con cái sau khi thực hiện thủ tục ly hôn.
Theo đó, người nào có hành vi trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng sẽ bị phạt tiền với mức cao nhất là 10.000.000 đồng.
3. Anh chị em ruột có nghĩa vụ cấp dưỡng cho nhau với mức như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 116 của Luật hôn nhân gia đình năm 2014 có quy định về mức cấp dưỡng. Cụ thể như sau:
– Mức cấp dưỡng trên thực tế sẽ do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của những người đó thỏa thuận với nhau dựa trên nhiều căn cứ khác nhau, có thể căn cứ vào thu nhập thực tế, khả năng tình hình tài chính thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng phải dựa trên nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng, nếu các bên không thể thỏa thuận được với nhau thì có thể yêu cầu tòa án giải quyết;
– Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng đó có thể thay đổi. Quá trình thay đổi mức cấp dưỡng cũng sẽ do các bên thỏa thuận, nếu các bên không thỏa thuận được thì vẫn có thể yêu cầu tòa án giải quyết để thay đổi mức cấp dưỡng sao cho phù hợp với tình hình thực tế.
Theo đó, mức cấp dưỡng có thể sẽ được thỏa thuận giữa anh chị em có nghĩa vụ cấp dưỡng với nhau dựa trên nhu cầu và khả năng thực tế của người cấp dưỡng, pháp luật không quy định cụ thể về một mức cấp dưỡng nhất định.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Dân sự năm 2015;
– Luật Hôn nhân gia đình năm 2014;
– Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.
THAM KHẢO THÊM: