Hiện nay, việc tính hao mòn tài sản hạ tầng giao thông, thủy lợi phải được thực hiện theo danh mục tài sản, tỷ lệ hao mòn và theo kỳ kế toán được thực hiện mỗi năm một lần. Vậy mẫu bảng tính hao mòn tài sản hạ tầng giao thông, thủy lợi gồm có những nội dung gì?
Mục lục bài viết
1. Mẫu bảng tính hao mòn tài sản hạ tầng giao thông, thủy lợi:
Bảng tính hao mòn TSHTGT- TL được xây dựng với mục đích là dùng để phản ánh số hao mòn đã tính của từng loại TSHTGT- TL cho các đối tượng TSHTGT- TL. Bảng tính này áp dụng cho các đơn vị phải tính hao mòn TSHTGT- TL vào cuối năm để có cơ sở ghi giảm nguyên giá TSHTGT- TL. Trong bài viết này, Luật Dương Gia cung cấp mẫu bảng tính hao mòn tài sản hạ tầng giao thông, thủy lợi như sau:
ĐƠN VỊ:…… BỘ PHẬN: …… MÃ QHNS: …… | Mẫu số C61-HD (Ban hành theo Thông tư số 76/2019/TT-BTC ngày 05/11/2019 của Bộ Tài chính) |
BẢNG TÍNH HAO MÒN TÀI SẢN HẠ TẦNG GIAO THÔNG, THỦY LỢI
Năm……
Số:….
STT | Loại TSHTGT- TL | Số hiệu TSHTGT- TL | Nguyên giá | Tỷ lệ hao mòn | Giá trị hao mòn |
A | B | C | 1 | 2 | 3 = 1 x 2 |
Cộng | x |
Ngày ….tháng….năm……
NGƯỜI LẬP (Ký, họ tên) | KẾ TOÁN TRƯỞNG/PHỤ TRÁCH KẾ TOÁN (Ký, họ tên) | THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ (Ký, họ tên, đóng dấu) |
Hướng dẫn phương pháp lập và quy định trách nhiệm ghi:
Nội dung được ghi nhận trong Góc trên, bên trái của Bảng tính hao mòn TSHTGT- TL phải thể hiện được đầy đủ tên đơn vị (hoặc đóng dấu đơn vị), bộ phận và mã đơn vị có quan hệ với ngân sách. Bảng tính hao mòn TSHTGT- TL được lập theo kỳ hạn quy định tính hao mòn TSHTGT- TL cho các đối tượng TSHTGT- TL (thường là cuối năm).
Nội dung thể hiện ở Cột A, B, C: đó là ghi số thứ tự, tên TSHTGT- TL và số thẻ TSHTGT- TL của đơn vị
Cột 1: Là nơi chứa thông tin về nguyên giá của từng TSHTGT- TL
Cột 2: Cá nhân sẽ điền tỷ lệ hao mòn của từng TSHTGT- TL
Cột 3: Được sử dụng để thể hiện giá trị hao mòn tính trong kỳ của từng TSHTGT- TL (Cột 3 = Cột 1 x cột 2)
Bảng tính hao mòn này sẽ thuộc trách nhiệm của kế toán TSHTGT- TL lập. Sau khi hoàn tất việc lập bảng tính này thì người lập bảng ký, ghi rõ họ tên và chuyển cho Kế toán trưởng (hoặc phụ trách kế toán) và Thủ trưởng đơn vị ký, ghi rõ họ tên. Hiện nay, Bảng tính hao mòn sẽ được sử dụng là cơ sở để ghi sổ TSHTGT- TL (phần hao mòn), sổ chi tiết TK 467 để tính giá trị còn lại của TSHTGT- TL và các sổ kế toán khác có liên quan.
2. Có phải đối tượng nào cũng phải lập bảng tính hao mòn tài sản hạ tầng giao thông, thủy lợi?
Có thể thấy việc cơ quan có thẩm quyền tiến hành các thủ tục để tính hao mòn tài sản hạ tầng giao thông, thủy lợi sẽ giúp cho việc quản lý chất lượng của tài sản hạ tầng, từ đó xây dưng hướng giải quyết khắc phục tình trạng xuống cấp tài sản hạ tầng giao thông, thủy lợi. Theo quy định tại Điều 6 Thông tư 75/2018/TT-BTC thì phạm vi tài sản và nguyên tắc được sử dụng để tính hao mòn tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi được hướng dẫn thông qua các nội dung sau:
– Tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi nằm trong những đối tượng ghi sổ kế toán quy định tại Điều 3 Thông tư này bắt buộc phải tính hao mòn, trừ tài sản quy định tại Khoản 2 Điều này;
– Bên cạnh đó, có ghi nhận những tài sản kết cấu hạ tầng dưới đây không phải tính giá trị hao mòn:
+ Trong trường hợp nhận thấy tài sản chưa hết hao mòn nhưng bị hư hỏng không sử dụng được;
+ Thậm chí khi tài sản đã tính hết hao mòn nhưng vẫn còn sử dụng được thì cũng không bắt buộc phải tính giá trị hao mòn;
+ Loại trừ việc tính hao mòn tài sản hạ tầng đối với tài sản mà cơ quan, đơn vị đang thuê sử dụng;
+ Cuối cùng là tài sản mà cơ quan, đơn vị đang bảo quản hộ, giữ hộ.
– Cá nhân khi tiến hành việc tính hao mòn tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi phải thực hiện theo danh mục tài sản, tỷ lệ hao mòn và theo kỳ kế toán;
– Liên quan đến số lần thực hiện tính hao mòn thì việc tính hao mòn thực hiện mỗi năm một lần vào tháng 12, trước khi khóa sổ kế toán. Đối với trường hợp tài sản có thời gian tính hao mòn lớn hơn hoặc bằng 06 (sáu) tháng thì tính tròn 01 (một) năm; trường hợp tài sản có thời gian tính hao mòn dưới 06 (sáu) tháng thì không tính hao mòn;
– Tính hao mòn tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi được thực hiện tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp tiếp nhận tài sản được thực hiện khi bàn giao, chia tách, sáp nhập, giải thể cơ quan, tổ chức, đơn vị;
– Đối với trường hợp kiểm kê, đánh giá lại tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi theo quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền thì hao mòn tài sản được xác định trên cơ sở giá trị đánh giá lại sau khi kiểm kê từ năm tài chính mà cơ quan, người có thẩm quyền xác định giá trị đánh giá lại.
3. Tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi hao mòn hàng năm được tính theo công thức nào?
Để thực hiện việc tính hao mòn kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi thì việc áp dụng phương pháp tính hao mòn cũng cần phải đặc biệt lưu ý. Căn cứ tại khoản 1 Điều 8 Thông tư 75/2018/TT-BTC, có quy định về phương pháp tính hao mòn như sau:
– Cá nhân khi thực hiện việc tính toán mức hao mòn hàng năm của từng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi được tính theo công thức sau:
Mức hao mòn hàng năm của từng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi = Nguyên giá của tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi x Tỷ lệ hao mòn (%/năm)
– Một trong số những yếu tố để thực hiện việc tính số hao mòn của tất cả tài sản kết cấu hạ tầng thì phải xác định số hao mòn tăng và số hao mòn giảm phát sinh trong năm. Hàng năm, trên cơ sở xác định số hao mòn tăng và số hao mòn giảm phát sinh trong năm, cơ quan được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi tính tổng số hao mòn của tất cả tài sản kết cấu hạ tầng được giao quản lý cho năm đó theo công thức:
Số hao mòn tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi tính đến năm (n) = Số hao mòn tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi đã tính đến năm (n-1) + Số hao mòn tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi tăng trong năm (n) – Số hao mòn tài sản kết cấu hạ tầng giảm trong năm (n)
– Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được giao quản lý tài sản xác định lại các chỉ tiêu nguyên giá, giá trị còn lại, số hao mòn lũy kế của tài sản khi thực hiện việc tính hao mòn với những tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi có thay đổi về nguyên giá. Những nội dung này sẽ được ghi vào sổ kế toán;
– Theo quy định thì mức tính hao mòn cho năm cuối cùng thuộc thời gian sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi được xác định là hiệu số giữa nguyên giá tài sản kết cấu hạ tầng và số hao mòn lũy kế đã thực hiện của tài sản kết cấu hạ tầng đó;
Với quy định trên thì tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi hao mòn hàng năm được tính theo công thức sau thì mới đảm bảo sự chính xác:
Mức hao mòn hàng năm của từng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi = Nguyên giá của tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi x Tỷ lệ hao mòn (%/năm)
Lưu ý: Về vấn đề quản lý, tổ chức thực hiện tính hao mòn tài sản kết cấu hạ tầng sẽ được Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp với nhau để chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác kế toán tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi theo quy định.
Văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Thông tư 75/2018/TT-BTC Quy định chế độ quản lý, tính hao mòn tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi;
– Thông tư số 76/2019/TT-BTC của Bộ Tài chính: Hướng dẫn kế toán tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi.
THAM KHẢO THÊM: