Phiên tòa trực tuyến là một khái niệm vô cùng gần gũi với nhiều quốc gia trên thế giới, tuy nhiên tại Việt Nam thì đây là phương thức tiến hành tố tụng mới xuất hiện. Dưới đây là những quy định và yêu cầu về vấn đề tổ chức phiên tòa trực tuyến.
Mục lục bài viết
1. Những quy định, yêu cầu về tổ chức phiên tòa trực tuyến:
Trước tiên, căn cứ theo quy định tại Điều 1 của Nghị quyết 33/2021/QH15 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến, có quy định cụ thể về phiên tòa trực tuyến. Cụ thể như sau:
– Tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền sẽ được tiến hành hoạt động tổ chức phiên tòa trực tuyến để xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm đối với các vụ án hình sự, vụ án hành chính, vụ án dân sự có tính chất và tình tiết đơn giản, tài liệu và chứng cứ đầy đủ phản ánh rõ ràng trong hồ sơ vụ án, ngoại trừ những trường hợp sau đây:
+ Đối với những vụ án hình sự, vụ án dân sự hoặc vụ án hành chính có liên quan trực tiếp đến bí mật nhà nước;
+ Đối với những vụ án hình sự có một trong các tội xâm phạm tới an ninh quốc gia theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015;
+ Đối với những vụ án hình sự về một trong những tội phá hoại hoà bình, chống loài người hoặc tội phạm chiến tranh căn cứ theo quy định tại Bộ luật hình sự năm 2015.
– Phiên tòa trực tuyến là hình thức phiên tòa được tổ chức tại phòng xử án, phiên tòa đó có sử dụng các loại trang thiết bị điện tử kết nối với nhau thông qua môi trường mạng internet, phiên tòa cho phép các bị cáo và bị hại, cho phép các đương sự và những người tham gia tố tụng khác tham gia vào phiên tòa tại địa điểm ngoài phòng xử án cho cơ quan có thẩm quyền đó là tòa án quyết định, tuy nhiên vẫn phải bảo đảm trực tiếp theo dõi đầy đủ hình ảnh, âm thanh và tham gia các trình tự, thủ tục tố tụng của phiên tòa bằng lời nói, hành vi tố tụng một cách liên tục, công khai và vào cùng một thời điểm;
– Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến cần phải tuân thủ đầy đủ theo quy định của pháp luật, cần phải đảm bảo vấn đề an ninh an toàn thông tin mạng, cần phải đảm bảo đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất an toàn kĩ thuật, bảo đảm sự tôn nghiêm của phiên tòa.
Theo đó thì có thể nói, quá trình tổ chức phiên tòa trực tuyến cần phải đáp ứng một số yêu cầu và điều kiện nhất định. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, phiên tòa trực tuyến cần phải đáp ứng yêu cầu đối với các điểm cầu căn cứ theo quy định tại Điều 4 của Thông tư liên tịch 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành tổ chức phiên tòa trực tuyến. Cụ thể như sau:
– Phòng xử án tại các điểm cầu trung tâm cần phải được tổ chức đầy đủ theo quy định được ghi nhận tại Thông tư 01/2017/TT-TANDTC của Tòa án nhân dân tối cao quy định về phòng xử án, và theo đó phải bảo đảm một số yêu cầu cụ thể như sau:
+ Phòng xử án cần phải được trang bị hệ thống trực tuyến đầy đủ trang thiết bị thông tin và công nghệ, trong đó bao gồm các trang thiết bị điện tử, các cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin riêng biệt với các trang thiết bị công nghệ thông tin thông thường khác của tòa án;
+ Phòng xử án cần phải trang bị đầy đủ các thiết bị phục vụ cho hoạt động phiên tòa trực tuyến. Có thể kể đến như hệ thống ánh sáng, hệ thống đường truyền mạng, hệ thống thiết bị mạng, hệ thống âm thanh, loa, micro, bộ trộn âm thanh, bộ tăng giảm âm thanh, các thiết bị hiển thị hình ảnh tại các điểm cầu trung tâm một cách sắc nét, các điểm cầu thành phần tại phiên tòa trực tuyến một cách đầy đủ và rõ ràng, các thiết bị giải mã tín hiệu truyền hình, cần phải trang bị các phần mềm trực tuyến, các thiết bị camera theo dõi, các thiết bị ghi âm ghi hình, các thiết bị quay lại toàn bộ diễn biến của phiên tòa, thiết bị lưu trữ dữ liệu, máy chiếu để trình chiếu lại các tài liệu và chứng cứ tại phiên tòa, các thiết bị lưu điện … và một số thiết bị phù hợp khác để phát vụ cho phiên tòa trực tuyến.
– Phiên tòa trực tuyến sẽ chỉ được kết nối tối đa không được vượt quá 03 điểm cầu thành phần, đồng thời cần phải đảm bảo đầy đủ các yêu cầu và điều kiện sau đây:
+ Đối với phiên tòa dân sự, phiên tòa hành chính thì cần phải đảm bảo rằng, không gian tại các điểm cầu cần phải đảm bảo tính lịch sự và yên tĩnh, nghiêm túc trong quá trình xét xử, ánh sáng phải phù hợp với không gian, tuyệt đối tránh trường hợp ngực sáo, màu sắc phản cảm cần phải đảm bảo hình ảnh và không gian xung quanh được hiển thị đầy đủ trên màn hình, tất cả các trang thiết bị điện tử được sử dụng cần phải đảm bảo cho quá trình truyền âm và truyền hình ảnh tại phiên tòa trực tuyến được rõ nét và không bị gián đoạn;
+ Đối với các phiên tòa hình sự, thì cũng phải cần đảm bảo các yêu cầu đối với phiên tòa dân sự và phiên tòa hành chính nêu trên;
+ Đối với phiên tòa hình sự, tuy nhiên điểm cầu thanh toán được đặt tại các cơ sở giam giữ, thì ngoài việc cần phải đảm bảo các yêu cầu đối với phiên tòa dân sự và hành chính nêu trên, cần phải bố trí thêm quốc huy và bục khai báo cho các bị cáo sao cho phù hợp với quy định tại Thông tư 01/2017/TT-TANDTC của Tòa án nhân dân tối cao quy định về phòng xử án. Trong trường hợp có người tham gia tố tụng khác thì cần phải bố trí các vị trí đúng sao cho phù hợp, vẫn phải đảm bảo tính trang nghiêm và an toàn cho những người tham gia thủ tục đó. Đối với các bị cáo được xác định là người dưới 18 tuổi thì hoạt động bố trí vị trí cho bị cáo, vị trí cho người đại diện, người bào chữa cần phải phù hợp với quy định về phòng xử án và giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của tòa án gia đình và người chưa thành niên.
Thứ hai, phiên tòa trực tuyến cần phải đáp ứng yêu cầu về kĩ thuật công nghệ căn cứ theo quy định tại Điều 5 của Thông tư liên tịch 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành tổ chức phiên tòa trực tuyến, cụ thể như sau:
– Yêu cầu kỹ thuật công nghệ, quản lý vận hành hệ thống tổ chức phiên tòa trực tuyến cần phải đảm bảo tính an toàn, tất cả các thông tin và dữ liệu cần phải được bảo vệ một cách chặt chẽ, được thực hiện theo hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao;
– Yêu cầu kỹ thuật và công nghệ, vận hành và quản lý hệ thống phiên tòa trực tuyến tại các cơ sở giam giữ cần phải đảm bảo an ninh thông tin, đảm bảo an toàn dữ liệu theo hướng dẫn của Bộ công an và Bộ quốc phòng.
2. Xem xét, quyết định mở phiên tòa trực tuyến như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 3 của Thông tư liên tịch 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành tổ chức phiên tòa trực tuyến, có quy định cụ thể về vấn đề xem xét và quyết định mở phiên tòa trực tuyến. Theo đó, đối với những vụ án giải quyết theo thủ tục thông thường, trong khoảng thời gian chậm nhất là 07 ngày trước khi ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa cần phải xem xét các vấn đề như sau:
– Đánh giá vụ án có thuộc trường hợp được mở phiên tòa trực tuyến hay không, căn cứ theo quy định tại Điều 1 của Nghị quyết 33/2021/QH15 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến;
– Tiến hành hoạt động đánh giá đầy đủ thực trạng cơ sở vật chất, yêu cầu kỹ thuật có đáp ứng điều kiện để mở phiên tòa trực tuyến hay không;
– Đối với các vụ án hình sự, cần phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan có thẩm quyền đó là viện kiểm sát có thẩm quyền thực hành quyền công tố và kiểm sát, để viện kiểm sát xem xét, đưa ra ý kiến về việc mở phiên tòa trực tuyến;
– Đối với các vụ án hình sự, dân sự, hành chính, có đương sự và các bị hại tham gia tố tụng nhận là những đối tượng thuộc diện được hưởng trợ giúp pháp lý, và không đáp ứng đầy đủ điều kiện kĩ thuật công nghệ tham gia phiên tòa trực tuyến, thì cơ quan có thẩm quyền đó là tòa án cần phải giải thích cho các đương sự và bị hại biết về quyền và nghĩa vụ của họ, họ có quyền đề nghị trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước xem xét và thụ lý vụ việc, yêu cầu hỗ trợ tham gia phiên tòa trực tuyến, đồng thời thông báo cho các trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước để liên hệ cho những đương sự và bị hại đó.
3. Trách nhiệm của Viện kiểm sát trong việc tổ chức phiên tòa trực tuyến:
Căn cứ theo quy định tại Điều 6 của Thông tư liên tịch 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành tổ chức phiên tòa trực tuyến, có quy định về trách nhiệm của Viện kiểm sát trong việc tổ chức phiên tòa trực tuyến. Theo đó, trong khoảng thời gian 03 ngày đối với vụ án giải quyết theo thủ tục thông thường, và một ngày đối với vụ án giải quyết theo thủ tục rút gọn được tính kể từ ngày nhận được thông báo của tòa án, viện kiểm sát bắt buộc phải có văn bản trả lời về việc mở phiên tòa trực tuyến. Đồng thời giải quyết như sau:
– Trường hợp viện kiểm sát đồng tình với việc mở phiên tòa trực tuyến của tòa án, xét thấy cần thiết phải cử người tham gia phiên tòa tại các điểm cầu thành phần, thì cần phải ghi rõ và đầy đủ họ tên của những người được cử tham gia phiên tòa trực tuyến đó. Các kiểm sát viên được cử tham gia phiên tòa tại các điểm cầu thành phần sẽ có trách nhiệm giúp việc cho kiểm sát viên được phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát, xét xử tại các điểm cầu trung tâm;
– Trong trường hợp, viện kiểm sát không đồng tình với vấn đề mở phiên tòa trực tuyến thì phiên tòa sẽ được tổ chức theo quy định của bộ luật tố tụng hình sự.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017);
– Thông tư liên tịch 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành tổ chức phiên tòa trực tuyến;
– Nghị quyết 33/2021/QH15 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến.